Sửa luật phải làm sao “cởi trói” cho GDĐH

Thùy Linh

Nghe ông Lâm Quang Thiệp đòi “cởi trói” cho giáo dục đại học, mới thử tra google thì thấy ở Việt Nam hiện nay, qua phản ánh trên báo chí lề phải, không chỉ giáo dục đại học mà ảnh nude, căn hộ condotel, giáo viên, doanh nghiệp, room tín dụng, phim làm từ kịch bản ngoại, người đẹp, lãi suất USD, nông nghiệp, dịch vụ vận tải hàng hóa, quảng cáo và ti tỉ thứ khác nữa cũng đòi cởi trói. Chẳng hóa ra xã hội chủ nghĩa là cái nhà tù?

Bauxite Việt Nam

Lời Tòa soạn: Luật GDĐH (GDĐH) được Quốc hội thông qua và ban hành năm 2012, đến nay một số nội dung đã không còn phù hợp yêu cầu thực tiễn. Được biết Bộ GD&ĐT (GD&ĐT) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật GDĐH) vào năm 2018 nhằm gỡ bỏ các nút thắt phát triển ĐH. Trên tinh thần đó, Báo điện tử GD Việt Nam có cuộc trao đổi với GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ GD&ĐT) với mong muốn có thêm một số góp ý trước khi Luật GDĐH chính thức sửa đổi, bổ sung. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả cuộc trao đổi này.

Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật GDĐH. Theo giáo sư, bộ cần tập trung sửa đổi ở những nội dung nào?

Theo tôi, việc sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH cần dựa trên 2 căn cứ: Thứ nhất, về đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, thể hiện ở Nghị quyết 29/NQ-TW năm 2013 về đổi mới GD và Nghị quyết 14/2005/NQ-CP của Chính phủ năm 2005 về đổi mới GDĐH. Thứ hai là thông lệ quốc tế (nhằm tăng cường  hội nhập về GDĐH). Dựa trên các căn cứ đó, trước hết cần lưu ý đến các ý kiến chung sau đây: Luật GDĐH năm 2012 với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng được quy định ở Điều 1 và Điều 2 thực chất là luật về các cơ sở GDĐH. Do đó, với tên gọi “Luật GDĐH”, luật cần có tầm bao quát rộng hơn, phải là luật về hệ thống GDĐH (trong đó có các cơ sở GDĐH). Vì vậy, cần bổ sung vào luật mới một vài chương bao quát hơn về GDĐH như: một chương ở đầu về “hệ thống GDĐH”,  mô tả cơ cấu hệ thống GDĐH, các chuẩn GDĐH quốc gia, các trình độ đào tạo, hệ thống văn bằng, các loại cơ sở GDĐH, mạng lưới tổ chức xã hội và nghề nghiệp về GDĐH; một chương ở gần cuối về “Xã hội và GDĐH” nêu các nguyên tắc bình đẳng về cơ hội tiếp cận GDĐH của mọi công dân, về trách nhiệm và quyền lợi của công dân, về vai trò của các tổ chức xã hội và nghề nghiệp đối với GDĐH.

Ông có kiến nghị cụ thể về từng nội dung cần sửa đổi, bổ sung ở Luật GDĐH 2012  như thế nào, thưa giáo sư?

Tôi có một vài đề nghị cụ thể như sau:

Thứ nhất, về mục tiêu của GDĐH. Điều 5 của Luật GDĐH hiện hành chỉ nêu mục tiêu đào tạo. Thực ra GDĐH không chỉ có mục tiêu đào tạo mà còn mục tiêu nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Đề nghị bổ sung thêm các mục tiêu còn thiếu vào Luật GDĐH sửa đổi.

Thứ hai, về khái niệm phân tầng và xếp hạng GDĐH. Chúng ta không nên làm lẫn lộn hai khái niệm phân tầng và xếp hạng GDĐH bằng cách đưa “xếp hạng” vào cùng Điều 9 về phân tầng. Sự nhầm lẫn đó còn thể hiện rõ hơn ở Nghị định 73/2015/NĐ-CP về phân tầng và xếp hạng. Bởi “phân tầng” GDĐH dựa vào sứ mạng, chức năng của từng cơ sở GDĐH. Đó là trách nhiệm của Nhà nước để điều phối hệ thống GDĐH phục vụ tốt sự phát triển kinh tế xã hội.
Còn “xếp hạng” thì dựa vào chất lượng, uy tín của cơ sở GDĐH. Đó là việc của các cộng đồng có lợi ích liên quan GDĐH nhằm cung cấp thông tin phục vụ việc lựa chọn sản phẩm của các cơ sở GDĐH. Do đó, không đặt thể vấn đề “chuyển tầng” đối với các cơ sở GDĐH, trong khi mọi cơ sở đều cần phấn đấu để chuyển lên các “hạng” cao hơn. Với tinh thần đó, cũng không nên hành chính hóa việc xếp hạng, cần bỏ quy định ở Khoản 5 – Điều 9 về việc công nhận kết quả xếp hạng của Thủ tướng và Bộ trưởng. Sau khi sửa các quy định về phân tầng và xếp hạng ở Luật GDĐH, cũng cần sửa Nghị định 73/2015/NĐ-CP.

Thứ ba, về quyền tự chủ của trường ĐH và việc quản lí nhà nước của các cơ quan cấp trên. Rõ ràng, hội đồng trường là một thể chế quan trọng để bảo đảm quyền tự chủ của trường ĐH. Muốn hội đồng trường thực sự có quyền lực, ở nhiều nước quy định hội đồng trường có quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm hiệu trưởng. Trong điều kiện nước ta, ở Luật GDĐH sửa đổi nên quy định hội đồng trường có quyền đề nghị bổ nhiệm và miễn nhiệm hiệu trưởng (và cơ quan cấp trên sẽ phê duyệt). Ngoài ra, Nghị quyết 14/2005/NQ-CP từ năm 2005 đã quy định xóa bỏ cơ chế bộ “chủ quản”, trường “trực thuộc” vì cơ chế đó hạn chế quyền tự chủ của trường ĐH. Tuy nhiên cho đến nay cơ chế đó vẫn chưa bị xóa bỏ. Cho nên Luật GDĐH sửa đổi nên quy định các cơ quan cấp trên của trường ĐH chỉ thực hiện quản lí nhà nước đối với trường ĐH và có đại diện trong hội đồng trường, chứ không quản lí trực tiếp.

Thứ tư, về quản trị các ĐH tư thục. Nghị quyết 29/NQ-TW thể hiện sự coi trọng khu vực GDĐH tư thục và chỉ đạo “tăng tỉ lệ trường ngoài công lập đối với GD nghề nghiệp và GDĐH” (từ giải pháp thứ 4 của Nghị quyết). Tuy nhiên các văn bản luật pháp, kể cả Luật GDĐH hiện hành chưa thể hiện sự coi trọng đó. Vì vậy, sự phát triển của hệ thống GDĐH tư thục đã gặp rất nhiều trở ngại. Chúng ta cần phân biệt rành rọt hai loại cơ sở GDĐH tư thục vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Trường vì lợi nhuận thuộc sở hữu tư nhân còn trường không vì lợi nhuận thuộc sở hữu cộng đồng, mọi điều quy định phải phù hợp tính chất sở hữu của chúng.

ĐH tư vì lợi nhuận thuộc sở hữu tư nhân, thực chất là một doanh nghiệp tư nhân nhưng trong Luật GDĐH hiện hành có những quy định không phù hợp tính chất đó. Về tổ chức, Khoản 3b – Điều 17 quy định trong hội đồng quản trị có đại diện của chính quyền địa phương. Đề nghị bỏ quy định này. Về quản lí tài chính, Khoản 4 – Điều 66 quy định: “Giá trị tài sản tích lũy được trong quá trình hoạt động của cơ sở GDĐH … là tài sản chung không chia, được quản lí theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển”. Quy định này là một cản trở lớn đối với sự phát triển của các cơ sở GDĐH tư vì nó không bảo đảm quyền sở hữu tư nhân của loại hình trường này. Với điều khoản này, nhiều người nghĩ là ngành GD không “thực tâm” mong muốn phát triển thành phần tư nhân trong GDĐH. Tôi cũng đề nghị bỏ quy định vừa nêu.

Đối với ĐH tư không vì lợi nhuận, Nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính phủ từ năm 2005 đã tuyên bố Nhà nước khuyến khích loại hình trường này. Thế nhưng cho đến Luật GDĐH năm 2012 mới nêu một định nghĩa sơ sài về cơ sở GDĐH tư không vì lợi nhuận. Tôi đề nghị nêu chính thức loại hình này trong phần mô tả các loại hình cơ sở GDĐH chứ không chỉ trong phần định nghĩa ban đầu. Vì tính chất sở hữu cộng đồng của ĐH tư không vì lợi nhuận, cần chú ý hai đặc trưng quan trọng của loại ĐH này: 1- Không chia lợi nhuận cho cổ đông (hoặc chấp nhận một mức lợi nhuận thấp); 2- Trong hội đồng trường phải có đại diện của các bên có lợi ích liên quan (stakeholders), đặc biệt là thành phần bên ngoài trường ĐH.

Về thuật ngữ được sử dụng trong luật, ông có ý kiến gì không?

Trong Luật GDĐH và Luật GD có một số thuật ngữ không chính xác, làm hiểu sai khái niệm, đã được đề nghị sửa nhiều lần nhưng vẫn chưa được chấp nhận, do “thói quen”. Xin lưu ý hai trường hợp:

– Thuật ngữ “tự chịu trách nhiệm” trong cặp khái niệm “tự chủ và tự chịu trách nhiệm”. Thực ra đây là cặp khái niệm sóng đôi của GDĐH thế giới (autonomy và accountability), đã được đưa vào Luật GD đầu tiên của nước ta năm 1998. Thuật ngữ “tự chủ” không có vấn đề, nhưng thuật ngữ “tự chịu trách nhiệm” sai về ý nghĩa so với từ gốc tiếng Anh, gây hiểu lầm. Thuật ngữ “accountability” gốc được định nghĩa là trách nhiệm làm cho các phía có lợi ích liên quan (stakeholder) với trường ĐH (nhà nước, sinh viên, giáo chức, người sử dụng sản phẩm của trường ĐH…) biết nhà trường hoạt động như thế nào. Trong khi thuật ngữ “tự chịu trách nhiệm” nếu được hiểu theo cách thông thường thì nghĩa gần như ngược lại: nhà trường phải “tự” chịu lấy trách nhiệm hoạt động của mình, không cần và cũng không nhờ ai can thiệp. Khi thực hiện Luật GD, rất mất công giải thích khái niệm này. Do đó, tôi kiến nghị dịch “accountability” thành “trách nhiệm giải trình”.

– Về thuật ngữ “ĐH” để chỉ loại hình ĐH đa lĩnh vực (university) cũng không ổn.Bất cứ trường ĐH nào trong cách nói thông thường thì từ “trường” cũng bị giản lược (chẳng hạn người ta thường nói tắt “ĐH Bách khoa” chứ ít khi nói đầy đủ “Trường ĐH Bách khoa”), tức là người ta không chịu dành riêng từ “ĐH” để chỉ loại university. Nhiều chuyên gia GD đề nghị gọi university là “viện ĐH” vì thuật ngữ này đã được dùng ở nước ta trước đây (trước năm 1945 đã có Viện ĐH Đông Dương và trước năm 1975 ở miền Nam các university đều được gọi là viện ĐH: Viện ĐH Sài Gòn, Viện ĐH Huế…). Sử dụng thuật ngữ “viện đại học” để gọi university vừa phù hợp lịch sử, vừa tránh được sự khiên cưỡng về ngôn ngữ.

Như vậy, viện ĐH không nhất thiết chỉ gắn với “quốc gia” hoặc “vùng” và không nhất thiết “tổ chức theo hai cấp” như Khoản 8 – Điều 4 – Luật GDĐH hiện hành.

Trân trọng cảm ơn giáo sư!

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Sua-luat-phai-lam-sao-coi-troi-cho-giao-duc-dai-hoc-post179360.gd

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.