Giao thông ở TP HCM ngày càng tắc nghẽn. THANH NIEN
Một cuộc họp của Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đã bàn đến phương án phát triển và cải tạo phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất đồng thời nêu đề nghị để “Bộ Quốc phòng sớm giao đất để triển khai xây dựng thêm nhà ga T3, T4”.
Hiện chưa rõ kế hoạch này có nói đến việc thu hồi hoặc tận dụng mặt bằng của sân goft do quân đội kiểm soát hay không.
Cuộc họp hôm 6/2/2017 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa chủ trì diễn ra trong lúc nhiều ý kiến trong dư luận đặt câu hỏi về chuyện sân bay Tân Sơn Nhất thiếu mặt bằng mà lại có một sân golf của công ty quân đội nằm ngay cạnh đường băng.
Tuy nhiên, ông Trương Quang Nghĩa chỉ nói là “sẽ tiếp tục đề nghị Bộ Quốc phòng sớm giao đất” trong một phương án có sử dụng quỹ đất đã có của quân đội.
Ngoài ra, trang Giáo dục Việt Nam đăng tin này cũng cho hay:
“Phương án này chỉ sử dụng đất của phòng không không quân với thời gian xây dựng nhanh trong vòng 2 – 3 năm và có thể nâng công suất lên tới 42 – 43 triệu khách/năm với tổng vốn đầu tư vào khoảng 19.700 tỉ đồng”.
Ba phương án mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất do đơn vị ADCC thuộc Quân chủng Phòng không Không quân đưa ra đã được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đem ra bàn thảo ngày 20/1/2017, theo các báo Việt Nam.
Một trong số các phương án đó nói đến khả năng “xây dựng mới toàn bộ hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, nhà ga và các công trình phụ trợ trên diện tích khu vực sân golf phía bắc Cảng hàng không và giải phóng thêm các khu vực dân cư xung quanh để đảm bảo khai thác”.
Nhưng cuối cùng thì phương án này không được chấp nhận và theo trang Zing hôm 20/01 thì chính phủ “Không chọn phương án làm nhà ga ở sân golf Tân Sơn Nhất”.
Trang Alegolf.com giới thiệu đây là “sân golf đẳng cấp giữa lòng Sài Gòn”.
Sân golf ở Tân Sơn Nhất. REUTERS
Quá tải cần nhiều giải pháp
Cuộc họp của Bộ Giao thông Vận tải cũng nhận định tại Tân Sơn Nhất, “khu bay đã tới giới hạn, sân đỗ thiếu và nhà ga hành khách đã quá tải trầm trọng nên cần phải cấp bách đầu tư”.
Cũng báo Giáo dục Việt Nam viết, chỉ trong năm 2017 “Tân Sơn Nhất có thể đón 35 triệu hành khách và con số này trong các năm 2018, 2020 sẽ là 45 và 49 triệu khách”.
Sân golf của quân đội cạnh đường băng Tân Sơn Nhất đang trở thành biểu tượng cho sự mâu thuẫn lợi ích giữa lực lượng này và công chúng, theo Mike Ives, từ hãng thông tấn AP, trong một bài viết hồi tháng 5/2015.
Tác giả này cũng nói:
“Sân bay bận rộn nhất của Việt Nam, nơi từng đón hàng nghìn lính Mỹ đến tham chiến, giờ đây là tâm điểm của một vụ việc gây tranh cãi liên quan đến quyền lực của quân đội trong lĩnh vực thương mại.
Để giải quyết tình trạng quá tải tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất ở TP.HCM, các lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản đã đề xuất xây một sân bay trị giá 15,8 tỷ đôla, cách đó khoảng 40 km”.
“Tuy nhiên một số cư dân thành phố và các chuyên gia hàng không nói việc mở rộng sân bay sang khu đất kế đó, vốn do quân đội quản lý, là điều hợp lý hơn”.
Theo Mike Ives, dư luận Việt Nam cũng không khỏi thắc mắc là vì sao nơi này lại được sử dụng để xây dựng sân golf.
Theo thống kê của chính phủ, các doanh nghiệp quân đội có lợi nhuận trước thuế là 46 nghìn tỷ đồng (2,14 tỷ đôla) trong năm 2014, tác giả này viết.
Từ đó đến nay, tại Việt Nam đã có nhiều cuộc họp chính thức bàn về việc giải quyết ách tắc giao thông hàng không, đường bộ, nạn ngập nước tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Một giải pháp được nêu gần đây là “xây cáp treo” hoặc đường trên cao ra vào sân bay này.
Được biết một số phi cơ được ngành hàng không cho đi “trú đêm’ ở Cần Thơ vì Tân Sơn Nhất quá tải.
Dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, số Việt kiều về quê và người thân ra đón họ tại Tân Sơn Nhất lại làm giao thông quanh phi trường này tắc nghẽn nghiêm trọng.