Nguyễn Trọng Bình
1. Độc quyền tư tưởng, độc quyền chân lý và hệ lụy tất yếu
1.1 Từ khi ra đời đến nay, “Đảng ta” vốn chỉ sùng bái và tôn thờ duy nhất chủ nghĩa Mác-Lênin. Nói cho cùng, đây là chuyện hết sức bình thường vì đó là quyền tự do tư tưởng của Đảng (chính xác hơn là của những người trong Đảng, theo Đảng). Tuy vậy, điều không bình thường là Đảng ta hiện nay (ước khoảng 4 triệu người) lại buộc cả dân tộc với hơn 90 triệu dân còn lại phải tôn thờ và sùng bái giống như mình. Người xưa bảo: “Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”. Ấy vậy mà Đảng ta đã dùng sức mạnh của toàn hệ thống chính trị áp đặt lên toàn thể dân chúng (“Điều 4” của Hiến pháp năm 2013) để mình độc quyền lãnh đạo dân tộc và đất nước. Đây rõ ràng là sự xâm phạm thô bạo quyền tự do tư tưởng của 90 triệu dân chúng ngoài Đảng; là nguyên nhân cốt tử nhất làm cho con người Việt Nam tụt hậu và trì trệ trước hết là về tư duy và nhận thức so với các dân tộc, quốc gia tiến bộ khác trên thế giới. Bởi lẽ, tri thức nhân loại ngoài học thuyết Mác-Lê, còn biết bao chủ thuyết khác, điều hay khác; Đảng si mê Mác-Lê là quyền của Đảng cớ sao lại bắt ép người khác cũng si mê như mình?
Thật ra, cũng không ai phủ nhận cái lý tưởng cùng mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh” của Đảng đối với đất nước. Nhưng rõ ràng để cụ thể hóa mục tiêu ấy, Đảng phải để cho mỗi người dân tự do lựa chọn con đường “mưu cầu hạnh phúc” của riêng họ. Càng nhiều sự lựa chọn càng tốt, có như thế mới góp vào sự thành công chung trong sự đa dạng. Hoặc như nếu người này thất bại thì vẫn còn nhiều người khác với con đường khác. Nhưng không, mấy mươi năm qua Đảng tự huyễn hoặc, tự cho rằng chỉ có mình mới “tài tình”, “sáng suốt”. Thế là Đảng kiên quyết chặn hết mọi ngã đường, lùa tất 90 triệu dân để tất cả cùng chen chúc nhau trên một con đường mà đích đến là một sự mơ hồ không biết sẽ về đâu. Năm này qua tháng khác, Đảng tự nhét vào mồm dân chúng câu “ý Đảng lòng dân” hay “tuyệt đại đa số nhân dân tin tưởng, ủng hộ” thế nhưng chưa một lần Đảng dám “trưng cầu dân ý” để xem thực tế có đúng như vậy không?
1.2 Việt Nam đến hôm nay nữa đã là bốn mươi hai năm kể từ sau ngày kết thúc chiến tranh thống nhất đất nước. Nếu nói đời người bất quá chỉ 60 năm, thì “Đảng ta” đã lấy hơn “nửa đời người” của mấy chục triệu dân để tiến hành công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước. Thế nhưng kết quả thu về là như thế nào? Nếu ai đó không đủ dũng khí để thừa nhận một thất bại thì có lẽ cũng không nên huênh hoang nói rằng Đảng ta gặt hái rất “nhiều thành tựu vượt bậc” gì đó…!
Hãy nhìn xem, về kinh tế, tuy không phủ nhận đất nước có sự thay da đổi thịt, đời sống người dân trên đại thể có nâng cao hơn trước nhưng rõ ràng sự thay đổi này vẫn không tương xứng với tiềm năng vốn có của đất nước và dân tộc (vị trí địa lý, tài nguyên, con người…) nếu so với một số quốc gia khác. Trong mắt bạn bè thế giới, Việt Nam hôm nay là một đất nước “kỳ lạ” đến nỗi họ phải ngạc nhiên và cảm thán giùm: tại sao lũ Việt Nam chúng nó có đầy đủ điều kiện và niềm năng để phát triển nhưng lại “không chịu phát triển”? Đây là một sự thật đã được chính Đảng thừa nhận.
Ngoài ra, nếu quan sát kỹ sẽ thấy động lực cho sự phát triển kinh tế mấy mươi năm qua của đất nước chủ yếu đến từ… “bản năng sinh tồn” của cả dân tộc (trong hoàn cảnh đói nghèo, cùng cực buộc mỗi cá nhân phải tìm mọi cách để bươn chải, mưu sinh) hơn là được dẫn dắt bởi những chủ trương, quyết sách mang tầm nhìn xa và sự chủ động của Đảng. Ví như năm 1986, Đảng bảo mình “tài tình”, “sáng suốt” khi đã quyết liệt “đổi mới” và “cởi trói” nhưng ngẫm kỹ lại (theo nhiều chuyên gia đã phân tích) chẳng qua chỉ là sửa chữa sai lầm mà thôi. Vì lẽ, trước năm 1975, kinh tế thị trường đã có ở miền Nam, sau khi “giải phóng” Đảng đã xóa bỏ; còn ở miền Bắc, có lẽ không nói thì mọi người cũng biết. Trong hoàn cảnh kiệt quệ về mọi mặt như thế, người dân cả hai miền vì bản năng sinh tồn, để có miếng bỏ vào mồm nên buộc phải “xé rào” làm “khoán chui”, “khoán 10” … Và may mắn thay, đó lại chính là động lực để Đảng quyết liệt “đổi mới” chuyển sang mô hình “kinh tế thị trường định hướng XHCN” như hiện nay. Nhưng mà “kinh tế thị trường định hướng XHCN” là gì? Đến nay, nhìn chung về mặt lý luận nó là một đống bùng nhùng, bum xum, đến nỗi ngay một cựu lãnh đạo cấp cao của Đảng năm nào – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư và phát triển Bùi Quang Vinh đã có lần công khai thừa nhận: làm gì có cái đó mà tìm! Còn trên thực tiễn thì không thể nào chua chát và khốn nạn hơn. Cái tham vọng làm những “quả đấm thép” bằng mô hình Tập đoàn kinh tế Nhà nước giờ đây đã tự chứng minh rằng: các quan chức Nhà nước không thể/không biết làm kinh tế mà quan trọng hơn nó chính là “cái ổ” cho lãng phí và tham nhũng (từ cấp cao đến cấp thấp), gây mất niềm tin và bức xúc trong nhân dân!
Về phương diện văn hóa – xã hội, có thể nói không ngoa rằng, dưới sự dẫn dắt của Đảng, “con người mới XHCN” hôm nay đang ở trong tình cảnh “hoang tàn không nhận ra”. Hãy nhìn xem, các quan chức, lãnh đạo chính quyền không hiểu sao càng “học tập Bác” càng suy đồi, tha hóa; càng chấn chỉnh càng hư đốn; Bác liêm khiết, giản dị bao nhiêu thì các quan chức hôm nay lại xa hoa, phù phiếm, giả trá bấy nhiêu; ngày xưa Bác ở “nhà sàn đơn sơ vách nứa” thì các quan chức hôm nay tuy lương công chức “ba cọc, ba đồng” nhưng toàn ở biệt phủ, ngai vàng… Về phía dân chúng, xét trên mặt bằng chung vẫn là một sự trì trệ, mù quáng và không tự “trưởng thành”. Thậm chí có một bộ phận đã và đang bị bào mòn, thui chột thiên lương, thiện tính; đôi khi chỉ một chuyện vặt vãnh, một “cái nhìn đểu” không đâu cũng sẵn sàng lao vào ẩu đả và đoạt mạng nhau… Thảm trạng đau lòng này, không phải ai khác mà là chính miệng ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thừa nhận trong kỳ họp Quốc hội những ngày qua…
Có người lý giải nguyên nhân của “thảm trạng” này trước hết là do cái “căn tính” của dân tộc Việt. Điều này không sai, nhưng cái “căn tính” này lẽ ra vẫn có thể từng bước cải tạo được bằng con đường giáo dục hoặc các hoạt động văn hóa nghệ thuật đa dạng, lành mạnh… Thế nhưng, do sự độc quyền tư tưởng, độc quyền chân lý nên tất cả mọi hoạt động văn hóa, giáo dục, nghệ thuật,… đều bị Đảng “chính trị hóa”; cùng với đó là dựng lên hàng loạt những rào cản, cơ chế kiểm duyệt gắt gao và xuẩn ngốc. Thay vì khơi thông, chấp nhận sự đa dạng nhằm từng bước khai sáng cho dân chúng thì Đảng ta lại biến họ thành những cái máy, những con rối còn hơn cả “chính sách ngu dân” thời Pháp thuộc trước đây.
2. “Sợ hay không sợ” – đó không phải là vấn đề
Ngày 18/5/2017 tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ông Võ Văn Thưởng – Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương có nói rằng: “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”.
Phát biểu trên của ông Thưởng thật ra cũng không có gì mới mẽ hay đặc sắc nhưng lại là đề tài làm dấy lên cuộc bàn luận sôi nổi trong xã hội ngay sau đó. Chỉ với điều này thôi đã cho thấy, chỉ ở những quốc gia mà đời sống tinh thần của con người bị uy hiếp, đe dọa, bị dồn nén, bị “căng cứng” với nhiều ẩn ức, bức bối nên người dân mới có những phản ứng như thế. Nói cách khác, “đối thoại” và “tranh luận” về một vấn đề nào vốn là lẽ tự nhiên, thường tình trong cuộc sống con người; là biểu hiện bình thường của một xã hội dân chủ, văn minh nhưng ở Việt Nam thì cần phải xin phép và được sự đồng ý của Đảng và Chính quyền.
Tuy vậy, trong cái nhìn tích cực và chân thành nhất, phát biểu trên của ông Thưởng ít nhiều cũng cho thấy có một sự chuyển biến trong nhận thức (ít nhất là trong tư cách cá nhân của một lãnh đạo cấp cao) của Đảng. Nó cho phép chúng ta suy luận một cách có cơ sở rằng, trong bối cảnh và tình hình phức tạp của đất nước hiện nay Đảng đã không còn “bưng tai giả điếc” như trước đây nữa.
Ngoài ra, ở cương vị của một cấp dưới, ông Thưởng đã nhận ra vấn đề thì tin chắc chắc ở vị trí và tầm cỡ như TBT Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí cấp cao khác của ông cũng không “lú lẫn” như dân gian vẫn hay kêu ca, đồn thổi. Một số chỉ dấu trong quá khứ như trường hợp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hay gần và cụ thể nhất là hàng loạt bài viết (với tinh thần thừa nhận những bất cập về nhận thức lâu nay của Đảng) của ông Vũ Ngọc Hoàng (người cũng giữ cương vị tương đương ông Thưởng hiện tại)… ít nhiều cho chúng ta nhìn rõ hơn vấn đề này.
Nếu những suy luận trên đây là đúng thì phải chăng vấn đề quan trọng nhất ở đây không phải Đảng ta không nhận ra những sai lầm của mình mà là trong hàng ngũ của Đảng hiện nay chưa có một cá nhân nào thực sự có đủ quyền hành và dũng khí để đường đường chính chính, công khai thừa nhận trước toàn thể quốc dân đồng bào; vẫn chưa xuất hiện một chính khách thực thụ dám vượt qua nỗi sợ hãi của những bè phái, lợi ích nhóm và nhất là vượt ra khỏi tư tưởng bảo thủ giáo điều để quyết liệt thay đổi tận gốc? Câu nói: “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận…” của ông Thưởng thực ra cho thấy Đảng đang rất… sợ. Vì sao? Ở góc độ tâm lý, câu nói trên chính là biểu hiện của chứng “tự kỷ” (sự tự kỷ này thể hiện rõ nhất qua cuộc “vận động học tập và làm theo tâm gương đạo đức Hồ Chí Minh” rầm rộ lâu nay và “chống suy thoái”, “chống tự diễn biến” cho những người trong Đảng thời gian gần đây); ít nhiều cho thấy Đảng không còn ảo tưởng về sức mạnh của mình như trước đây nữa dù rằng về cơ bản vẫn Đảng vẫn đang kiểm soát mọi thứ. Nói cách khác, lâu nay sức mạnh của Đảng một phần là do sự chuyên quyền, độc đoán; phần còn lại do sự mê muội, hèn kém của dân chúng cộng lại tạo nên. Nhưng trong thời đại công nghệ hôm nay cả hai nguồn sức mạnh ấy đã không còn vững chắc nữa. Mọi chuyện đều có thể xảy ra vì bằng nhiều nguồn khác nhau, giờ đây dân chúng đã có thể tự khai sáng cho mình nên những chiêu trò tuyên truyền, tô hồng thành tựu vĩ đại của Đảng có khi lại phản tác dụng bởi niềm tin của người dân đã không còn. Thế nên, sợ hay không sợ thực ra không phải là vấn đề. Mà vấn đề là trong bất cứ cảnh huống nào nếu thực sự “vì dân, vì nước” thì Đảng cũng không được phép đặt mình ngang hàng hay thậm chí đặt trên cả lợi ích của Dân tộc, Quốc gia. Sứ mạng lịch sử của Đảng trong quá khứ (thời kỳ chiến tranh) đúng là có những chuyện, những vấn đề không thể phủ nhận nhưng khi đất nước hòa bình, thống nhất và nhất là trong tình hình hiện tại và tương lai nhất định cần phải trung thực nhìn nhận và xem xét lại một cách toàn diện, thấu đáo. Hàng loạt những bài học về sự nổi giận của nhân dân vẫn còn nguyên đó và cũng không vô cơ mà bùng phát ra như: vụ giàn khoan HD 981 của Trung Quốc năm nào; vụ tiếng súng của Đoàn Văn Vươn (Hải Phòng), Đặng Ngọc Viết (Thái Bình); vụ “Formosa thất thủ” và vụ Đồng Tâm bắt người mới đây…
Tóm lại, về phát biểu của ông Thưởng, mỗi người, tùy vị trí, góc nhìn có thể tin hoặc không tin (dù là trong tư cách cá nhân ông ta hay đại diện, thừa lệnh của Đảng) nhưng chắc chắn một điều nếu cứ mãi duy trì hiện trạng như nay (của Đảng tiếp tục “độc thoại”, “độc diễn” và bất chấp thực tiễn về sự thất vọng và mất niềm tin trong nhân dân) thì tương lai của dân tộc và đất nước này sẽ còn mù mịt, đừng mong gì một sự khởi sắc.
3. Đối thoại để hòa giải, hòa hợp dân tộc, tránh “nồi da xáo thịt”
Trong nhiều bài viết của mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Dy cho rằng, trong hoàn cảnh và tình hình hiện nay, Việt Nam muốn phát triển, muốn “hóa rồng” không còn cách nào khác là phải đổi mới thể chế cả về chính trị lẫn kinh tế. Theo ông, đây chính là “mệnh lệnh” của cuộc sống nhằm tạo “động lực” mới cho đất nước. Quan điểm này là xác đáng nhưng có lẽ đây chỉ mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ là cả dân tộc phải thật sự đoàn kết và chung sức chung lòng; lợi ích quốc gia dân tộc phải được đặt lên trên hết mọi tư tưởng của bè phái, phe nhóm. Từ đây, nếu phải nói mục tiêu lớn nhất của vấn đề đối thoại chính là, một mặt phải “tạo điều kiện” cho Đảng tự “cởi trói” (thông qua việc đổi mới thể chế); mặt khác phải hướng đến sự hòa giải, hòa hợp dân tộc một cách chân thành và trọn vẹn nhất; đối thoại để dân tộc không phải rơi vào cảnh “nồi da xáo thịt” thêm một lần nào nữa. Đất nước đã có hơn 40 năm thống nhất rồi nên không có lý do gì lại để cho cả dân tộc sống trong cảnh một ly tán, đồng sàng dị mộng; hay ý Đảng lòng dân thực chất chỉ là hai đường thẳng song song chẳng bao giờ gặp nhau; Đảng nhìn dân bằng cặp mắt nghi ngờ, cảnh giác; dân từ chỗ xem Đảng là niềm tin, là khát vọng thì giờ đây lại coi thường, khinh khi ra mặt.
Trong một bài viết năm 2015, liên quan đến vấn đề này, người viết cho rằng về mặt nhận thức chung, trước hết Đảng, Nhà nước Việt Nam phải dũng cảm đối mặt với hai vấn đề. Một là, phải nghiêm túc tự kiểm điểm vì sao đã hơn 40 năm rồi nhưng chuyện “hóa giải hận thù” giữa “bên thắng cuộc” và “không thắng cuộc” vẫn không có tiến triển gì đáng kể? Hai là, tại sao giờ đây lòng dân ngày một thêm bức bối, bất mãn, “không yên”? Tất cả sự kiểm điểm này phải trên nền tảng của sự chân thành và chủ động đối thoại với mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước chứ không phải “độc thoại” một chiều như thời gian qua. Và để có cơ sở pháp lý vững chắc cho vấn đề này, Đảng, Nhà nước Việt Nam cần nhanh chóng ra một bản Nghị quyết mới cho vấn đề “hòa hợp, hòa giải dân tộc” phù hợp với điều kiện và tình hình mới hiện nay. Phải xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của đất nước và dân tộc trong một vài năm tới.
Như vậy, nếu phải nói về điều kiện hay sự chuẩn bị gì đó để những cuộc “đối thoại” đạt được kết quả có lẽ phải nói rằng, tất cả các bên phải tự đối thoại với bản thân mình trước; các bên hãy cho nhau một niềm tin, một cơ hội để dân tộc có một sự hòa giải, hòa hợp thật sự.
Có thể thấy, quan điểm và cách nói về “đổi mới thể chế” của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Dy thì mọi vấn đề vẫn do Đảng chủ động. Phải chăng nếu làm được điều này cũng có nghĩa là Đảng đang tự đối thoại với mình? Và với nhân dân đó là cách đối thoại gián tiếp thông qua hệ thống chính sách, pháp luật minh bạch, rõ ràng và nhất là không bị chi phối bởi các “nhóm lợi ích” nào đó.
Nói cách khác, trong hoàn cảnh hiện nay, nếu Đảng vẫn chưa thể chủ động thu xếp cho những cuộc đối thoại trực tiếp “ba mặt một lời” với bên bất đồng chính kiến thì những chủ trương chính sách nào của Đảng nào đi ngược với hiến pháp và ý nguyện của nhân dân cần phải nhanh chóng điều chỉnh và thay đổi. Vấn đề này, nói nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh là: “dù thế nào, nếu thật sự muốn lấy lại niềm tin trong nhân dân, để đất nước được ổn định phát triển lâu dài và thông suốt, tiêu chí của giá trị cải cách nhất định cũng phải được đánh giá dựa trên cái ngưỡng từ đó trông thấy rõ nỗ lực vượt lên mấy nút chặn nghiệt ngã bấy lâu nay, liên quan những nội dung/vấn đề cốt lõi như quyền tự do ngôn luận-báo chí-xuất bản, quyền ứng cử, quyền biểu tình, quyền sở hữu ruộng đất (trên thực tế)…, chứ không thể chỉ dựa vào mấy câu chữ lưỡng nghĩa vốn đã được sửa đi sửa lại nhiều lần ghi trong các bản nghị quyết suốt mấy chục năm nay mà bản chất gần như không có gì đổi mới”.
4. Vượt qua những rào cản
Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Dy, rào cản lớn nhất cho vấn đề đối thoại hiện nay ở Việt Nam chính là tư tưởng cực đoan, bảo thủ của cả hai phía. Ông nói: “Muốn đối thoại phải tránh cực đoan. Những người chống cộng cực đoan cũng nguy hiểm không kém gì những người cộng sản cực đoan. Họ sẵn sàng chụp mũ cho những người không cùng quan điểm với họ là “Việt cộng”, cũng như những người cộng sản cực đoan sẵn sàng chụp mũ cho những người không cùng quan điểm với họ là “phản động”. Thực ra, chính những người cực đoan của cả hai phía mới là “phản động”, vì họ làm cản trở cơ hội hòa giải và hòa hợp dân tộc để chung tay đổi mới và phát triển theo hướng dân chủ hóa”.
Quả đúng như thế nhưng nói cho cùng đây là chuyện không thể tránh khỏi bởi cuộc sống là vậy, nhân loại sẽ không bao giờ hết những “phần tử IS” cực đoan. Vấn đề là làm sao để vượt qua rào cản trên. Bởi chẳng lẽ, chỉ vì một vài phần tử như thế lại làm cản đà tiến bước của cả dân tộc?
Như đã nói, dù sao hiện nay Đảng vẫn đang nắm quyền kiểm soát mọi thứ. Thế nên, trong chuyện này, để vượt qua trở ngại trên thì sự chân thành và chủ động của Đảng vẫn đóng vai trò quyết định. Cụ thể, những người có tư tưởng cấp tiến trong Đảng phải dũng cảm và quyết liệt hơn để thuyết phục những người còn lại nếu tất cả thật sự vì tương lai của dân tộc và đất nước.
Bên cạnh đó, Đảng và chính quyền phải hiểu rằng, nhân dân dân nói chung ngoài chuyện phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật thì việc phản biện hay thậm chí là chỉ trích những chủ trương chính sách của Đảng, chính quyền cũng là một nhiệm vụ cần được nghiêm túc nhìn nhận. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, một chính quyền thật sự vì dân là một chính quyền phải tạo mọi điều kiện để nhân dân “mở miệng” nói ra tất cả những gì họ nghĩ, họ muốn. Vì thế, chính quyền phải xem những tiếng nói khác, thậm chí là những tiếng nói chỉ trích mình là chuyện hết sức bình thường. Sự chỉ trích của dân chúng, nghiêm túc mà nói chỉ giúp cho chính quyền tốt hơn thêm mà thôi. Bởi đó chính là cơ sở để chính quyền nhìn lại và điều chỉnh những chủ trương sai lầm của mình. Chính quyền phải lắng nghe dân nhưng cũng không nhất thiết phải làm theo tất cả những gì dân muốn bởi không phải sự phản biện, chỉ trích nào của dân cũng đúng và có cơ sở. Tuy vậy, tuyệt đối không vì thế mà chính quyền giở mọi thủ đoạn ra để trả thù dân khi bị chỉ trích. Vì dù sao chính quyền sống và tồn tại được là nhờ tiền thuế của dân. Một chính quyền mà lúc nào cũng muốn dân chúng ngợi ca mình như Thánh sống là một chính quyền xuẩn ngốc và hoang tưởng.
Có thể thấy, ngay sau phát biểu của ông Thưởng về phía người dân có những ý kiến quan điểm khác nhau. Trong vai trò lãnh đạo, lẽ ra việc đầu tiên là Đảng, chính quyền phải ghi nhận tất cả những ý kiến ấy. Tuy nhiên, không biết có phải thừa lệnh của Đảng hay không, ngay lập tức trên một tờ báo nọ cũng xuất hiện một bài viết mà chỉ cần nhìn tiêu đề thôi đã cho thấy sự chuyên quyền, “độc đoán”. Đặc biệt hơn, tác giả bài viết thay vì tìm đến những bài viết nghiêm túc của những người bất đồng chính kiến để đối thoại và phản biện thì này lại tìm đến vô số những comment vô thưởng, vô phạt của vài cá nhân cực đoan bảo thủ nào đó. Cách đặt vấn đề và lập luận như vậy, không những không thuyết phục mà vô hình chung là “cầm đèn chạy trước ô tô”; đi ngược lại đề xuất “đối thoại” của cấp trên mình.
Nói khác đi, ở khía cạnh tích cực nhất, chủ trương và đề xuất đối thoại của ông Thưởng nếu được nhanh chóng thực hiện chắc chắn sẽ là một cú “hích” rất lớn đối với sự phát triển của dân tộc và đất nước. Nhưng chủ trương kia chưa kịp triển khai thì không ai khác chính những người trong Đảng (hoặc thay mặt Đảng) với tư tưởng bảo thủ và nhỏ nhen đã làm cho mọi thứ có nguy cơ đổ vỡ.
Từ đây, có thể nói để có thể vượt qua rào cản về sự bảo thủ và cực đoan của cả hai phía, có hai vấn đề quan trọng cần phải giải quyết là:
Thứ nhất, Đảng và chính quyền phải thể hiện sự chủ động, một mặt phải tự nâng mình lên để không rơi cực đoan và cay cú hơn thua với đám đông dân chúng; mặt khác phải chấp nhận và xem mọi sự phản biện chỉ trích của dân chúng như là cơ hội để mình tốt hơn.
Thứ hai, phải từng bước mở rộng quyền tự do báo chí tiến đến tư nhân hóa hoạt động này; lấy báo chí làm cầu nối tạo điều kiện cho những cuộc trao đổi, tranh luận, đối thoại giữa hai phía diễn ra một cách công bằng, sòng phẳng giữa. Đó cũng là cách nhằm góp phần kiểm soát những phần tử có tư bảo thủ và cực đoan từ cả hai phía.
5. Thay lời kết
Để khép lại bài viết này, có lẽ không gì thú vị hơn là xin được dẫn lại và sắp xếp theo trình tự xuất hiện ba câu nói mà tin rằng mọi người hẳn đã từng nghe, từng biết. Chỉ dẫn lại thôi và không bình luận gì thêm nữa để tất cả mọi người cùng đối chiếu và suy ngẫm trên cơ sở hiện tình về đất nước, xã hội và con người Việt Nam hôm nay.
Một là câu nói của đại văn hào, triết gia người Pháp – Voltaire: “Tôi không đồng ý điều anh nói, nhưng tôi thề sẽ chiến đấu đến chết để bảo vệ quyền được nói của anh”.
Hai là câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra, đừng để dân sợ không dám mở miệng, nhưng điều đáng lo hơn nữa là khiến dân không thiết mở miệng” (Hồ Chí Minh)
Ba là, phát biểu của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan năm nào: “Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, biết kế thừa những tinh hoa dân chủ của các nhà nước pháp quyền trong lịch sử và đã, đang phát triển lên tầm cao mới, khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản”.
CT, 27/6/2017
N.T.B.
__________
Nguồn tham khảo:
– Trần Văn Chánh – “Bang vô đạo”. http://www.viet-studies.net/kinhte/TranVanChanh_BangVoDao.htm
– Nguyễn Quang Dy – “Văn hóa đối thoại và sự đồng thuận quốc gia”. http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_VanHoaDoiThoai.htm
– Tá Lâm – “Ông Võ Văn Thưởng: Không sợ đối thoại tranh luận”. http://plo.vn/thoi-su/ong-vo-van-thuong-khong-so-doi-thoai-tranh-luan-702827.html
– Bắc Hà – “Không được lợi dụng đối thoại để chống phá”. http://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/khong-duoc-loi-dung-van-de-doi-thoai-de-chong-pha-508533
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 27-6-17
Nguồn: http://www.viet-studies.net/kinhte/NTrongBinh_DoiThoai.html