Vương Trí Nhàn
Khi trả lời phỏng vấn một tờ báo Việt Nam, một chuyên gia giao thông người Nhật Bản nêu nhận xét rằng ông thấy người dân ở Hà Nội đi xe máy đúng theo kiểu tự sát.
Có thể bảo “đâm đầu vào cõi chết” là tinh thần chi phối xã hội ta trên nhiều phương diện sống khác. Ít ra là trong mấy việc:
1/ cách ta xả rác và hủy hoại môi trường
2/ cách ta khai thác hầm mỏ, đất đai… và các di sản văn hóa để thu lợi.
3/ Cách ta dùng người và đào tạo lớp trẻ.
Đấy cũng là cái ý mà Nhị Linh viết trong bài đưa trên blog của tác giả ngày 25-2-2012. Bài viết “Nào ta cùng tự sát” dành để nói về các mặt đi lại, phóng xe, đổ rác… của dân ta hiện nay. Tôi mượn để nói về giáo dục nên cải lại như trên.
Sinh viên các trường sư phạm giờ đây khi ra trường dù là giỏi đến đâu cũng không được nhận vào biên chế ngay mà phải qua nhiều lần hợp đồng
Nói là để thử thách.
Nhưng thực chất là để các nhà tổ chức hét tiền cống nạp, giá hiện thời đâu từ vài chục đến cả trăm triệu mỗi lần.
Một Phó giáo sư giáo dục học đã về hưu kể với tôi từ đây xảy ra hai tình thế, một là có nhiều Cử nhân sư phạm mới ra trường không kiếm được tiền đành bỏ nghề; hai là những em có khả năng mang tiền nhà đi vay đi mượn để nộp thì sau này mặc sức cướp bóc học trò để hoàn vốn.
Chuyện cướp bóc xảy ra ở nhiều ngành khác, nhưng đến giáo dục càng thấy đau lòng vì trong tay những thầy giáo như thế thì con em chúng ta còn làm sao mà nên người được.
Tuổi già tôi hay có những ý nghĩ lẩn mẩn.
Ví dụ như nhân vụ “sự cố môi trường“ ở Kỳ Anh, tôi ước giá kể trong gia đình những người phụ trách chính quyền ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có em có cháu nào đó “tố” lên cho bọn tôi biết bữa cơm trong nhà họ có dùng đến những thứ hải sản mới đánh lên từ biển hay không.
Tương tự như vậy, với chuyện giáo dục thời nay, tôi tự đặt cho mình câu hỏi, 1/ chẳng lẽ những người phụ trách ngành giáo dục không có con cái cháu chắt đi học ở các trường phổ thông; 2/chẳng lẽ những đứa trẻ ấy không nói với cha chú chúng rằng chúng đang học trong một nhà trường thế nào?
Nhiều người chúng ta đều biết rằng thời nay, sinh viên VN đi học Âu Mỹ không mang về nổi cái bằng. Mà về khoa học tự nhiên còn đỡ. Chứ lâu nay có mấy trường hợp thanh niên ta lọt vào các ngành khoa học xã hội của nước ngoài để lo học hỏi rồi về tác động tới cách sống của con người trên mảnh đất này. Tương lai chúng ta sẽ quản lý người theo kiểu chiến tranh mãi mãi hay sao? và chúng ta sẽ không bao giờ hội nhập thực sự với thế giới hay sao? Cuộc tự sát này diễn ra chậm chạp, cố nhiên và cái chính là không ai có thể thoát ra theo cách riêng của mình nên có thể gọi là chắc chắn nữa. Chết một đống hơn sống một người, câu cửa miệng của người xưa vẫn còn trong đầu óc người thời nay, nó giúp cho cuộc sống hồn nhiên tự phát của người ta có thêm động lực.
V.T.N.
Nguồn: FB Nhan Vuong Tri