Chán góp ý… làm đẹp Hà Nội

Tháp nước Hàng Đậu bị trát vữa, che mất lớp “da” bằng đá lấy từ thành cổ Hà Nội

Tháp nước Hàng Đậu bị trát vữa, che mất lớp “da” bằng đá lấy từ thành cổ Hà Nội

“Oải, buồn, chán là cảm giác của các anh em Kiến trúc sư vào thời điểm này”. Đó là nhận xét của Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, sau khi hàng loạt dự án, ý tưởng của giới kiến trúc đóng góp nhằm làm đẹp Hà Nội bị bỏ quên, dù được đánh giá là có chất lượng và khả thi.

Theo Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Trực Luyện, khi có những cuộc thi làm đẹp cho Hà Nội (HN), giới KTS rất hào hứng tham gia, mong muốn được đóng góp. Họ đã đưa ra nhiều ý tưởng hay, táo bạo và thiết thực.

Bặt vô âm tín

Cuộc thi đầu tiên về ý tưởng làm đẹp HN với chủ đề Hà Nội 36 phố phường – ý tưởng cho một góc phố đẹp, do mạng kiến trúc Ashui.com tổ chức cách đây 7 năm, đã chọn được ba đề án, được giới chuyên môn đánh giá là rất khả thi. KTS Lê Việt Hà, Chủ nhiệm Ashui.com cho biết, ngay sau đó, những đề án này được chuyển cho Ban Quản lý phố cổ HN – đơn vị đồng tổ chức – để tìm cách ứng dụng vào thực tế, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thấy động tĩnh.

Tiếp đó là cuộc thi ý tưởng kiến trúc Làm đẹp thành phố Hà Nội, trong đó Dòng sông trở lại của nhóm tác giả thuộc Viện Nghiên cứu kiến trúc đoạt giải nhất. Dự án nhằm mang lại không gian xanh cho đoạn sông Lừ từ cầu Trung Tự đến hồ Xã Đàn, giờ này cũng bặt vô âm tín.

Gần đây nhất, cuối 2009, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Sở Quy hoạch kiến trúc HN tổ chức cuộc thi Ý tưởng quy hoạch hồ Gươm và các vùng phụ cận. Một trong hai giải nhì (không có giải nhất) được trao cho đề án của nhóm 1+1>2 của KTS Hoàng Thúc Hào, KTS Marco Ferrera (Italy) cùng cộng sự. Đến nay, các phương án của cuộc thi lớn này vẫn bị “xếp xó”.

KTS Hoàng Thúc Hào còn cùng với KTS Hạ Chí Nhân đề xuất sử dụng các vật liệu truyền thống như gạch vồ, đá ong, đá tự nhiên, kết hợp với trồng hoa, cỏ… thay cho bê tông để làm “mềm hóa” đoạn đường Bưởi dài chừng hai km (đoạn còn lại của tường thành Thăng Long cách đây hơn 1.000 năm). Theo KTS Hào, dự án này rất dễ thực hiện, bằng kinh phí xã hội hóa, và cũng không tốn nhiều (70-80 tỷ đồng). “Dự án của chúng tôi được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử rất ủng hộ. Hồi tháng 1.2010, Văn phòng Ban chỉ đạo 1.000 năm Thăng Long đã đồng ý về mặt chủ trương, nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm”, KTS Hoàng Thúc Hào cho biết.

Do sức ì?

KTS Hoàng Đạo Kính, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng từ nhiều năm nay có nhiều ý tưởng rất hay để làm đẹp HN mà ít tốn kém tiền của nhưng “có lẽ do HN được nhiều người hiến kế quá nên hơi “no nê”, chưa thực hiện”.

KTS Nguyễn Trực Luyện than thở, các KTS hiện nay chán “hiến kế” cho các cuộc thi kiểu này, bởi có được công nhận thì rồi cũng bỏ đấy. “Lý do vì sao thì không ai biết. Phải chăng là do sức ì của HN, hay các cơ quan có trách nhiệm coi việc làm này chưa cần thiết, coi như một phong trào để đối phó?”, ông Luyện nhấn mạnh.

KTS trẻ Hoàng Thúc Hào cho rằng, chỉ khi lãnh đạo thành phố quan tâm biến những ý tưởng hay thành hiện thực thì mới thực sự khuyến khích, động viên những người khác tiếp tục tìm tòi, cống hiến. “Tôi bức xúc nhiều rồi, giờ chuyển thành… vô cảm và chấp nhận”, anh than thở.

Theo KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, các ý tưởng hay mà thiếu tính khả thi sẽ không được lựa chọn để trao giải. Tuy nhiên, giữa ý tưởng về tổ chức không gian, chỉnh trang đô thị và khả năng thực thi bao giờ cũng còn một khoảng cách, được thu hẹp hay nới rộng phụ thuộc vào chính quyền đô thị hoặc người đặt hàng có quyết tâm thực hiện hay không.

Theo Đất Việt

Nguồn: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/YTuong-YKien/2010/5/EFB2353EC09C2F11/

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.