Bùi Minh Quốc
BVN: Cách đây một thời gian, sau khi Viện Phan Châu Trinh vừa ra đời, bài viết trên VOA của Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng “Viện Phan Chu Trinh có hướng đến tinh thần Phan Chu Trinh?” ít nhiều đã tạo nên một làn sóng dư luận trái ngược, trong đó, thái độ nghi ngờ vội vã của nhà báo độc lập họ Phạm đối với tổ chức rất mới mẻ này trong đời sống xã hội dân sự đã không được mấy người đồng tình. Khi một biên tập viên của trang BVN chuyển bài viết trên VOA về đăng lại trên trang nhà, toàn Ban biên tập chúng tôi, kể từ người quản trị đến hết thảy mọi thành viên đã dấy lên một cuộc luận bàn sôi nổi. Điều lý thú là ở chỗ, bài viết không hề làm cho chúng tôi mất niềm tin đối với người có sáng kiến thành lập Viện Phan Châu Trinh là nhà văn Nguyên Ngọc, một trí thức mà con đường dấn thân gai góc và đầy thăng trầm của ông trong suốt bao nhiêu năm đã là một minh chứng cho ý chí và quyết tâm sắt đá đổi mới đất nước theo hướng dân chủ hóa. Vì thế, chúng tôi gạt những gì tác giả bài viết đặt vấn đề có hơi vội vã sang một bên. Nhưng tuy không đồng tình, chúng tôi vẫn không gỡ bài báo xuống sau khi đã “lỡ đăng”, bởi chúng tôi thống nhất với nhau rằng, chính cách đặt vấn đề của người viết cũng là một cơ hội để những người đang đấu tranh vì sự nghiệp dân chủ của đất nước xem xét phương diện mới mẻ nói ở đây một cách nghiêm túc, lật đi lật lại nhằm rút ra nhiều kinh nghiệm bổ ích cho mình.
Rõ ràng việc đưa nghiên cứu khoa học vào hoạt động của xã hội dân sự quả là một sáng kiến rất cần thiết, hòa nhịp cùng với ý tưởng lập các hội đoàn tư nhân lâu nay đang nung nấu trong nhiều giới nhiều người. Nhưng có giải quyết được một số mắc míu, khó khăn có thực trong thực tiễn như đã từng diễn ra, thì một sáng kiến như vậy mới được nhân lên, để dần dần trở thành một mảng hoạt động phổ biến và không kém quan trọng của xã hội dân sự.
Trong điều kiện một thể chế vẫn là độc tài như thể chế ở Việt Nam hiện tại, một viện khoa học tư nhân với tinh thần dân chủ, với ý thức làm khoa học một cách tự do – tự nhiệm, và với mục tiêu xây dựng các đề tài nghiên cứu nhằm góp phần giải quyết những vấn đề “hưng dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” như điều mà nhà đại chí sĩ họ Phan hằng ôm ấp, một mặt muốn giữ vững được tinh thần ấy, ý chí ấy và mục tiêu ấy, mặt khác cũng muốn hoạt động một cách có hiệu quả, không bị các thế lực đương quyền phi dân chủ làm khó dễ, thì phải thích ứng – hay đúng hơn là “cộng sinh” – với nhà nước như thế nào? Đó là điều không thể lảng tránh đi không suy nghĩ tới, bởi nếu không dự liệu đầy đủ thì rất có thể những viện tư nhân như kiểu Viện Phan Châu Trinh lại sẽ rơi vào số phận của một Viện IDS lừng danh của TS Nguyễn Quang A trước đây, dưới triều ông Thủ tướng tiền nhiệm, với mong muốn góp ý kiến nhiều mặt giúp Nhà nước trong việc xây dựng chính sách bớt phần sai lầm và thêm phần đúng đắn, nhưng lại bị đề phòng, thậm chí o ép, đến mức cuối cùng phải tự giải thể một cách tức tưởi mà cũng rất kiên cường. Hoặc ngược lại, nếu không có một bản lĩnh vững vàng, biết đâu những viện kiểu đó trước sau cũng phải “mềm hóa” dần dần – nhiều khi là không tự giác – trên từng bước đi của nó để được nhà nước không những không ngăn trở mà còn đặt hàng – tất nhiên có những đặt hàng đích thực vì khoa học nhưng cũng không hiếm những đặt hàng chỉ cốt tô điểm cho những gì nhà nước muốn điểm tô – nghĩa là tạo điều kiện cho nó sống còn, hiểu theo nghĩa đen của hai chữ ấy.
Cần nhắc lại tinh thần chung là không ai có một mảy may nghi ngờ đối với phẩm cách của vị Chủ tịch Hội đồng cũng là người sáng lập Viện. Nhưng cũng rõ ràng đây là một trường hợp chưa có tiền lệ (thực tế Viện Phan Châu Trinh có khác với viện IDS), cho nên ngoài vai trò của một hoặc một vài cá nhân ra – những người “có cứng mới đứng đầu gió”, dám đương đầu trước mọi khó khăn – công việc hợp tác nghiên cứu cũng đòi hỏi phải được thể nghiệm từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để làm sao đúc kết được một số quy tắc chung trở thành chuẩn mực, được đồng thuận, trong mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau giữa đôi bên. Đó mới là những kinh nghiệm quý báu cho nhiều viện khoa học tư nhân khác thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác cũng đang có nhu cầu góp mặt vào đời sống dân sự, tiếp bước Viện Phan Châu Trinh. Hơn nữa cũng để rồi đây, khi không còn Nguyên Ngọc hay những ai ai đấy, thì Viện Phan Châu Trinh vẫn có thể tiến bước vững vàng, hoặc còn sống khỏe hơn, với mục tiêu kiên định không thay đổi.
Trên tinh thần đó, chúng tôi xin giới thiệu bài viết đưới đây của nhà văn Bùi Minh Quốc mà chúng tôi rất tâm đắc, và cũng coi mấy lời đề dẫn này như một đôi điều bổ sung.
Bauxite Việt Nam
Ngày 07 tháng 02/2017, tại thành phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), ra đời VIỆN PHAN CHÂU TRINH với Chủ tịch Hội đồng Viện là nhà văn Nguyên Ngọc. Sự kiện này được loan tải trên một số cơ quan truyền thông nhà nước và khá đầy đủ và trang trọng trên các trang báo mạng Văn Việt, Dân Quyền, Bauxite Việt Nam…
Đối với tôi, đây là một sự kiện văn hoá xã hội có tầm quan trọng mang tính đột phá lớn tiếp sau sự ra đời của Ban Vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam với nhà văn Nguyên Ngọc làm Trưởng ban.
Trong diễn từ tại lễ ra mắt, Chủ tịch Hội đồng Viện Nguyên Ngọc nêu rõ :
Viện Phan Châu Trinh ra đời, đúng như tên gọi của nó, nhằm góp phần phát huy di sản tinh thần to lớn của nhà khai sáng Phan Châu Trinh trong phát triển của đất nước ngày nay. Hơn một trăm năm trước, trong tình thế cực kỳ hiểm nghèo và trăn trở tìm đường cứu nước, Phan Châu Trinh là người đầu tiên đã nhận ra rằng mối họa lớn nhất của dân tộc lúc bấy giờ không chỉ là mất độc lập, mà còn nguy cấp hơn nhiều, là lạc hậu nặng nề về văn hóa và văn minh so với đối thủ mới của mình và với thế giới, bởi chính lạc hậu là nguyên nhân khiến nước ta mất độc lập, dân ta lâm vào vòng nô lệ thảm khốc. Từ đó, ông thống thiết nói: “Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, đó là ‘CHI BẰNG HỌC!’”. Ông chủ trương một cuộc khai dân trí rộng lớn và căn bản trong điều kiện toàn cầu hóa mà ông cũng là người đầu tiên nhận ra. Nhà nghiên cứu Lê Thị Hiền Minh chỉ ra rằng đó chính là chương trình nhằm “trang bị cho những người yếu thế [tức cho nhân dân ta] các phương tiện để bước vào một cuộc tiến hóa ở cấp độ toàn cầu, đưa dân tộc Việt Nam lên con đường hiện đại hóa”. Có như vậy thì độc lập được giành lại, dù bằng cách nào, mới thật sự có ý nghĩa và mới có thể bền vững. Chúng tôi nghĩ cần hiểu, dù chỉ vắn tắt nhất, về điều được gọi là “Triết học Phan Châu Trinh” như vậy, để thấy rằng ngày nay ta đã có được độc lập sau mấy cuộc chiến tranh khốc liệt và anh hùng, song nhận thức sáng rõ và mạnh mẽ của vị tiền bối anh minh của chúng ta vẫn còn nguyên giá trị, những nan đề sinh tử ông từng sáng suốt phát hiện và báo động cho dân tộc vẫn còn nguyên tính thời sự, thậm chí theo cách nào đó càng nóng bỏng cấp thiết hơn. Chúng tôi muốn được thưa rằng Viện Phan Châu Trinh được thành lập hôm nay chính là trên và vì ý hướng đó.
Viện Phan Châu Trinh mong muốn phấn đấu thành một viện nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách, tập trung vào các lĩnh vực xã hội và văn hóa; ra sức thu hút tinh hoa thế giới và phát huy tinh hoa Việt; ngay từ đầu tự xây dựng cho mình một tinh thần nghiêm túc khoa học trong mọi hoạt động lớn nhỏ của mình (Hết trích).
Về mặt hành chính và pháp lý, Viện Phan Châu Trinh thành lập theo luật khoa học & công nghệ với giấy chứng nhận đăng ký hoạt động do Sở Khoa học & công nghệ tỉnh Quảng Nam cấp. Nhưng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách, tập trung vào các lĩnh vực xã hội và văn hóa mà Viện tự nguyện gánh vác thì mang tầm vóc quốc gia với những chuẩn mực quốc tế đối với bất cứ viện nghiên cứu khoa học nào. Mọi người đều biết, trong chế độ chuyên chính vô sản độc tài toàn trị không có khoa học xã hội đích thực, chỉ có cái gọi là khoa học xã hội phục vụ chính trị. Sự thật thê thảm này đã được thẳng thắn phơi bày từ chính Ủy viên trung ương Đảng (CSVN) Chủ nhiệm ủy ban Khoa học xã hội lúc đương nhiệm Nguyễn Khánh Toàn (tên ông hiện được đặt cho một đường phố lớn ở Hà Nội); ông nói, đại ý: Khoa học xã hội của chúng ta bấy lâu chỉ làm nhiệm vụ chứng minh cho đường lối và chính sách đã có là đúng chứ không làm được công việc mà đáng lẽ nó phải làm là xác lập căn cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối và chính sách.
Vì vậy, những ai muốn làm khoa học xã hội đích thực tất phải đương đầu với những trở lực ghê gớm, thậm chí phải đối mặt với hiểm nguy.
Nhưng tôi tin, dù trở lực to lớn nhường nào, gian nan nguy hiểm nhường nào, Nguyên Ngọc với sự dũng cảm và khôn khéo mà tôi biết, cùng với các đồng sự của anh sẽ từng bước vững vàng thực hiện ngoạn mục nhiệm vụ ấy.
Vì sao tôi tin?
Vì tôi đã thấy Nguyên Ngọc là người luôn có mặt ở tuyến đầu của tuyến đầu, mũi nhọn của mũi nhọn trong cuộc chiến đấu để làm người.
Vâng, “Cuộc chiến đấu của chúng ta là cuộc chiến đấu để làm người”! – đó là tuyên ngôn của Nguyên Ngọc trong một bài tùy bút. Anh viết mùa xuân năm 1968 giữa khói lửa chiến trường khi cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Cuộc chiến đấu để làm người không dừng lại sau ngày 30/4/1075 mà chuyển sang một chặng mới, một hình thái mới, phức tạp hơn, trầy trật hơn, gay go hơn và cũng lâu dài hơn. Bởi vì đây là cuộc chiến đấu để làm con người tự do, tự chủ; mỗi suy nghĩ, mỗi lời nói và việc làm đều phải tự do, tự chủ, quyết không để bị dắt như trâu bò. Và ở chặng đường mới này, Nguyên Ngọc lại tiếp tục đứng ở hàng đầu của hàng đầu. Khi được giao nhiệm vụ Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyên Ngọc tổ chức hội nghị đảng viên trong Hội, họp ngày 13 tháng 06 năm 1979 (xin lưu ý: năm 1979 chứ không phải năm 1987 như một vài nhà nghiên cứu tên tuổi đã nhầm lẫn tai hại) để cùng nhau bàn thảo việc đổi mới văn học góp phần đổi mới con người, đổi mới xã hội. Là người tham dự hội nghị này từ đầu đến cuối, tôi đã tận mắt chứng kiến Nguyên Ngọc chiến đấu kiên cường thế nào trước thế lực bảo thủ trong nội bộ Đảng (CSVN), lại là cấp trên rất cao của anh. Hội nghị mở đầu bằng phần Bí thư Đảng đoàn Nguyên Ngọc trình bày bản Đề cương Đề dẫn (gọi tắt là Đề dẫn) để mọi người thảo luận. Tư tưởng trung tâm của Đề dẫn là cần phải có một cuộc giải phóng cá nhân mà phương Tây đã bắt đầu từ thời Phục hưng nhưng tại Việt Nam ngày nay cần mang một chất lượng mới cao hơn, không phải cá nhân được khẳng định được giải phóng để đưa đến cái tôi vị kỷ chỉ cốt thỏa mãn tham vọng cá nhân cho dù xã hội có cùng khốn ra sao cũng bất chấp, mà là một cái tôi được phát huy mọi năng lực sáng tạo vừa phục vụ lợi ích của bản thân nó vừa góp phần phục vụ xã hội. Đề dẫn viết: “Vấn đề của chúng ta ngày nay là kích thích niềm khao khát của con người tự phát triển năng lực sáng tạo cá nhân của mình đến cao nhất, để chiếm đoạt toàn bộ thế giới chung quanh, làm chủ nó, cho tất cả, cho xã hội, cho mọi người. Chứ không phải là xóa bỏ niềm khát khao tự phát triển năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân đi, tạo nên một thứ tập thể vô danh, nặng nề, đồng loạt và do đó, yếu đuối. Tập thể mà sinh động, tập thể mà tinh nhuệ”.
Đúng thế, phải khẳng định, phải giải phóng cá nhân để đưa nó thoát ra khỏi cái tập thể bầy đàn và rồi tiếp đó nó sẽ tự giác tập hợp lại thành một tập thể tinh nhuệ.
Theo nhận xét của riêng tôi, đây là một đột phá về tư tưởng rất táo bạo giữa khi lý luận mù mờ về “Làm chủ tập thể” của Tổng bí thư Lê Duẩn đang áp đặt như một “chân lý” không được phép tranh cãi vào tư duy của toàn đảng cầm quyền và toàn xã hội.
Sự đột phá đó được sự hưởng ứng hồ hởi nồng nhiệt ngay lập tức của các đại thụ trong làng văn đồng thời là ủy viên gạo cội trong Đảng đoàn như Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, và các Ủy viên mới Nguyễn Khải, Giang Nam. Qua hai ngày thảo luận, sáng ngày thứ ba, Ủy viên Bộ chính trị Trưởng ban tuyên huấn trung ương Tố Hữu đến phát biểu với hội nghị. Đề dẫn bị Tố Hữu đập tơi bời. Cả hội nghị tái mặt, bơ phờ trong hoang mang và hồi hộp chờ đợi Nguyên Ngọc sẽ nói gì khi phát biểu kết luận vào cuối buổi chiều.
Nguyên Ngọc kết luận:
“Hội nghị chúng ta đã cơ bản nhất trí với Đề dẫn”.
Nguyên Ngọc chỉ đơn giản nói lên một sự thật hiển nhiên, nhưng sau đòn sấm sét của Tố Hữu thì đó là một kết luận dũng cảm, can trường.
Và cũng thật khôn khéo, chặt chẽ khi Nguyên Ngọc tiếp:
“đồng thời chúng ta cần nghiêm túc nghiên cứu ý kiến đồng chí Tố Hữu”.
Sau hội nghị, Nguyên Ngọc bị vô hiệu hoá và một thời gian nữa thì mất chức Bí thư Đảng đoàn.
Đến thời đổi mới, khi triển khai nghị quyết 05 của Bộ chính trị (tháng 11 năm 1987) mà người có công chuẩn bị là Trưởng ban Văn hoá Văn nghệ Trần Độ, với sự dàn xếp khéo léo của Trần Độ, Nguyên Ngọc về làm Tổng biên tập báo Văn nghệ. Tờ báo lập tức khởi sắc và trở thành tờ báo đi đầu trong đổi mới, đặc biệt là với việc cho đăng bút ký “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc thẳng tay xé toang cái màn đêm ngột ngạt bao năm ròng phủ dày nông thôn Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Rồi Nguyên Ngọc lại bị mất chức bởi tiếp tục cho đăng những trang viết “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng nói rõ sự thật” (nghị quyết Đại hội 6 Đảng CSVN) như thế.
Đầu tháng 3 năm 2014, Ban vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam được thành lập với gần 60 thành viên gồm các nhà văn đang sống và viết tại Việt Nam và nước ngoài do nhà văn Nguyên Ngọc làm Trưởng ban. Văn đoàn ra tờ báo mạng Văn Việt được điều hành bởi các bậc cao thủ văn chương báo chí với sự chỉ đạo của nhà văn Nguyên Ngọc. Theo đánh giá của riêng tôi, Văn Việt là tờ báo văn học nghệ thuật chất lượng và hoành tráng nhất Việt Nam hiện nay. Đọc Văn Việt, công chúng được tiếp nhận một nền văn học Việt Nam thống nhất với những tác giả tác phẩm tiêu biểu thuộc vô số trường phái khác nhau với những lý tưởng chính trị xã hội và thẩm mỹ rất khác nhau, thậm chí xung đột nhau. Chỉ với mảng Văn học Miền Nam 1954 – 1975, bằng việc làm rất công phu của mình, Văn Việt đã có đóng góp quan trọng vào công cuộc hoà giải hoà hợp dân tộc, một cách thiết thực, hữu ích gấp nghìn lần những lời bàn suông về hoà giải hoà hợp. Giải Văn Việt lần thứ hai vừa được trao là một bằng chứng hùng hồn về một bước nhích tới của tiến trình hoà giải hoà hợp dân tộc.
Có ý kiến bảo rằng nhà văn Nguyên Ngọc thiếu dũng khí khi đã 3 năm rồi mà vẫn không dám cắt cái đuôi “Ban Vận động” để đưa Văn đoàn trở thành hội. Văn Việt đã cho thấy dũng khí không nằm ở cái tên Ban Vận động Văn đoàn độc lập hay Hội (…) độc lập.
Từ các sản phẩm của Văn Việt, tôi mạnh mẽ tin rằng Viện Phan Châu Trinh cũng sẽ đóng góp cho xã hội những sản phẩm thể hiện đúng tinh thần nghiêm túc khoa học như nhà văn Nguyên Ngọc đã tuyên bố, trước hết là bộ “Toàn chí Quảng Nam”, phải làm trong 5 năm, mà Tỉnh ủy Quảng Nam đã “đặt hàng” cho Viện. Có ý kiến dựa vào sự đặt hàng ấy mà bảo rằng Viện Phan Châu Trinh không thể giữ được tính độc lập khi nhận tiền nhà nước. Thiết nghĩ, nhìn sự việc như vậy thì không khỏi rơi vào hời hợt, giản đơn. Độc lập hay không, cần nhìn vào chất lượng sản phẩm mà xét. Nếu đó là sản phẩm khoa học đích thực thì chẳng có gì phải thắc mắc về sự độc lập hay không độc lập. Tôi tin rằng, Viện Phan Châu Trinh, với Chủ tịch danh dự là nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (bà là cháu ngoại cụ Phan) và Chủ tịch Hội đồng Viện là nhà văn Nguyên Ngọc, bằng mối quan hệ rộng rãi đã có và sẽ không ngừng phát triển, chắc chắn có thể thu hút được sự cộng tác của những chuyên gia đầu ngành ở nhiều lĩnh vực khắp trong nước và cả ngoài nước để cho ra những sản phẩm khoa học đích thực.
Và điều này nữa, tôi cũng tin rằng, với phương châm nghiên cứu kết hợp đào tạo, sau 5 năm, cùng với công trình “Toàn chí Quảng Nam”, một lực lương nghiên cứu viên đáng tin cậy thuộc thế hệ trẻ sẽ xuất hiện từ Viện Phan Châu Trinh.
Đà lạt 14/03/2017
B.M.Q.
Tác giả gửi BVN