Đất công hô biến thành sân gôn, dự án địa ốc*

FB Oanh Nguyen Thi

Có hai điều đáng suy nghĩ xung quanh vụ “đòi đất” cho sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) đang lùm xùm trở lại trong những ngày gần đây.

Thứ nhất. Vụ “bỗng dưng” phát hiện sân gôn nằm trong sân bay, thêm một lần nữa cho thấy nguy cơ của sự thiếu minh bạch trong quản lý tài sản công. Đất đai nếu được giao cho các cơ quan công quyền thì phải được xem là tài sản quốc gia. Vì thế, cần nhìn nhận và đối xử với chúng theo chính sách quản lý quỹ đất công. Không chỉ một vụ “hô biến” sân gôn này ở sân bay TSN, trong thời gian qua, người dân TP.HCM đã chứng kiến toàn bộ khu Ba Son và Tân Cảng vốn vẫn thuộc sự quản lý của quân đội cũng đột ngột được “chuyển đổi công năng” thành dự án địa ốc của Vinhomes không biết từ khi nào, với hàng ngàn căn hộ và biệt thự trị giá từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng! Lẽ ra, nếu di dời Ba Son và Tân Cảng, các khu đất này phải được trả lại cho Nhà nước và chính quyền TP.HCM sẽ chịu trách nhiệm quy hoạch để sử dụng cho các mục tiêu công ích, vì quyền lợi chung của người dân thành phố (ví dụ xây dựng công viên ven sông để tăng thêm mảng xanh, hay xây dựng thêm các công trình vui chơi, giải trí cho trẻ em, v.v.). Trong trường hợp muốn thương mại hoá các khu đất đó để bổ sung thêm nguồn thu cho ngân sách, Nhà nước cần phải công bố phê duyệt quy hoạch mới và đưa ra thực hiện đấu giá công khai.

Thật lạ là trong khi nhân danh “đất đai thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước được quyền quản lý” để chính quyền địa phương có thể công khai tước đoạt đất đai của công dân, dẫn đến những kiểu tranh chấp “tức nước vỡ bờ” như vụ Đoàn Văn Vươn hay Đồng Tâm vừa qua, thì mặt khác, người ta lại cũng có thể để hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hecta đất công âm thầm chuyển từ Nhà nước vào tay tư nhân. Đó có phải chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”, hay cần gọi đúng bản chất của nó là sự thao túng ngày càng khủng khiếp của các nhóm lợi ích?

Cần biết rằng không phải chỉ riêng quân đội, với cơ chế hiện nay ở nước ta, các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, hiệp hội… đều đang nắm giữ quyền sử dụng hoặc quản lý rất nhiều nhà cửa, đất đai… ở khắp nơi trên cả nước. Tuy nhiên, nếu là đất do quân đội quản lý sẽ có thể dễ nhập nhằng hơn để “phù phép” chuyển cho các nhóm lợi ích, bởi dưới cái “miễn tử kim bài” là đất quân sự hay đất quốc phòng thì khó có cơ quan hay cá nhân nào dám đặt vấn đề vào kiểm tra, kiểm soát. Một khi không có chính sách minh bạch trong việc quản lý, sử dụng loại tài sản này thì việc “biến hoá” đất công thành đất tư sẽ tiếp tục diễn ra, và những chiếc vòi của con bạch tuộc lợi ích nhóm có thể rút rỉa đến kiệt quệ lợi ích quốc gia.

Tôi trông chờ các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn Thủ tướng rằng những vụ như sân bay thành sân gôn hay Ba Son thành Vinhomes có phải mới chỉ là phần nổi của một tảng băng lớn? Hơn lúc nào hết, câu khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” do chính đảng cầm quyền đưa ra lại càng cần phải được vận dụng nghiêm túc và thực chất trong công tác giám sát quản lý tài sản công. Không thể để nó trở thành một kiểu phát ngôn vô cảm mà các vị lãnh đạo vẫn thường quen dùng như hô khẩu hiệu trong những bài diễn văn quá nhàm nói về vai trò của nhân dân!

***

Suy nghĩ thứ hai. Trở lại với vụ quy hoạch sân bay.

Tôi không cho rằng Long Thành là cần thiết và sẽ hiệu quả hơn TSN bởi vì nó có quỹ đất lớn hơn.

Dưới đây là một vài số liệu so sánh từ thực tế của một số sân bay nổi tiếng trong khu vực để thấy rằng “to chưa chắc đã thắng, nhỏ chưa hẳn đã thua”.

SÂN BAY QUỐC TẾ CHANGI (SINGAPORE)

Đây là sân bay được xếp hạng tốt nhất thế giới hiện nay và được coi là cửa ngõ trung chuyển rất quan trọng của châu Á nói chung cũng như Đông Nam Á nói riêng. Đảo quốc sư tử tuy nhỏ bé nhưng đã cố gắng dành 1.500 ha đất để xây dựng sân bay Changi và hiện nay mỗi năm sân bay này đang đóng góp 4,5 tỷ SGD cho nền kinh tế Singapore.

Số lượt khách: 53.700.000.

Số lượng hàng hoá vận chuyển (tấn): 1.850.000.

Số chuyến bay: 343.800.

SÂN BAY CHEK LAP KOK ( HONGKONG)

Sân bay (thường được gọi tên là sân bay quốc tế Hongkong) có tổng diện tích 1.248 ha, được hoàn thành năm 1998 với tổng chi phí khoảng 20 tỷ USD. Sân bay Hongkong cũng là một cửa ngõ trung chuyển quốc tế quan trọng ở khu vực châu Á và luân phiên cạnh tranh với sân bay Changi về ngôi vị “sân bay tốt nhất thế giới”.

Số lượt khách: 59.900.000.

Số lượng hàng hóa vận chuyển: hơn 4 triệu tấn.

Số chuyến bay: gần 300.000.

SÂN BAY INCHEON (HÀN QUỐC)

Sân bay này nằm tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc và đi vào hoạt động từ năm 2001. Tuy có diện tích khiêm tốn chỉ khoảng 54 ha nhưng Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư phát triển thành công cụm đô thị dịch vụ xung quanh khu vực sân bay (Airport City) với cây cầu Incheon nổi tiếng nối sân bay Incheon với thành phố quốc tế Songdo. Kể từ năm 2005, sân bay Incheon đã lọt vào danh sách những sân bay tốt nhất thế giới do Hội đồng cảng hàng không quốc tế (Airports Council International – ACI) bình chọn, đồng thời cũng được Skytrax đánh giá là một trong ba sân bay 5 sao trên thế giới cùng với sân bay quốc tế Hong Kong và sân bay quốc tế Changi.

Số lượt khách: 41.482.828.

Số lượng hàng hoá vận chuyển: 2.464.385.

Số chuyến bay: 271.224.

(Ghi chú: Những số liệu về lượt khách và khối lượng hàng hoá vận chuyển tại các sân bay nêu trên là của năm 2013. Nguồn: Wikipedia và các thông tin trên trang mạng chính thức của Tổng cục du lịch Singapore, Hàn Quốc và Hongkong).

Như vậy, nếu so sánh với diện tích của ba sân bay 5 sao hàng đầu thế giới nêu trên, diện tích sân bay TSN khi được “tính đúng tính đủ” thì không hề kém cạnh!

Trước năm 1975, chính quyền VN Cộng hòa đã quy hoạch quỹ đất để phát triển sân bay TSN lên tới 3.600 ha. Sau năm 1975, diện tích nằm trong quy hoạch giảm xuống còn 1.500 ha. Tuy nhiên trên thực tế, sân bay TSN cứ thu hẹp dần do bị lấn chiếm, cho đến nay chỉ còn lại 850 ha. Và như ai cũng biết, diện tích lấn chiếm lớn nhất hiện nay là 157 ha dành cho sân gôn và nhà hàng của Công ty Him Lam.

Điều dễ dàng nhận thấy là các sân bay quốc tế được đánh giá 5 sao không phải vì diện tích lớn. Sân bay Paris-Charles-de-Gaulle rộng 3.238 ha, được xem là trung tâm trung chuyển của châu Âu, thế nhưng luôn đứng đầu “bảng phong thần” các sân bay tệ nhất thế giới! Các tiêu chí để những sân bay như Changi, Hongkong và Incheon ghi điểm với hành khách là yếu tố thiết kế kiến trúc độc đáo cũng như chất lượng rất cao của các dịch vụ. Sân bay nào cũng có khu vui chơi rộng rãi cho trẻ em; vườn cây, đài phun nước; khu spa và thư giãn cho hành khách khi chờ đợi; các khu vực vệ sinh sạch sẽ và cực kỳ tiện nghi; hệ thống các shop và nhà hàng phong phú; các dịch vụ thông tin, hướng dẫn, trợ giúp hành khách nhanh chóng, tiện lợi, chu đáo và hiệu quả, v.v. Sân bay Incheon còn có cả một bảo tàng văn hoá, đồng thời thường xuyên tổ chức các show trình diễn trang phục truyền thống và nghệ thuật dân gian Hàn Quốc ngay tại sân bay cho hành khách thưởng lãm hoàn toàn miễn phí.

Thế nên, một khi chưa có đủ khả năng xây dựng và cung cấp các dịch vụ đạt chuẩn quốc tế ngay từ bây giờ thì việc mơ đến một sân bay Long Thành với công suất 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng mỗi năm sẽ mãi chỉ là một giấc mơ… xa! Hãy thực tế hơn bằng cách thu hồi đầy đủ diện tích đã quy hoạch cho TSN để tiếp tục đầu tư, cải tạo và hoàn thiện thêm nhiều hạng mục cần thiết cũng như phải khẩn trương xây dựng, áp dụng ngay các tiêu chuẩn dịch vụ quốc tế tại sân bay này! Long Thành sẽ không thể trở thành sân bay quốc tế chỉ với quy hoạch “hoành tráng” 26.000 ha mà chất lượng dịch vụ chỉ cỡ “một sao”, thậm chí là “không sao” như sân bay TSN hiện nay. Dư luận hẳn vẫn chưa quên sân bay TSN đã từng bị xếp hạng thứ tư trong top 10 sân bay tệ nhất châu Á vào năm 2015.

Sân bay Incheon của Hàn Quốc có hẳn một sân gôn riêng để phục vụ hành khách. Trong diện tích 3.600 ha dành cho sân bay TSN của chính quyền VN Cộng hoà trước đây cũng có quy hoạch một sân gôn 36 lỗ. Việc có sân gôn trong sân bay, vì thế, không phải là một điều lạ! Nó chỉ trở nên bất thường khi đấy không còn là của công trên đất công mà đã được “chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác” một cách bí ẩn. Nếu lần này, ngay cả khi Thủ tướng đã lên tiếng chỉ đạo mà vẫn không thể “đòi” được đất để mở rộng TSN thì e rằng một ngày không xa, chắc chắn sân bay này sẽ lại bị xoá sổ trong lặng lẽ…

Và nếu điều đó xảy ra, khi xâu chuỗi lại các sự kiện, dân tôi liệu có quyền nghi ngờ chăng về một sự sắp đặt đầy tính “chiến lược” nhám nhúa của những kẻ sẽ được hưởng lợi kếch xù trong kế hoạch di dời TSN về Long Thành?

“Trông người lại ngẫm đến ta”. Trước khi hào hứng với những số liệu hoành tráng của dự án sân bay mới Long Thành, xin hãy lưu ý rằng không phải cứ muốn là có thể học thiên hạ được ngay! Cần một cơ chế quản lý minh bạch, xây dựng trên nền tảng một nhà nước pháp quyền thực sự để có được công cụ hiệu quả chống tham nhũng và tiêu diệt lợi ích nhóm trước đã, sau đó mới có thể nghĩ đến thành công của các dự án vì lợi ích quốc gia. Giống như một cơ thể, khi đã để mang đầy bệnh tật và ung nhọt mà không tìm thuốc chữa thì sẽ không thể làm được gì hơn là ngồi nhìn nó chết mòn!

clip_image002

Quy hoạch sân bay TSN thời VNCH trước năm 1975 với tổng diện tích 3.600 ha.

clip_image004

Khuôn viên sân bay TSN ngày nay với diện tích còn lại 850 ha, bao gồm 157 ha sân gôn và nhà hàng của Công ty Him Lam.

clip_image006

Thiết kế ấn tượng của sân bay Changi (Singapore).

clip_image007

Một góc sân bay Changi.

clip_image009

Một tiểu cảnh với vườn hoa và đài phun nước trong sân bay Changi. Người Singapore tự hào xem hoa lan là “quốc hoa” của đất nước nên khắp nơi trong sân bay số một thế giới này luôn hiện diện các đoá hoa lan khoe sắc.

clip_image011

Một góc vườn khác cho hành khách nghỉ chân tại sân bay Changi.

clip_image013

Bản vẽ phối cảnh tổng thể sân bay quốc tế Hongkong. Thiết kế hiện nay của sân bay Long Thành đang bị coi là “copy” thiết kế của sân bay này.

clip_image015

clip_image017

clip_image019

Những hình ảnh chụp từ nhiều góc độ phô diễn vẻ đẹp hoành tráng bên trong sân bay quốc tế Hongkong.

clip_image021

Phối cảnh sân bay quốc tế Incheon (Hàn Quốc).

clip_image023

Quán cafe với thiết kế kiến trúc kiểu Hàn bên trong sân bay Incheon.

clip_image025

Một show diễu hành và giới thiệu phong tục cổ truyền Hàn Quốc tại sân bay Incheon. Một công đôi việc: Vừa phục vụ và thu hút hành khách, vừa quảng bá du lịch Hàn Quốc rất hiệu quả!

clip_image027

Sân trượt băng bên trong sân bay Incheon.

N.T.O.

Nguồn: https://www.facebook.com/oanh.nguyenthi.96/posts/1388620301173457

* Tên bài do BVN đặt

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.