Phải đưa vào nghị quyết nội dung ‘không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu’

Minh Quân

“Lấy của người nghèo chia cho người giàu” luôn là một âm mưu “đổ vỏ” của nhóm lợi ích quá khứ và còn dắt dây đến hiện tại, trong đó đương nhiên có phần đổ trách nhiệm cho những quan chức lãnh đạo đương nhiệm như Thủ tướng Phúc, Thống đốc Hưng và Chủ tịch Ngân.

clip_image002

Chính trị – xã hội Việt Nam: Kẻ ăn ốc, người đổ vỏ

Lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại của mình, Quốc hội Việt Nam phải nhận lãnh một trách nhiệm liên đới mật thiết đến “sự tồn vong của Đảng”: bắt buộc phải ban hành một nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Sau số báo cáo 610 ngàn tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý, vẫn còn đến 600 ngàn tỷ chưa được xử lý và vẫn còn treo ở đó như một quả bom hẹn giờ, có thể phát nổ bất kỳ lúc nào.

Chỉ đến lúc này khi tình thế đã trở nên quá tồi tệ, những con số có vẻ thành thật mới được Chính phủ và Quốc hội nêu ra. Trong đó, có đến 90% nợ xấu là tiền của dân, chỉ có 10% là tiền ngân hàng. Theo đó, nếu không thể giải quyết được con số 600 ngàn tỷ nợ xấu còn lại, toàn bộ tiền của nhân dân sẽ biến mất.

Giải quyết bằng cách nào?

Nói gì thì nói, nhiều đại biểu quốc hội đang “lên ruột” vì thói lập lờ của Chính phủ liên quan đến cơ chế có dùng ngân sách – tức tiền đóng thuế của dân – để trả thay cho nợ xấu trong hệ thống ngân hàng hay không.

Một số ý kiến cho rằng dù Chính phủ đã giải trình nhưng lại chưa bổ sung nguyên tắc không dùng ngân sách trực tiếp và cả cơ chế gián tiếp như thuế phí để xử lý nợ xấu vào dự thảo nghị quyết.

Sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lê Minh Hưng đã xác nhận sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu, bổ sung trong dự thảo nghị quyết là không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu.

Có thể cho rằng sự xác nhận trên, dù chưa được ghi vào văn bản theo cách giấy trắng mực đen, là một động tác có đôi chút ý nghĩa “vì dân” của ông Lê Minh Hưng, có lương tâm hơn rất nhiều với những gì mà thống đốc thời trước ông Hưng là Nguyễn Văn Bình đã hành xử để “giết dân”.

Nhắc lại, vào tháng 10 năm 2014, ba năm sau khi triển khai đề án xử lý nợ xấu, Chính phủ của Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Văn Bình đã đưa kiến nghị “xem xét dành một phần chi Ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước” ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhưng cũng bởi quá chủ quan nên Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã vấp phải một làn sóng phản đối quyết liệt từ đủ mọi thành phần dân chúng và cả trong giới quan chức. Cho tới lúc đó, đa số người dân đều đã nhận ra nợ xấu có bản chất là những chiến dịch kinh doanh cực kỳ phiêu lưu và tham đến mờ mắt của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vào các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm trong thời kỳ “đầu cơ vàng” những năm 2006-2007, để sau đó khi các thị trường đầu cơ lao dốc và gần như sụp đổ thì phần lớn các chủ thể đầu tư đều rước họa vào thân.

Sau đó, đề án dùng ngân sách để xử lý nợ xấu của nhóm Dũng – Bình đã phá sản.

Nhưng đến tháng 8, 2016, sau hàng loạt thú nhận gián tiếp của giới lãnh đạo công ty quản lý các tài sản tín dụng (VAMC) về triển vọng vô vọng đối với kết quả xử lý nợ xấu mà đơn vị này đã nhận lãnh trách nhiệm từ năm 2013 và không ít lần khoe khoang, một lần nữa giới tham mưu tài chính cho Chính phủ là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính lại âm thầm bày mưu tính kế “dùng ngân sách để xử lý nợ xấu” – mà về thực chất là “ăn cướp” tiền đóng thuế của nhân dân và của cả những người nghèo, rất nghèo.

Âm mưu trên lộ ra trong dự thảo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư. Mọi việc sẽ tuần tự “đúng quy trình”: Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính được giao soạn thảo đề án nghiên cứu khả năng bố trí nguồn lực Ngân sách Nhà nước để xử lý một phần nợ xấu, sẽ trình Quốc hội thông qua…

“Lấy của người nghèo chia cho người giàu” luôn là một âm mưu “đổ vỏ” của nhóm lợi ích quá khứ và còn dắt dây đến hiện tại, trong đó đương nhiên có phần đổ trách nhiệm cho những quan chức lãnh đạo đương nhiệm như Thủ tướng Phúc, Thống đốc Hưng và Chủ tịch Ngân.

Muốn thoát cảnh ‘đổ vỏ”, giới quan chức đương nhiệm cần dứt khoát đưa vào nghị quyết Quốc hội nội dung ‘không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu’.

M.Q.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.