David Hutt
Phương Thảo dịch (VNTB)
Trong bài viết về “Phong trào chống đối ‘vì môi trường’ ngày càng mạnh ở Việt nam“, David Hutt nhận định rằng “các nguyên nhân về môi trường đã đoàn kết các nhà hoạt động xã hội Việt Nam không phân biệt nơi chốn, giai cấp và lý tưởng, một sự hội tụ mạnh mẽ về mặt chính trị mà Đảng Cộng sản cầm quyền đang phải vật lộn để chấm dứt”.
Mối quan tâm về môi trường liên kết mọi người
Theo David Hutt, những người hiện đang liên kết để đấu tranh bất chấp nơi ở, tầng lớp, và lý tưởng đều có chung một động lực là đấu tranh vì môi trường trong bối cảnh nhà cầm quyền đang tiến hành các cuộc đàn áp chống lại các nhà hoạt động ngày càng đậm nét.
Nhiều cuộc biểu tình trên toàn quốc diễn ra trong những năm gần đây khi dân chúng nhận thức được việc nhà nước thiếu can thiệp hoặc không hành động gì đối với những sự cố và dự án gây tổn hại tới môi trường. Phải kể đến cuộc biểu tình đầu những năm 2000 chống lại khai thác Bauxite ở Tây nguyên với việc đe doạ huỷ hoại môi trường và được đưa vào các khu vực nhạy cảm có thể gây ra mối đe doạ cho an ninh ở Tây nguyên với làn sóng công nhân Trung quốc.
Lòng yêu môi trường của người dân được thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết vào năm ngoái khi nhà máy thép Đài Loan xả ra hàng tấn chất thải độc hại xuống biển, gây ô nhiễm gần 200 km bờ biển miền Trung và làm cho cá chết hàng loạt. Được xem là thảm hoạ môi trường tồi tệ nhất của đất nước, vụ việc đã dấy lên một số cuộc biểu tình lớn nhất trong bốn thập niên của chế độ cộng sản.
Một báo cáo của Chính phủ cho thấy sự cố xả thải ảnh hưởng ít nhất 200.000 người, và con số gián tiếp bị ảnh hưởng có thể cao hơn nhiều. Mặc dù Formosa đã cam kết bồi thường 500 triệu USD và thêm 350 triệu USD để cải thiện xử lý chất thải nhưng nhiều khu vực ven biển miền Trung vẫn chưa hồi phục.
Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Oregon Tường Vũ cho biết: “Trường hợp Formosa cho thấy Chính phủ đã tham nhũng, thiếu năng lực và hoàn toàn vì lợi ích nước ngoài”.
Sự phản ứng dữ dội đối với việc chậm trễ phản ứng ban đầu của nhà nước mạnh đến nỗi nhà báo độc lập Huỳnh Ngọc Chênh dự đoán chế độ đã đạt đến “điểm chết”. Mặc dù Chính phủ đã nỗ lực duy trì trật tự, các nhà hoạt động xã hội đã trở nên mạnh dạn hơn và kết nối tốt hơn, kể cả trên phương tiện truyền thông.
Theo tác giả bài viết, trước đây, hầu hết những người chỉ trích Chính phủ có xu hướng tập trung vào các nguyên nhân riêng: công nhân thành lập các công đoàn độc lập; các nhà tự do đô thị thì vì dân chủ; dân quê về tịch thu đất đai của nhà nước. Tuy nhiên, điều này hiện đang thay đổi vì các nhà hoạt động đơn lẻ đang cùng nhau tạo ra một liên minh thống nhất chống lại những thiệt hại về môi trường.
Một nhà bảo vệ nhân quyền ở Hà Nội nói rằng sự cố Formosa đã giúp thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các nhà hoạt động xã hội có cùng tư tưởng. Nông dân nông thôn và người lao động đổi lại bây giờ đi đến các thành phố để tham gia các khoá đào tạo xã hội dân sự và các cuộc gặp mặt xã hội. “Tất cả mọi người đều chịu ảnh hưởng của môi trường”, một nhà hoạt động cho biết, “vì vậy tất cả mọi người hoạt động cùng nhau”.
Nhà nước bất lực trước hiểm hoạ môi trường
Trên thực tế, Thủ đô Hà Nội hiện nay đang ở dưới đám mây khói nhiều năm nay. Phía Nam, nếu mực nước biển tăng 26 centimet trong ba thập kỷ tới như Liên Hợp Quốc hiện dự đoán, thì gần 70% Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của Việt Nam, sẽ bị ngập lụt nghiêm trọng. Ngân hàng Phát triển Châu Á liệt kê thành phố này là một trong mười nơi dễ bị lụt nhất trên thế giới.
Theo ước tính của Chính phủ Việt Nam thì 1/3 đồng bằng sông Cửu Long, “vựa lúa” của cả nước sẽ bị chìm trong vài thập kỷ tới nếu mực nước biển tiếp tục tăng. Đã có những báo cáo sơ bộ về “người tị nạn biến đổi khí hậu” từ khu vực này chuyển đến các trung tâm đô thị phía Nam.
Phần lớn điều này nằm ngoài sự kiểm soát của Chính phủ; còn các vấn đề khác thì không. Vào năm 2015, Chính phủ phát hiện một số làng có tỷ lệ ung thư cao, đặc biệt là do ô nhiễm chì trong nguồn cung cấp nước. Thật vậy, tờ The Economist gần đây tường trình rằng có tới hai phần ba lượng nước thải công nghiệp chảy vào sông hồ.
Nhưng ngay cả khi Chính phủ muốn thay đổi môi trường, họ sẽ gặp phải những khó khăn về đổi mới cơ cấu – sự phân cấp quyền lực.
Do đó, Chính phủ trung ương đã phải vật lộn để ngăn chặn các hoạt động gây hại cho môi trường như nạn phá rừng ở cấp địa phương. “Các nhà chiến đấu khói ở Bắc Kinh bắt đầu đóng cửa các nhà máy và hạn chế việc sử dụng xe hơi”, The Economist viết, “các nhà lập pháp ở Hà Nội vẫn còn phải vật lộn để cấm người ta đậu xe máy trên vỉa hè”.
Môi trường gắn liền với chính trị
Các nhà phân tích nói rằng hoạt động môi trường đã làm thay đổi cảnh quan chính trị theo hai hướng quan trọng. Thứ nhất, người Việt Nam bình thường có thể tránh được các vấn đề như dân chủ và nhân quyền, điều đó không nhất thiết ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ, nhưng các vấn đề về môi trường lại có.
Thứ hai, chủ nghĩa môi trường khác với các nguyên nhân khái niệm khác vì tính liên tục của nó. Đảng Cộng sản có thể sẽ phủ nhận dân chủ trong nhiều thập kỷ, nhưng sương khói của Hà Nội, lũ lụt và ô nhiễm công nghiệp ở một số vùng của Thành phố Hồ Chí Minh đang được cảm nhận và sẽ chỉ có xấu đi nếu không có phản ứng tích cực từ Chính phủ.
Tuy nhiên, Carl Thayer chuyên gia của Đại học South Wales hoài nghi việc duy trì phong trào môi trường khi nói với Asia Times: “Những loại liên minh này cuối cùng sẽ tan rã và không tạo thành một mối đe dọa tồn tại đối với chế độ cầm quyền độc đảng”.
Trường hợp ví dụ điển hình là Đoàn Văn Vươn và những người dân địa phương đã tấn công cảnh sát bằng súng và bom tự chế trong một vụ tịch thu đất đai dành cho dự án ở thành phố cảng Hải Phòng.
Giáo sư Benedict Kerkvleit, thuộc bộ phận thay đổi chính trị và xã hội của Đại học Quốc gia Úc, nói: “Sự kiện đó cũng đã tập hợp hàng trăm nhà hoạt động có nhiều mối quan ngại ngoài việc tịch thu đất đai. Ngay sau đó, dường như buộc phải có các cải cách về chính trị, ông nói thêm. Thật vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi thay đổi chính sách quản lý đất đai.
Kerkvleit cho biết, phong trào các nhà hoạt động hình thành xung quanh tranh chấp đất đai rõ ràng nhất ở Việt Nam đã sớm chấm dứt “bởi vì các nhà chức trách có thể làm suy yếu hoặc chờ lời phản đối chấm dứt”.
Các nhà chức trách rõ ràng đang cố gắng làm suy yếu nỗ lực của các nhà hoạt động một lần nữa. Trong khi cuộc đàn áp gần đây đã chứng kiến một số vụ bắt giữ và mức án nặng, bao gồm cả các nhà lãnh đạo chống đối Formosa, Chính phủ cũng đang sử dụng “côn đồ” mặc thường phục, có thể là cảnh sát hay quân đội, để tấn công các nhà hoạt động môi trường và các nhà hoạt động khác.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ghi nhận các cuộc tấn công thường diễn ra khi các nhà hoạt động “thực hiện các hành động hỗ trợ các nhà hoạt động xã hội, như thăm tù nhân chính trị mới được thả ra hoặc tham dự đám cưới của một nhà vận động nhân quyền”.
Tuy nhiên, một số người vẫn cho rằng đà tăng đàn áp sau vụ Formosa mạnh hơn bất kỳ sự kiện nào trước đó. Học giả Tường Vũ cho rằng chính trị đã trở nên đối đầu hơn kể từ những năm 2000 và chủ nghĩa môi trường đã đưa nó lên một tầm cao mới, với “các nhà phê bình trong nước đã mạnh dạn và sắc bén hơn” sẵn sàng thách thức Chính phủ.
D.V.
VNTB gửi BVN.
Nguồn: http://www.atimes.com/article/green-resistance-mounts-communist-vietnam/