Giáo Sư Larry Summers nhận định về chính sách kinh tế của chính quyền Trump

Andy Serwer & Erin Fuchs

Yahoo Finance

27-2-2017

Nguyễn Quốc Khải dịch

LGT: Ô. Larry Summers hiện là Giáo sư của Trường Đại học Harvard và cũng là cựu Viện trưởng của đại học này.  Ông từng là kinh tế gia đứng đầu của Ngân hàng Thế giới, Bộ trưởng Ngân khố dưới thời Tổng thống Bill Clinton, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia và cố vấn kinh tế trưởng của cựu Tổng thống Barack Obama.

clip_image002

Lo ngại về thiệt hại lớn lao cho nền kinh tế

GS Larry Summers có những lời lẽ mạnh mẽ về những chính sách kinh tế và những phát biểu phóng đại của chính quyền Trump. Trong cuộc phỏng vấn về nhiều vấn đề tại văn phòng của ông tại Đại học Harvard, GS Summers chỉ trích những tuyên bố của chính quyền mới thí dụ về thương mại là “vô trách nhiệm một cách man rợ” (wildly irresponsible) và “có thể vô cùng nguy hiểm” (potentially very dangerous).

GS Summers thừa nhận rằng hãy còn quá sớm để đưa ra một nhận định, nhưng rõ ràng là không đặc biệt lạc quan về đường hướng của chính quyền này.  Khi được hỏi về quan điểm của ông đối với cương lĩnh kinh tế tổng quát của chính quyền Trump, GS Summers nói rằng “Chúng ta sẽ phải quan sát xem những chính sách tiến triển ra sao. Tại thời điểm này, chưa có những chi tiết nào về luật thuế. Tại thời điểm này, chưa biết rõ chi tiết về cái gì sẽ thay thế Obamacare. Tại thời điểm này có rất nhiều quan điểm nhưng chưa có được một dấu hiệu rõ ràng về chính sách thương mại sẽ ra sao. Chúng ta chưa nhìn thấy một đề nghị nào về ngân sách cùa chính quyền mới”.

GS Summer nói tiếp: “Do đó, tôi nghĩ là hãy còn quá sớm để đưa ra một phán xét. Tôi nghĩ theo bản năng thì sự tin tưởng trong kinh doanh là một vấn đề quan trọng. Tôi nghĩ đây là một bản năng có giá trị và tôi tán thành điều này. Tôi nghĩ rằng những điều được nói về lãnh vực thương mại là vô trách nhiệm một cách man rợ và có thể vô cùng nguy hiểm. Tôi nghĩ những dự án đề xuất về quy lệ có thể gây thiệt hại cho môi trường xung quanh, cho sự ổn định tài chánh, và cho sự vận hành của nền kinh tế”.

“Tôi nghĩ rằng thay đổi Obamacare có rủi ro vừa làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, vừa làm cho hàng triệu người không có bảo hiểm sức khỏe. Tôi nghĩ rằng cảm giác hồ nghi vì thiếu sự chắc chắn là một điều có thể vô cùng nguy hiểm. Nỗi lo sợ của tôi là tất cả những điều bất lợi này sẽ bắt kịp yếu tố tích cực, đó là sự nhạy cảm đối với sự tin tưởng trong kinh doanh. Nỗi lo sợ của tôi là sức mạnh trong thị trường, khi nhìn lại quá khứ, sẽ được xem như là một bột phát ngắn ngủi”.

Kế hoạch thuế của Dân biểu Paul Ryan không có thể thành công

GS Larry Sumers nói rằng ông nghi ngờ chương trình cải tổ thuế có thể được thông qua trước khi Quốc hội ngưng họp vào tháng 8 như Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin đã đề nghị. GS Summers cũng nói thêm rằng kế hoạch thuế của DB Paul Ryan sẽ gây ra thiệt hại đáng kể. Sau đây là nhận định của ông.

“Tôi ngạc nhiên. Chúng ta thật sự chưa có một đồng thuận nào về một mô hình cải tổ thuế. Ý kiến về điều chỉnh biên giới (border adjustment) đã được đẩy mạnh, nhưng có nhiều vấn đề lớn, những dự báo kinh tế khó khăn mà không có dự báo về chính trị. Do đó, tôi không muốn có một dự đoán về cải tổ thuế. Nhưng đối với tôi đặt mục tiêu xem ra quá lạc quan, khi muốn hoàn tất cải tổ thuế vào tháng Tám”.

Qua tất cả những điều vừa bàn ở trên, một câu hỏi được đặt ra là cải tổ thuế quan trọng như thế nào đối với sự phát triển và nền kinh tế của Hoa Kỳ.

GS Summers trả lời “Tôi nghĩ cải tổ thuế đúng có tính cách xây dựng, cải tổ kinh tế đúng có thể khuyến khích đầu tư, cải tổ kinh tế đúng có thể làm giảm bớt sự kém hiệu quả. Cải tổ thuế đúng nhắm vào các khoản miễn trừ thuế một cách đúng đắn sẽ làm cho hệ thống thuế công bằng hơn và chính đáng hơn. Do đó, tôi là một người ủng hộ mạnh mẽ cải tổ thuế”.

“Tôi không nghĩ rằng tầm nhìn của DB Ryan là một tầm nhìn thành công. Tôi nghĩ nó sẽ gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu vì sự kết hợp của hai lực: đồng Mỹ Kim sẽ tăng giá và các cấu trúc kinh tế hiện hữu bị xáo trộn do những hình phạt áp đặt trên hàng xuất cảng. Do đó, tôi không nghĩ là chúng ta có một kế hoạch có trách nhiệm về phương diện tài chánh và ưu đãi sáng kiến. Nhưng tôi nghĩ có thể xây dựng được một kế hoạch tốt làm lợi cho nền kinh tế”.

Ngoài ra, GS Summers còn nói thêm rằng kế hoạch giảm thuế lớn lao và vĩnh viễn và thay đổi luật thuế của chính quyền Trump có thể sẽ khuyến khích tiết kiệm và ngăn cản tiêu thụ.

Trump và việc thao túng đồng tiền của Trung Quốc

Tổng Thống Trump nhiều lần kết tội Trung Quốc cố gắng giữ đồng tiền thấp để làm cho hàng xuất cảng rẻ hơn. Cách đây một tuần Ô. Trump tuyên bố rằng người Trung Quốc là “những nhà vô địch về thao túng đồng tiền và ăn cắp việc làm công nghiệp của Hoa Kỳ”. GS Summers nói rằng lời tuyên bố của Tổng thống Trump là “khó có thể tin được” (incredible).

Sau đây là nguyên văn lời của GS Summers:

“Khi Trung Quốc thiết lập bộ máy quy luật to lớn để ngăn chặn dân bán đồng nhân dân tệ để đổi lấy đồng Mỹ Kim, một ý kiến cho rằng Trung Quốc thao túng đồng tiền để hạ thấp giá trị của nó dối với tôi xem ra khó có thể tin được”.

Trong khi một số nhà phân tách cho rằng Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ trong hai thập niên 1990 và 2000, một số nhà phân tách khác nhận thấy rằng Trung Quốc thay đổi chính sách tiền tệ vào 2005 và cho phép đồng Nhân dân tệ tăng giá. Bây giờ nhiều nhà phân tách tin rằng Trung Quốc nâng giá đồng tiền để ngăn chặn nguồn vốn tư nhân chạy trốn ra nước ngoài.

GS Summers vẫn còn thừa nhận rằng Trung Quốc chắc chắn không phải là một hợp tác viên thương mại hoàn hảo. Ông nói “Có những trợ cấp không đúng. Có những đối xử bất công với những công ty Hoa Kỳ. Tôi nghĩ đây chính là những vấn đề phải giải quyết.

Thật vậy, Hoa Kỳ đã theo dõi Trung Quốc về trợ cấp nông phẩm. Vào tháng 9 vừa qua, Chính phủ Hoa Kỳ đã khiếu nại với Tổ chức Thương mại Quốc tế về việc Trung Quốc trợ cấp đáng kể cho những nông dân trồng bắp, gạo, và lúa mì, do đó gây thiệt hại cho nông dân Hoa Kỳ. Vào tháng 11, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc trích dẫn một cuộc thăm dò dư luận của những cơ sở kinh doanh Hoa Kỳ tại Trung Quốc, theo đó 77% những người trả lời cảm thấy rằng họ bị những viên chức thanh tra luật lệ để ý tới một cách bất công.  Tuy nhiên, theo GS Summers những vấn đề này không liên quan đến việc thao túng tiền tệ. Ông nói “lồng những vấn đề này vào việc thao túng tiền tệ xem ra đối với tôi quá trễ và quá thiếu thốn”.

Thương mại giữa các nước

GS Summers nhận xét rằng chắc chắn có một số vấn đề nhưng chính quyền Trump đi sai đường. “Hoa Kỳ có nên đòi thi hành hiệp định thương mại khi có vi phạm không? Tuyệt đối đồng ý. Có những lãnh vực nào trong thỏa hiệp thương mại cần phải được củng cố lại không? Câu trả lời là có. Mặt khác, tôi nghĩ rằng tính cách hung hăng phô trương ra mà chúng ta đã thấy sẽ có thể gây tai hại lớn lao. Tôi nghĩ rằng những điều vừa kể về phương diện thương mại là “vô trách nhiệm một cách man rợ và có thể vô cùng nguy hiểm”.

GS Summers dẫn chứng Mexico làm một thí dụ rõ ràng về suy nghĩ sai lầm trong lãnh vực thương mại: “Cho đến nay chúng ta nói về việc không thích Hiệp định Thương mại Bắc Mỹ (North America Free Trade Agreement – NAFTA) và chúng ta đã mắng nhiếc một số công ty. Chúng ta có thể đưa 1,000 việc làm trở về Mỹ, nhưng trong tiến trình này chúng ta giảm trị giá của đồng peso xuống 15% và như vậy sẽ làm cho giá nhân công của Mexico giảm 15%. Điều này có lợi cho Mexico. Do đó tôi nghĩ rằng những điều này xẩy ra là rõ ràng bất lợi cho khu vực công nghiệp của Hoa Kỳ. Tôi nghĩ rằng chính quyền Trump không nhìn thấy những quan hệ kinh tế vĩ mô qua hối suất tiền tệ là một sai lầm lớn lao chết người.

Chính sách bảo hộ mậu dịch của Tổng thống Trump đang gây thiệt hại cho khu vực công nghiệp của Hoa Kỳ vì ảnh hưởng của hối suất. Nó có tác dụng như những trợ cấp lớn cho những hàng xuất cảng đến Hoa Kỳ và tiền phạt đáng kể đối với hàng xuất cảng của Hoa Kỳ.

Chương trình hạ tầng cơ sở

GS Summers thừa nhận rằng đầu tư vào hạ tầng cơ sở nếu được thi hành một cách thích hơp với một ngân sách khoảng 1% của tổng sản lượng nội địa (gross domestic product – GDP) thật sự có thể kích thích nền kinh tế và khuyến khích các công ty ở lại Hoa Kỳ. Một trong những chính sách kinh tế chính của Tổng thống Trump là tái thiết hạ tầng cơ sở bao gồm cầu cống, đường sá, phi trường, trong 10 năm tới với một ngân sách là 1,000 tỉ Mỹ kim. Tuy nhiên chính quyền Trump dự trù áp đặt lệ phí vào người sử dụng như thuế qua đường (highway toll), thuế kẹt đường (congestion charge) để tài trợ chương trình hạ tầng cơ sở.

Thông thường chi tiêu vào hạ tầng cơ sở sẽ giúp phát triển kinh tế. Tuy nhiên chương trình của chính quyền Trump có những sai lầm. Thí dụ chương trình này thiếu phần sửa chữa cấp bách các trường học và những ổ gà trên mặt đường. Chỉ có những chương trình đầu tư vào hạ tầng cơ sở có tính cách rất thương mại và tạo ra lợi nhuận mới được tài trợ.

GS Summers nói rằng đường sá thiếu bảo trì gây thiệt hại khoảng 100 tỉ Mỹ kim mỗi năm cho những người lái xe vì phải sửa chữa xe. Trung bình là 515 Mỹ kim cho mỗi người lái xe hàng năm. Những dự án xây cất hay tái thiết thường bị trì hoãn chỉ vì những dự án này không mang lại lợi nhuận trên số tiền đầu tư. Vấn đề này buộc người trả thuế và chánh quyền phải chi tiêu nhiều hơn qua thời gian.

oo0oo

“The only thing necessary for the triumph of evil is for good men to do nothing” Edmund Burke.

“When Journalists are silenced, people are silenced” Anonymous.

N.Q.K.

Dịch giả gửi BVN

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.