Vì sao công tác chống tham nhũng không hiệu quả?

RFA

Trong cuộc thảo luận của Ủy ban tư pháp thuộc Quốc hội Việt Nam vào ngày 6 tháng 9 năm 2017, ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên của ủy ban này phát biểu rằng “Có quá nhiều cơ quan chống tham nhũng, nhưng không có hiệu quả”.

Lý do của việc chống tham nhũng không thành công qua nhận xét của những nhà kinh tế và các luật gia như thế nào?

clip_image002

Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. AFP

Tính chất dây chuyền của tham nhũng

Nhìn qua những vụ án tham nhũng được báo chí nêu ra thời gian qua và đánh giá một cách khái quát nhất về vấn đề chống tham nhũng, chuyên gia tài chính ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu khẳng định ông ghi nhận nỗ lực và ý chí của chính phủ trong công tác chống tham nhũng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh “không thể chờ đợi hay mong rằng điều này có thể giải quyết một cách rốt ráo được”.

“Đây là một vấn đề hết sức phức tạp, có tính chất lâu đời và đặc biệt có tính chất dây chuyền mắc xích. Vấn đề tham nhũng không phải chỉ ở ban, bộ, ngành nào mà nó có thể lan toả ra trong rất nhiều những ban ngành đơn vị trong hệ thống hành chính của Việt Nam. Cho nên chống tham nhũng không phải là một vấn đề dễ giải quyết”.

clip_image004

Vụ án Sacombank, 1 trong 12 đại án tham nhũng được chỉ thị phải xét xử dứt điểm. RFA

Trong một lần trả lời RFA, nguyên Đại biểu Quốc hội ông Lê Văn Cuông bày tỏ quan điểm của ông đối với quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước Việt Nam là sẽ không đạt hiệu quả với lý do:

“Hoạt động của bộ máy chống tham nhũng là chưa có kết quả, bởi vì mang tính chất hô hào chứ chưa đi vào hoạt động một cách có trách nhiệm hay có hiệu lực”.

Chính ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên của Ủy ban Tư pháp thuộc Quốc hội Việt Nam được báo trong nước trích dẫn lời phát biểu tại cuộc thảo luận của Ủy ban, trong năm nay chỉ mới có 25 người đứng đầu các cơ quan nhà nước bị kiểm điểm về trách nhiệm của họ trong các vụ tham nhũng. Ông Kim cho rằng như thế là không đúng vì thực tế nạn tham nhũng trong nước đang phản biện lại bằng thực tế khác.

Thật vậy, báo chí trong nước cho thấy, một trong những nhiệm vụ quan trọng được đề ra tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì ngày 17 tháng 4 tại Hà Nội, là truy tố, xét xử dứt điểm 12 án tham nhũng. Tất cả đều được gọi là “đại án”.

Trong 12 đại án đó, hơn một nửa là những vụ án liên quan đến ngân hàng, có thể kể tên như Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Tín…

Đặc biệt, đại án Ngân hàng OceanBank và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN hay vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cùng với những bị cáo phần lớn là quan chức cấp cao của Nhà nước hoặc từng là Uỷ viên Bộ Chính trị, Đại biểu Quốc hội…

Đưa ra nhận định về những đại án tham nhũng phần lớn là những vụ án liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, trước hết Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đó là do “xã hội Việt Nam vẫn là một xã hội khép kín, độ mở về tính minh bạch rất có giới hạn”.

“Cái đó là cái vấn đề mà có lẽ chúng ta thấy đó là một thực thể về thể chế Việt Nam, là độ mở của nó còn rất giới hạn”.

Kê khai tài sản: Chưa phải là cách

Gần đây, Thanh tra Chính phủ liên tục đưa ra những quyết định yêu cầu tiến hành thanh tra nguồn gốc tài sản của một số các quan chức cấp cao như gia đình ông Phạm Sỹ Quý – Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Yên Bái, khối tài sản của bà Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa do bị nghi vấn là bất minh…

Tuy rằng những khối tài sản này khi được báo chí khơi gợi đã vô hình trung cho thấy có rất nhiều vấn đề không minh bạch trong việc kê khai tài sản. Thế nhưng ngược lại, làm cho công tác chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xướng và quyết tâm thực hiện có vẻ như ngày càng quyết liệt và ‘minh bạch’ hơn.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu không cho rằng thanh tra nguồn gốc và yêu cầu kê khai tài sản là một biện pháp hữu hiệu của công tác phòng chống tham nhũng, mà phải đi kèm với những cái khác nữa.

“Những cái đó là những vấn đề như hình sự hoá tham nhũng, có những cách xử lý nghiêm ngặc tội tham nhũng, và nó phải là sự cải tổ toàn diện nền kinh tế và xã hội Việt Nam. Việc bắt kê khai tài sản tôi nghĩ là nó sẽ không đi đến đâu”.

Ông nói thêm nếu có thì chỉ là một phần nào làm cho các quan chức có liên quan cảm thấy nhục chí để có thể tiếp tục.

clip_image006

Bà Hồ Thị Kim Thoa bắt tay vị đại biểu Liên minh Châu Âu sau khi ký thỏa thuận song phương. Ảnh chụp hôm 25/8/2014, AFP

Chỉ thị 15?

Vào tháng 3 năm ngoái, có một sự việc được nhiều người quan tâm, đó là Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công an TP Hồ Chí Minh thừa nhận “Công an không được trinh sát đảng viên, vì vướng Chỉ thị 15”.

Khi đó, dư luận trong nước đặt ra câu hỏi liệu những cán bộ cấp cao là đảng viên có tránh được quyết định bị điều tra tham nhũng hay không?

Đài RFA nêu vấn đề này với Luật sư Trần Quốc Thuận và được ông chia sẻ:

“Trước đây người ta nói nhiều đến việc chống tham nhũng khó khăn, nên từ Chính phủ chuyển công tác chống tham nhũng sang cho Đảng, và trưởng ban chống tham nhũng bây giờ là Tổng Bí thư và các ban của Đảng. Đó cũng là 1 cách người ta cho rằng làm như vậy sẽ không bị vướng Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị”.

Tuy nhiên cũng chính ông cho biết trong nhiều năm công tác, ông chưa từng nghe hoặc tận mắt nhìn thấy chỉ thị đó.

“Vì biên bản đó là tuyệt mật, chỉ có thủ trưởng, những người đứng đầu ngành các cơ quan, tổ chức thì mới biết. Tôi có nghe nói, nghe người ta thuật lại chứ chưa thấy biên bản đó”.

Phản biện lại ý kiến trên, Bác sĩ, nhà bất đồng chính kiến Đinh Đức Long, từng là một đảng viên, so sánh Chỉ thị 15 với hình ảnh của một chiếc áo giáp nhằm mục đích “bảo vệ cho những đảng viên có thể độc quyền tham nhũng mà không ai dám đụng vào được. Không có phương tiện nào về mặt pháp lý để làm được cả”.

“Với chỉ thị này, người tham nhũng được bảo vệ tuyệt đối, vì đa số người tham nhũng là đảng viên có chức có quyền. Và chỉ thị 15 đã bảo vệ cho họ. Công an là lực lượng chuyên chính rất là mạnh hiện nay mà không đụng vào được thì làm sao quân đội, nhân dân chúng tôi đụng vào được?”

Cần phải làm gì?

Với Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, tham nhũng là một hiện tượng toàn cầu, không lệ thuộc vào thể chế chính trị hay lịch sử quốc gia. Vấn đề này đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ xảy ra ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.

Chính vì vậy, theo ông, điều cần thiết mà Nhà nước Việt Nam cần thực hiện để đạt hiệu quả trong công tác phòng chống tham nhũng, không phải là điều tra tài sản, mà là tập trung vào môi trường pháp luật.

“Diệt trừ tham nhũng đầu tiên là nền tảng pháp lý phải được cải thiện, phải đưa ra những biện pháp và có những sự xử lý nghiêm ngặt”.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng không thể là dừng lại ở vấn đề pháp lý, mà quan trọng là đời sống con người phải được nâng cao. Vì theo ông, “khi con người ta ở trong một môi trường quá khó khăn, tham nhũng sẽ tự sinh sôi nảy nở”.

Vào ngày 31 tháng 7, phát biểu tại phiên họp thứ 12 Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư kiêm Trưởng ban Chống tham nhũng, khi nói về những vụ án tham nhũng trong nước đã phát biểu rằng “lò đã nóng thì củi tươi cũng cháy”. Điều ông Nguyễn Phú Trọng nói tới là quyết tâm mà ông muốn thực hiện, nhưng không ít người nghĩ rằng quyết tâm thôi chưa hẳn đã đủ, như Tiến Sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi trả lời phỏng vấn của chúng tôi: “Diệt trừ tham nhũng đầu tiên là nền tảng pháp lý phải được cải thiện, phải đưa ra những biện pháp và có những sự xử lý nghiêm ngặt”.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Thy-anti-corruption-work-does-not-work-09112017124408.html

This entry was posted in tham nhũng. Bookmark the permalink.