Phương Anh, phóng viên RFA
Dự án Alumin Nhân Cơ liên tiếp xảy ra các sự cố, phát tán bột trắng ảnh hưởng không khí, gây ô nhiễm môi trường khiến người dân hoang mang. Ngày 27/6, người dân xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp sau khi quan sát đã phát hiện có chất bột màu trắng từ Nhà máy chế biến alumin Nhân Cơ phát tán và bám trên cây trồng của người dân.
Nhà máy chế biến Alumin Nhân Cơ.
Theo công ty, tối 27/6 đơn vị xả đáy lò nung tại 2 đường ống. Sản phẩm alumin xả đáy được chứa trong bể chứa hở. Tuy nhiên, do gặp gió lớn, bột alumin đã phát tán ra một vài hộ dân cách nhà máy khoảng 700 m.
Người dân sống ở khu vực xung quanh cho hay:
“Bọn em từ trên chợ xuống thấy cái bụi gì khắp nơi phải đóng cửa lại, lúc mở ra thì thấy tràn đầy đất, áo quần phơi ở ngoài không kịp lấy cũng dính bụi màu trắng giống như bột”.
“Nhà máy đây xả thải nè, lúc mưa có, mà hôm qua hôm kia cũng có”.
Mỗi lần nhà máy hoạt động là các hộ dân lại sống trong cảnh hôi thối nồng nặc. Một số người dân không thể chịu nổi đã chuyển đi nơi khác, những người còn lại bức xúc với chất lượng cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nặng nề, nguồn nước sử dụng cho việc sinh hoạt hằng ngày bị đổi màu, còn trẻ em, người già mắc các chứng bệnh ngoài da nhưng không rõ nguyên nhân:
“Hôi không tả nổi luôn, ba bốn ngày nay không thấy thải, mấy lúc bữa nó thải từ tối tới sáng, từ sáng tới tối. Khoảng cách đây hai ngày, ăn cơm mà nuốt không vô”.
“Không biết có bị ảnh hưởng gì không nhưng ở đây ai ai cũng bị ốm. Bề mặt nước có nhớt trên bề mặt, không ăn uống gì được”.
Báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông, kết quả kiểm tra tại khu vực nung Hydrat của Nhà máy Alumin Nhân Cơ có tồn đọng bột Al2O3, từ đó phát tán ra ngoài.
Mặc dù người dân đã có phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng câu trả lời nhận được chưa thoả đáng:
“Ủy ban nói là không biết vệ sinh trong nhà chứ không có việc gì hết”.
Người dân sống gần Nhà máy chế biến alumin Nhân Cơ. RFA PHOTO
Nguồn tin của báo Đất Việt phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết: “Sự cố này xảy ra theo tôi là do chất lượng công nghệ kém, dẫn đến quá trình sản xuất không hoàn lưu được, bởi hệ thống cản trở phát tán các chất bột ra ngoài không khí hoạt động không hiệu quả.
PGS.TS Trần Hồng Côn phân tích trên báo Đời sống Pháp luật cho biết “Alumin xả vào bể chứa thủy phân thì nghĩa là đang chứa kiềm, thậm chí nồng độ kiềm khá cao. Theo đó, nó có khả năng ăn mòn cao. Khi người hít phải bụi này, phổi có thể bị ăn mòn; hoặc nếu trường hợp vết thương hở thì Alumin có thể xâm nhập vào tế bào, phá hủy cơ chế tự bảo vệ và miễn dịch từ bên trong tế bào. Còn nếu Alumin đang ở công đoạn sấy thì đã trung tính, không còn chứa độc tính về mặt hóa học mà chỉ còn độc tính về mặt cơ học. Cụ thể, trong trường hợp này, Alumin trung tính là một dạng bột trơ, mịn, gần giống như bụi mịn PM10 hay PM2.5, có thể lọt sâu vào phế nang của phổi, gây viêm nhiễm đường hô hấp”.
Nhà máy Nhân Cơ nằm trong Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên; dự án này gây ra nhiều ý kiến tranh cãi khi được đưa ra; đặc biệt giới khoa học và các kinh tế gia đều cho rằng dự án sẽ gây hại cho môi trường Tây Nguyên và không mang lại hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó là những tác động bất lợi về an ninh – quốc phòng khi sử dụng lao động phổ thông Trung Quốc tại khu vực Tây Nguyên trái với Luật lao động Việt Nam.
P.A.