Khi báo chí là con rối trong tay nhà cầm quyền

Song Chi

Trong một chế độ độc tài thì làm gì có một nền báo chí tự do, trung thực? Ở VN cũng vậy thôi. Cả nước có trên hơn 800 cơ quan báo chí, chưa kể hơn 100 cơ quan báo điện tử, hơn 300 kênh phát thanh, truyền hình phát sóng hàng ngày, với gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ đang hoạt động trên khắp vùng miền của đất nước và ở nước ngoài. Đó là một con số không nhỏ tính theo tỷ lệ dân số.

Nhưng như nhiều người vẫn nói, hơn 800 tờ báo chỉ có một ông Tổng biên tập, đó là đảng và nhà nước cộng sản thông qua Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng cho phép báo chí truyền thông được nói cái gì, cái gì không, nói tới đâu, v.v… Chưa kể, đảng bắt nói không thành có, có thành không, đen thành trắng và ngược lại. Lịch sử VN mấy ngàn năm nói chung và lịch sử VN kể từ khi có đảng cộng sản ra đời nói riêng, còn tẩy xóa, sửa đổi, bóp méo, viết lại được kia mà.

Điều đó chẳng có gì mới. Vì miếng cơm manh áo, nhiều nhà báo đã phải chấp nhận thực tế này, và cũng có những nhà báo vì hám lợi, hám danh và cả vì sự ngu dốt, thật sự hăm hở, tích cực tự biến mình thành công cụ, thành cái loa của đảng, mà chúng ta vẫn gọi là bồi bút, thậm chí, điếm bút. Nhưng cũng có những nhà báo vẫn giữ được lương tri, lương tâm, cố gắng nếu không viết được thì im lặng chứ không làm bẩn ngòi bút của mình.

Biết là vậy nhưng đôi khi vẫn ngạc nhiên trước cái sư tồi tệ nói chung của nền báo chí xã hội chủ nghĩa VN. Một nền báo chí sinh ra và tồn tại trước hết là để bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ, và khi có bất cứ xung đột quyền lợi gì giữa đảng với nhân dân thì báo chí quốc doanh tất nhiên sẽ đứng về phía nhà nước, chứ không phải đứng về phía nhân dân.

Có vô số ví dụ kể ra không hết. Từ những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn, hiếu chiến trên biển Đông của thanh niên, sinh viên, trí thức, người dân VN cho tới những cuộc biểu tình vì bị nhà cầm quyền cưỡng chế đất đai, đền bù không thỏa đáng của dân oan, những cuộc biểu tình phản đối vụ Formosa của bà con giáo dân các tỉnh miền Trung dưới sự dẫn dắt của các Linh mục trong thời gian vừa qua… Báo chí quốc doanh hoặc là làm lơ như không hề có những cuộc biểu tình đó xảy ra, hoặc gọi đó là những cuộc tụ tập gây rối, do bị kẻ xấu, các thế lực thù địch kích động, giật dây.

Báo chí còn vu cho người dân là đi biểu tình được các tổ chức phản động ở hải ngoại (thường hay nhắc đến nhất lả Đảng Việt Tân) cho tiền. Báo chí quốc doanh không ngần ngại gọi thẳng tên và bôi nhọ một số trí thức, văn nghệ sĩ hay một số Linh mục đi đầu trong những cuộc biểu tình.

Trong đó những cơ quan mạnh miệng nhất là báo Nhân dân, Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Công an TP.HCM hay đài truyền hình quốc gia VTV…

Khi xảy ra vụ Formosa, ngay trong những ngày biển còn đang bị ô nhiễm nặng nề, cá chết hàng loạt, người dân hoang mang không biết có nên ăn cá, hải sản hay không thì báo chí, theo lệnh, thi nhau đưa tin biển đã an toàn, các quan chức đua nhau chụp hình cảnh đi tắm biển, ăn cá… Tháng 11.2016 ông “Bộ trưởng TN&MT: Biển miền Trung đã an toàn” (Zing.vn), tháng 2.1017 lại “Bộ TNMT khẳng định biển miền Trung “đã an toàn” (Viet Times), trong khi những nhà báo độc lập, facebooker tìm cách đến tận những làng chài miền Trung nơi bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thảm họa Formosa thì thực tế khác hẳn.

Cho tới nay đã hơn một năm trời trôi qua, thảm họa Formosa vẫn đang tiếp tục gây ra những hậu quả hết sức nặng nề cho môi trường biển, không khí, hệ sinh thái, đời sống ngư dân, cho nền kinh tế VN và đặt ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe trong tương lai cho cả dân tộc, nhưng báo chí thì vẫn cứ nhà nước cho phép nói cái gì thì nói cái đó và tuân theo lệnh nhà cầm quyền, vẫn cố mà bao che, bảo vệ cho Formosa. Nào “Đến thời điểm hiện tại Formosa đã khắc phục được 52/53 lỗi vi phạm, còn lại duy nhất một hạng mục theo lộ trình sẽ hoàn thành vào năm 2019” (“Formosa đã khắc phục được 52/53 lỗi vi phạm”, VietTimes)

Nhưng như chúng ta đều biết, sai phạm quan trọng nhất của Formosa là cố tình tráo đổi công nghệ cốc khô theo cam kết ban đầu sang sang cốc ướt để giảm chi phí mặc dù rất ô nhiễm môi trường. Và chính vì sự tráo đổi này nên khi xảy ra sự cố trong việc sử lý nước thải, đã khiến nước thải có chứa chất độc từ quá trình luyện cốc ướt xả thẳng ra biển làm cá chết hàng loạt. Nếu Formosa luyện cốc khô, thảm họa đã không xảy ra vì công nghệ khô không dùng nước…

Hay mới đây, để phản ứng lại những cái sai trái của nhà cầm quyền trong chính sách thu hồi, cưỡng chế đất đai cũng như đã đàn áp, bắt giam người dân, bà con Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội đã tạm giữ gần 40 cán bộ địa phương, cảnh sát cơ động, rào làng, quyết tâm “tử thủ” với nhà cầm quyền để giữ đất.

Báo chí lúc đầu hoàn toàn án binh bất động mặc cho tin tức lan tỏa, được cập nhật liên tục trên các trang mạng xã hội, báo người Việt ở nước ngoài và một số tờ báo lớn của quốc tế cũng đưa tin: Times, The Straitstimes, The Star, ABC News, AP (Associated Press), The Washington Post, Channel News Asia, The New York Times… Đến khi được phép đưa thì lại đưa tin theo cái nhìn của quan chức Hà Nội nói riêng và nhà cầm quyền VN nói chung.

Sau hơn một tuần căng thẳng, sự việc cuối cùng cũng êm xuôi, chúc mừng bà con, nhờ có internet, chưa gì thế giới cũng đã tỏ tường, chứ như ngày xưa thì bà con đã bị đàn áp đẫm máu mà bên ngoài không ai hay. Như cuộc nổi dậy của bà con nông dân tỉnh Thái Bình năm 1997 đã bị đàn áp đẫm máu trong bóng tối, hay một vụ việc tương tự như vụ Đồng Tâm bây giờ đã xảy ra ở làng Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa, Kim Bảng, tỉnh Hà Nam năm 1992.

Theo nhà văn Phạm Thành tức blooger Bà Đầm Xòe, không chỉ dùng nhiều biện pháp, thủ đoạn để khủng bố bà con, sau đó tử hình người đứng đầu là ông Trịnh Văn Khải, và đàn áp bà con nông dân, “Lũ quan tham huyện này đã bỏ tiền ra thuê công an, côn đồ để tìm mọi cách đàn áp dân, chúng còn thuê cả nhà văn, nhà báo về để viết, bôi nhọ ông và dân làng, dựng phim lên truyền hình trung ương bôi nhọ ông… bộ phim trên truyền hình nhà nước : “chuyện Làng Nhô” ra đời có kịch bản được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn quê Hà Tây là Nguyễn Quang Thiều. Trong phim, VTV còn bịa đặt ra chuyện “Trịnh Khả dan díu với vợ liệt sỹ…” trong khi ông là một nhà giáo về hưu, vợ ông luôn cùng ông, cùng bà con bên cạnh đi đấu tranh, vạch mặt quan tham. Hành vi đê tiện và bỉ ổi của lũ nhà văn, truyền hình đã góp phần giết oan một công dân, một trí thức dám đứng ra cùng nhân dân chống tham nhũng từ những năm 1990 của thế kỷ trước…” (“Lật lại vụ án oan “Chuyện làng Nhô”).

Thời cuộc đã thay đổi. Trong vụ Đồng Tâm, ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cuối cùng đã chấp nhận đối thoại với dân, bà con khen ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thì cũng dễ hiểu. Nhưng nhìn cung cách “đối thoại” của ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung và cái cách báo chí nhà nước tường thuật lại sự việc thì vẫn bề trên lắm, vẫn cứ là quan nhìn xuống dân chứ chả phải quan chức sống bằng tiền thuế của dân, công việc và nhiệm vụ của cán bộ, quan chức là phục vụ dân. Nào người dân Đồng Tâm rất ăn năn hối lỗi, xin được khoan hồng, nào người Đồng Tâm đã biết sai và xin lỗi, nào ông Chung nói “Đất nước ta có truyền thống đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại, đối với người vi phạm nếu đã nhận thức rõ, thành khẩn, khắc phục, chắc chắn sẽ được giảm nhẹ”…

Vụ Đồng Tâm xử sự được chừng đó đã là tiến bộ lắm đối với quan chức nước này, nhưng phải còn khá lâu nữa để họ thực sự thành tâm, bỏ được cái kiểu suy nghĩ, hành xử nhìn xuống đó, và đám báo chí truyền thông quốc doanh bỏ được cái lối đưa tin coi khinh nhân dân như vậy.

Nhưng có lẽ điều đó sẽ chỉ thực hiện được trong một xã hội tự do, dân chủ, thượng tôn pháp luật, một xã hội mà người dân thực sự có tiếng nói của mình và quan chức, chính khách cho tới ngay cả Tổng thống, Thủ tướng cũng thấm nhuần rất rõ sự thật rằng họ chỉ là người phục vụ cho nhân dân, phụng sự đất nước. Còn báo chí thì có sự tự do, độc lập để thể hiện chính kiến của mình, chứ không phải chỉ là con rối trong tay nhà cầm quyền!

S.C.

Nguồn: FB Song Chi

This entry was posted in báo chí. Bookmark the permalink.