Phạm Chí Dũng
Đinh La Thăng (trái) và Nguyễn Phú Trọng.
Không bắn pháo hoa!
Lễ kỷ niệm 30 tháng Tư “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” năm 2017 đặc biệt chưa từng thấy: cùng vào cuối giờ chiều ngày 27/4 khi các tờ báo trong nước được Ủy ban Kiểm tra Trung ương “phát lệnh nổ súng” để đăng nguyên bản kết luận kiểm tra hàng núi vụ việc bị xem là “rất nghiêm trọng” tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) cùng trách nhiệm của đương kim Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, một phó chủ tịch của chính quyền TP.HCM là bà Nguyễn Thị Thu đã như ngậm ngùi thông báo với báo giới “Ban bí thư không cho phép thành phố tổ chức bắn pháo hoa 15 phút vào đêm 30/4”, dù trước đó thành phố này đã làm văn bản xin “bắn”.
Không có lời giải thích nào từ Ban Bí thư của ông Đinh Thế Huynh về việc không cho bắn pháo hoa, nhưng một phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao của TP.HCM đã tiết lộ: tùy vào tình hình thực tế, chính trị xã hội và mỗi giai đoạn khác nhau…
Hoàn toàn không phải lý do “tiết kiệm” cho số tiền chỉ khoảng một chục tỷ đồng chi phí bắn pháo hoa – chỉ bằng 1/340 so với khoản lỗ mà Trịnh Xuân Thanh đã gây ra tại PVC – một doanh nghiệp con thuộc Petro Vietnam từ thời ông Đinh La Thăng còn là Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Có thể cho rằng đây là lần đầu tiên TP.HCM kỷ niệm lễ 30/4 mà không được bắn pháo hoa, trong khi bầu không khí trước ngày này dường như không có gì bất thường về mặt an ninh. Cũng chưa thấy dấu hiệu nào để hình thành một “làng kháng chiến Đồng Tâm” tại thành phố này…
Vậy thì sợ gì mà không “bắn”? “Nội bộ” chăng?
Có vẻ “bài học Quân khu 9” vào thời gian trước Đại hội 12 cùng vụ “tướng chữa bệnh” Phùng Quang Thanh vẫn còn nguyên ám ảnh.
Chiến thắng thứ hai
Một nỗi ám ảnh khôn nguôi đã đặc cách dành cho Tổng Bí thư Trọng từ sau Đại hội 12, cho dù ông đã lau được nước mắt trước đối thủ chính trị số một là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Nỗi ám ảnh ấy còn đeo đẳng ghê gớm, đã trở nên cao trào mất ngủ bằng vụ biến mất cực kỳ thách thức của Trịnh Xuân Thanh. Cho dù ông Nguyễn Tấn Dũng đã cam kết trở thành “người tử tế”, vẫn còn không thiếu kẻ luôn chực chờ gây hậu họa cho ông Trọng.
Cuộc chiến “chống tham nhũng” của Tổng Bí thư cũng bởi thế đã dần hóa thân vào ân oán quyền lực và thể diện.
Nhưng phải mất đến một năm một quý từ sau Đại hội 12 rạng rỡ thắng lợi, Tổng Bí thư Trọng mời giành được chiến thắng thứ hai.
Bài bản được lặp lại phong cách của Vương Kỳ Sơn của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung Quốc mà ông Nguyễn Phú Trọng đã dẫn đoàn “học tập” vài năm trước: dù không có được nhân chứng Trịnh Xuân Thanh, cũng chẳng trưng ra lời khai nào của Vũ Đức Thuận – nguyên trợ lý của Đinh La Thăng, vẫn còn sờ sờ ra đó một núi hậu quả bị cho là trách nhiệm của ông Thăng thời còn tại vị nơi Petro Vietnam, chưa kể một “hình án” có dấu hiệu rất rõ là 800 tỷ đồng mà Petro Vietnam góp vào Ngân hàng Đại Dương của Hà Văn Thắm đã hoàn toàn biến mất.
Không phải Bộ Công an có vẻ khá chậm chạp ngay cả khi Tổng Bí thư đã “tự cơ cấu” vào Thường vụ Đảng ủy công an Trung ương vào tháng 9 năm 2016, mà Ủy viên Bộ Chính trị Trần Quốc Vượng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới bắt buộc phải nổi lên như một Vương Kỳ Sơn của Việt Nam.
Khó mà hình dung khác hơn, cử chỉ Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận về Petro Vietnam ngay trước khi Hội nghị Trung ương 5 của đảng cầm quyền diễn ra là có chủ ý. Cùng nhận định “rất nghiêm trọng” của ủy ban này đối với vụ Petro Vietnam, việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu đề nghị chính thức gửi Bộ Chính trị và Ban bí thư về “kỷ luật đồng chí Đinh La Thăng” tất sẽ dọn đường cho Hội nghị Trung ương 5 bỏ phiếu kỷ luật Bí thư TP.HCM.
Nếu thông tin dư luận về việc Ban bí thư đã thống nhất kỷ luật ông Đinh La Thăng với mức độ “cảnh cáo về mặt Đảng” là đúng, mức kỷ luật tại Ban chấp hành Trung ương thông thường sẽ không nhẹ hơn. Và chỉ cần có thế, đương nhiên chức Bí thư Thành ủy TP.HCM sẽ một sớm một chiều bị tước khỏi tay ông Đinh La Thăng. Để trong trường hợp khả quan nhất, ông Thăng cũng chỉ nhận được một chức vụ “làng nhàng” nào đó trong bộ máy Trung ương – gần giống với đương kim Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, nhưng có lẽ thấp hơn ông Bình.
Còn nếu nặng hơn, đó sẽ là “cách chức về mặt Đảng”, thậm chí khai trừ Đảng và mở đường đến truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan những vụ việc tại Petro Vietnam. Khi đó thì đừng có nghĩ gì đến việc tồn tại trong Bộ Chính trị, thậm chí trong Ban chấp hành Trung ương.
Báo nhà nước Việt Nam, bỉ bôi thay, đang rầm rộ khởi phát một chiến dịch “xét lại Đinh La Thăng”, cho dù chỉ mới năm ngoái chính những tờ báo này đã tung hô ông Thăng lên tới mây xanh, còn gần đây nhất lại câm bặt vụ nông dân Đồng Tâm, Hà Nội phản kháng triều đình.
Nếu vụ ông Đinh La Thăng diễn ra “đúng quy trình” và theo đúng tuyên ngôn “kỷ luật vài người để cứu muôn dân” của ông Trọng, bàn cờ chính trị Việt Nam sẽ được “tái cơ cấu” thấy rõ: cùng với ông Thăng, nhân vật thứ hai đã quá mang tai tiếng là Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Bình cũng có thể bị “xét lại”. Hoặc ở vào thế “quy thuận triều đình”, ông Bình sẽ ngồi yên tại Ban Kinh tế Trung ương cho đến lúc đủ tuổi hưu.
Ván cờ sinh – tử bắt đầu!
Hội nghị Trung ương 5 cũng bởi thế có thể mang đến triển vọng “phục thù” cho Tổng Bí thư Trọng đối với thất bại không thể cơ cấu hai nhân vật Vương Đình Huệ và Nguyễn Bá Thanh vào Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 7 – diễn ra vào tháng 5/2013.
Chiến thắng thứ hai của Tổng Bí thư Trọng, dù khá muộn màng, vẫn mở toang cánh cửa để ông Trọng có dịp “hội kiến” với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Có vẻ ông Trọng không còn “đường” nào khác.
Không phải Đại hội 12. Giờ đây, ván cờ quyết định sinh – tử mới bắt đầu.
Khỏi phải nói, cũng có thể hình dung ông Nguyễn Tấn Dũng và “dây” của ông đang ở vào thế nguy biến đến thế nào.
Nhưng ông Dũng sẽ làm gì?
P.C.D.
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/a/dinh-la-thang-nguyen-tan-dung-phu-trong/3829692.html