Tuyết Hoang

FB Trần Quốc Quân

Nhân kỉ niệm 26 năm ngày xảy ra chính biến lật đổ Gorbachev, tổng thống Liên Xô 19-8-1991, tôi xin đăng trích đoạn sau trong cuốn tiểu thuyết Tuyết Hoang đầu tay của mình:

Nguyên về nước hôm trước thì hôm sau 19-8-1991 Liên Xô “chào mừng” Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam bằng một cuộc đảo chính. Cả nhà Nguyên đang quây quần bên mâm cơm chợt lắng xuống khi Đài truyền hình dừng bộ phim chiếu dở, phát đi bản tuyên bố đặc biệt của Ủy ban khẩn cấp nhà nước Liên Xô về việc phế truất tổng thống Gorbachev. Tiếng cô phát thanh viên vừa dứt, mọi người ồ lên thích thú, riêng Nguyên mặt đăm chiêu đượm buồn.

“Gorbachev là kẻ phản bội lí tưởng cộng sản!”

Anh cả khơi mào “cuộc chiến”, hai tuyến đối lập hình thành. Một bên mình Nguyên từ đất nước vừa chối bỏ ý thức hệ trở về đối nghịch với một bên trong nước trung thành với chủ nghĩa xã hội. Một đảng viên đang lung lay tư tưởng đương đầu với chín đảng viên kiên định lập trường.

Đã chớm thu, Hà Nội chưa chia tay tiết trời oi ả còn rơi rớt lại của mùa hè. Trong ánh nắng chói chang, thành phố như cái chảo rang hầm hập nhễ nhại. Thi thoảng một ngọn gió côi cút thổi qua làm tán lá xanh trên cành sấu già bên đường khẽ rung rinh. Cuộc tranh luận giữa hai phe càng khiến bầu không khí vốn đã ngột ngạt trong phòng nóng thêm.

Chủ nghĩa cộng sản đề cao lí tưởng sống không khác mục đích cả loài người đang hướng đến. Lâu nay Nguyên dốc lòng ủng hộ Gorbachev cải tổ Liên Xô thành trì của chủ nghĩa xã hội. Với Nguyên, Gorbachev không phản bội như anh cả buộc tội. Từ ngày đặt chân sang Ba Lan, Nguyên càng coi trọng vai trò nhà cải cách, nhân tố mới tích cực của Gorbachev đối với phong trào cộng sản quốc tế.

“Đảng viên mặc nhiên phải ủng hộ hành động của Ủy ban khẩn cấp nhà nước Liên Xô”.

Sau cơn ho rũ rượi, Ba lên tiếng. Không khí tranh luận nóng dần. Nguyên cho rằng quay lưng với Gorbachev là đi ngược xu hướng tiến bộ của loài người. Phải xem hành động của Ủy ban khẩn cấp nhà nước Liên Xô thực chất là đảo chính lật đổ chính phủ, là vi hiến. Nguyên khuyên mọi người không ủng hộ hành vi sai trái, không bảo vệ thế lực muốn quay ngược bánh xe lịch sử.

Gorbachev đảm nhiệm chức vụ Tổng bí thư khi Liên Xô chìm sâu vào cuộc khủng hoảng toàn diện về chính trị, kinh tế, xã hội. Trong khi phép biện chứng duy vật của triết học Mác – Lê-nin cho rằng mâu thuẫn là động lực phát triển thì về chính trị Liên Xô không chấp nhận khác biệt chính kiến, về kinh tế Liên Xô không khuyến khích cạnh tranh, về xã hội Liên Xô không thừa nhận các tổ chức đối lập. Việc thủ tiêu các mâu thuẫn nội tại đã tước bỏ động lực phát triển khiến Liên Xô trì trệ, lung lay gốc rễ và cận kề sụp đổ.

“Bảo vệ thành quả chủ nghĩa xã hội là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi đảng viên”.

Anh hai đột nhiên xen ngang bằng câu khẩu hiệu giáo điều, sáo rỗng. Vờ như không nghe thấy, Nguyên vẫn kiên nhẫn phân tích. Thành quả mà anh hai kêu gọi bảo vệ là gì ngoài một nền kinh tế trì trệ kém hiệu quả dựa trên nền tảng công nghệ lạc hậu; một nền chính trị âm ỉ đối kháng đầy rẫy bất mãn; một xã hội nghèo nàn về vật chất, bế tắc về tinh thần. Thành quả đó có đáng hi sinh để bảo vệ không?

Học thuyết về nhà nước của chủ nghĩa Mác – Lê-nin nêu rõ cách mạng nổ ra khi lực lượng sản xuất phát triển đến trình độ cao sẽ phá vỡ quan hệ sản xuất cũ lạc hậu, hình thành quan hệ sản xuất mới tiến bộ. Nhưng Nguyên thấy quy trình vận động của chủ nghĩa xã hội lại áp đặt chủ quan như chiếc “đồng hồ quay ngược kim” khiến dây tóc rối tung. Học thuyết về nhà nước của chủ nghĩa Mác – Lê-nin nêu rõ chủ nghĩa xã hội ra đời ở những nước tư bản phát triển cao nhất, nhưng thực tế lại diễn ra bằng “bạo lực cách mạng” ở nhiều nước chậm phát triển, thậm chí nghèo nhất thế giới.

Theo Nguyên, chiến tuyến giữa Ủy ban khẩn cấp nhà nước và Gorbachev được phân định rõ ràng. Một bên bảo thủ, một bên cải cách; một bên phản lại động lực phát triển, một bên tích cực đổi mới để thúc đẩy phát triển; một bên đoạt quyền phạm pháp, một bên đại diện pháp quyền. Thái độ ủng hộ bên này hay bên kia chính là thước đo nhận thức và đạo đức.

“Thật ngạo mạn! Mày nhân danh gì mà dám lên mặt dạy nhận thức và đạo đức cho các đảng viên kì cựu trong nhà này hơn mày hàng chục năm cả tuổi đời lẫn tuổi đảng? Đâu là luân thường đạo lí, đâu là lễ nghĩa phép tắc? Nhờ ai mày được ăn học nên người? Nhờ ai mày được du học nước ngoài?”.

Ba đập mạnh tay xuống bàn, tất cả giật mình ngơ ngác. Căn phòng đang ồn ào bỗng im bặt. Thành quả cách mạng đã len lỏi vào mâm cơm nhà Nguyên khiến các thành viên chia rẽ. Đột nhiên bị ba gán cho một loạt tội danh, Nguyên định thanh minh thì chị ba nháy mắt ra hiệu cấm mở miệng. Rất hiếm khi Nguyên chứng kiến ba không kìm chế được cảm xúc, chưa bao giờ Nguyên thấy ba giận dữ đến mức gọi mày xưng tao.

Ba năm xa nhà, hôm qua Nguyên mới được gặp lại ba, thế mà hôm nay đã xảy ra cãi vã. Ấm ức trong lòng nhưng buộc phải ngậm miệng thật khó chịu. Tại sao nhận thức cũng phân định mâm trên chiếu dưới? Tại sao nhân cách cũng chia ra kì cựu và lớp trẻ? Chẳng lẽ tranh luận quan điểm cũng phải theo nếp cũ của các cụ hương lí quanh mâm cỗ trong đình làng ngày xưa?

Ba má từng vào sinh ra tử, cống hiến cho đất nước bao nhiêu sức lực trí tuệ, tại sao ba lại hỏi “nhờ ai”, nghe chua chát thế. Từng trải qua ba năm lính trận và sáu năm công tác, Nguyên có quyền nhận những đồng lương dù chỉ đủ cầm hơi. Đỗ cao trong kì thi nghiên cứu sinh, Nguyên xứng đáng được du học nước ngoài. Lẽ ra ba nên hỏi tại sao ta phải du học nước ngoài mà người nước ngoài không đến ta du học?

T.Q.Q.

Nguồn: https://www.facebook.com/groups/MinhTrietAndFriends/permalink/820119638147639/

This entry was posted in Tư Liệu. Bookmark the permalink.