Chính trị học thường thức: Vì sao dân phòng dám tạt sơn vào nhà dân?

Minh Quân

(VNTB) – Thượng bất chính, hạ tất loạn. Bộ Chính trị đảng nghĩ sao về thường thức chính trị học dưới đây?

clip_image002

Chuyện nhỏ mà không nhỏ.

Ròng rã suốt 2 năm trời, nhiều nhà ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM bị tạt sơn và ném trứng thối trong đêm mà không biết tại sao. Dân đã báo công an khu vực và cả công an quận nhiều lần mà không hiểu vì nguyên cớ gì, công an vẫn không phát hiện được thủ phạm.

clip_image004

Nhiều nhà ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM bị tạt sơn.

Chỉ mới đây, theo tố giác rất cụ thể của dân, công an phường mới tìm ra thủ phạm là một dân phòng. Dân phòng này tên Trịnh Đình Thành, 27 tuổi, làm công việc được gọi là “dân phòng tự quản”. Thành giải thích hành động phá hoại trong thời gian ròng rã suốt 2 năm qua là để “dằn mặt” tất cả các gia đình nào không đóng tiền dân phòng.

Thành còn cho biết từng rủ thêm nhiều người đi tạt sơn và ném trứng thối vào các nhà, nhưng công an phường chưa xác định danh tính những đồng phạm của Thành.

Từ cuối năm 2014, một số gia đình ở khu phố 4 ngưng đóng tiền dân phòng, vì thấy nạn trộm cắp vẫn xảy ra thường xuyên, chứng tỏ nhóm dân phòng làm việc không hiệu quả. Kết quả là họ chuốc thêm nỗi bất an vì bị khủng bố bằng cách tạt sơn và ném trứng thối vào nhà trong đêm.

Một câu chuyện khác để so sánh. Vào ngày 10/12/2013, khi các hội nhóm xã hội dân sự độc lập kỷ niệm Nhân quyền quốc tế tại công viên Quách Thị Trang ở trung tâm TP.HCM, một đám “côn đồ công vụ” thình lình hiện ra và thẳng tay ném mắm tôm vào những người kỷ niệm. Một số chị em gái trong tà áo lả lướt đã bị dính cái thứ bốc mùi khắm nồng chế độ ấy. Trong khi đó, Phó bí thư thường trực thành ủy là Nguyễn Văn Đua lại xuất hiện ngay gần đó. Theo thuật lại của những người dân đứng gần đó, ông Đua vội vã hỏi các công an viên xung quanh “Đâu? Tụi nó đâu?” rồi nhăn nhở cười trước cảnh nhiều người bị dính mắm tôm.

Là quan chức phụ trách công tác an ninh nội chính, ông Nguyễn Văn Đua thường xuyên “chốt chặn” các cuộc biểu tình và kỷ niệm của Xã hội dân sự. Sự hiện diện của ông Đua vào ‘’ngày ném mắm tôm” đương nhiên chứng tỏ ông thừa biết “biện pháp nghiệp vụ” của công an nhưng cũng thừa sức dung túng cho cái gọi là “hiện tượng chính trị học” này.

Từ nhiều năm qua, ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam, rất nhiều nhà hoạt động nhân quyền và tự do tôn giáo đã bị “côn đồ công vụ” tạt sơn vào nhà, đổ keo khóa trái cửa hoặc bị tạt mắm tôm. Mắm tôm, keo và sơn lại từ lâu được xem là “vũ khí hữu hiệu” của công an để đối phó với những người dân bảo vệ nhân quyền.

Cho đến lúc không chỉ người hoạt động nhân quyền, mà cả dân cũng bị dính sơn như trường hợp phường Hiệp Bình Phước nêu trên…

Không phải tự nhiên mà một dân phòng “sáng tạo” và dám tạt sơn vào nhà người dân. Hẳn “đối sách nhân quyền” đã được tuyên truyền và chỉ đạo từ “trên” – từ Bộ Công an xuống công an các cấp tỉnh thành. Công an cấp tỉnh lại phổ biến và chỉ đạo cho công an các phường, còn công an phường hẳn đã phổ biến kinh nghiệm quý giá đó cho đội ngũ dân phòng – lực lượng cùng chịu trách nhiệm bố ráp nhân quyền và khống chế biểu tình dân sinh.

Dân phòng Trịnh Đình Thành chính là một kiểu hồng vệ binh thấm nhuần nhất kinh nghiệm quý giá trên. Để kiêu binh hơn, dân phòng này có thể đã không thèm xin ý kiến cấp trên, mà tự mình tạt sơn vào những nhà dân nào “bất tuân dân sự”.

Thượng bất chính, hạ tất loạn. Vấn nạn còn lại là công an – bị xem là tác giả của vô số mắm tôm, sơn, keo… đã – “bảo bọc” cho các hồng vệ binh để hành dân ra sao?

Báo chí nhà nước chỉ đưa tin gọn lỏn: Trưởng công an phường Hiệp Bình Phước là Hoàng Tuấn Hải, cho biết, vụ này công an chỉ giải quyết hành chính thay vì truy tố hình sự. Ông Hải gọi các dân phòng chuyên khủng bố cư dân là “các em”, và cho biết sắp tới, công an sẽ đưa “các em” ra kiểm điểm trước các cư dân để họ đóng góp ý kiến cho “các em”.

Thượng bất chính, hạ tất loạn. Bộ Chính trị đảng nghĩ sao về câu chuyện thường thức chính trị học dưới đáy văn hóa như thế?

M.Q.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.