Nguyễn Đình Cống
Thường thường trong mỗi sự việc bao gồm 2 mặt đối lập: tốt và xấu, lợi và hại, họa và phúc, v.v… Câu triết lý thường gặp là: “Trong họa có phúc, trong phúc có họa”. Về lợi và hại có nhiều câu châm ngôn hay, tựu trung lại là: Định làm việc gì, ngoài cái lợi đã thấy rõ cần phải nghiêm túc suy nghĩ đến những điều hại nó có thể mang lại.
Liên quan đến việc xử lý lợi hại, có 2 loại người khác nhau, tạm gọi theo cách của người xưa là tiểu nhân và quân tử (có thể xem tiểu nhân là bọn đểu cáng, quân tử là người tử tế). Quân tử và tiếu nhân không phân biệt giàu nghèo, học vấn, chức vụ, địa vị xã hội, v.v… chỉ phân biệt bởi thái độ của họ trong đối nhân xử thế, trong đó có vấn đề đối với lợi lộc.
Kẻ tiểu nhân rất quan tâm đến lợi, khi thấy lợi là mờ mắt, tối trí, tìm đủ mọi cách để thực hiện. Vì lợi họ quên luôn đạo lý, không nhận ra những tác hại ẩn nấp đằng sau. Họ là những kẻ vừa ngu, vừa tham, nếu có thêm sự độc tài của quyền lực nữa thì vô cùng nguy hiểm. Vụ việc Formosa, vụ việc Trịnh Vĩnh Bình là vài thí dụ rõ ràng và cay đắng. Kẻ tiểu nhân, khi bị phát hiện vì muốn lợi cho bản thân hoặc phe nhóm mà làm hại đến người khác, làm hại cộng đồng thì tìm cách bào chữa, che giấu, đổ lỗi cho khách quan, cho hoàn cảnh, cho người khác. Lúc này chúng lộ rõ bộ mặt gian dối, đểu cáng.
Người quân tử quan tâm nhiều hơn đến đạo lý. Khi định làm việc gì, ngoài cái lợi họ nghĩ ra cho bằng hết những điều hại. Họ suy xét, cân nhắc. Nếu cái hại là to lớn, là nguy hiểm, là vi phạm đạo nghĩa thì không làm, hoặc nếu bắt buộc phải làm thì tìm cách ngăn ngừa, hạn chế những điều hại. Họ là những người thông minh, chính trực. Khi vô tình hoặc vì kém trình độ, chưa thấy trước cái hại, nó bộc lộ ra thì họ tự nhận lỗi, chịu trách nhiệm, tìm cách khắc phục. Họ thể hiện sự chính trực, dũng cảm.
Rất khó phân biệt rạch ròi ai quân tử, ai tiểu nhân. Bạn có thể là quân tử trong việc này, nhưng lại tiểu nhân trong việc khác. Thông thường có thể đánh giá trong người bạn chất quân tử hay chất tiểu nhân chiếm ưu thế, khoảng bao nhiêu phần.
Vụ việc Trịnh Xuân Thanh đang thử thách xem những ai có chất quân tử hay chất tiểu nhân đến bao nhiêu. Việc bắt và xét xử Thanh đúng luật, đúng tội là cần thiết. Nhưng bắt bằng cách nào để được mọi người chấp nhận, mang lại ít tai họa nhất. Nếu dùng biện pháp bắt cóc, bắt được Thanh mà gây ra nhiều tai họa thì những người thông minh chưa chắc đã làm. Hãy phân tích những mặt lợi và hại của việc này.
Lợi: Bắt được Thanh, thỏa mãn được tự ái của một số người nào đó, thỏa mãn được mong đợi của một số người nào đó, răn đe được một số kẻ phạm tội tìm cách đi trốn, thể hiện được khả năng của tình báo VN.
Hại: Thể hiện rõ bản chất coi thường pháp luật, thích dùng luật rừng. Coi thường pháp luật quốc tế, làm cho uy tín của nhà nước VN giảm thấp, nhân dân thế giới và chính phủ các nước xem hành vi mật vụ nước này bắt cóc người tại nước khác (không cần biết người nào) là ngang với hành động khủng bố. Đối với người Việt ở nước ngoài, lâm vào khủng hoảng niềm tin, gặp thêm khó khăn khi các nước sẽ khắt khe hơn trong các thủ tục, làm hỏng hình ảnh người Việt thân thiện. Họ trước đây đã bị kỳ thị ở một số nơi, nay sự kỳ thị sẽ tăng lên, họ hoang mang,mất lòng tin vào sự hành xử của Chính phủ và Sứ quán. Đối với nhân dân và Chính phủ Đức, tác hại vô cùng to lớn. Đức là nước lớn, rất coi trọng nhân quyền và pháp trị. TXT đã nộp đơn xin cư trú, theo luật của Đức, Thanh đã được luật pháp bảo vệ. Bắt cóc Thanh ngay trên đất Đức là một cái tát vào luật pháp của họ. Sự phản ứng mạnh mẽ của Bộ Ngoại giao Đức bằng việc triệu tập Đại sứ, trục xuất đại diện tình báo Nguyễn Đức Thoa và đòi trả TXT trở lại Đức là một cú đấm mạnh hơn. Rồi nữa, những quan hệ sắp tới trong việc ký Hiệp định thương mại, trong việc Đức viện trợ và đầu tư. Rồi vấn đề Biển Đông. Khi đụng sự gì VN rất mạnh mồm tuyên bố tôn trọng luật pháp quốc tế. Rõ ràng trước mắt, người ta thấy VN chẳng coi luật pháp QT ra cái gì. Rồi VN đăng cai cuộc hội nghi thượng đỉnh APEC năm 2017, các nước đến nhìn thấy rõ một vết nhọ trên mặt chủ nhà.
Chưa hết, sau khi Đức công bố chứng cứ vụ bắt cóc thì Bộ NG và các truyền thông VN vẫn cố nói rằng TXT về đầu thú. Hai nguồn tin khác nhau. Lừa được một số ít người trong nước chứ lừa thế nào được nhân dân và Chính phủ trên toàn thế giới. Hỏi, thế giới tin ai hơn. Khi người ta tin Đức hơn thì rõ ràng VN lộ rõ mặt dối trá. Điều này làm tăng nguy cơ bị xa lánh lên rất nhiều.
Có một vài ý đoán răng, không khéo VN mắc mưu Trung Cộng mà không biết. Mưu bắt cóc TXT có thể do Trung Cộng bày cho, để đẩy VN vào tình thế bị các nước xa lánh, bị cô lập. Vậy muốn sống sót VN chỉ còn con đường ôm chân chúng nó, lệ thuộc chúng nó.
Lợi và hại sờ sờ ra như vậy, thế mà có người còn viết: “Chịu thiệt thòi chút đỉnh về đối ngoại, nhưng đạt được thành quả to lớn về chống tham nhũng…”. Lại có người còn đem luận thuyết mèo trắng, mèo đen để biện hộ, để bao che, để đổ vấy. Loại người như vậy cái chất tiểu nhân đã chiếm gần trọn vẹn nhân cách.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN