Nguỵ Hữu Tâm
Nghỉ cả 4 ngày, có thời gian để đọc, suy tưởng và học, cho phép tôi có ít dòng nói với những bạn đọc có quan tâm đến tôi trên mạng, dù hơi lộn xộn.
Đọc “con voi bị xích” của Lê Anh Hùng, tôi nhớ thời trẻ có đọc „Taras Bunba” của Gogol, thật là có mối liên hệ rõ ràng: Để thoát khỏi vòng nô lệ, không thể ngồi „há miệng chờ sung“.
Bài „Kỷ niệm 30/4: Buồn nhiều hơn vui” của tác giả Nguyễn Quang Dy: Trong khi hai nước cựu thù (Mỹ và Việt Nam) đã bình thường hóa, và đang trở thành đối tác chiến lược, thì người Việt vẫn chưa thể hòa giải được với nhau, dù với người còn sống hay đã chết. Không những thế, người Việt trong cùng một bên, thậm chí cùng một đảng, cũng mâu thuẫn nặng nề, coi nhau như kẻ thù không nhìn mặt. Phải chăng cực đoan và thù hận là di sản của chiến tranh, đã ăn vào máu người Việt, như một nghiệp chướng? Buồn quá!
Lại có bài “Những ngày ấy, mỗi người” của tác giả Tuấn Khanh: Mình nhớ đến câu của cố TT Võ Văn Kiệt khi được phỏng vấn về Ngày 30/4: “Triệu người vui thì cũng có triệu người buồn”. 42 năm đã qua, vì sao giờ đây chỉ có triệu triệu người buồn vì cái đất nước đầy tham nhũng, sâu mọt, lợi ích nhóm này? Ôi cái tham nhũng quyền lực mới đáng sợ làm sao!
Rồi bài “Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, người của thời cuộc” của tác giả Nguyễn Quang Duy: Nhân 30-4 năm nay tôi xin được chia sẻ đôi điều suy ngẫm về tổng thống Nguyễn văn Thiệu và thời cuộc 1963-75… Khởi nghiệp từ Việt Minh…Thế thì Đảng cộng sản Việt Nam có công hay có tội với đất nước và dân tộc này?
Cũng không dễ gì quên câu „Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ“, của ai thế nhỉ?
Và „Để giải phóng Miền Nam, chúng ta sẵn sàng đốt cháy cả dãy Trường Sơn“… Nghe cứ ghê cả răng. Họ sẵn sàng hy sinh phần lớn Miền Trung và cả khu vực biển rộng lớn ngoài khơi ở đấy, qua vụ Formosa kia kìa!
Thế thì chẳng có gì lạ khi chỉ vì quyền lợi ích kỷ của bọn họ, một lũ chắc chắn cũng chẳng phải cộng sản vì chúng có hiểu gì về cộng sản đâu, có học nhưng lưu manh, dối trá, quỷ quyệt… Chỉ vì quyền lực và theo sau đó là tất cả đủ mọi thứ. Cứ xem anh Ủn, sẵn sàng giết cả chú và anh ruột mình!
Còn về tài chính, cứ xem cái núi nợ mà bọn chúng để lại cho đất nước và dân tộc này!
Và bán biết bao nhiêu diện tích đất liền và biển cả cho lũ Tàu khựa?
Đó là chưa kể những tội về phân hóa giàu nghèo, đạo đức xã hội, giáo dục, y tế… Và khoa học, ngành mà tôi vốn theo đuổi, để chúng ta là một nước với 90 triệu dân và diện tích đất liền 330 ngàn km2, hoàn toàn tương đương nước Đức hay Nhật, thế mà nên nông nỗi này. Thua hết các nước trong khu vực, ngay đến Campuchia và Lào, cũng sắp hay đang vượt qua ta!
Tội của Vua Hùng ư? Mong bạn đọc gạn ý chính và quan trọng nhất.
Chẳng còn cách gì khác như BBC đã nêu: „…Đáng tiếc là nền chính trị Việt Nam vốn vô cùng bí hiểm. Vì thế phần lớn quan tâm là chỉ về các bê bối tham nhũng. Chính trị Việt Nam bị chi phối bởi quan hệ người bảo trợ – đồ đệ, theo cùng vây cánh, vì thế khi có điều tra ai đó, nó có thể không hẳn là vì nghi ngờ tội phạm kinh tế mà thường là nhắm gián tiếp vào người bảo trợ. Nó khiến các đối thủ chính trị phải lo lắng, làm yếu đi nền tảng ủng hộ họ, mà điều này rất quan trọng trong một hệ thống chính trị chú trọng đến sự đồng thuận. Ta cũng cần thừa nhận có nhiều tham nhũng trong chính trị cấp cao ở Việt Nam, vì không có báo chí tự do kiểm tra, đảng cộng sản nói chung đứng trên luật pháp, kiểm soát tòa án và công tố. Quan trọng hơn cả, trong hệ thống hỗn hợp của Việt Nam, là nơi nhà nước vẫn kiểm soát rất nhiều (như vốn, đất đai), khu vực công sở hữu quá nhiều tài nguyên và nguồn lợi thì cơ hội tham ô là ở bên trong nhà nước. Một số ít người lại kiểm soát việc phân bổ hàng hóa, dịch vụ, vốn trong khi lại có quá ít sự kiểm tra và minh bạch… Có thể nếu ông Đinh Thế Huynh trở thành Tổng bí thư, những hạn chế và thực tế của việc lãnh đạo sẽ hạn chế những gì ông có thể làm. Nhưng tôi cảm giác ông ấy rất lo lắng quyền uy và quyền quyết định của Đảng bị kéo trôi về phía các nhà kỹ trị trong chính phủ. Ông muốn tái xác lập sự lãnh đạo tối cao của Đảng, đây là việc không tốt cho nền kinh tế ngày càng phức tạp và hiện đại của Việt Nam….”.
Và hết sức đặc biệt là Jonathan London: “Cái chúng ta cần là sự dũng cảm đưa đất nước đến những cải tổ định chế, trong đó nỗ lực chống tham nhũng nhận được sự quan tâm và ủng hộ cần thiết của công chúng… Dù thế nào, và dù vụ này có tiến triển ra sao, đây là giây phút có lẽ sẽ đóng vai trò quan trọng cho Việt Nam… Có lẽ lạc quan hơn cả, đây là giây phút để nhà nước và xã hội nhận thức rằng để giám sát hành vi của doanh nghiệp nhà nước, thì các chính sách đòi hỏi minh bạch, giải trình thì cần thiết đấy nhưng chả đủ. Cần thêm dân chúng được cho quyền. Và cần thêm nền báo chí có trách nhiệm, chuyên nghiệp và cũng có trách nhiệm giải trình… Trong trường hợp ông Đinh La Thăng, bằng chứng tung lên không gian công cộng rốt cuộc đang được lắng nghe. Chúng ta cần nhớ rằng nếu không nhờ những tiếng nói dũng cảm trong xã hội dân sự, việc lắng nghe bằng chứng này chắc chả xảy ra… Từ chuyện này, cái chúng ta cần không phải là nền văn hóa chính trị dựa trên tin đồn kết hợp bằng chứng cùng cáo buộc tự do lan truyền”.
Quá rõ.
Cái chúng ta cần là cái mà người Myanmar, láng giềng chúng ta vừa hoàn thành cách nay ít tháng: Xây dựng nhà nước pháp quyền, với nền chính trị dân chủ, đa đảng, với nền kinh tế thị trường đích thực (chứ không định hướng xã hội chủ nghĩa!).
Chỉ có thế mới có hy vọng nước Việt Nam này sánh vai với các cường quốc năm châu!
Hãy nhanh chóng quên „Chủ nghĩa Mác Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh“ hết sức lợm giọng đi! Mỗi người Việt Nam hãy dũng cảm đứng lên vì quyền lợi của chính mình!
Với tham nhũng ghê gớm nhất là tham nhũng quyền lực, họ đã biến tất cả chúng ta thành lũ nô lệ từ 87 năm nay rồi! Ngay với cá nhân tôi, dẫu có bằng tiến sĩ Đức, họ đặt cái maulkorb-rọ mõm trước mồm. Hết bàn! May quá còn có mạng! Xin được cám ơn tiến bộ khoa học-kỹ thuật nói riêng và tất cả các thành tựu mà thế kỷ 20 và 21 mang lại!
N.H.T.
Tác giả gửi BVN