Nguyệt Minh (VNTB)
Những bài viết “tự chuyển hóa” của các nhà báo “quốc doanh” (theo nghĩa báo hoạt động theo giấy phép của Bộ Thông tin Truyền thông) được đăng tải trên trang mạng cá nhân, và thể hiện qua các bàn luận nghiệp vụ khi triển khai đề tài trong nội bộ ban chuyên trách của các tờ báo. Nói một cách khác, báo chí thời gian gần đây đang mạnh mẽ thoát khỏi vòng kim cô của Tuyên giáo Đảng Cộng sản.
“Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân sự”. Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước…” (Trích Nghị quyết số 04-NQ/TW)
Nếu căn cứ vào “27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng – chính trị, đạo đức-lối sống, và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ” được nêu tại Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30-10-2016 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành, thì rất nhiều nhà báo đảng viên đang vi phạm.
Cũng cần nói thêm, trong danh sách nhà báo đảng viên có “khả năng vi phạm ấy”, phần lớn đang giữ vị trí là các trưởng ban chuyên môn; hoặc là phóng viên “đinh” của các tờ báo. Nôm na, các vị trưởng ban đó đang cụ thể hóa hành động cho mong muốn báo chí phải là kênh thông tin đa chiều, không chịu sự lệ thuộc hay chi phối của đảng phái chính trị; đủ sức mạnh trong vai trò giám sát, phản biện mọi hoạt động, chính sách của Nhà nước và đảng cầm quyền.
Đơn cử nhà báo TQV đã bày tỏ quan điểm của mình rất rõ khi góp ý hướng tác nghiệp với các phóng viên: “Báo chí đừng nói từ người dân. Phải nói chính xác là doanh nghiệp (DN) vận tải phản đối doanh nghiệp BOT do mâu thuẫn về quyền lợi, chứ không phải nhân dân ở vùng đặt trạm ở Cai Lậy phản đối bởi vì các trạm thu phí đã miễn phí cho xe máy”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói tại tọa đàm Phòng ngừa tham nhũng trong các dự án BOT ngày 7/9.
Thưa ông Kiên, vậy các DN vận tải cứ móc tiền túi cá nhân ra đóng à? Đây là chi phí phát sinh trong quá trình phân phối lưu thông nên các DN buộc phải tính đúng, tính đủ vào giá thành. Và người dân-giàu hay nghèo, ở thành thị hay nông thôn, dù biết phi lý-cũng phải đóng lại phí BOT cho họ.
Ông cũng không có quyền xúc phạm đến phẩm hạnh của nhân dân-họ bức xúc, họ phản ứng vì sự công bằng, lẽ phải trong XH-chứ không phải vì bao nhiêu ngàn đồng được miễn phí mà họ phải câm lặng, thậm chí là nói bậy, nói ngu! Ông cũng nên đọc lại kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa công bố sáng nay: 100% dự án BT, BOT là chỉ định thầu; chỉ trong 6 dự án phê duyệt sai 451 tỷ đồng; trạm thu phí có khoảng cách gần, bất hợp lý, mức phí cao, tăng nhanh, thậm chí, người không sử dụng cũng bị đè ra thu phí… Thêm một bằng chứng nữa để nghi ngờ về động cơ của ông trong vụ BOT nầy!”.
Với góc nhìn không khoan nhượng ấy, không lạ khi sau đó đã có hàng loạt bài điều tra về các khuất tất của rất nhiều trạm thu phí BOT. Nhà báo TQV còn bật đèn xanh cho các phóng viên bằng lời khen: “Thừa thắng xông lên, (…) moi ra nhiều hơn nữa những vụ “Ăn cướp giữa ban ngày nhưng… có phép”, khi loạt bài thu phí sân bay được đăng tải.
Cũng nhà báo TQV, ông không ngần ngại khi chia sẻ thẳng đuột với đồng nghiệp: “Bộ GTVT nói “do nhiều người kích động gây bất ổn tại BOT Cai Lậy” là chưa đủ đô để khỏa lấp sự sai trái, bất hợp lý của các quan chức. Tôi nghĩ nên “tăng đô” lên: Phải nói là do âm mưu nhiều mặt của kẻ thù, là do “chuyển lửa về quê nhà”, là do “tự diễn biến, tự chuyển hóa”… Tình hình nguy hiểm như vậy thì Đảng, Nhà nước phải vào cuộc. Có như vậy thì mấy anh mới mong tạm đứng ra ngoài cuộc được. Nhưng điều khó hiểu là báo VNN (mới gỡ xuống), và đặc biệt biệt Zing vẫn đang rống rất lớn. Báo chí là “công cụ” cho ai và bảo vệ lợi ích cho ai?”. (sau ý kiến của nhà báo TQV, phía Zing cũng gỡ bài này xuống).
Không phải bây giờ cánh nhà báo quốc doanh mới công khai “tự chuyển hóa”. Ngay sau vụ nổ nhà máy Formosa Hà Tĩnh vào tối 30-5-2017, nhà báo Ng.Đ ở tờ Pháp Luật TP.HCM đã viết: “Một công ty như Formosa sử dụng công nghệ lạc hậu đã bị các nước tẩy chay thì Chính phủ lại hoan nghênh rước vào. Việt Nam không thể là bãi đáp của những kẻ hủy diệt như Formosa và bè nhóm lợi ích trục lợi. Quốc hội, Chính phủ không thể vô can trước vận mệnh hàng triệu dân. Mọi quyết định của Chính phủ không lắng nghe, trưng cầu ý dân đều gây hậu quả khôn lường. Quyết định cho Formosa đền bù với 500 triệu đô rồi cho vận hành là một quyết định liều lĩnh của Chính phủ. Trong quyết định nguy hiểm này, dân không có quyền lên tiếng. Thế mới thấy câu khẩu hiệu do dân vì dân là một sự xa xỉ, dối trá, mị dân. Tội của Formosa 1, thì tội của kẻ nào cho phép Formosa tồn tại gấp vạn lần”.
Nhà báo HL, người từng đi tù trong vụ án Năm Cam, hiện trở về nghề báo nơi cơ quan cũ, viết: “Toàn dân xin được kỷ luật như ông Cự. Kỷ luật bằng cách cách các chức vụ cũ trong quá khứ, giữ nguyên chức vụ hiện tại, rồi lại phong cho chức mới như trường hợp ông Võ Kim Cự đúng là thế gian có một không hai. Cười rụng mẹ nó mấy cái răng mới trồng”.
Nhà báo VKH, cựu tổng biên tập, người đã cùng với nhà báo TQV và nhà báo NĐ “đánh” vụ Đường Sơn Quán nổi đình, nổi đám vào thập niên 80 thế kỷ trước, hiện vẫn tiếp tục cứng rắn trong phản biện những chính sách kinh tế lỗi thời, lạc hậu của nhà nước, bất chấp chuyện bà khả năng bị cáo buộc “phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; tương tự như cuối thập niên 80, bà đã bị cáo buộc: “Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, dẫn đến việc buộc phải rời ghế tổng biên tập.
Nhà báo VKH hiện làm việc tại báo Thế Giới Tiếp Thị. Trong bài viết ngày 1-9, bà kể: “Sáng nay, hai doanh nhân bạn tôi nhắn tin từ giã đi định cư. Một đi Canada, một đi Úc. Hôm qua, gặp giám đốc của hai công ty lớn mạnh nổi tiếng, các anh báo tin, tưởng là tin vui nhưng nghe giọng ráo hoảnh, không vui không buồn, tụi tôi vừa nói với nhau chuyện lắp gần xong dàn robot, thay tất cả công nhân. Chứ tình hình này chịu không thấu. Chăm lo đời sống cho công nhân không đủ cũng tội, nhưng tiền bảo hiểm sắp tăng mạnh, thuế tăng, phí tăng, giá cả đầu vào mọi thứ đều vù vù nữa. Tôi bật ra ý nghĩ, cùng tắc biến 4.0?
Tôi tính nhẩm, hơn 2.000 gia đình mất việc. Tính già hóa non, người có quyền muốn thu nhiều, doanh nghiệp cũng phải tính đường sống, hoặc họ “tẩu thoát” tạm thời, hoặc họ thay thế thợ, và tiếp tục xoay sở mọi bề, cả phương án… ra đi.
Bão lớn bên Texas mà sao tôi cứ thấy bão xoáy chung quanh mình, chung quanh bạn bè doanh nghiệp của mình. Có điều bão Texas thì có tin tức tivi báo chí, còn bão nhũng nhiễu và mọi gánh nặng chi phí thì… êm ru, mỗi doanh nhân đang phải tự bơi, tự tìm cách tồn tại. Bạn bè PV, ti vi cứ hỏi tôi, theo bà, tình hình này, doanh nghiệp làm gì để tăng sức cạnh tranh khi hội nhập? Trời, còn câu nào khó hơn không, hỏi như cắt cổ, cắt ruột người ta, trả lời sao?”.
Danh sách các nhà báo “tự diễn biến, tự chuyển hoá” còn dài. Họ chọn ở lại tờ báo, vì ngoài kế sinh nhai, còn có lý do là tiếp tục nhóm lên ngọn lửa và kiên trì thổi bùng ngọn lửa cho gây dựng một nền báo chí độc lập, không chịu sự lệ thuộc vào bất kỳ phe nhóm, đảng phái chính trị nào.
Cố công mài sắt, có ngày nên kim.
N.M.
VNTB gửi BVN.