Pháp luật Nhà nước ta từ lâu đã có quy định: Tòa án xử án oan sai phải tổ chức xin lỗi công dân và phải bồi thường vật chất. Vậy nhưng quan chức có những quyết định sai, gây lãng phí lớn của Nhà nước, làm mất lòng tin trong nhân dân thì sao? – Ngô Huy Giao.
Câu hỏi của vị KTS rất dễ trả lời trong điều kiện những xã hội vận hành bình thường, nhưng ở Việt Nam, tình trạng đã ở mức không thể gọi là tồi tệ nữa mà tồi tệ đến mức khó còn dùng từ gì cho thích đáng. Đồng tiền làm mờ mắt gần như tất cả quan lớn quan nhỏ và sự đòi tiền trở nên trắng trợn đến ngột thở. Chính vì thế, giải đáp câu hỏi trên bỗng khó vô cùng. Ai mà đứng ra phân xử được ai vì có ai dám tin rằng mình “thiết diện vô tư”, tay chưa nhúng chàm để không bị bóc mẽ?
Bauxite Việt Nam
Quyết định sai, gây lãng phí lớn
Chỉ riêng quản lý đô thị khu vực Hồ Gươm từ năm 2008 đến nay, hàng loạt quyết định của cơ quan quản lý quy hoạch kiến trúc đã bị nhân dân phản ứng, công luận phê phán, người viết bài này xin thử liệt kê:
1. Thỏa thuận cho xây dựng Trung tâm Thương mại dịch vụ dài 102m, cao 54m trên 1500m2 đất do các ngành thuộc điện lực quản lý. Có thỏa thuận của các nhà quản lý kiến trúc đô thị, chủ đầu tư đã tổ chức thi tuyển thiết kế có cả tư vấn nước ngoài tham gia.
2. Nhà cao tầng làm văn phòng và căn hộ cao cấp tại số 2 Hai Bà Trưng kề liền Quảng trường 19-8 (Nhà hát Lớn).
3. Khách sạn lấn đất công viên Thống Nhất.
4. Cao ốc trên khu đất Chợ 19-12 (vốn xưa là con đường)
5. Tiếp tục thỏa thuận Trung tâm Thương mại dịch vụ cho Công ty Thiết bị điện làm chủ đầu tư. Công trình nhỏ hơn lùi vào so với chỉ giới đường Đinh Tiên Hoàng, cao 24m và 32m.
6. Cho xây dựng Trụ sở Ban quản lý khu vực Hồ Gươm trên khu đất trước nhà Thủy Tạ, nơi giao nhau của các ngả đường ven hồ, án ngữ phố cổ và Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Một số thí dụ nêu trên, có cái đã thiết kế xong, có cái đang thi công, tốn kém không biết là bao nhiêu tỷ đồng.
“Thần thiêng nhờ bộ hạ”, chính quyền dựa vào các Kiến trúc sư, mà các KTS hiến kế như vậy thì làm sao “thần thiêng” được?
Theo tôi, các quyết định trên phạm phải những sai lầm sau:
– Vi phạm Luật Xây dựng: Nếu các tác giả dựa vào bản thiết kế quy hoạch chi tiết từ năm 1995 cũng không được, không đúng, vì sai chức năng sử dụng đất. Theo bản thiết kế quy hoạch chi tiết này, không có Trung tâm Thương mại dịch vụ. Bản quy hoạch này đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa ủy quyền Thủ tướng phê duyệt.
– Vi phạm không gian cảnh quan Hồ Gươm: Thực tế đang đòi hỏi không gian Hồ Gươm phải được mở rộng hơn. Dịp đón xuân Canh Dần (2010) chỉ trong mấy ngày Tết có tới 4 triệu lượt người du xuân. Như vậy không gian Hồ Gươm có lúc phải nén tới hàng chục vạn người trong khu vực này. Thực tế đó cho thấy nếu chúng ta tổ chức lễ hội, phải tổ chức quanh khu hồ Gươm chứ không phải chỉ phía Đông. Lễ kỷ niệm đăng quang vừa tổ chức tại đài tưởng niệm vua Lê đã chứng minh điều này.
– Thành phố mở rộng tới hơn 3300 km2, đòi hỏi trung tâm Hồ Gươm càng phải rộng lớn hơn.
Ai là người chịu trách nhiệm, ai phải bồi thường?
Từ thực tế đó, tôi xin kiến nghị: Quy hoạch chi tiết Hồ Gươm cách đây 15 năm không thích hợp với tầm nhìn hiện nay, cần phải được mở rộng hơn. Năm 2008 thành phố đã phát động cuộc thi: “Ý tưởng quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị Hồ Gươm và phụ cận (64ha)”. Đó là cuộc thi kiến trúc lớn nhất thành phố từ xưa đến nay. Các phương án tốt đã được trao giải thưởng, cần phải chuyển thành thiết kế có tư cách pháp nhân để làm cơ sở chỉ đạo quản lý xây dựng quanh Hồ Gươm.
Thành phố đã có Điều lệ quản lý xây dựng quanh Hồ Gươm, cũng cần xem lại cho thích hợp, không thể để trung tâm văn hiến của cả quốc gia do cấp quản lý quận và Sở Kiến trúc Quy hoạch quyết định xây dựng theo ý định chủ quan của mình.
Quốc hội đang đề cao giám sát và phản biện xã hội. Khu vực này cần phải được thực hiện nghiêm túc, có sự tham gia của ngành văn hóa-thông tin-du lịch mà Hội Kiến trúc sư là phản biện chính.
Nhân đây tôi cũng xin nói thêm: Góc đường Đội Cấn-Liễu Giai có một công trình khá lớn đã 15 năm nay vẫn chỉ khung bê tông và họp chợ. Gần đây ngay trước mặt UBND quận Ba Đình, phương án là cống hóa một đoạn mương để làm sân nhưng nó đã biến thành ngôi nhà 2, 3 tầng, kiến trúc quan trọng như một trung tâm thương mại. UBND thành phố đã chỉ thị quận Ba Đình phải kiểm tra.
Những vấn đề lớn như thế này ai là người phải chịu trách nhiệm, ai phải bồi thường (tương tự như xử án oan sai, phải bồi thường).
Điều lạ là các kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội không thấy nhắc đến những việc tày trời trên. Hay vì nó “vi mô” quá nên không đáng để chất vấn.
Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-06-03-quan-chuc-quyet-dinh-sai-xu-ly-ra-sao-