An An
Bị cáo Châu Thị Thu Nga hai lần xin khai số tiền 1,5 triệu USD “chạy” Đại biểu Quốc hội nhưng không được chấp nhận.
1,5 triệu USD, tức hơn 30 tỉ đồng.
Hơn 30 tỉ đồng, tương đương với 4.515 tháng thu nhập bình quân của người lao động trong năm 2017.
Hơn 30 tỉ đồng ấy là số tiền mà cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga khai đã chi để chạy vào Quốc hội. Đó là tiền mà bà Nga đã lừa đảo của những người mua nhà. Đó là tiền mồ hôi công sức mà nhiều người dân đã phải vay mượn, đã tằn tiện tích cóp, đã thắt lưng buộc bụng mà có.
Nếu lời khai ấy là sự thật thì đồng nghĩa những kẻ đã nhận 30 tỉ đồng mà Châu Thị Thu Nga chạy ghế đại biểu Quốc hội đã ăn cắp mất số tiền tương đương một tháng thu nhập bình quân của 4.515 người. Những kẻ này, thực sự đã ăn cả xương máu của nhân dân.
Nếu lời khai của Châu Thị Thu Nga là thực, thì những kẻ đã vì tiền đưa một kẻ lừa đảo vào Quốc hội, lẽ ra phải bị vạch trần, phải bị lôi ra ánh sáng và cũng phải đứng trước vành móng ngựa để pháp luật trừng trị. Họ phải trả giá cho hành vi nhận hối lộ của mình.
Quốc hội là gì nếu không phải nơi tập hợp những con người đại diện cho tiếng nói của nhân dân, là nơi bàn thảo và xây dựng pháp luật. Vậy mà, lại có những kẻ chà đạp lên pháp luật để đưa một kẻ lừa đảo vào vai một đại biểu Quốc hội. Những kẻ ấy là ai? Họ có đang cũng ngồi trong hội trường Ba Đình hay không? Họ có đang đương chức đương quyền? Họ là ai? Làm gì? Ở đâu? Người dân cần được biết và có quyền được biết.
Thế nhưng, thật không thể nào hiểu nổi, tại phiên toà xét xử Châu Thị Thu Nga hôm nay, bị cáo Châu Thị Thu Nga xin khai về việc dùng 30 tỉ đồng để chạy đại biểu Quốc hội khóa 13, nhưng Hội đồng xét xử không chấp nhận cho khai.
Tại sao lại không cho khai khi đó số tiền đó là tiền bà Nga đã lừa đảo của người dân trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà bà Nga đang bị xét xử? Có điều gì khiến toà lại gạt đi điều này?
Lẽ thường, toà án phải yêu cầu các bị cáo thành khẩn khai báo hết mọi sự thật để xét xử vụ án một cách công minh, chính xác, đúng người đúng tội. Lẽ thường, ở toà án, kẻ có tội mới là kẻ thường dùng mọi chiêu trò bưng bít sự thật nhằm che đậy hành vi phạm pháp của mình. Vậy tại sao ở đây, toà lại không muốn cho bị cáo khai ra sự thật? Tại sao?
Một phiên toà như thế, liệu người dân có thể tin tưởng được không? Một phiên toà như thế thì liệu sự thật có được đi đến cùng và công lý có được thực thi hay không?
https://www.facebook.com/bachhoanvtv24/posts/1999347996979112
Tại phiên xử chiều 5/9, khi được luật sư bào chữa cho mình hỏi, Châu Thị Thu Nga đã hai lần xin khai số tiền 1,5 triệu USD dùng để “chạy” Đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, đề nghị của bị cáo Nga không được Chủ toạ không chấp nhận với lý do “vụ việc không nằm trong phạm vi vụ án”, còn lần sau bị mời về chỗ.
Bị cáo Châu Thị Thu Nga. Ảnh: Thanh niên
Cụ thể khi luật sư đặt câu hỏi thẩm vấn cho bà Nga đã đề cập đến khoản tiền 1,5 triệu USD (khoảng 30 tỉ đồng) mà bà Nga đã khai là dùng để “chạy” đại biểu Quốc hội.
Bị cáo Nga xin phép trả lời nhưng chủ tọa nói: nội dung này nằm trong tổng số tiền hơn 157 tỉ đồng chi không có chứng từ của bà Châu Thị Thu Nga.
Khi vị chủ tọa nói hết câu, nguyên đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga nói muốn khai ngắn gọn về câu hỏi của luật sư Hướng, nhưng tòa vẫn không chấp nhận.
Theo cáo trạng truy tố bị cáo nguyên là đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga, khoản tiền hơn 157 tỉ đồng còn lại được bị can này khai đã chi, nhưng không có chứng từ, có khoảng 66 tỉ đồng cho một số cán bộ của Housing Group để chi phí việc giải quyết thủ tục đầu tư dự án được thuận lợi.
Tuy nhiên, một số cán bộ của Housing Group đã chết, nên không có điều kiện để đối chứng.
Cáo trạng cũng thể hiện Châu Thị Thu Nga khai đã chi khoảng 47,5 tỉ đồng để chạy dự án B5 Cầu Diễn và để được ứng cử đại biểu Quốc hội…, song những người có liên quan khi được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an triệu tập đều không thừa nhận.
Quá trình đối chất giữa hai bên, Châu Thị Thu Nga và những người liên quan vẫn giữ nguyên lời khai của mình.
Do thời hạn điều tra đã hết, nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tách các nội dung này để tiếp tục điều tra.
Phải làm rõ lời khai
Liên quan tới vụ việc, trước đó, hai lần đề cập tới vấn đề trên, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng thư ký Quốc hội đều cho rằng chưa nhận được thông tin cụ thể liên quan tới việc chạy ĐBQH. Tuy nhiên, ông khẳng định, đã có tin đồn thì phải làm rõ ràng lời khai.
Ông Phúc nói: “Nếu có thông tin thế thì phải kiểm chứng ngay để tránh ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội. Phải làm rõ có đưa tiền không, đưa tiền cho ai, đưa bao nhiêu, đưa làm gì? Nếu có thì đó là chuyện tày trời.
Chạy một khoản tiền lớn thế vào Quốc hội làm gì, giải quyết được vấn đề gì. Tôi không tin có chuyện chạy tiền vào Quốc hội, nhất là với khoản tiền lớn thế.
Nhiều người nói để đeo mác Đại biểu Quốc hội, nhưng mác đó để làm gì khi pháp luật không loại trừ ai, ai vi phạm cũng đều bị xử lý”.
An An