Inrasara
Đọc: 10 Bài học từ Fukushima – Giảm thiểu rủi ro và bảo vệ cộng đồng trước thảm họa hạt nhân, do Ủy ban Xuất bản Tập sách Fukushima, 74 trang, khổ 14,5-20,5cm.
Sách tặng không bán, phát hành vào ngày 11-3-2015.
Ngày 25-11-2009, với 77,48% phiếu tán thành, Quốc hội Việt Nam thông qua Dự án Nhà máy Điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Khác với thông lệ, đa phần dự án trên đưa xuống, con số biểu quyết luôn lên ở cấp độ trên 90%. Sự thể cho thấy ở đó, vẫn có nhiều người hiểu và phản đối. Và dù không ngăn được chủ trương “trên” – nhưng hơn 22% đại biểu đã dám thể hiện trách nhiệm “đại biểu” của mình đủ nói lên tính gai góc của vấn đề. Thế nên không lạ, ngày 22-11-2016, nghĩa là chỉ thiếu 3 ngày tròn 7 năm, khi vấn đề lần nữa được đưa ra, 92% Quốc hội bỏ phiếu tán thành dừng Dự án.
Bởi xu thế chung hay tác động từ ngoài, hoặc giả do “thiếu tiền” hay các đại biểu được nâng cao nhận thức về tác hại của khủng loại nhân tạo này, chúng ta không biết được. Chỉ biết rằng Dự án hoàn thành hai Nhà máy Điện hạt nhân tại tỉnh cộng đồng Chăm tập trung đông nhất nước đã được quyết: “dừng”.
Không mừng sao?!
Bà con dân lành Ninh Thuận và cả đất nước Việt Nam mừng, các nhà đấu tranh cho môi trường mừng. Và tôi, với tư cách con dân Ninh Thuận và là một trí thức Chăm – mừng. Dẫu sao cạnh đó cũng không ít người chưa hết lo. Chị Thục Quyên là một.
“Tôi đã không vui mừng như GS Nguyễn Khắc Nhẫn, GS Michiko Yoshii, nhà văn Inrasara, là những người tôi vô cùng quí mến, khi họ chia sẻ với tôi, từ tin đồn rồi cho tới tin chính thức là nhà nước Việt Nam ngưng dự án điện hạt nhân.
Có thể hiểu được sự vui mừng của họ. “Tạm mừng”, như anh Inrasara nói.
Viễn ảnh một Tcherfunith (Tchernobyl, Fukushima, Ninh Thuận) thê thảm bi đát cho dân tộc Chăm tại Việt Nam, nếu bây giờ vì bất cứ lý do gì không còn kề cổ thì cũng đem tới một thở phào nhẹ nhõm. Còn GS Nguyễn Khắc Nhẫn với một đời kinh nghiệm trong ngành, cặm cụi suốt 13 năm viết hơn 60 bài về điện hạt nhân và năng lượng tái tạo để mong gióng chuông, chỉ cho Việt Nam tránh con đường chết, theo con đường sống, thì làm sao không hạnh phúc khi nghe nhà cầm quyền quyết định ngưng không đẩy dân tộc xuống hố diệt vong?
Nhưng tương lai không đơn giản theo một lời tuyên bố. Sống còn hay không là tùy thuộc ở sự hiểu biết và quan tâm của chúng ta, mọi người Việt trong và ngoài nước. Vì sự dốt nát, thiếu hiểu biết, thiển cận của mình, chính là sức mạnh của kẻ khác.” (Thục-Quyên, “Tuyên bố từ bỏ điện hạt nhân chưa đủ”, Boxitvn, 9-12-2016).
Chưa mừng vội, không phải không đúng. Nhất là với các chuyên gia, trí thức và mênh mông số phận từng chịu đựng thảm họa hạt nhân như Fukushima.
Họ là những sinh linh sống sót, và hiện đang chết dở, hiểu mình và yêu người, đã cảnh tỉnh chúng ta là bộ phận nhân loại vừa thoát khỏi tai họa ở thì tương lại, qua đó cảnh báo luôn toàn thể con người sống trên “mặt đất trầm trọng và đau thương” này.
Ấn phẩm mỏng 10 Bài học từ Fukushima – Giảm thiểu rủi ro và bảo vệ cộng đồng trước thảm họa hạt nhân, do Ủy ban Xuất bản Tập sách Fukushima, phát hành ngày 11-3-2015, ra đời để gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh đó.
Ngay phần “Dẫn nhập”, Masaaki Ohashi, chủ tịch Ủy ban Xuất bản Tập sách Fukushima đã rất rạch ròi:
“Tập sách này là một thông điệp của chúng tôi – người dân Nhật Bản – gửi tới mọi người trên thế giới. Chúng tôi là những người đã và đang tiếp tục gánh chịu hậu quả của thảm họa hạt nhân diện lớn tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Đối tượng của tập sách này là con số rất đông những người trên thế giới đang lo ngại về nguy cơ tương tự như Fukushima có thể xảy ra cho họ, đặc biệt là những người sống ở các quốc gia có nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động hoặc đang được dự trù xây dựng.”
Đồng tác giả không chỉ có chuyên gia và trí thức, mà còn là nhân dân Nhật Bản, những người đã chịu hi sinh mất mát, chịu khốn đốn thống khổ, cùng bao nguy cơ rình rập nhỡn tiền; từ biển nước mắt, họ “chia sẻ kinh nghiệm về Fukushima” với chúng ta, “những người không phải là chuyên gia”, càng không phải chính trị gia hay thương gia, mà là con người. Viết, họ quyết “ngăn chặn thảm họa hạt nhân và giảm thiểu thiệt hại khi chúng xảy ra”. Với tất cả mọi người.
Tập sách mỏng, 74 trang khổ sách, ấn bản tiếng Việt với “lời tựa” của Thục Quyên (Save Vietnam’s Nature). Sách phân làm 3 chương:
Chương 1: Điện hạt nhân là gì, phóng xạ là gì?
Chương 2: Chuyện gì đã xảy ra tại Fukushima, và 10 bài học kinh nghiệm.
Chương 3: Luật quốc tế và Khung hành động để giảm thiểu rủi ro tai họa mà chúng ta có thể xử dụng để bảo vệ bản thân.
Cuối cùng là “Lời bạt” của Akira Kawasaki. Ở lời bạt cuối sách, Akira Kawasaki – khác với phong cách thường thấy ở người Nhật – đã tuyên rất cứng:
“Chúng tôi kiên quyết hy vọng rằng tập sách này có thể vượt qua biên giới trong việc kết nối các kinh nghiệm của nhiều người và những bài học chung với nhau, và nó có thể được sử dụng trong việc xây dựng xã hội chống tai họa để bảo vệ cuộc sống của con người”.
Thông điệp với 10 bài học Fukushima được đưa ra, với các “chuyện bên lề” vừa là tang chứng vật chứng thảm họa Fukushima, vừa làm cho tác phẩm dễ đọc, dễ vào.
Nhìn lại Formosa, người Việt Nam không khỏi rùng mình vì sự thiếu hiểu biết, tham lam và vô trách nhiệm của chính mình, cả người làm lịch sử lẫn kẻ chịu đựng lịch sử. Đó là bài học gần, vừa diễn ra trong nhà ta, bởi ta và của chính ta. Mới là nhà máy thép thôi mà cả 4 tỉnh bắc miền Trung đã liểng xiểng, nói chi! Dẫu sao qua đó người Việt Nam ít nhiều cũng rút ra được bài học, khi ngày 24-10-2015, UBND tỉnh Ninh Thuận ký hợp tác đầu tư Dự án hạ tầng Khu công nghiệp & Khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná, công suất từ 6-12 triệu tấn, đôn lên thành 16 triệu tấn, ta đã hiểu biết hơn và trách nhiệm hơn. Kết quả: Dự án đã phải dừng.
Vậy lên tiếng, hay không lên tiếng?
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân mới qua chục năm vận hành, đã sản xuất ra gần triệu mét khối chất thải [được phép] đổ ra biển Bình Thuận, rồi còn hứa hẹn 2,4 triệu mét khối nữa! Lên tiếng, “trên” cũng phải nghe. Nghe vì sợ sức mạnh của nhân dân, hay vì đã hiểu – không ai có thể đoán biết được. Dẫu sao họ đã nghe!
Rác ở tầm nhà máy nhiệt điện mà còn thế, huống hồ thứ rác Nhà máy Điện hạt nhân…
TFN, 12-8-2017
PHỤ LỤC.
Đâu là 10 bài học?
Bài học thứ 1: Đừng để bị lừa bởi huyền thoại “an toàn”.
Bài học thứ 2: Trong trường hợp khẩn cấp, điều cơ bản đầu tiên là bỏ chạy.
Bài học thứ 3: Tiếp cận thông tin và ghi lại hồ sơ là những điều rất quan trọng.
Bài học thứ 4: Người bị ảnh hưởng bởi thảm họa có quyền được khảo sát sức khỏe toàn diện và phải được thông tin.
Bài học thứ 5: Việc quan trọng là tạo một hệ thống giám sát, trong đó các nhà sản xuất và người tiêu dùng đều có thể tham gia.
Bài học thứ 6: Không thể trừ khử hoàn toàn một tình trạng ô nhiễm phóng xạ.
Bài học thứ 7: Công nhân làm việc tại nhà máy điện hạt nhân phải được cung cấp chế độ chăm sóc sức khỏe thích hợp.
Bài học thứ 8: Không thể bỏ qua tầm quan trọng của việc tái lập cách sống và cộng đồng.
Bài học thứ 9: Những đạo luật về quyền lợi và chương trình cứu trợ những người bị ảnh hưởng phải được soạn thảo với sự tham gia của họ.
Bài học thứ 10: Thiệt hại do tai nạn phải được tính vào tổng số “phí tổn cho năng lượng hạt nhân”.
Riêng bài học thứ 10, ta hãy đọc trực tiếp vào nguyên bản:
“Các chính phủ và các tập đoàn cất giọng ca ngợi điện hạt nhân thường tuyên bố: “nó sẽ đem lợi ích đến cho nền kinh tế địa phương” hoặc “điện hạt nhân tương đối rẻ hơn”. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, cách tính toán đã bỏ qua các chi phí vì tai nạn, tiền bồi thường, và khoản chi phí cần để dọn sạch sau tai nạn… Trong trường hợp Fukushima, TEPCO mang trách nhiệm nhưng đã không bị phá sản và trong thực tế vẫn tiếp tục hoạt động bình thường. Lý do là vì TEPCO, thủ phạm của vụ tai nạn này, đang được giữ tồn tại bằng những vun đắp từ tiền thuế của chính những nạn nhân: người dân Nhật Bản.”
Kỉ niêm không thể quên.
Tối 13-3-2011, một nhà hảo tâm người Nhật về palei Chakleng phát quà cho chị em Chăm nhân Ngày Phụ nữ. Đang thưởng ngoạn Hani múa và “già làng” Chăm kể chuyện, thì tin về thảm họa hạt nhân Fukushima bay đến. Nhà ông nằm cách Fukushima chưa tới 20 km. Đứa con gái phone nhắn bố cứ ở lại Việt Nam, chờ tình hình ổn định mới về. Ông nói, chính lúc này papa mới cần về gấp. Và ngay sang hôm sau, ông ra Cam Ranh bay vào Sài Gòn, để về chịu cùng khổ với người thân và bà con.
I
Tác giả gửi BVN