Kình Dương
Nói “chuyển giao bắt buộc ngân hàng là hợp hiến” khác gì nói “ăn cướp là hợp hiến”? Thấy nhà này có đứa con tật nguyền, thiểu năng hoặc có ông bố bị tai biến, nằm liệt giường, nuôi dưỡng, chữa trị rất vất vả, tốn kém, nhà kia bèn tới bắt đi để “kiểm soát đặc biệt” hay “tiêu hủy” thì có hợp hiến không? Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ được giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh, đâu phải Tòa án Hiến pháp mà phán cái gì hợp hiến, cái gì không?
Bauxite Việt Nam
Sáng nay (18-9-2017), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD).
Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết đối với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị giữ phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều mà chưa sửa đổi toàn diện Luật Các TCTD. Lí do mà Thường trực Ủy ban Kinh tế đưa ra là việc sửa đổi toàn diện các quy định tại Luật Các TCTD cần tiến hành đồng thời với việc sửa đổi Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam và tổng kết, đánh giá việc thực hiện Đề án cơ cấu lại TCTD gắn với xử lí nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020, đòi hỏi có thời gian nghiên cứu đánh giá kĩ lưỡng tác động theo đúng quy định để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi.
Về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết thảo luận tại kì họp thứ 3, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt vì không bảo đảm tính thống nhất với Luật Cán bộ, công chức. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan soạn thảo, cán bộ tham mưu của Ngân hàng nhà nước (NHNN), cán bộ tham gia Ban kiểm soát đặc biệt, cán bộ được điều động tham gia vào quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém phải tham gia xử lí một công việc rất khó, phức tạp, không có tiền lệ, quy định của pháp luật lại chưa được đầy đủ và một số trường hợp gặp rủi ro pháp lí. Từ thực tế đó, không ít cán bộ tìm cách từ chối khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lí TCTD yếu kém. Ủy ban Kinh tế nhìn nhận, thiếu hụt nguồn nhân lực tham gia xử lí TCTD yếu kém là vấn đề đang vướng mắc hiện nay. Trên cơ sở vấn đề đặt ra, Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp cơ quan soạn thảo rà soát quy định những nguyên tắc, trường hợp cụ thể, tránh lợi dụng quy định miễn trừ này.
Về phương án chuyển giao bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng đối với quy định “Kể từ thời điểm NHNN ban hành quyết định chuyển giao bắt buộc, toàn bộ quyền và lợi ích của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc chấm dứt”, việc hạn chế quyền cổ đông theo định hướng của Luật là hoàn toàn phù hợp và bảo đảm tính hợp hiến.
Sở dĩ hành động được coi là hợp hiến là do theo nhìn nhận của Thường trực Ủy ban Kinh tế, về bản chất, tình trạng tài chính của ngân hàng đã quá yếu kém, không thể phục hồi và các cổ đông của ngân hàng không thể có giải pháp phục hồi ngân hàng, giá trị thực của vốn điều lệ của ngân hàng này đã âm (tài sản nợ nhiều hơn tài sản có). Thường trực Ủy ban kinh tế đánh giá quy định này cũng phù hợp với thông lệ nhiều nước đã áp dụng.
Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng dự thảo luật nên thiết kế một điều luật dưới dạng nguyên tắc quy định trong trường hợp đặc biệt, Chính phủ được phép sử dụng cơ chế đặc biệt để bảo đảm an toàn hệ thống. Ngoài ra, đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ hơn nữa quy định về cơ chế mua bắt buộc các TCTD yếu kém, giải thích rõ cụm từ “mua 0 đồng”, bản chất của việc mua 0 đồng.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị quy định thêm một điều luật với tinh thần trong trường hợp đặc biệt, để bảo đảm an toàn hệ thống, Chính phủ có thể có những quy định chi tiết để tránh tình trạng đổ vỡ hệ thống.
Về quy định đối với sở hữu chéo, đầu tư chéo, đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung khái niệm sở hữu chéo, đầu tư chéo, đồng thời quy định nghiêm cấm hành vi sở hữu chéo, đầu tư chéo để bảo đảm hiệu quả hoạt động hệ thống các TCTD.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy khái niệm sở hữu chéo, đầu tư chéo có nhiều cách hiểu khác nhau và các cách hiểu này có sự khác biệt rất lớn; theo thông lệ quốc tế, pháp luật điều chỉnh về hoạt động ngân hàng không định nghĩa về khái niệm đầu tư chéo, sở hữu chéo trong luật. Dự thảo luật không sử dụng cụm từ “sở hữu chéo, đầu tư chéo” mà chỉ ban hành các quy định nhằm xử lí việc sở hữu chéo, đầu tư chéo không lành mạnh, lạm dụng vị thế sở hữu chéo để thực hiện hoạt động cấp tín dụng, đầu tư chéo.
K.D