RFA
Ngư dân trên bãi biển Bình Thuận. AFP
Chính phủ nên dừng quyết định cho phép đổ bùn nạo vét xuống vùng biển Bình Thuận. Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nói với báo Dân Trí trong nước như vừa nêu về kế hoạch của Bộ Tài nguyên-Môi trường định nhận chìm hơn 1 triệu mét khối bùn nạo vét tại khu vực gần vùng bảo tồn biển Hòn Cau, Bình Thuận.
Ông Thắng nói rằng khu vực được chọn để đổ bùn là khu vực “nước chồi” có nghĩa là có nhiều hải sản hơn những khu vực khác. Ngoài ra vùng biển Bình Thuận còn là nơi cung cấp tôm giống tự nhiên, và thuận lợi để nuôi tôm nước lợ.
Ông Nguyễn Việt Thắng nêu ra câu hỏi rằng những người quyết định cho đổ bùn nạo vét có biết rằng trong đó có những chất thải độc từ đất liền đổ ra hay không? Và hàm lượng những chất độc đó là bao nhiêu?
Ông Thắng cũng nêu lên một mối lo ngại là trong đống bùn nạo vét sẽ đổ xuống biển gần Hòn Cau, cát và sỏi sẽ lắng xuống trước, nhưng bùn sẽ lơ lửng trong thời gian lâu, và sóng gió thủy triều sẽ phát tán bùn đó ra xa làm chết hải sản.
Ông kết luận rằng nếu nói rằng bùn sẽ bị nhận xuống đáy biển chỉ là một cách nói để lách luật.
Cũng liên quan đến kế hoạch đổ chất nạo vét xuống biển Bình Thuận, lại có thêm hai người lên tiếng nói bị mạo danh, khi thấy tên của họ được đưa vào danh sách những nhà nghiên cứu cho dự án đổ bùn xuống biển.
Hai người đó là Thạc sĩ môi trường Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, làm việc tại Trung tâm Quy hoạch và Quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam. Người thứ hai là Thạc sĩ công trình biển Lê Thị Vân Linh, làm việc tại Viện Kỹ thuật Biển.
Hai Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, và Lê Thị Vân Linh, nói rằng đang tìm hiểu vụ việc.
Hôm 20 tháng 7, Tiến sĩ Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cũng đã lên tiếng rằng ông không có liên quan gì đến dự án đổ bùn, nhưng lại thấy tên mình xuất hiện trong danh sách những nhà khoa học tham gia dự án đó.
Tiến sĩ An nói rằng vào ngày hôm qua, 20 tháng 7, 2017, đã có người gọi đến xưng là thư ký của dự án đã cho tên ông vào danh sách một cách nhầm lẫn.