“50 năm nữa, những người ngồi đây thành đống tro tàn rồi, ai biết tương lai thế nào?
Chuyển trung tâm hành chính lên Ba Vì chỉ lợi cho cán bộ lấy cớ đi công tác, cuối tuần từ nội đô qua Ba Vì nghỉ ngơi.
Đó cũng là cách tạo cớ cho kẻ đầu cơ tăng giá đất đai. Có người còn bảo, nhiều cán bộ có trang trại lớn ở Ba Vì, muốn có đồ án này để đẩy giá lên, bán đi ôm tiền vào túi” – Chủ tịch Hội Luật gia Phạm Quốc Anh, đại biểu Đồng Nai.
Thì BVN cũng đã nói đúng thư thế từ mấy ngày trước. Chúng tôi xin được nhắc lại để chúng ta cùng hiểu rõ bụng nhau: “Cứ ngẫm nghĩ một tí khắc thấy cái dự án đưa Trung tâm Hành chính quốc gia vào tận chân núi Ba Vì chỉ là một cách xướng lên thế để tạo ra một cơn sốt đất ảo ở cái nơi khỉ ho cò gáy ấy thôi. Và quả nhiên cơn sốt đất ảo kia đã bùng nổ từ khi đồ án được công bố đến nay làm nhiều người phát ngốt. Sẽ có những kẻ bán trôi được bao nhiêu hecta đất từ lâu sở hữu ở đây và trở thành tỷ tỷ phú rất nhanh, sau đó khi đã bán xong bằng giá gấp mười, gấp mấy chục lần, vàng đã gửi đến nơi cần gửi, thì chiếc bong bóng ảo sẽ lại xẹp xuống. Chứ ai mà lại tin được rằng một trung tâm điều hành đất nước lại dại dột bỏ Hà Nội nghìn năm để đâm đầu vào núi kia chứ. Xin hãy nhìn vào thời hạn: phải đến 2050 thì Dự án mới thực hiện, có nghĩa là đến lúc ấy những người đề xuất dự án đã đi chầu ông bà ông vải hết tất tật. Dự án có thực thi hay không, bấy giờ có mà kiện củ khoai. Mẹo của những “cái ghế” ai còn lạ gì nữa”.
Bauxite Việt Nam
Thảo luận tổ chiều nay (2/6) về đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm không đồng ý đặt trục Thăng Long. Một loạt đại biểu phản đối đưa Trung tâm hành chính quốc gia lên tận Ba Vì.
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm (ĐB Đà Nẵng): “Tôi không đồng ý đặt trục Thăng Long như thế”
Trục Thăng Long đúng là điều tôi băn khoăn vì rất gần trục Láng – Hòa Lạc, chỉ cách nhau có 4km. Khi chọn trục này, tôi chắc liên quan đến vị trí đặt trung tâm hành chính quốc gia.
Ý kiến cá nhân, tôi không đồng ý đặt trục Thăng Long như thế, quá tốn kém. Nên chăng nghiên cứu một trục khác phù hợp hơn.
Về Trung tâm hành chính quốc gia, tôi cũng phân vân nhưng lại nói là quy hoạch cho 40 – 50 năm sau. Không biết đến năm thứ 40, thế hệ sau có sáng kiến khác không. Ở đây chủ trương chỉ tách khối hành chính, Đảng và Quốc hội vẫn để nguyên vì không thể dời các cơ quan chính trị khỏi khu vực Ba Đình. Điều này thì trong Chính phủ nhất trí rất cao vì đây là cái nôi của truyền thống cách mạng Việt Nam.
Phân vân của các đại biểu về việc tách này cũng là phân vân chung trong Chính phủ khi bàn nhưng sau đã thống nhất. Tôi chỉ lo khối cơ quan trong Chính phủ, trụ sở Bộ Tài chính đã xây to trong nội thành rồi. Các bộ khác cũng đã nhắm không gian quy hoạch riêng, giờ lại bàn sau 30 năm nữa dồn hết về chân núi Ba Vì.
Trụ sở Bộ Ngoại giao đang xây dựng là công trình thế kỷ, cho 100 năm chứ có phải một chốc một lát mà dời đi được đâu.
Chủ tịch Hội Luật gia Phạm Quốc Anh (ĐB Đồng Nai):
50 năm nữa, những người ngồi đây thành đống tro tàn rồi
Chọn Ba Vì là Trung tâm hành chính thực chất là cuộc dời đô. Kéo theo việc chuyển trụ sở các bộ, ngành, cơ quan hành chính là việc di dân, gây gánh năng lớn. Việt Nam quen với kiểu “sớm vác ô đi, tối vác về”, không có chuyện viên chức một mình lên Ba Vì làm việc, mà kéo theo cả gia đình, vợ con. Đề án khiến cho cán bộ nhân viên tâm tư.
Chuyển trung tâm hành chính lên Ba Vì chỉ lợi cho cán bộ lấy cớ đi công tác, cuối tuần từ nội đô qua Ba Vì nghỉ ngơi.
Đó cũng là cách tạo cớ cho kẻ đầu cơ tăng giá đất đai. Có người còn bảo, nhiều cán bộ có trang trại lớn ở Ba Vì, muốn có đồ án này để đẩy giá lên, bán đi ôm tiền vào túi.
Việc chia tách Trung tâm hành chính với Trung tâm chính trị là không thực tế. Ngay cả khi tách ra thì cũng không nước nào trên thế giới để trung tâm hành chính và trung tâm chính trị cách xa tít tắp như mình.
Mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh – sạch – đẹp xa vời. Nêu vấn đề chiến lược thì tốt, nhưng bắt tay làm như thế nào để hiệu quả thiết thực mới là chuyện. Không cần đi đâu xa, hãy học Đà Nẵng, nói ít mà làm cụ thể. Phải tạo chuyển biến rõ rệt nội đô cho đàng hoàng. Nội đô hiện nay cứ nay đào mai bới. Nhà cổ khi bảo giữ, lúc nói phá, không nhất quán.
Kỳ này Quốc hội toàn bàn những đại dự án: đường sắt cao tốc (56 tỷ USD), quy hoạch Hà nội (90 tỷ USD) cộng thêm với điện hạt nhân, thủy điện Lai Châu, con số lên tới cả 200 tỷ USD. 50 năm nữa, lúc đó những người ngồi đây đều thành đống tro tàn rồi, ai biết tương lai thế nào?
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận: Lãng phí. Hãy tính lại
Tôi hoan nghênh Chính phủ có đồ án để 50 năm nữa có diện mạo Thủ đô mới. Nhưng có hai điểm tôi không tán thành: Trục Thăng Long và khu hành chính ở Ba Vì.
Lý do rất nhiều nhưng hai cái này thể hiện một điều: lãng phí. Chúng ta có đường cao tốc Láng – Hòa Lạc, chỉ cách song song trục này 4 -5 cây số. Tôi cũng muốn nhìn xa, không lo ngại đâu, nhưng có ai dám đảm bảo chắc chắn rằng Hà Nội và Hà Tây vĩnh viễn, mãi mãi chỉ là một?
Tôi cũng không tán thành tách khu hành chính khỏi khu chính trị. Cơ quan Đảng ở đâu thì Chính phủ, Quốc hội, Chủ tịch nước phải ở đó, làm gì có chuyện tách ra. Cứ nói sau này tàu điện ngầm chạy ầm ầm, 3 tiếng đến nơi, nhưng chạy phải có tiền. Đất Hà Nội tuy chật nhưng vẫn còn rộng. Khu hành chính không nhất thiết phải ở xa. Tất nhiên cũng không thể ở khu Ba Đình được, nhưng có thể ở khu Mỹ Đình.
Điều lo lắng thứ ba, đó là quản lý quy hoạch của chúng ta. Những năm 1970, khi ở chiến trường ra, đi học ĐH Bách Kkhoa, vào đó thấy Liên Xô quy hoạch cho chúng ta một trường ĐH cực đẹp, toàn cây, lối đi, có bạn bè bên ĐH Kinh tế quốc dân ngay bên cạnh, dắt tay nhau đi công viên cả ngày không hết, còn bây giờ đã bị “xẻ thịt” thành phường Bách khoa rồi.
Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng: Tôi vẫn chịu, không hiểu
Trụ sở cơ quan công quyền ở các nước người ta sử dụng mấy trăm năm, dân xây ngôi nhà bình thường cũng tính toán ở trong cả trăm năm. Tôi không thể hiểu được vì sao ta xây trụ sở cơ quan Chính phủ ở Mỹ Đình rồi 30 năm sau, tức 2050, đã lại dời đi. Như thế có phải là làm tạm không?
Trung tâm chính trị ở Ba Đình, tức là Đảng, Quốc hội, Nhà nước. Riêng Chính phủ đi lên Ba Vì. Vì sao phải tách ra như thế? Họp Thường vụ QH, tôi đã nêu câu hỏi, Bộ trưởng Xây dựng đã giải trình nhưng tôi vẫn chịu, không hiểu.
KL – LN – PL – XL – VA
Ảnh: Lê Anh Dũng