Đào Phi Khanh
Thế là quả bom Đồng Tâm được tháo ngòi nổ sau mấy ngày căng thẳng. Đối với tôi, cách hành xử của ông Chủ tịch thành phố thực sự đáng khen, vì vậy tôi thấy cũng cần “khen” ông Chung một phát.
Tôi biết ông Nguyễn Đức Chung khi ông là Giám đốc CA thành phố Hà Nội, khi đó tôi là phóng viên báo Người cao tuổi. Một lần, bà Trần Thị Luật gửi đơn đến báo nhờ giúp đỡ. Câu chuyện của bà cũng khá “lằng nhằng dây điện”. Số là bà cho một người vay tiền, rồi người ta không trả. Đòi mãi chẳng được, bà Luật tố cáo ra CA Hà Nội. Thượng tá Lã Ngọc Tỉnh, Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra CA Hà Nội ra văn bản nói đây là tội hình sự, phải xử lý theo Bộ Luật hình sự. Người vay tiền nghe vậy hoảng hốt tìm đến ông Thượng tá điều đình. Thế là tháng sau ông Lã Ngọc Tỉnh ra văn bản nói đây là vụ dân sự, đề nghị hai bên ra Tòa án dân sự giải quyết. Tôi viết bài kể lại câu chuyện, nêu ra câu hỏi: Vì sao lúc đầu CA Hà Nội nói đây là vụ hình sự mà chỉ một tháng sau lại nói là vụ dân sự? Báo phát hành nhưng CA Hà Nội im như thóc, không trả lời. Tôi báo cáo Tổng biên tập Kim Quốc Hoa, đề nghị báo gửi công văn hỏi CA Hà Nội. Thảo nội dung công văn xong tôi đưa đến Ban biên tập. Phó Tổng biên tập Nguyễn Đăng Bằng đọc xong toát mồ hôi, hỏi lại: Anh Khanh, anh có chắc không? Hỏi CA của Thủ đô đâu phải chuyện chơi? Tôi đáp: Cứ đúng luật mà làm. Báo có quyền hỏi, và cơ quan nhà nước được hỏi thì phải trả lời bằng văn bản. Ông cứ yên chí đi, CA thấy chữ ký của ông dưới công văn này thì từ nay phải kính nể ông chứ không có chuyện khó khăn gì đâu!
Sau khi công văn được gửi đi, CA Hà Nội mời nhà báo đến Sở Công an. Tiếp tôi, Giám đốc CA, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung nói: Bác hỏi thì CA có trách nhiệm vụ trả lời theo luật. Hôm nay CA mời bác đến để trả lời, sau đó sẽ lấy nội dung buổi làm việc hôm nay để trả lời bằng văn bản. Tôi đồng ý, vào họp với cả bộ sậu của Thiếu tướng. Ông thiếu tướng rất nhỏ nhẹ: Xin thưa luôn với bác, báo chí hỏi gì thì CA trả lời cái đó, báo hỏi vì sao lúc đầu nói đây là vụ hình sự, sau lại nói đây là vụ dân sự thì CA chỉ trả lời về việc đó, không nói chuyện đúng sai vì báo không hỏi là đúng hay sai? Tôi cười đáp: Đồng ý! Bụng nghĩ thầm: ông Thiếu tướng “né đòn” giỏi thật. Ông Chung cho tôi số điện thoại và dặn: Về sau có việc gì liên quan đến công an bác cứ gọi điện nói trước, khỏi phải đăng báo. Khi tôi về tòa soạn kể lại câu chuyện, Ban biên tập cười rộn rã. Có người bình luận: Giỏi đấy! Đồng chí này còn lên nữa chứ không dừng ở Giám đốc CA đâu.
Mấy ngày dư luận nổi cộm lên vì vụ Đồng Tâm tôi đang phải đi khám bệnh, chỉ đọc thông tin trên mạng. Ngày 19/4 đọc thấy tin Thiếu tướng Bạch Thành Định trả lời trong họp báo rằng CA sẽ xử lý nghiêm các đối tượng “bắt giữ người trái pháp luật” tôi hơi lo cho dân Đồng Tâm. Chiều 20/4 tôi đến Đồng Tâm, làm quen và hỏi chuyện bà con. Để làm bà con tin, tôi xuất trình thẻ nhà báo và lắng nghe dân nói. Tôi thông tin cho bà con biết Thiếu tướng Bạch Thành Định trong buổi họp báo đã “răn đe” bà con về tội “bắt giữ người trái pháp luật”, tuy nhiên, bà con đã biết chuyện đó rồi. Tôi đề nghị: Các bác nên gửi gấp đơn thư đến UBND thành phố Hà Nội, CA Hà Nội, trong đó vạch rõ chính CS cơ động đã vi phạm quy định, bắt giữ người trái pháp luật (CS không có thẻ ngành, không có lệnh bắt, bắt không lập biên bản có chứng kiến của địa phương), vì vậy theo quy định của pháp luật hiện hành, bất cứ ai cũng có quyền tạm giữ đối tượng vi phạm (ở đây là CS cơ động) để giao nộp cho CA xử lý. Sau đó bà con đề nghị ông Bạch Thành Định đến nhận bàn giao đối tượng vi phạm, tất nhiên, khi bàn giao thì phải lập biên bản. Trước mắt cứ xóa cái lỗi “bắt người trái pháp luật” đi đã, rồi đợi Chủ tịch thành phố về thì nói chuyện đất đai sau.
Tôi định viết một bài về việc xẩy ra ở Đồng Tâm, vừa bảo vệ dân vừa chỉ ra lối thoát nên có cho cơ quan chính quyền, nhưng chưa kịp viết thì được tin ông Nguyễn Đức Chung đã về thôn Hoành đối thoại với dân. Báo chí đưa tin, đăng cả cam kết của Chủ tịch thành phố, trong đó ông Chủ tịch hứa không truy cứu trách nhiệm những người dân đã “bắt giữ người trái pháp luật”. Tuy nhiên, cái tôi chú ý nhất là điều cam kết thứ ba: Cho thanh tra làm rõ người nào đã bắt ông Kình trái pháp luật và xử lý theo quy định. Đây mới thật là đòn phép của “phù thủy cao tay ấn”! Nếu ông Chung chỉ đơn giản thông báo thanh tra làm rõ việc sử dụng đất đai và miễn truy cứu trách nhiệm của dân thôi thì khó có thể tin thanh tra sẽ làm đúng pháp luật trong 45 ngày sắp đến. Nếu không xử lý CS đã bắt ông Kình trái pháp luật thì hành động của CS cơ động là đúng, thế thì thanh tra sẽ không thể tìm ra sai phạm. Xử lý CS cơ động trước, cũng có nghĩa báo hiệu cho cả hệ thống rằng pháp luật không có vùng cấm, bất kỳ ai vi phạm cũng sẽ bị xử lý. Ông Chung có làm được điều này hay không thì còn phải chờ, vì vẫn có thể ông chỉ “giơ cao đánh khẽ”, trước mắt ông tạm làm dịu bức xúc của dân cái đã rồi tính sau. Nhưng dù sao thì ông cũng rất đáng khen, không phải ai cũng dám cam kết như ông. Cứ nhớ lại vừa mới đây thôi, Thiếu tướng Bạch Thành Định còn nói như “có gang có thép” rằng CA sẽ xử lý nghiêm những người vi phạm ở Đồng Tâm kia mà.
Tôi ủng hộ ông Nguyễn Đức Chung, chẳng phải sợ gì hết, cứ đúng luật mà làm. Đúng luật thì dân sẽ tin ông và tin chính quyền ■
Đ.P.K.
(Nhà báo)
Tác giả gửi BVN
Ngày 20/4/2017, hỏi chuyện dân ở Đồng Tâm