Lê Trọng Hiệp
Ngày 9.4.2017 trang web chính phủ đăng bài của Đức Tuân “Thủ tướng yêu cầu phải đổi mới tư duy”. Thêm một lần nữa, người dân lại bị nhàm tai với cái khẩu hiệu sai be bét này [1].
Nó nhàm tai vì đã thành món nhai lại của giới lãnh đạo và ngành tuyên giáo từ thập niên 80 của thế kỷ 20 đến nay.
Nó sai bét vì để “đổi mới tư duy” trước hết phải biết “tư duy” cái đã. Mà từ trước đến nay thì đã có ai có cơ may chứng kiến những kẻ hô khẩu hiệu ấy “tư duy”?
Cũng như những kẻ hay những thế lực la oai oái là họ bị kẻ khác “bôi nhọ” và “hạ thấp uy tín”: muốn la làng như thế thì trước hết họ phải thực sự có “thanh danh” và “có uy tín” cái đã.
Lấy thí dụ những kẻ hay những thế lực mafia kiếm ăn và tạo dựng thanh thế bằng những trò đá cá lăn dưa, sử dụng hạng vô lại như Chí Phèo, thậm chí tranh hơn tranh thua với kẻ khác bằng trò vu vạ hay những bô phân cùng lọ mắm tôm thối. Những thứ hạng này chưa bao giờ “trong sáng” hay “trắng ngần” để bị “bôi nhọ” cả, cũng chẳng bao giờ có uy tín để “bị hạ thấp” cả! Người ta chỉ đơn giản nói lên sự thật, và khi bị vạch rõ chân tướng thì họ la làng, đơn giản là như vậy!
Những kẻ hô hào “đổi mới tư duy” cũng vậy: ngược dòng lịch sử đến đâu đi nữa, cũng chưa bao giờ thấy họ thực sự… tư duy.
“Tư duy”, theo định nghĩa của Từ Điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ Học, 201-04) là “Giai đoạn cao của quá trình nhận thức, đi sâu vào bản chất và phát hiện ra tính quy luật của sự vật bằng những hình thức như biểu tượng, khái niệm, phán đoán và suy lý”.
Đã có khi nào những kẻ hô khẩu hiện trên đạt đến “giai đoạn cao của quá trình nhận thức”? Đã có khi nào họ “đi sâu vào bản chất và phát hiện ra tính quy luật của sự vật”?
Họ chưa bao giờ làm được như thế cả!
Nếu họ làm được thì có lẽ lịch sử đã khác.
Có lẽ thế hệ lãnh đạo ngày nay đã không há miệng mắc quai về những sai lầm lịch sử chết người, không lúng túng trước những chính sách khó nói của “một thời ấu trĩ”?
Chắc chắn sẽ không có “cải cách ruộng đất”, không chỉ thấm máu người mà phá nát giềng mối đạo lý.
Chắc chắn sẽ không có cuộc cải tạo công thương nghiệp khiến kinh tế trì trệ, đời sống đã khó khăn thêm phần khó khăn.
Và chắc chắn (điều quan trọng nhất) là sẽ không có cuộc chiến “phên dậu”, trong đó Việt Nam vừa phải đóng vai nạn nhân, vừa phải đóng vai kẻ mang ơn, mắc nợ với kẻ thủ lợi là Trung Quốc!
Nhưng nếu không “tư duy” thì những thế hệ lãnh đạo này đã sử dụng bộ óc của mình để làm gì?
Chúng ta hãy điểm qua lời kể của một số nhân chứng.
“Tư duy” của lãnh tụ
Trong thập niên 1960 họ nêu ra khẩu hiệu chính thống là “Chủ nghĩa Mác Lê Nin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Tác phong Hồ chủ tịch”. Điều này cho thấy “Hồ Chủ tịch” không hề có tư tưởng nào. Sau đây là lời của ông Bùi Tín trong cuốn Hoa Xuyên Tuyết, kể lại giai đoạn từ 1945 đến năm 1950 khi “Ngọn gió phương Bắc ào ạt thổi xuống căn cứ địa Việt Bắc”:
“Chúng tôi tiếp thu một cách ào ạt, ngấu ngiến, không chút suy xét và càng không có một chút phê phán nào cả! Bài hát ca ngợi Mao Trạch Đông “Đông phương hồng”, được coi là bài hát chính thức, cùng với “Tiến quân ca”, bài suy tôn Hồ Chủ Tịch và bài Quốc Tế Ca. Và thế là ở Đại hội lần thứ hai của đảng cộng sản Việt Nam trên căn cứ địa Việt Bắc, trong cuốn Điều lệ đảng, ở ngay phần đầu được ghi rõ: cơ sở lý luận và tư tưởng của đảng là chủ nghĩa Mác Lê Nin và tư tưởng Mao Trạch Đông. Không một ai nghi ngờ, và tất nhiên không một ai phản đối cả. Nó tự nhiên như ánh sáng, như hơi thở cần cho cuộc sống con người vậy! Cần nói thật rằng những tư duy của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, của các vị Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp… , lúc ấy đều coi tư tưởng Mao là mẫu mực, là chân lý. [… ] Tôi còn nhớ sau đó ít lâu, một nhà báo Pháp hỏi Hồ Chủ Tịch: Sao cụ không viết các tác phẩm lý luận, thì được trả lời ngay rằng: “Tôi có gì để viết nữa, tất cả lý luận cần thiết Mao Chủ Tịch đã nghĩ đến và viết ra rồi!” [2]
Một nhân chứng khác là Hoài Thanh, qua lời kể của Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh về những “trăn trở cuối đời”: [3]
“Nhưng trong những ngày cuối cùng trước khi mất, theo anh Từ Sơn, Hoài Thanh hình như có ngộ ra một cái gì đó có vẻ ngược chiều với những suy nghĩ trước kia của ông.
Trong Di bút (bản đánh máy Từ Sơn cho tôi) tuy ông chủ yếu nói về văn chương, nhưng cũng có nêu lên một vài thắc mắc về chế độ xã hội miền Bắc. Chẳng hạn, ông nhận xét thái độ lao động của cán bộ ta không nghiêm túc bằng những viên chức của các cơ quan dưới chính quyền nguỵ (gọi là viên chức “lưu dung”). Thí dụ, những cô y tá, hộ lý của bệnh viện ta không phục vụ bệnh nhân tốt như y tá, hộ lý của các bệnh viện ở Sài Gòn trước 1975 ở lại làm việc với ta, hay những cô mậu dịch của ta thì rất hách dịch, cửa quyền. Còn luật lệ giao thông của ta thì không nghiêm như luật lệ giao thông của Sài Gòn thời nguỵ. [… ] Ông thắc mắc cả về Lê Duẩn khi Duẩn nói Nguyễn Du không có chút tình cảm gì với quần chúng. Ông thắc mắc cả về Hồ Chí Minh: trong 5 điều Bác Hồ dạy “không có một điều nào nói về tình thương mẹ, thương cha. Tình thương ấy mà không có hoặc có mà lệch lạc thì đâu có thể nói được là đã nên người”. Hoặc là “vào khoảng năm 1952, tôi được nghe Bác nói trong một lớp chỉnh huấn: “Bác có thể sai, Trung ương có thể sai… Nhưng đồng chí Mao Trạch Đông, đồng chí Xitalin thì không thể sai” (…). Ý kiến ấy khó có thể nói là không sai” [2].
Còn nhân chứng thứ ba là Nguyễn Văn Trấn, kể lại trong cuốn Viết cho mẹ & Quốc hội (California: Văn Nghệ 1995). Tác giả từng là Phó bí thư xứ ủy Nam kỳ trong thời kỳ tiền cách mạng và là đại biểu tham dự Đại hội đảng lần thứ hai tại Chiêm Hoá, Tuyên Quang năm 1951.
Tại đây tác giả được bố trí vào tổ thảo luận gọi là “Tổ Nam bộ” hay “Tổ quốc tế” với các đại biểu Hồ Viết Thắng (sau phụ trách cải cách ruộng đất sau 1954), Kay Xon (sau là Tổng bí thư ĐCS Lào), Ung Văn Khiêm (sau là Bộ trưởng Ngoại giao nhưng bị án xét lại), Dưong Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Bùi Lâm, Bùi Công Trừng. Trần Công Tường, Trần Duy Hưng (sau là chủ tịch Hà Nội), v.v. Những đại biểu này toàn là thứ dữ và họ muốn Hồ Chí Minh phải có “tư tưởng” riêng của mình, không đơn giản sao y “tư tưởng” của Mao Trạch Đông.
Tác giả viết (trang 153):
“Anh em trong tổ quốc tế này đả tơi bời cái tư tưởng Mao Trạch Đông. Ôi cái miệng của Bùi Công Trừng. Anh đả luôn cái bọn đi học lớp Hoa Nam đầu tiên ở Trung Quốc về, nói chuyện thì khen Mao chủ xị với văn phong rặt Trung Quốc. [… ] Hôm đó, là tổ trưởng, tôi làm nhiệm vụ phản ảnh trực tiếp. Một mình Bác Hồ, một mình tôi. Tôi báo cáo tình hình, anh em trong tổ nói bộ hết duyên rồi sao mà lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm tư tưởng chỉ đạo đảng ta. Nhưng anh em giao là nói trong tổ cho nhau biết chớ không phát biểu ở hội trường. Và đã lỡ miệng nói một điều quan trọng như vậy, trong quan hệ quốc tế này thì ngậm miệng đừng nói đi nói lại là hơn. Hồ Chí Minh nhắm hí mắt như Staline khi gặp vấn đề khó nghĩ, và tìm chữ.
Tôi thưa tiếp:
– Có đồng chí còn nói: Hay ta viết “tư tưởng Mao Trạch Đông và tư tưởng Hồ Chí Minh” có phải hay hơn không!
Câu nói của tôi làm cho mắt ông già rạng lên theo lời đáp cấp kỳ:
– Không, tôi không có tư tưởng ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lê nin”.
Nếu Hồ Chí Minh “không có tư tưởng nào” thì một “học trò kiệt xuất” của ông là Trường Chinh cũng vậy.
“Tư duy” của “tổng công trình sư đổi mới”
Trường Chinh, người được xem là tổng công trình sư của Đổi Mới vào nửa sau thập niên 1980, lúc khẩu hiệu “đổi mới tư duy” rộ lên, trở thành thời thượng. Nhưng trên thực tế thì ông ta vẫn không hề tư duy.
Thứ nhất, ông không hề “nhận thức” hay “đi sâu vào bản chất và phát hiện ra tính quy luật” mà chỉ đơn giản là… sáng mắt ra trước cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội hầu như toàn diện vào lúc đó.
Sáng mắt trước hậu quả của đường lối kinh tế Stalinist, ông loay hoay tìm cách tháo gỡ.
Cần nhớ rằng đó cũng là thời mà Liên Xô hô hào đổi mới, là thời mà Trung Quốc đã bắt tay với Mỹ và mở cửa cho nhà đầu tư Tây phương, cái gọi là “đổi mới” của Việt Nam chỉ là đơn giản là bắt chước.
Thứ hai, ngạn ngữ có câu “Đói đầu gối phải bò” và lúc đó ông ta đã “bò”. Ông Trường Chinh đã “bò” theo chính sách “Kinh tế mới” (NEP) mà Lenin đã áp dụng ở Nga từ năm 1921 đến 1929.
Tháng 11 năm 1982, trước hiện trạng đen tối khi xã hội bước vào một cuộc khủng hoảng toàn diện, ông Trường Chinh đã tập hợp một nhóm nghiên cứu gồm những nhà lý luận và một trong những nhiệm vụ quan trọng của họ là nghiên cứu chính sách Kinh tế mới của Lênin để áp dụng ở Việt Nam.
Có thể nào gọi việc mô phỏng một chính sách đã cũ kỹ đến hơn nửa thế kỷ là “đổi mới”?
Và bây giờ
Mới nhất, theo bài báo “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đổi mới tư duy về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển” của ký giả Phong Phú trên báo Cà Mau ngày 22.2.2017:
“Tiếp tục chuyến làm việc tại Cà Mau, sáng nay, ngày 21/2, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác có chuyến làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Cà Mau.
Thay mặt Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2016 và nhiệm vụ phát triển năm 2017. [… ]
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ niềm vui trước những thông tin đổi thay diện mạo của tỉnh Cà Mau sau 20 năm tái lập. Đồng thời bày tỏ mong muốn Đảng bộ tỉnh cần tập trung quán triệt sâu sắc hơn nữa các cơ chế, chính sách ở địa phương nhằm thu hút, tập trung mọi nguồn lực, tạo thế phát triển cân xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.
Đồng thời, Tổng bí thư cũng yêu cầu Đảng bộ tỉnh cần phải có định hướng phát triển rõ rệt từng ngành mũi nhọn và có sự liên kết vùng, tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương trong triển khai, thực hiện; tập trung nâng cao công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế thừa phải đảm bảo các quy định cần thiết để tạo bước đột phá mới cả về nhân lực, vật lực.”
Bỏ qua những sáo ngữ nhàm chán như “quán triệt sâu sắc hơn nữa các cơ chế, chính sách ở địa phương nhằm thu hút, tập trung mọi nguồn lực, tạo thế phát triển cân xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh” thì cũng thấy rằng chỉ trong một đoạn ngắn thôi, tổng bí thư đã thể hiện bao nhiêu là điều bất cập và mâu thuẫn!
Thứ nhất, Tổng bí thư yêu cầu “định hướng phát triển rõ rệt từng ngành mũi nhọn” mà không chịu khó “tư duy” như ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Theo ông Kiên thì “Chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời gian vừa qua mang hình hài của quả mít, rất nhiều mũi nhọn như nhau nên không biết được đâu là ưu tiên, đâu là đột phá” [4].
Thứ hai, tổng bí thư yêu cầu đảng bộ Cà Mau “tập trung” làm đủ thứ việc: “tập trung quán triệt sâu sắc hơn nữa các cơ chế, chính sách”; “tập trung nâng cao công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị”.
“Tập” thì có nghĩa là “hòa mục”, “thu nhóm lại” và “trung” có nghĩa là ở giữa. “Tập trung” có nghĩa là “dồn vào một chỗ, một điểm” nhưng tổng bí thư thì tập trung để… phát tán ra nhiều điểm!
Thứ ba, là tuyên bố hoàn toàn phản logic: “Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế thừa phải đảm bảo các quy định cần thiết để tạo bước đột phá mới cả về nhân lực, vật lực”.
Theo logic thông thường thì tiêu chí “đảm bảo các quy định cần thiết” chỉ có thể giúp các nhà tổ chức đoan chắc rằng họ sẽ có trong tay một đội ngũ kế thừa trung thành, không chệch hướng.
Còn muốn tạo bước đột phá mới cả về nhân lực, vật lực, họ phải linh hoạt, phải biết “xé rào” với những quy định và ràng buộc xưa cũ!
Rõ ràng, nếu thực sự sử dụng bộ óc của mình để… tư duy, chắc chắn tổng bí thư sẽ không nói ra mấy câu ngớ ngẩn, dở hơi như thế!
Thay lời kết
Hình dung ra một con đường, rồi hình dung tiếp cái cảnh một hôm nào đó và một kẻ quyền thế nhưng đầy ám ảnh mê tín nào đó, nên điên rồ dựng ngang một hàng rào cản đường để luyện bùa phép.
Khỏi bàn đến sự khốn khổ của người dân sống gần, chỉ tưởng tượng cảnh sau một thời gian, anh ta chợt tỉnh, nhận ra rằng mình đã sai nên để tháo dở cái hàng rào kia đi.
Nếu thực sự biết lỗi, anh ta phải thừa nhận rằng mình mê tín, lú lẩn và xin lỗi người dân. Nhưng anh ta lại khăng khăng mình không có lỗi, đó chỉ là sai sót của “một thời lú lẩn”, thậm chí cón huyên hoang về công lao tháo dỡ hàng rào của mình.
Đó chính là những gì mà bộ máy tuyên giáo vẫn nhai đi nhai lại về công lao “cởi trói”, về “thánh tích 30 năm đổi mới” và lại luôn luôn hô hào “đổi mới tư duy”.
Nhưng như đã thấy vấn đề ở đây là… tư duy: nếu thực sự học hỏi, suy nghĩ và tìm tòi thì sẽ tìm ra lối đi thích hợp.
Mà muốn tư duy thì phải xóa bỏ những ràng buộc của giáo điều, xóa bỏ việc xem chủ thuyết của mình là tối thượng, xem những lời nhai lại hay lượm mót của lãnh tụ là chân lý!
L.T.H.
Tham khảo:
1. http://baochinhphu. vn/Thoi-su/Thu-tuong-yeu-cau-phai-doi-moi-tu-duy-mot-lan-nua/302658. vgp
2. [http://vietmessenger. com/books/?title=hoaxuyentuyet&page=4]
Có thể xem thêm bài “Làng văn một thời, và…” của Bùi Minh Quốc http://www. talawas. org/talaDB/suche. php?res=2180&rb=0102
3. Hồi ký, Nguyễn Đăng MẠnh, (Chương 11 Hoài Thanh). Hồi ký này bị cấm, chỉ lưu truyền trên Internet.
4. Cuộc hội thảo “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Công Thương tổ chức ngày 10/3.
Tác giả gửi BVN