Nguyễn Khắc Phê
Thân gửi các anh La Khắc Hòa, Nguyễn Huệ Chi, Lại Nguyên Ân, Trần Đình Sử, Chu Văn Sơn – đồng thời gửi cho ông Hoa Lư (?) và một vài người quan tâm vấn đề này – bài viết vừa đăng trên Tạp chí “Kiến thức ngày nay” số 973, ngày 20/8/2017 để tham khảo vì có thể các anh chưa có điều kiện đọc Tạp chí KNNN”. Tôi không có địa chỉ email anh Huệ Chi và La khắc Hòa, nhờ các anh chuyển tiếp, nếu tiện. Nếu các anh đưa lên mạng, xin ghi rõ xuất xứ từ KTNN.
Đồng thời, tôi cũng gửi luôn các anh bài “Bổ sung”tôi mới viết, chưa đăng, nêu rõ thêm một số chuyện mà có bạn đề nghị…
Tôi đã xem một số bình luận của các anh trong trang FB của La Khắc Hòa [Xin xem: https://www.facebook.com/khachoa.la/posts/1166607316774060 – Nguyễn Huệ Chi] và một số trang mạng khác về bài của Hoa Lư (“To gan luận về bác sĩ Nguyễn Khắc Viện” – BSNKV – đăng trên trang “Tiếng Dân” ngày 19/7/2017 [bài viết của Hoa Lư cũng đăng lại đầy đủ trên FB La Khắc Hòa, xin xem đường link vừa dẫn – Nguyễn Huệ Chi]). Ý kiến của một số anh, nói chung đã cung cấp thêm những nhận định và tư liệu để mọi người suy luận một cách có cơ sở hơn. Bài của ông Hoa Lư (HL) ngay từ nhan đề và một số câu trong bài tỏ ra rất kính trọng BSNKV, nhưng tiếc rằng lại có những sai lạc (hoặc bất cập), cần phải trao đổi lại.
Một số anh em, bạn bè bảo tôi không nên viết vì là người trong nhà; hơn nữa bàn về BSNKV thì thiên hạ đã viết suốt mấy chục năm rồi. Tuy vậy, đây không chỉ là vấn đề cá nhân và một cuốn sách, mà do vị trí của BSNKV cũng như công trình Việt Nam, một thiên lịch sử (VNMTLS) có quan hệ đến không ít nhận thức một số sự kiện của lịch sử đất nước, nên cần được trao đổi một cách công khai; riêng tôi, không nên tránh né, vì sau khi BSNKV mất, bà Nhất – vợ BSNKV – nhờ tôi giúp soạn tư liệu để in các bộ Tuyển tác phẩm BSNKV, nên trong gia đình BSNKV, tôi là người nắm được nhiều tư liệu nhất. Tôi hy vọng, với các căn cứ mà tôi biết rõ, có thể giúp các anh khi cần, sử dụng cho công trình nghiên cứu về trí thức Việt Nam nói chung và BSNKV nói riêng, đồng thời giúp bạn đọc tránh hiểu lầm và không để cái sai của HL kéo thêm những cái sai khác (như ông Đinh Thắng, tự nhận là học trò BSNKV, tôn sùng và bảo vệ cụ Viện đến mức, nghe HL viết như thế liền quy kết: Sách VNMTLS không phải của ông Viện viết và Nhà nước vinh danh ông với công trình đó, khác chi giết chết BSNKV!…)
Xin được lưu ý, tôi chỉ cung cấp “tư liệu” (có căn cứ “giấy trắng mực đen) để các anh và bạn đọc “tự đính chính” những cái sai hoặc bất cập của HL về mặt “tư liệu”; còn cách đánh giá của HL hay của Chu Văn Sơn về BSNKV như cho rằng BSNKV là người của “cung đình”, rồi “diễn một cách tinh vi” và “hèn một cách Hiên ngang”, “Cơ hội một cách sang trọng”… thì tôi tin nhiều người và cả Chu Văn Sơn, khi bình tĩnh lại và có điều kiện đọc toàn bộ các công trình của BSNKV, hoặc ít ra đọc mấy chục kiến nghị của BSNKV gửi các cấp Trung ương (hiện có đầy đủ ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia; nếu quá thiếu thời gian thì chỉ đọc sách Ước mơ & Hoài niệm – Nguyễn Khắc Viện kể chuyện mà NXB Tri Thức vừa in 5/2017, nhân kỷ niệm tròn 20 năm ngày BSNKV qua đời) sẽ có cách nhận định khác. Còn với bản thân BSNKV, thì sinh thời, khi bị một số cơ quan “chính thống” phê phán là “phản động, gián điệp của Pháp”, cấm các báo đăng bài của ông thì ông vẫn thản nhiên và dành toàn bộ tâm huyết cho việc Nghiên cứu Tâm lý trẻ em – một lĩnh vực ở Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức… Ừ, thì cũng có thể nói đây là “cơ hội một cách sang trọng” – Nói theo kiểu nhà văn đặc sắc Nam Bộ Trang Thế Hy thì “cung đình không ưa, đây là cơ hội ta đi chỗ khác chơi!” Mà “kiểu chơi” Nghiên cứu Tâm lý trẻ em – khoa học nhân văn, giúp tạo nên những thế hệ con người tốt đẹp cho tương lai đất nước thì hẳn cũng đáng gọi là “sang trọng”!… Và đến cuối đời, thì có thể nói là “vàng thật không sợ lửa”, BSNKV vừa được Giải thưởng Lớn về Pháp ngữ của Viện Hàn lâm Pháp, vừa được Nhà nước ta tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Nguyễn Khắc Phê
1 – Sách VNMTLS, viết như HL “được viết ra gần 20 năm sau khi chiến tranh kết thúc” là sai. Có lẽ do HL không có điều kiện (hay lười) tìm tư liệu. Với lớp trí thức thời BSNKV (không chỉ với BSNKV – tạm gọi là “trí thức Tây học thiên tả”) thời điểm công bố tác phẩm rất quan trọng. Vì chính BSNKV đã viết khi NXB Trẻ tái bản “Một đôi lời” ngay trước khi ông qua đời như sau:
“… Mới hơn 10 năm mà nay nhớ lại nhiều việc, như là chuyện thời xa xưa, cả nước đã chuyển sang một thời đại mới. Nay cho in lại, xin cứ giữ nguyên bản, không sửa chữa, như là một vết tích của một thời, để cho bạn đọc ngày nay thấy một số người “xưa kia” suy nghĩ những gì… Thời thế thay đổi, không thể không thay đổi ý kiến, loại trừ một số sai lầm tư tưởng, nhưng điều không thể thay đổi là cái đạo lý làm người. Thức thời, chứ không phải cơ hội…
”
Những dòng này tìm thấy dễ dàng trong bộ sách 5 cuốn của BSNKV do ThaihaBoosk xuất bản năm 2007. Cũng trong lần xuất bản này có ghi rõ: “Tác phẩm in lần đầu tại NXB Ngoại văn – Hà Nội, 1987”. Chưa hết! Nếu đến NXB Thế giới, bạn sẽ thấy cuốn in bằng tiếng Pháp năm 2007, có “Lời ghi nhận của NXB” (Note de L’ éditeur”) ở đầu sách, nói rõ cuốn sách được in lần đầu bằng tiếng Pháp năm 1976…! Như vậy, VNMTLS in lần đầu, có thể là bản đã được BSNKV khởi thảo từ năm 1970. Trong cuốn sách mới xuất bản tháng 5/2017 (Ước mơ & Hoài niệm” – Nguyễn Khắc Viện kể chuyện – NXB Tri thức), nội dung là hồi ký của BSNKV kể vào năm 80 tuổi, ở trang 176, có đoạn: “Sau khi Mỹ thả bom miền Bắc, các nước rất quan tâm đến vấn đề Việt Nam. Ngoài việc bình luận thời sự kịp thời, chúng tôi thấy cần phải làm cho thế giới hiểu rõ Việt Nam một cách sâu sắc, toàn diện hơn. Năm 1970, Đảng Cộng sản Pháp đề nghị tập hợp những phần về lịch sử cách mạng, chống Pháp và bước đầu chống Mỹ cho đến năm 1960, in thành một cuốn Lịch sử Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, có một cuốn “Lịch sử Việt Nam” bằng tiếng Pháp, viết theo quan điểm của chúng ta, in ở Paris…” Dẫn ra vậy để thấy rõ BSNKV viết VNMTLS là làm nhiệm vụ tuyền truyền theo đường lối “chính thống”; từ đó, các nhận định về Phan Châu Trinh hay “Cải cách ruộng đất”, cũng như việc không nói gì đến vụ “Nhân văn giai phẩm”… đã không làm thỏa mãn một số người hiện nay – là điều rất dễ hiểu.
Như vậy, xin được lưu ý: những ai đọc VNMTLS bằng tiếng Việt, cần biết xuất xứ và điều kiện cụ thể khi BSNKV viết NVMTLS bằng tiếng Pháp, để hiểu đúng một số vấn đề mà tác giả đã viết theo quan điểm “chính thống” thời đó (Nếu sách được tái bản cũng cần ghi rõ điều này).
Cũng cần chú ý thêm, “Lời ghi nhận của NXB” (dẫn ở trên) nói rõ, Chương XI “Con đường đi tới tương lai” mới viết bổ sung năm 1993… và nêu lý do những điểm chưa hoàn thiện hoặc “cập nhật” (Về đánh giá Triều Nguyễn, về tình hình đất nước sau 1975…) khi “một số nhân vật và sự kiện lịch sử đang được đánh giá lại”, nhưng khẳng định “tác phẩm của Nguyễn Khắc Viện vẫn giữ nguyên giá trị của nó. Mang dấu ấn thời đại, nó vẫn là một cuốn sách tham khảo có giá trị bằng tiếng nước ngoài về lịch sử Việt Nam”… Còn BSNKV không hoàn thiện hay sửa lại một số nhận định, ngoài lý do ông đã viết như khi tái bản “Một đôi lời”, còn một điều nữa, là sau 1990, ông đã “chuyển hẳn giai đoạn”, chỉ lo nghiên cứu và xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý trẻ em N-T, không tham gia công tác “tuyên truyền” đối ngoại cho Việt Nam mà ông phải gách vác trong nhiều năm về trước. Tuy vậy, chỉ cần nhớ đến việc BSNKV đã thẳng thắn đặt lại vấn đề “Nhân văn Giai phẩm” tại cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với 100 văn nghệ sĩ hồi tháng 10/1987 (xem Ước mơ & Hoài niệm – Sách đã dẫn) cũng như hai trang cuối VNMTLS viết bổ sung năm 1993 về các vấn đề xã hội – chính trị của Việt Nam sau Đổi Mới 1986, đủ thấy BSNKV là một con người như thế nào. Và dòng cuối cùng phần này ở VNMTLS, BSNKV đã viết: “Xin để phần người đọc có những ý kiến uốn nắn, nếu xét thấy cần thiết”. Trước đó, trong bài đăng “Kiến thức ngày nay” năm 1995 (đã dẫn), BSNKV cũng nói: “… Nếu nhà báo thông tin được hai chiều, tức là nêu tất cả những lời phê phán, chỉ trích tôi thì… vui hơn”. Như vậy, chẳng cần “to gan”, mọi người, nếu đủ kiến thức, trung thực và thiện ý đều có thể “luận” về BSNKV.
2 – Xin lưu ý nguyên bản sách VNMTLS “bằng tiếng nước ngoài” – ông HL cũng thừa nhận “Tôi chỉ đọc được bản dịch…”. Đúng ra đã nghiên cứu, nhất là để đưa tới quy kết phủ định cả tác giả lẫn tác phẩm thì phải tìm nguồn gốc, xuất xứ các bản tiếng Pháp… Thôi, tạm thông cảm nhà nghiên cứu HL không đủ điều kiện tìm tư liệu, nhưng đã buông lời phê phán thì không được phép cắt xén. Tôi hy vọng là HL do “vô ý” (hoặc đang bị “ảnh hưởng” của xu hướng “hạ bệ thần tượng” và “giải huyền thoại” đang được một số người thích thú), chứ không “ác ý” khi cắt câu cuối về sự hy sinh của Phạm Hồng Thái. Không cần đọc nguyên bản, bản dịch đã dẫn của ThaihaBoosk năm 2007, đã in: “… Phạm Hồng Thái đã phải nhảy xuống sông Châu Giang rồi chết đuối, nhưng sự kiện này đã có một tiếng vang rất lớn”. Trích rồi cắt câu in đậm và phê phán: “Hai chữ “chết đuối” đặt ở đây e mắc tội với vong linh vị anh hùng…” thì dù “vô ý”, HL không chỉ có lỗi với BSNKV và bạn đọc mà cả với liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Một chuyên gia về Pháp ngữ ở Huế, đã phân tích BSNKV viết rất chặt chẽ, không viết là “Phạm Hồng Thái nhảy xuống sông tự tử” như một số sách báo trước đây mà viết là “dut se jeter = dut> devoir = phải: “phải nhảy xuống sông…” – “phải” là thế cùng, không tự nguyện… ; rồi Se noyer = chết ngạt dưới nước; và ông phân tích thêm: PHT là một nhà cách mạng, ông phải tìm con đường sống, để tiếp tục làm cách mạng; cực chẳng đã phải chết thì mới chết…” – Đúng vậy, PHT sẵn sàng chết, nhưng nhảy xuống sông, chính vì còn hy vọng sẽ thoát, chứ tự tử thì thiếu gì cách chắc chắn hơn!)
Nhiều đoạn trong bài của HL cũng trích câu cần phê phán, nhưng khi đọc toàn bộ, nhận định sẽ khác hẳn. Như về Truyện Kiều, HL chỉ phê phán BSNKV chỉ đề cao Truyện Kiều “tố cáo…” với “phản ánh hiện thực” nhưng đọc cả mấy trang, sẽ thấy BSNKV dành cả một đoạn dài phân tích nghệ thuật và các giá trị khác của Truyện Kiều rất toàn diện… (Đó là chưa nói, dành cho Nguyễn Du và Truyện Kiều hơn 4 trang trong một cuốn sử dân tộc mấy ngàn năm dài 500 trang, chứng tỏ tầm văn hoá của người viết. NKP chưa kiểm chứng, nhưng có lẽ đây là cuốn sử dành cho Truyện Kiều dài nhất, trong toàn bộ sách Lịch sử Việt Nam, xét về tỷ lệ dung lượng… Còn các “trách cứ” BSNKV không kể “công lao” nguyên bản truyện Kim Vân Kiều, hay nói BSNKV đã sai khi dẫn Kiều tự nói với chàng Kim mình còn trong trắng thì HL có biết các nhà “Kiều học” Việt Nam đã chỉ ra cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân chưa hề được đưa vào lần nào trong bất kì một cuốn Lịch sử văn học Trung Quốc, do người Trung Quốc viết để dạy trong nhà trường cũng như phổ cập toàn xã hội và phê phán học giả Trung Quốc Đổng Văn Thành quanh luận điểm hoang đường là quá đề cao Kim Vân Kiều truyện, với dụng ý rõ rệt là hạ thấp Nguyễn Du. Phải chăng HL cũng chịu ảnh hưởng quan điểm đánh giá của Đổng Văn Thành và cũng không biết chuyện trên thế giới có bao nhiêu tác phẩm rất nổi tiếng xoay quanh một cốt truyện? Như vậy, thì VNMTLS cần gì phải nhắc đến Kim Vân Kiều.
Truyện Kiều giấy trắng mực đen, câu 3161 “Chữ trinh còn một chút này” rành rành là Kiều nói với Kim Trọng (câu 3145 mở đầu đoạn đối thoại này viết: “Nàng rằng: “Phận thiếp đã đành…”). Đề nghị HL chịu khó đọc lại Truyện Kiều trước khi lên tiếng phê phán người khác. Riêng trường hợp này, có lẽ HL cần xin lỗi bạn đọc vì đã “vô ý” xuyên tạc cả Nguyễn Du! Theo một thành viên Hội “Kiều học”, nếu chọn 5 câu tiến bộ nhất, nhân đạo nhất trong Truyện Kiều thì ông xếp câu Kiều nói trên đứng thứ 2! Đây là một quan niệm cực kì mới mẻ về chữ “Trinh”, và chính vế sau đoạn này, BSNKV đã giải thích rất tường minh ý nghĩa hiện đại ấy mà HL không thấy, lại vội vã để kết luận BSNKV nhầm! Mặt khác, những ai có hiểu biết về sáng tạo VHNT, đều biết dù Kiều hay Kim Trọng nói thì thực chất đều là của… Nguyễn Du!
3 – Để phủ nhận vị trí của BSNKV, HL đề nghị phải “…xét đến giá trị cuốn sách quan trọng nhất của ông: “VNMTLS”… Đây là riêng ý kiến HL thôi. Xin tìm đọc các sách về BSNKV đã xuất bản, có lần BSNKV đã nói đại ý: “Cái gọi là giá trị “để đời” thì biết đâu lại là tập sách mỏng về Dưỡng sinh, hoặc là chỉ mấy câu vè chỉ dẫn cách tập thở…” (BSNKV trả lời phỏng vấn đăng “Kiến thức ngày nay”, 1995 và đã in trong sách Nguyễn Khắc Viện tác phẩm – Chân dung & Kỷ niệm, Tập 2, trang 123, NXB Lao Động, 2003). Lưu ý thêm, cũng trong cuốn Ước mơ & Hoài niệm vừa xuất bản tháng 5/2017, BSNKV không có 1 dòng nào nhắc đến cuốn VNMTLS (ngoài dòng nhắc đến cuốn viết năm 1970 theo đề nghị của Đảng Cộng sản Pháp). Còn việc căn cứ vào “Giải thưởng Nhà nước” truy tặng cho VNMTLS, để cho đây là “Công trình quan trọng nhất” của BSNKV cũng không đúng nốt. Chúng ta đều biết, trong việc tặng các “Giải thưởng” và cả Huân chương của Nhà nước ta, đã có không ít “vấn đề”, rõ nhất là các kiện cáo phải hoãn đợt trao Giải Nhà nước và Hồ Chí Minh vừa qua, bổ sung danh sách (đến ngày 20/5/2017 mới trao được mà vẫn có lời bàn là “người nhiều văn không được và ngược lại…); thậm chí có Anh hùng phải tước danh hiệu. Riêng trường hợp BSNKV, để rõ hơn, trích một đoạn bình giải một giấc mơ cuối đời của BSNKV (đã in trong sách Nguyễn Khắc Viện Yêu & Mơ – NXB Trẻ, 2015) như sau:
“… cơ quan vừa làm hồ sơ đề nghị Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho ông, nhưng tác phẩm, công trình của BSNKV rất đa dạng, các “Hội đồng cơ sở” (như Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Văn hoá, Bộ Y tế…) đều thấy không chỉ thuộc về ngành mình; rút cục, đưa xét công trình “Việt Nam một thiên lịch sử”, nguyên bản tiếng Pháp, lúc đó chưa dịch ra tiếng Việt, nên cũng có ý kiến: “Hội đồng có phải ai cũng đọc được tiếng Pháp đâu!” Thế là bỏ phiếu Giải thưởng Hồ Chí Minh không đạt, chuyển xuống tặng “Giải thưởng Nhà nước”. Tuy vậy, có ý kiến cho rằng: Đúng ra, nên đưa xét bản dịch Truyện Kiều (ra tiếng Pháp) và toàn bộ công trình nghiên cứu tâm lý của BSNKV…”
***
Có lẽ chỉ cần nêu như thế, bạn đọc sẽ thấy bài của HL chưa phải là căn cứ tin cậy để đánh giá BSNKV cũng như sách VNMTLS. Đề tài này, nhất là bàn về BSNKV, dù đã có rất nhiều sách báo bàn đến, muốn đầy đủ, có khi phải viết một cuốn sách, chưa hẳn đã được mọi người đồng tình, nhất là ở thời đoạn có nhiều biến đổi, không ít giá trị đang được “cân đong” lại. Cũng dễ hiểu, vì BSNKV là một nhân vật đã trải qua những bước ngoặt và “biến cố” khác thường…
Bài bổ sung
Vẫn chưa hết chuyện về Nguyễn Khắc Viện & Việt Nam một thiên lịch sử
Nguyễn Khắc Phê
Cuối bài Lại bàn về Nguyễn Khắc Viện & sách “Việt Nam một thiên lịch sử” (đăng Tạp chí “Kiến thức ngày nay” số 973, ngày 20/8/2017) trao đổi với ông Hoa Lư (HL) về bài “To gan luận về BSNKV” (đăng trên trang Tiếng Dân ngày 19/7/2017 và được một số nhà nghiên cứu chú ý bình luận trên FB của ông La Khắc Hòa), tôi đã viết: “…muốn đầy đủ, có khi phải viết một cuốn sách, chưa hẳn đã được mọi người đồng tình, nhất là ở thời đoạn có nhiều biến đổi, không ít giá trị đang được “cân đong” lại…”. Quả nhiên, sau khi đọc bài viết trên, một bạn đọc cũng là chỗ thân tình bảo: “Tôi vẫn thắc mắc vì sao BSNKV khi viết về Cải cách ruộng đất (CCRĐ) không nhắc đến những sai lầm ghê gớm mà ai cũng biết? Nhất là trong hoàn cảnh gia đình cụ Viện đã phải chịu nhiều đau khổ trong CCRĐ. Một bạn khác thì nói: “Có phải ai cũng có điều kiện tìm đọc các sách về BSNKV đã xuất bản trước đây đâu; nên ít ra cũng cần vắn tắt cho biết BSNKV đã nói với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh về “Nhân văn Giai phẩm” như thế nào? Cũng muốn biết đoạn cuối VNMTLS mà BSNKV mới viết bổ sung năm 1993 nói những gì?…”.
Quả là bài đăng trên “Kiến thức ngày nay” có một số “chi tiết” tôi chưa viết “hết ý” vì bài đã khá dài, nay xin “bổ sung” vì nó liên quan đến những sự kiện lịch sử vẫn đang được nhiều người quan tâm.
1 – Đã nhắc đến BSNKV viết về CCRĐ trong cuốn “Việt Nam một thiên lịch sử” (VNMTLS) như thế nào, thì quả là cần nói kỹ hơn một chút, do HL viết khá dài về hoàn cảnh xuất thân đặc biệt của BSNKV (con địa chủ quan lại, bị đấu tố…) và cho rằng “nghiên cứu thái độ của Nguyễn Khắc Viện về vấn đề này có thể mang đến nhiều giải đáp thú vị”; sau đó, HL dẫn ra cách nhìn nhận của người em là Nguyễn Khắc Dương về thân phận bi thương của bố và mẹ trong CCRĐ so sánh với “âm hưởng hào hùng… chỉ có thắng lợi, chỉ có quyết tâm… lời lẽ đầy uy lực” của BSNKV trong 2 trang viết “rất lạ” về CCRĐ… Điều HL dẫn ra là có thật, nhưng đem so sánh hai anh em trong trường hợp này là không thỏa đáng (nếu không muốn nói là vô ích) vì người em là tín đồ Ki-tô giáo, bày tỏ tâm sự riêng tư; còn người anh là giới thiệu vắn tắt một phong trào cách mạng quan trọng của Việt Nam với người nước ngoài, theo nhận định của đảng cộng sản, nên khác nhau là tất nhiên, chẳng có gì lạ. Đúng ra, cái “lạ” là một cuộc cách mạng long trời lở đất như thế mà BSNKV chỉ dành có 2 trang, chưa bằng một nửa dung lượng giới thiệu Truyện Kiều! Có thể hiểu là BSNKV không đánh giá cao cuộc cách mạng này, chỉ dẫn ra những “thành quả” và nhận định theo quan điểm “chính thống” (trong đó có một đoạn trích ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) mà nếu nhìn nhận một cách công bằng thì đó là những điều có thật… Không chỉ HL và một số bạn đọc, mà chính trong gia đình BSNKV cũng có người “thắc mắc” vì sao BSNKV không đề cập đến những sai lầm nghiêm trọng trong “Cải cách” . Tuy nhiên, hồi ấy, chúng tôi không ai trực tiếp “chất vấn” BSNKV, có lẽ vì dù sao sai lầm trong CCRĐ cũng là chuyện đã qua trên chục năm, mà trước mắt thì BSNKV trong điều kiện sức khỏe chỉ thở với non 1 lá phổi, lại đang phải gánh những trách nhiệm nặng nề trong văn hoá và tuyên truyền đối ngoại lúc Mỹ đánh Việt Nam và trước cả những vấn đề gay cấn như nạn “thuyền nhân”, rồi quan hệ với Căm-pu-chia…; sau đó thì BSNKV lại ở trong tình thế bị “bao vây, phong tỏa” vì các kiến nghị gay gắt, đòi hỏi Đổi Mới một cách triệt để… Đến nay thì chỉ có thể suy đoán BSNKV để “sót” sai lầm CCRĐ vì: 1) Đã viết vụ này thì không thể viết ngắn mà so với lịch sử hàng ngàn năm của Việt Nam thì CCRĐ không thể chiếm nhiều trang. 2) Đối tượng của VNMTLS là người nước ngoài, đa số họ chỉ cần biết tổng thể, tiến trình lịch sử Việt Nam – trong đó có việc năm 1953-1955, tiến hành CCRĐ chia ruộng cho nông dân, khiến nông dân hăng hái tham gia kháng chiến, xóa bỏ hẳn chế độ phong kiến (về quản lý ruộng đất…). Đó là sự thật, là đủ đối với đa số người nước ngoài. Còn những ai muốn đi sâu thì không thiếu tài liệu, sách báo viết về sai lầm CCRĐ. Đảng Lao động Việt Nam cũng đã thừa nhận sai lầm và cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt xin lỗi nhân dân… Tất nhiên, một lý do nữa là vì xu thế “chính thống” lúc đó không muốn nhấn mạnh sai lầm, mà quên nghĩ đến mục đích tốt đẹp của CCRĐ phần nào đã được thực hiện là nông dân được làm chủ ruộng đất mà mình canh tác…
Nhân đây, cung cấp thêm một tư liệu cho biết BSNKV đã nghĩ về sai lầm CCRĐ như thế nào. Trong sách Ước mơ & Hoài niệm, bản in lần đầu năm 2003 (NXB Đà Nẵng) đã có đoạn: “Có việc rất xúc động mà tôi nhớ mãi là có một anh công nhân ở Lyon… anh ấy bị ung thư máu, gọi tôi đến, giao quyển sổ tiết kiệm… bảo: “Anh lấy tiền này mua sách gửi về cho Đại học Hà Nội”. Tôi hỏi: “Tại sao anh không để tiền gửi về cho gia đình?”. Anh nói: “Gia đình tôi được cải cách ruộng đất rồi, có ruộng đất rồi, không cần nữa”. Qua đó thấy rằng đối với cải cách ruộng đất có hai cách nhìn. Chính tôi hồi đó cũng hiểu rằng, một cuộc cách mạng nào chẳng có vấp váp, tránh sao được, cách mạng Pháp cũng thế, cách mạng Nga cũng thế. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng sai lầm lớn của chúng ta trong cải cách ruộng đất đã gây một sự xao xuyến trong anh em Việt kiều, những tin dữ dội về cải cách ruộng đất đụng chạm đến gia đình thân nhân họ… Báo chí Sài Gòn khuấy chuyện này lên, tờ Tự do cũng kích động bản thân tôi, có bài nói về Ông cụ tôi ở miền Bắc bị thế này thế nọ…”
Nhân nhắc đến thân phụ BSNKV, xin cung cấp thêm một chi tiết: Mặc dù sức khỏe hạn chế và bận nhiều công việc, trong gia đình chúng tôi, BSNKV là người đầu tiên nhắc đến chuyện phải tìm cách đưa hài cốt thân phụ từ Trại Đưng (nơi giam tù nhân trong cải cách ruộng đất ở Hà Tĩnh…) về, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, năm 1976, chính BSNKV và anh tôi là Nguyễn Khắc Phi đã trực tiếp lên Trại Đưng làm điều đó và khi mang về Hà Nội, cũng chính BSNKV đã tham gia việc hỏa táng hài cốt Cụ rồi thờ trong căn phòng của mình (mãi đến năm 1995 mới có điều kiện đưa di hài Cụ về an táng ở quê nhà…). Một người bà con của BSNKV là trí thức miền Nam (hiện ở Mỹ), khi biết chuyện BSNKV trực tiếp đến tận vùng núi xa xôi cách trở, đi lại rất vất vả vì đất nước mới hòa bình, để lo việc cải táng cho thân phụ, đã rất ngạc nhiên do còn vướng quan niệm người cộng sản sống kiểu “vô gia đình” mà!
2 – Một số điểm khác cần nói thêm:
a) Trong bài của HL có “Một câu hỏi bỏ ngỏ”: “Viết về văn hoá xã hội, về trí thức mà bỏ qua, không có một dòng nào về câu chuyện “Nhân văn Giai phẩm”(?), thực sự là một câu hỏi khó về “bản lĩnh” của BSNKV”. HL đặt vấn đề như vậy là đúng; tôi cũng hình dung BSNKV đã phải “bóp trán” cân nhắc một cách “khó khăn” trước máy đánh chữ khi nghĩ đến vụ này. Nhưng nếu xét về “bản lĩnh” của một con người, không thể chỉ căn cứ vào một sự việc; mặt khác, xin lưu ý một lần nữa, BSNKV viết VNMTLS từ quan điểm “chính thống” tại một Nhà xuất bản ở Hà Nội, tất nhiên là do Đảng Cộng sản lãnh đạo, chứ không phải đăng lên ‘Fây”, thích gì viết nấy như hiện nay. (Tương tự, việc đánh giá một số hiện tượng, nhân vật trong lịch sử Việt Nam như Phan Châu Trinh, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh… trong VNMTLS cũng theo “nguyên tắc đó”, một số bạn đọc hiện nay không đồng tình là điều có thật. Tuy vậy, cần thấy, cho đến nay – giữa năm 2017 – về các nhân vật đó, các nhà nghiên cứu lịch sử trên nhiều tờ báo vẫn còn tranh cãi “quyết liệt”, người ca ngợi, kẻ lên án nặng nề, một người viết sử “không chuyên” như BSNKV, chỉ với mục đích tuyên truyền cho bạn bè thế giới hiểu thêm Việt Nam, từ những năm 70 của thế kỷ trước, tất phải chọn cách diễn đạt theo “chính thống” …).
Về vụ “Nhân văn”, xin lưu ý thêm, cho đến nay (năm 2017), mặc dù một số tác giả liên quan đã được tặng Giải thưởng Nhà nước, nhưng Đảng (hoặc cơ quan thuộc Đảng lãnh đạo, quản lý như Bộ Văn hoá. V.v…) vẫn chưa hề có văn bản chính thức công khai nhận sai lầm trong vụ này và minh oan cho các tác giả liên quan. Thử hỏi, từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước, BSNKV làm sao có thể tự mình làm điều đó? Và thử hỏi, nếu BSNKV có bản lĩnh làm việc đó, để rồi VNMTLS không được xuất bản, không còn dịp giới thiệu cho thế giới biết rõ về nước Việt Nam mấy ngàn năm văn hiến với các tên tuổi như Trần Hưng Đạo, Lê Quý Đôn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… thì sự “can đảm” ấy có đáng không? Vì việc lớn, phải hy sinh tiểu tiết; cũng như liên quan đến CCRĐ, BSNKV phải tạm gác tình riêng, không để nỗi đau thương về người bố bất hạnh khiến ngòi bút khi viết về CCRĐ chỉ còn đậm nét chuyện “đấu tố” máu me, che lấp niềm vui có thật của hàng triệu nông dân khi được chia ruộng đất (mà một hiệu quả gần, dễ thấy nhất mà BSNKV đã ghi nhận trong Hồi ký là “Sau CCRĐ, mỗi người nông dân được một mảnh đất, họ làm chủ mảnh đất ấy, muốn cày cấy gì, muốn bán sản phẩm cho ai tùy ý. Nhờ đó, năm 1959, miền Bắc được mùa lớn nhất từ năm 1955…”).
Đặt vấn đề như vậy, có lẽ phần đông bạn đọc sẽ thông cảm việc BSNKV để “sót” vụ “Nhân văn” trong VNMTLS, đồng thời thấy rõ BSNKV đã thực hiện “tuyên ngôn” về cách xử thế đã dẫn ở bài trước: “… Thời thế thay đổi, không thể không thay đổi ý kiến, loại trừ một số sai lầm tư tưởng, nhưng điều không thể thay đổi là cái đạo lý làm người. Thức thời, chứ không phải cơ hội…”. Chính vì thế, tôi sẽ dẫn ra quan điểm mới của BSNKV qua ý kiến phát biểu tại cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh năm 1997 với 100 văn nghệ sĩ; cũng là dịp để thấy được “bản lĩnh” của BSNKV. Bài này đã in báo “Văn nghệ” ngay lúc đó và in lại trong cuốn Đổi mới? (NXB Thanh Niên, 1989); trong Hồi ký mới xuất bản của BSNKV (NXB Tri thức, 2017), tác giả chỉ kể vắn tắt qua 1 trang in, trong khi bài dài 7 trang. Cuộc gặp tổ chức ngày 6/10/1987, tức là tròn 30 năm đã qua! BSNKV không chỉ thẳng thắn nêu lại chuyện “Nhân văn” (nếu tôi không nhầm thì ông là người đầu tiên nói trước lãnh đạo cấp cao nhất tại một diễn đàn lớn) mà đặt vấn đề rộng hơn, quan trọng hơn, đến nay vẫn còn tính thời sự; đó là “Tháo gỡ trói buộc cho văn học nghệ thuật”. Phần đầu, BSNKV nêu lên tình hình hiện nay đất nước “đang cần những con người, chủ động, có óc sáng tạo để cải tổ mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội”; trong khi đó, “cuộc sống trở thành một cuộn tơ vò, mục tiêu xây dựng một xã hội mới, con người mới mờ nhạt; con người đâm ra thụ động, bi quan là khác…”; nhưng văn nghệ sĩ “nhạy cảm với tâm tư nguyện vọng của nhân dân, với những gì mới chớm nở… bầu máu nóng và tính sáng tạo của họ… khuấy động trong lòng nhiều người… thúc đẩy cuộc sống…” Tiếp đó, BSNKV cho rằng vừa qua, văn nghệ “chưa đóng được vai trò xúc tác ấy. Vì bị trói buộc… Văn nghệ sĩ phải làm vừa ý những ai cấp tiền, ai cho phép… Nói thẳng, nói thật, là sự lãnh đạo văn nghệ trong mấy năm qua nhiều lúc còn khá thô sơ, tìm cách bắt sâu trong một vườn hoa quý lại dùng dao búa trong rừng khai hoang. Đao to búa lớn lại do những con người quen đốn cây, phạt bụi bờ. Trong nhiều năm, những người làm báo, làm phim, viết văn thường xuyên được nhắc nhở: phải làm thế này, không được làm thế kia. Bị trói buộc bởi một loạt húy kỵ… Lâu lâu lại nổ ra một vụ án văn học… Thông thường bản án nào cũng có kỳ hạn, mãn ra tù; còn bản án văn học thì cứ mãi mãi treo lơ lửng trên đầu và cũng không có văn bản… thật là một bản án chung thân, có khi còn bị hại đến cả đời con cháu…” Tiếp theo, BSNKV phân tích hiện trạng trên đã khiến văn nghệ sĩ “vừa phải “viết” vừa phải “lách”… tự mình duyệt lấy mình, những gì góc cạnh, phóng khoáng… chua cay, bi đát, tước bỏ đi, cái gì cá tính quá rõ phải gột đi, những câu chuyện số phận con người, đi sâu vào nguồn gốc cái thiện, cái ác đành không nghĩ đến, tác phẩm nào cũng hao hao giống nhau, như các căn hộ của một khu nhà lắp ghép…”. Cuối cùng, BSNKV nêu ra một số kiến nghị cụ thể như: các vị lãnh đạo Đảng các cấp không bao giờ lên án một tác phẩm văn nghệ, để các ngành văn nghệ tự phê phán lấy nhau; nếu quyết định cấm in, cấm diễn thì phải ký rõ tên ai, “lãnh đạo quản lý xin bổ nhiệm những vị biết người biết của…; xử lại những tác phẩm và con người bị kết án thời Nhân văn Giai phẩm, nay hoặc xóa án, hoặc kết luận là đã mãn hạn, cho trở lại hoạt động bình thường…”.
Báo “Văn nghệ” tường thuật cuộc gặp gỡ này đã tả cảnh đồng chí Tổng Bí thư đã vui vẻ bắt tay và trực tiếp nhận bài phát biểu từ tay BSNKV.
b) Về những trang BSNKV viết bổ sung năm 1993 trong chương cuối VNMTLS với nhan đề “Con đường đi tới tương lai”, ông HL trích “bốn quyết tâm” ở đoạn cuối và có ý mỉa mai: “Cả bốn quyết tâm “xóa bỏ” (chế độ phong kiến, tư bản…), “cải cách” (CCRĐ, hợp tác hóa, thành lập nông trường quốc doanh), “phát triển” (kinh tế Nhà nước…) và “hội nhập” (vào phe “xã hội chủ nghĩa”…) mà bác sĩ Viện đưa ra chỉ có một giá trị duy nhất. Ấy là việc gợi lại cho các độc giả đã qua tuổi tri thiên mệnh rùng mình nhớ về những đợt học chính trị vô vị, buồn chán và dài lê thê của 30 năm về trước”. HL có quyền nghĩ như thế, nhưng xin lưu ý, trước khi nêu “bốn quyết tâm”, BSNKV viết: “Một khi chính quyền đã ở trong tay một Nhà nước nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo, thì con đường đã được vạch ra…” – tức là “bốn quyết tâm” đó là tóm tắt đường lối của Đảng lúc đó. Tuy vậy, sau khi viết tiếp 2 trang phân tích nhiều mặt xã hội Việt Nam (từ tôn giáo, dân tộc, địa chính trị …), BSNKV đặt liên tiếp hai câu hỏi: “Trong chừng mực nào Đảng sẽ có thể đảm đương sự lãnh đạo tư tưởng, văn hoá của cả dân tộc? Câu hỏi này trực tiếp gắn liền với một câu hỏi khác: những cấu trúc xã hội – chính trị nào sẽ thích hợp với việc thiết lập một nền kinh tế thị trường?” Tiếp đó, BSNKV đã nhận định Việt Nam đã “nẩy sinh một thứ “chủ nghĩa tư bản hoang dã” mà sự phát triển có nguy cơ dẫn đến những tai họa về sinh thái, làm gay gắt trầm trọng thêm những bất bình đẳng và tệ nạn xã hội, tội phạm, ma túy. Thứ “chủ nghĩa tư bản hoang dã” này huy động những bộ phân quan trọng trong bộ máy Nhà nước phục vụ cho nó, biến họ thành một tổ chức maphia thực sự, kẻ thù của mọi hình thức dân chủ, của công bằng xã hội và bảo vệ sinh thái…” Mặc dù kết thúc VNMTLS, tác giả đề nghị “người đọc có những ý kiến uốn nắn, nếu thấy cần thiết”, nhưng xem ra điều BSNKV viết từ 24 năm trước, có vẻ như vẫn đúng với thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay.
c)- Cũng về cách đánh giá BSNKV và VNMTLS, ông HL có ý mỉa mai khi nhắc đến “những lời tán dương nồng nhiệt của nhiều tác giả tên tuổi” (như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nhà phê bình Mai Quốc Liên, ông Hoàng Tùng) vì HL “đã đọc cuốn sách một cách khó nhọc, đã buồn bã suy tư…”. Điều cần “đính chính” (không phải cho BSNKV mà cho các “tác giả tên tuổi” bị HL điểm danh) tuy không thật quan trọng, nhưng cũng cần tránh gây hiểu lầm: đó là ngoại trừ lời khen của ông Hoàng Tùng là dành riêng cho cuốn VNMTLS (in ở bìa 4 bản in năm 2007 của ThaiHaBoosk), còn nhận xét của bà Nguyễn Thị Bình và Giáo sư Mai Quốc Liên là viết về toàn bộ tác phẩm của BSNKV – câu của Giáo sư Mai Quốc Liên trích từ bài viết đăng báo “Sức khỏe & Đời sống”, ngay sau khi BSNKV qua đời năm 1997, khi bản dịch VNMTLS ra tiếng Việt chưa xong, nên trong bài, Mai Quốc Liên không có chữ nào nhắc đến công trình này mà nêu các tác phẩm nổi tiếng khác của BSNKV như Bàn về Đạo Nho, bản dịch Kiều và bộ tuyển, nghiên cứu văn học…; còn câu của bà Nguyễn Thị Bình là trích từ bài viết đăng mở đầu cho tất cả các tập trong bộ Nguyễn Khắc Viện – Tác phẩm, NXB Lao động dự kiến in nhiều tập, nhưng do “đối tác liên kết” gặp khó khăn, mới chỉ in được 3 tập, tập I ra đời năm 2002… Lúc này, cuốn VNMTLS cũng dịch chưa xong! Ông HL nhầm, có lẽ do không đủ tư liệu. Nói rõ như vậy, cũng để thấy, giả như không có công trình VNMTLS, sự đánh giá của các “tên tuổi” cũng như phần lớn dư luận về BSNKV lâu nay sẽ không thay đổi, mặc dù VNMTLS “vẫn là một cuốn sách tham khảo có giá trị bằng tiếng nước ngoài về lịch sử Việt Nam” như “Lời ghi nhận của NXB Thế giới” trong bản tiếng Pháp in năm 2007…
d)- Xin nêu thêm hai chi tiết thật là nhỏ, nhưng có lẽ cũng cần làm sáng tỏ hơn:
+ Ngay đầu bài viết, HL trích từ “không gian ảo” một đoạn thư của BSNKV viết ngày 30/11/1986 gửi Tố Hữu – “một quan đại thần của triều đình, cũng là đại thần của thi ca cách mạng Việt Nam” và nêu câu hỏi: “… không biết bức thư của vị “sĩ phu hiện đại” có được gửi đi hay không…”
Về chuyện này, BSNKV đã nhắc đến trong Hồi ký mới xuất bản, thư đã gửi đi, nhưng nhà thơ Tố Hữu không trả lời – tức là thư có thật, chứ không “ảo”, hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 Hà Nội. BSNKV cho biết ông viết thư trước Đại hội 6, khi “dư luận giới trí thức nghe tin đồng chí Tố Hữu có khả năng làm Thủ tướng, chẳng ai vui lòng cả…”. Tuy vậy, cần “đính chính” một câu mà HL (có lẽ do lấy từ “không gian ảo”) trích không chính xác. Câu trích của HL như sau: “… Anh mà trở lại Trung ương, trở lại chức quyền là chôn vùi sự nghiệp thơ trong lòng nhân dân”. Nguyên văn BSNKV viết: “…Anh mà trở lại Trung ương, Bộ Chính trị thì bài báo đối ngoại đầu năm tôi phải viết sẽ là bài “La mort d’un poète”. Chắc không được đăng, nhưng ít nhất cũng được truyền trong một số bạn” (Mấy từ tiếng Pháp trong đoạn này có nghĩa: “Cái chết của một nhà thơ”) Sau đó, đồng chí Tố hữu không trúng cử Trung ương, nên chắc là hai vị nếu gặp nhau ở “thế giới khác” vẫn sẽ “mãi mãi giữ lấy tình cảm thắm thiết” như câu cuối lá thư BSNKV đã viết…
+ Điều này thì còn nhỏ nhặt hơn: HL “đặt bên nhau hai cuốn lịch sử của hai tác giả, cuốn “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim và VNMTLS của BSNKV… một nhà giáo khiêm cung nhận “sử lược”… một “tự hào rằng “một thiên lịch sử”…” Cái ý mỉa mai của HL thì đã rõ rồi. Chỉ xin nhắc tên nguyên bản tiếng Pháp là “Vietnam une longue histoire”, chẳng lẽ dịch là “Việt Nam một cuốn lịch sử dài” là hay hơn sao?…
***
Xin được tự nhận mình như là “người trong cuộc”, tôi nêu lên một số tư liệu để mọi người có thêm căn cứ bình xét; còn việc đánh giá VNMTLS, nếu thấy cần thiết, có lẽ Hội Nghiên cứu lịch sử Việt Nam là cơ quan có tiếng nói có “trọng lượng” nhất. Là một người không chuyên về sử học, tôi nghĩ rằng bạn đọc nước ngoài (hầu hết là trí thức) có thừa điều kiện để tìm sách báo viết về Việt Nam, chắc là không đến nỗi dại hay bị lừa bỏ tiền ra mua sách của BSNKV. Họ cũng thừa biết BSNKV là một người cộng sản; mặt khác, từ khi Đất nước bước vào Đổi Mới 1986, với sự lan tỏa nhanh chóng của truyền thông, họ cũng biết BSNKV là người cộng sản đã thẳng thắn đặt vấn đề xây dựng một “Đảng kiểu mới” với rất nhiều thư và kiến nghị mạnh mẽ gửi lãnh đạo cấp cao đòi hỏi mở rộng dân chủ, thay đổi phương thức lãnh đạo… Vậy thì VNMTLS – ngoại trừ mấy chi tiết HL trích dẫn (và cũng có thể còn vài chi tiết nữa) có thể có một số nhận định chưa thỏa đáng, “vết tích của một thời” còn “ngây thơ” như chính BSNKV thừa nhận trong cuốn Hồi ký mới xuất bản, tất cả cộng lại nhiều lắm chỉ mươi trang, còn 490 trang nữa, hẳn là có “phẩm chất chi đó” vượt lên sự chi phối của ý thức hệ và sự “nóng lạnh” thất thường của thời cuộc, cuốn sách mới có thể được in nhiều thứ tiếng và đã in lại đến 7-8 lần!…
Điều cuối cùng, tôi gửi lời cảm ơn ông HL mà tôi chưa có hân hạnh quen biết vì dù sao bài viết của HL – tuy có một số điểm không chính xác, một số nhận định không thỏa đáng – đã tạo cơ hội cho chúng tôi cung cấp một số tư liệu có thể nhiều người chưa rõ, để có thêm căn cứ khi bình xét công trình VNMTLS cũng như về sự nghiệp BSNKV, nếu quả là việc đó cần cho hậu thế như HL từng viết, chứ BSNKV còn cần chi sự tôn vinh nữa! (HL khi trả lời Đinh Thắng đã viết: “Cụ Viện đã là một nhân vật lịch sử, mọi khen chê với Cụ là vô nghĩa, nó chỉ thực sự có ý nghĩa với các thế hệ học trò của Cụ thôi”).
N.K.P.
Địa chỉ liên hệ: Nguyễn Khắc Phê, 8 Xuân Diệu, Huế. ĐT: 0234.3828399. Mobile: 098.9965409; Email: ngkphe@gmail.com
Tác giả gửi Nguyễn Huệ Chi, NHC đề nghị in lại trên BVN. Bài 1 đã in trên Tạp chí Kiến thức ngày nay số 973, ra ngày 20/8/2017.