Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, phát biểu tại hội thảo. KHÁNH AN
Các chuyên gia kêu gọi tăng cường phối hợp quản lý nguồn nước giữa các nước khu vực sông Mê Kông và áp dụng khoa học kỹ thuật để tiết kiệm nước trong nông nghiệp.
Ngày 16.3, Đại học Cần Thơ và Học viện Hoàng gia Campuchia phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề “Cứu lấy nguồn nước sông Mê Kông cho nông dân”. Sự kiện này diễn ra tại Phnom Penh (Campuchia) trong bối cảnh các chuyên gia đang lo ngại về những thay đổi thất thường của nguồn nước ở thượng nguồn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp và nguồn lợi thủy sản trong khu vực.
Theo các nhà khoa học, nguồn nước sông Mê Kông những năm qua đã thay đổi rất thất thường do sự ảnh hưởng kết hợp của nhiều yếu tố như các đập thủy điện, nạo vét sông và chuyển dòng ở thượng nguồn cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Các tác nhân này đã ngăn cản sự di cư sinh sản của các loài thủy sản cũng như xáo trộn chu kỳ lũ, khiến vùng hạ lưu thiếu nước trầm trọng hơn, nhất là vào mùa khô.
Nguồn nước – nguồn sống
Theo báo cáo “Nguồn nước và việc sử dụng nước tại Campuchia”, hệ thống sông Mê Kông là nguồn nước chủ yếu trong nông nghiệp và cung cấp nguồn lợi thủy sản. Hệ thống sông Mê Kông tại Campuchia có 486 km dòng chính, 110 km phụ lưu là sông Tonle Sap và hồ Tonle Sap với sức chứa khoảng 72 km3 nước.
Ông Nophea Sasaki, cố vấn Học viện Hoàng gia Campuchia và là đồng tác giả của báo cáo, nhận định nguồn nước có mối liên hệ mật thiết với sự phát triển của Campuchia. Ước tính khoảng 80% dân số Campuchia là nông dân và họ sống nhờ vào nguồn nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt cũng như nông nghiệp. Nông nghiệp đóng góp 27,5% GDP của Campuchia, tương đương 14 tỉ USD. “Khi mùa mưa kết thúc thì tình trạng thiếu nước trở nên nghiêm trọng tại nhiều nơi, đặc biệt là giữa mùa khô”, ông Nophea nói.
Các nhà khoa học kêu gọi sử dụng bền vững nguồn nước và giảm thiệt hại đối với nông nghiệp và khai thác thủy sản ở sông Mê Kông, tại hội thảo Tiết kiệm nguồn nước sông Mê Kông đang diễn ra ở Campuchia.
Theo GS-TS Lê Quang Trí tại Đại học Cần Thơ, nguồn nước sông Mê Kông cung cấp cho khoảng 18,6 triệu người ở ĐBSCL, nơi cung cấp hơn 50% nguồn lương thực cho cả nước, 65% sản lượng cá và 70% trái cây trong nước và xuất khẩu. “Người dân thường sinh sống tập trung dọc bờ sông, nhưng sự phát triển kinh tế xã hội của ĐBSCL đang bị kìm hãm bởi nguồn nước.
Biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng kết hợp với các vấn đề nguồn nước xuyên quốc gia như các đập thủy điện, phát triển công nghiệp, phá rừng và chuyển dòng nước đã ảnh hưởng đến đất và sản xuất nông nghiệp, làm giảm sản lượng, đe dọa an ninh lương thực và tăng nghèo, bên cạnh các yếu tố suy thoái môi trường và tài nguyên thiên nhiên”, ông nói.
Trả lời phỏng vấn riêng với Thanh Niên, TS Manoch Kongchum thuộc Trung tâm nông nghiệp tại Đại học bang Louisiana (Mỹ), cho rằng hiện trạng nguồn nước khu vực Mê Kông mang tính quốc tế, nếu các quốc gia ở thượng nguồn không xét đến các nước hạ nguồn thì sẽ gây ra rất nhiều tác động. “Ở Việt Nam, nông dân sẽ rất thiếu nước ngọt cho nông nghiệp khi họ cần, nhưng khi họ không cần nước thì lại gặp phải vấn đề xả nước từ thượng nguồn. Việt Nam cũng cần rất nhiều nước để đẩy lùi xâm nhập mặn nhưng khi cần thì lại không có. Các con đập chỉ lợi ích trong việc sản xuất điện chứ không hề có ích trong việc điều phối nước”, TS Manoch nói.
Cũng theo ông Manoch, rất nhiều người sống nhờ dòng sông Mê Kông và nếu không có chính sách liên quan đến dòng chảy, nước sẽ bị ngăn từ trên thượng nguồn thì không chỉ nông nghiệp bị “giết chết” mà cả nguồn thủy sản cũng bị thiệt hại. “Cũng cần áp dụng các kỹ thuật tiết kiệm nước. Chẳng hạn vào mùa hè, sông Mê Kông không có nhiều nước, chúng ta có thể trữ nước vào mùa mưa. Tại các vùng trồng lúa, nên hy sinh những khu đất hoặc đồng ruộng để làm nhiều hồ trữ nước cho mùa khô, bởi một khi các đập xây dựng xong thì Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn”, ông Manoch khuyến cáo.
Còn tại Campuchia, TS Nophea Sasaki cho rằng người dân đều biết rõ về tác hại của đập thủy điện đối với các loài thủy sản, vốn là nguồn thực phẩm quan trọng tại đây. “Việc phát triển thủy điện cần phải được tư vấn rõ ràng để giảm thiểu tác hại và phát huy tối đa hiệu quả”, ông Nophea chia sẻ với Thanh Niên.
Theo Học viện Hoàng gia Campuchia, dòng chảy sông Mê Kông đã thay đổi rõ ràng vào thời điểm trước và sau khi đập Mạn Loan của Trung Quốc đưa vào hoạt động. “Việc sụt giảm mực nước và dòng chảy vào mùa mưa ở Campuchia có thể giảm khu vực ngập nước và lưu lượng phù sa cũng như tăng xâm nhập mặn ở ĐBSCL”, theo báo cáo của học viện tại hội thảo. Theo đó, tác động của dòng chảy phụ thuộc vào các yếu tố biến đổi khí hậu và vận hành thủy điện. Đập thủy điện có thể khiến đỉnh lũ thấp hơn và thời gian lũ cũng đến chậm và ngắn hơn.
Giải pháp bền vững
Trước những nguy cơ đe dọa nông nghiệp khu vực sông Mê Kông, các nhà khoa học đã đề nghị nhiều biện pháp nhằm giúp người nông dân giảm nhẹ thiệt hại và phát triển nông nghiệp bền vững. Đồng thời, các nước trong khu vực cần nhận thức rõ nguy cơ để cùng nhau giải quyết những thách thức.
Giáo sư Kazuyuki Inubishi tại Đại học Chiba (Nhật), người từng nghiên cứu rất nhiều về nông nghiệp ở Việt Nam và khu vực, đã đề xuất tăng cường áp dụng hình thức canh tác lúa “vụ khô, vụ ướt” nhằm giảm nhu cầu nước tưới tiêu. “Phương pháp này giảm lượng nước tưới tiêu hằng năm, đồng thời giảm lượng khí nhà kính khoảng 23 – 43%. Điều thú vị là nó cũng giúp tăng năng suất hằng năm và giảm quá trình sản sinh các khí độc, tăng cường ô xy cho đất”, ông nói.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu tại Đại học Cần Thơ, đề nghị giảm diện tích trồng lúa vào mùa khô, trồng các giống lúa chịu hạn và chuyển sang trồng những loại hoa màu cần ít nước ở vùng đất cao. Trả lời câu hỏi liệu có thể cứu lấy nguồn nước cho nông dân hay không, ông Tuấn cho rằng cần phải có “ngoại giao nước”, nghĩa là cần phối hợp chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới. “Cần có sự hợp tác của các nước khu vực sông Mê Kông nhằm đạt được lợi ích từ việc xây dựng chiến lược phối hợp và các khung pháp lý nhằm tiến tới quản lý nguồn nước xuyên biên giới tốt hơn”, ông Tuấn nói.
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Quang tại Đại học Cần Thơ, nhiều nông dân đã tích trữ nước, xây bồn chứa nước mưa, khoan giếng, xây đập ngăn mặn… sau khi chịu thiệt hại từ mùa khô năm ngoái. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp giảm nhẹ tạm thời. “Việc tiếp tục tác động ngoại giao phản đối đập thủy điện trên sông Mê Kông cần tiến hành cùng với phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại hóa nông nghiệp và học hỏi các mô hình ngay từ người dân địa phương”, ông nói.
Nguồn: http://thanhnien.vn/the-gioi/song-me-kong-keu-cuu-bao-ve-nguon-nuoc-da-quoc-gia-816039.html