Xử lý hố xói ở An Giang phải khoa học và hiệu quả

Tô Văn Trường

Bộ NN & PTNT và Tỉnh An Giang mới quyết định sử dụng nguồn vốn 47 tỷ đồng để lấp hố xoáy Mỹ Hội Đông (Chợ Mới-An Giang) thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đến cuộc sống của người dân nhưng về mặt khoa học và thực tế còn để lại những dấu hỏi lớn về cách tiếp cận khoa học, và hiệu quả của công trình.

Khoa học về chỉnh trị sông

Trên thế giới có một chuyên ngành khoa học được hình thành từ lâu đời trên nền tảng lý thuyết thủy động lực học chuyên nghiên cứu về diễn biến lòng sông và bờ biển, đây là một ngành khoa học rất phức tạp về lý luận cơ bản bao gồm toán học – cơ học – vật lý và rất khó khăn trong thực nghiệm mà cho tới nay vẫn còn những vấn đề cần phải được tiếp tục nghiên cứu.

Tên chính xác của chuyên ngành khoa học trên là “khoa học nghiên cứu diễn biến lòng sông” (bao gồm diễn biến bờ sông và diễn biến lòng dẫn), thủy động lực học lòng sông (hay thủy động lực học sông ngòi) là một phương pháp chuyên dùng các hệ phương trình vi phân đạo hàm riêng phi tuyến để nghiên cứu mô phỏng diễn biến lòng sông, ngoài ra còn có các phương pháp khác như phân tích toán thống kê, phương pháp thực nghiệm (xây dựng các công thức kinh nghiệm, xây dựng các mô hình vật lý tương tự,…).

Còn chỉnh trị sông, tức là sau khi nghiên cứu xác định được nguyên nhân hình thành và quy luật diễn biến lòng sông, thì bước nối tiếp theo là nghiên cứu xây dựng các công trình phù hợp để chỉnh trị lòng sông (gọi tắt là chỉnh trị sông) bao gồm bảo vệ bờ sông và lòng dẫn như xây dựng mỏ hàn lái dòng chảy, kè cứng bờ, kè mềm bờ, lấp hố xoáy sâu, đào sông nhánh để phân chia bớt dòng chảy sông chính, nạo vét lòng dẫn làm thông thoáng luồng lạch.

Như vậy muốn chỉnh trị sông thì có hai bước rất cụ thể và minh bạch: (1) Nghiên cứu xác định nguyên nhân hình thành và quy luật diễn biến lòng sông bao gồm bờ và lòng dẫn và (2) Trên cơ sở đó, nghiên cứu xây dựng các công trình phù hợp để chỉnh trị bờ và lòng dẫn nhằm làm ổn định lòng sông.

Nguyên nhân xói lở

Xói lở ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do tự nhiên và con người như thay đổi dòng trọng lực, do thiếu phù sa về hạ lưu, nạn khai thác cát, địa chất yếu, công trình tải trọng lớn bên bờ sông, kể cả yếu tố biến đổi khí hậu, v.v. đã làm cho tình hình sạt lở ở ĐBSCL ngày thêm nghiêm trọng.

Liên tục các năm hạn từ 2002 đến 2010 và lũ lớn năm 2011, thay đổi dòng chảy này chủ yếu là do khí hậu, chuỗi năm hạn và mưa nhiều ở 2011-2016 cho thấy tác động đến thủy văn dòng chảy do phát triển ở thượng lưu ở thời điểm hiện nay khi hiện tượng dòng chảy, bùn cát trên sông Mê Công giảm trong những năm gần đây là điều bất thường.

Thủy văn triều biển: Triều cường liên tục tăng cao từ 2005 đến nay, làm gia tăng tốc độ dòng chảy trên dòng chính. Phát triển đê bao, bờ bao ngoài những lợi ích thấy rõ, đồng thời cũng làm gia tăng tốc độ gây xói.

Trong những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản (đặc biệt là nuôi tôm sú, tôm càng xanh, cua biển, các loài nhuyễn thể,…) phát triển mạnh tại hầu hết các huyện ven biển. Chính nghề này đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều tỉnh. Nhưng sự phát triển tự phát, tràn lan, thiếu quy hoạch đã tàn phá nhiều hecta rừng ngập mặn ven bờ biển, đã có dấu hiệu gây suy thoái môi trường, làm mất cân bằng sinh thái, tăng nguy cơ phá vỡ quá trình phát triển kinh tế – xã hội bền vững trong khu vực. Hậu quả trước mắt là làm mất cân bằng địa động lực vùng bờ, gây nên xói lở bờ nghiêm trọng tại nhiều nơi.

Ngoài ra, tình trạng xây dựng các công trình trái phép lấn chiếm mặt sông làm cản trở việc thoát lũ, dẫn đến hiện tượng xói lở cục bộ phía sau công trình; tình trạng xây dựng các tuyến đường giao thông có cao trình vượt lũ năm 2000 và đê bao trong thời gian qua cũng đã làm giảm lượng nước lũ chảy vào nội đồng, đồng thời làm tăng tốc độ dòng chảy và lưu lượng lũ vào hai dòng chính gây xói lở bờ sông. Xói lở do sóng tạo ra từ hoạt động vận tải thủy gây ra, ngoài ra còn nhiều diện tích nuôi thủy sản ở các khu vực bãi bồi và neo đậu bè cá không đúng qui hoạch, làm co hẹp và chuyển dịch dòng chảy gây xói lở bờ sông.

Hoạt động khai thác cát sông là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp đến thay đổi dòng dẫn. Tình trạng khai thác cát ồ ạt, bừa bãi làm thay đổi dòng chảy và gây ra sạt lở đường bờ, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Ngoài ra, khi đánh giá việc xói lở ở Đồng bằng sông Cửu Long phải phân tích cả việc dịch chuyển của nền địa chất và các đứt gãy. Sự dịch chuyển của bờ sông Tiền ở Mỹ Thuận từ năm 1970 làm cho bến phà ở đây phải di chuyển nhiều lần, nhưng hầu như các nghiên cứu thủy lợi chỉ chú ý đến làm sao xây kè để chống xói lở trên bề mặt chưa tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân, cho nên một số nơi kè xây xong đã bị “Hà Bá” nuốt chửng!

Các hố xói và lạch sâu ở An Giang

Khu vực này có nhiều hố xói và lạch sâu. Về hố xói, nơi đây có 3 hố sâu quan trọng nhất (vừa rộng và sâu), theo thứ tự: Hố xói Cua cong gấp khúc Tân Châu (-43m, khi chưa làm kè Tân Châu). Sau khi làm kè+lấp hố xói, nay còn khoảng -33m. Hố xói Ngã ba sông Châu Đốc (giao nhau của sông Châu Đốc với sông Hậu) hay còn gọi là hố xói Cua cong gấp khúc Châu Đốc (-32m), và hố xói Ngã ba sông Vàm Nao-sông Hậu hay còn gọi là hố xói cửa đổ sông Vàm Nao.

clip_image001

Tỉnh An Giang đang lấp hố sâu Vàm Nao trên sông Hậu ở H.Chợ Mới

Về lạch sâu, cũng tại khu vực này có 4 lạch sâu quan trọng nhất đi sát vách bờ sông, đó là lạch sâu Hồng Ngự -20m, lạch sâu Tân Châu -27m, lạch sâu Long Xuyên -27m (trước khi làm kè Long Xuyên), và lạch sâu Vàm Nao -20m.

Trên cơ sở nghiên cứu địa hình lòng sông, điều kiện địa chất, điều kiện thủy văn thủy triều, các nhà khoa học đã đề xuất làm kè Tân Châu, kè Châu Đốc và kè Long Xuyên để bảo vệ thị xã Tân Châu, thành phố Châu Đốc và thành phố Long Xuyên, được Chính phủ và tỉnh An Giang chấp thuận cho đầu tư thực hiện từ năm 1996-2004, mang lại hiệu quả rất cao và ổn định cho tới bây giờ.

Riêng sông Vàm Nao, sạt lở toàn tuyến từ đầu nguồn bắt đầu từ sông Tiền kéo dài liên tục đến cửa đổ vào lòng sông Hậu. Tại cửa đổ trực tiếp vào lòng sông Hậu có hố xói như trình bày ở trên nằm trọn vẹn trong lòng sông Hậu.

Nguyên nhân gây ra hố xói và lạch sâu

Về cấu tạo địa chất tầng trầm tích ở đây rất mềm yếu và dày, cấu trúc địa hình lòng sông có dạng chữ V lệch mạnh đi sát bờ Chợ Mới, do đó làm tăng khả năng tập trung năng lượng và mật độ các “bó dòng” và các “bó rối” của khối dòng chảy đi sát chân bờ, dẫn đến phân tán “tiêu năng” dòng chảy theo mặt cắt ngang sông mất cân bằng nghiêm trọng. Độ dài lòng sông Vàm Nao ngắn xấp xỉ 7 km, do dó phân bố “tiêu năng” dòng chảy theo chiều dọc sông bị hạn chế, chỉ còn cách là dồn tập trung trút vào cửa đổ cuối sông.

Tất cả các điều kiện địa hình và địa chất bất lợi này lại được cộng hưởng với cấu trúc dòng chảy thủy văn thủy triều quá mạnh với Qmax lên tới gần 10.000m3/s có tốc độ dòng chảy Vmax gần 2,5 m/s, biên độ giữa Hmaxnăm và Hminnăm tới gần 5 m, dòng triều hoạt động quanh năm với biên độ triều lớn nhất năm vào mùa khô gần 1m1, vào mùa lũ cũng còn ở mức 20 cm.

Cộng hưởng với điều kiện khí hậu có sự phân hoá sâu sắc giữa mùa khô và mùa mưa trùng với hai mùa dòng chảy kiệt và lũ tạo ra phong hóa bờ mạnh mẽ và hoạt động của các pha nước ngầm lũ-kiệt bất lợi cho ổn định bờ sông. Cộng hưởng với diễn biến lòng sông Vàm Nao đang trong thời kỳ chuyển dịch lòng dẫn và độ cong lòng sông về hướng đông trên phạm vi toàn tuyến, nhánh sông Tiền phân lưu dòng chảy của chính sông Tiền phía dưới đầu cửa vào sông Vàm Nao đang teo tóp dần làm cho dòng chảy sông Tiền dồn vào sông Vàm Nao có xu thế gia tăng, nhất là vào những năm có lũ lớn.

Giải pháp

Đứng trước thực trạng diễn biến lòng sông Vàm Nao và mổ xẻ các nguyên nhân cơ bản nhất gây ra sạt lở đất bờ sông tạo ra lạch sâu và hố xói như vừa trình bày trên, trước mắt phải làm công tác đo đạc khảo sát và dự báo nguy cơ sạt lở đất bờ sông khu vực Vàm Nao định kỳ hàng năm thật tốt. Tổ chức di chuyển dân ra khỏi vùng cảnh báo nguy hiểm sạt lở.

Mặt khác, khi đất nước giàu lên có của ăn, của để dư thừa, thì cần nghiên cứu tìm ra giải pháp kỹ thuật chỉnh trị sông Vàm Nao ổn định lâu dài bằng cụm công trình liên hợp đa chức năng sau đây.

– Công trình đầu nguồn sông Vàm Nao, tức khu vực ngã ba sông Vàm Nao-sông Tiền, kè bảo vệ bờ sông ngay khu vực đầu nguồn (gồm một phần bờ sông Vàm Nao và bờ sông Tiền phía huyện Chợ Mới) kết hợp với khơi thông dòng chảy sông Tiền xuôi dòng theo nhánh sông Tiền dưới cửa vào Vàm Nao để giảm áp lực cho sông Vàm Nao.

– Kè toàn bộ tuyến bờ sông Vàm Nao phía huyện Chợ Mới vòng qua bờ sông Hậu đoạn sau cửa đổ sông Vàm Nao (cũng phía huyện Chợ Mới). Lưu ý là chỉ ưu tiên kè ở những nơi có cơ sở hạ tầng quan trọng, đông dân cư vì phụ thuộc vào điều kiện kinh tế.

– Lấp hố xói tại ngã ba sông Vàm Nao-sông Hậu theo kỹ thuật “bể tiêu năng”, biến hố xói này trở thành bể tiêu năng lớn có khả năng góp phần bảo vệ bờ sông khu vực ngã ba bao gồm bờ sông Hậu (tả và hữu) + sông Vàm Nao + bờ cù lao Bình Thủy (thuộc sông Hậu đối trực diện với cửa đổ sông Vàm Nao).

Lấp hố xói ở Mỹ Hội Đông- Chợ Mới

Sử dụng 47 tỷ đồng lấp hố xói ở Mỹ Hội Đông là hơi vội vã, vì đi vào xử lý hậu quả chứ không phải xử lý nguyên nhân.

Xói ở đây không chỉ có xói sâu, nhiều khả năng là xói ngang (dạng hàm ếch). Nguyên nhân chủ yếu do dòng chảy vuông góc với bờ thì cần có giải pháp tổng thể phòng vệ từ xa tức là làm công trình điều chỉnh thay đổi hướng dòng chảy.

Bỏ ra 47 tỷ đồng quá tốn kém, cách đổ cũng cần nghiên cứu không cần lấp đầy mà nên làm theo dạng các gờ để giảm tốc độ dòng chảy. Kinh nghiệm xử lý hố xói ở thượng lưu cầu Mỹ Thuận chỉ sử dụng đóng cọc ngầm rất hiệu quả.

Hố xói ở Mỹ Hội Đông nếu do dòng chảy ngang là chủ yếu thì việc lấp đá (chủ yếu chủ yếu trị xói sâu). Ở đây cần kết hợp bài toán mô hình với khảo sát thực tế nhưng lưu ý ngay việc sử dụng mô hình MIKE 21 của Viện Khoa học Thủy lợi cũng còn hạn chế vì chưa mô tả được mái dốc gần bờ và chưa tính được xói ngang…

Lời kết

Ưu tiên hàng đầu là giải pháp phi công trình tức là dự báo các vùng có nguy cơ sạt lở cao, tổ chức di dời dân là chính. Về lâu dài, tổng hợp cụm 3 công trình: Hướng dòng ở sông Vàm Nao, làm kè và lấp hố xói theo kỹ thuật “bể tiêu năng” là liên hoàn hỗ trợ cho nhau, không thể bỏ qua công trình nào nếu như muốn bảo vệ toàn bộ khu vực sông Vàm Nao từ nguồn đến cửa đổ ổn định lâu dài.

Trong cụm công trình này, làm công trình nào trước để có tác dụng dẫn đường cho toàn hệ thống là phải phân tích, tính toán khoa học thật bài bản, nếu không sẽ thất bại, hoặc hiệu quả không cao, gây ra lãng phí công sức và tiền bạc của nhân dân.

T.V.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Khoa Học. Bookmark the permalink.