Trump có giống Yeltsin không và EU có vì Trump mà tan rã không?

Tô Ba Siêu

Tôi vừa đọc bài báo”Tướng CA Nguyễn Văn Hưởng bàn về chính trị thế giới thời Donald Trump”, đăng trên Blog của Bùi Văn Bồng ngày 4/2/2017 (http://bongbvt.blogspot.hk/2017/02/tuong-huong-ban-ve-chinh-tri-gioi-duoi.html) lấy từ Tuần Việt Nam (http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/tuong-huong-ban-ve-chinh-tri-the-gioi-duoi-thoi-donald-trump-354399.html). Trong bài, ông tướng này có nhiều lời phán mà không giải thích. Xin chọn ra 2 đoạn và góp lời bàn cho rõ:

1)- Có vì Donald Trump mà Liên minh Châu Âu sẽ tan rã không?

Đây là tiên đoán của ông Hưởng, viết ở dòng thứ 37 tính từ dưới lên như sau: “Sự khủng hoảng kinh tế ở các nước Châu Âu đã kéo dài từ nhiều năm nay, bắt nguồn từ những định hướng chiến lược sai lầm của EU (sai như thế nào không thấy ông nói), nhất là kể từ khi khởi xướng đối đầu với Nga” và ở dòng thứ 20 (tính từ dưới lên) ông Hưởng dự đoán do Donald Trump mà Châu Âu sẽ tan rã. Có thật vậy không, xin góp lời bàn như sau:

Quả thật, khủng hoảng kinh tế ở EU đã kéo dài nhiều năm nay, từ trước khi cấm vận Nga vì sự kiện Nga thôn tính Crime của Ukraina. Nguyên nhân mang tính bản chất của vấn đề này là “17 quốc gia Châu Âu đã hội nhập vào dự án đồng tiền chung Euro từ năm 1999 nhưng lại không hội nhập tài khóa”. Điều này dẫn đến hệ thống bị phá vỡ mà không thể cứu vãn được. Người Anh không tham gia dự án vì họ biết không có hiệu quả. Brexit là hệ quả của vấn đề này.

Sự ra đời Liên minh Châu Âu EU và dự án đồng tiền chung Euro có ý nghĩa lịch sử đối với Châu Âu và xét về mặt chính trị thì xứng đáng là một thành công. Vì trong thế kỷ vừa qua, Châu Âu là nơi khởi đầu 2 cuộc chiến tranh thế giới. Sau khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, ý tưởng về hội nhập Châu Âu là rất tự nhiên. Các quốc gia Châu Âu có nhiều điểm chung: một nền văn hóa Châu Âu, một cách tư duy gần giống nhau về bản thân họ và về thế giới, một sự tương đối đồng nhất trong cách tổ chức xã hội. Ở thế kỷ 20, do bị dẫn dắt bởi các thiên thần tội lỗi (Hitler, Marx, Lenin…), giữa họ có sự bất đồng, chia rẽ và lâm vào những cuộc tàn sát lẫn nhau với hậu quả nhiều triệu người chết, khắp nơi bị tàn phá đổ nát. Vì vậy, hợp nhất Châu Âu sau chiến tranh và hy vọng về một nền hòa bình lâu dài đã trở thành sứ mệnh trung tâm của những nhà lãnh đạo Châu Âu. Liên minh 27 nước Châu Âu đã được thành lập, trong đó 17 nước đã tham gia vào dự án đồng tiền chung Euro vào năm 1999. Cùng với kế hoạch Marshall, Hiệp ước NATO, Hội nhập Châu Âu đã góp phần bảo đảm nền hòa bình cho Châu Âu suốt 72 năm qua. Hội nhập Châu Âu đem lại triển vọng rất lớn cho Châu Âu vì Liên minh Châu Âu là một thực thể trên 500 triệu dân (đông hơn Mỹ và Nga), có nền kinh tế lớn. Theo IMF, năm 2015 EU đạt GDP (tính theo PPA) 16.200 tỉ USD, bằng 22% GDP của toàn thế giới. So cùng năm 2015, GDP của Mỹ là 18.287 tỉ USD, Trung Quốc 11.285 tỉ USD, Nhật 4.882 tỉ USD, Đức 3.909 tỉ USD, Pháp 2.935 tỉ USD, Nga 2.099 tỉ USD.

Nhưng 27 quốc gia trong EU và 17 quốc gia trong khu vực đồng tiền chung Euro không phải là các tỉnh trong một quốc gia, cũng không phải là các bang trong một Liên bang như Liên bang Mỹ. Đó là các quốc gia có lịch sử riêng lâu đời, có truyền thống riêng, ngôn ngữ riêng. 17 quốc gia trong khu vực đồng Euro có thói quen chi tiêu rất khác nhau (chẳng hạn so giữa Đức và Hy Lạp), lại cùng bị trói buộc vào một đồng tiền chung mà không có 1 tài khóa chung, không có 1 vị Bộ trưởng tài chính chung điều hành. Điều này không khác gì hình ảnh một đám đông hổ lốn cùng diễu hành theo một nhịp trống, người bước chân phải, người đi chân trái và cuối cùng sự tự phá vỡ hệ thống đã được chứng minh đầu tiên bằng sự kiện khủng hoảng tiền tệ của Hy Lạp vào năm 2010 rồi lây lan sang Bồ Đào Nha, Ireland. Nếu hội nhập tài khóa thì 17 quốc gia đã hội nhập tiền tệ chung phải có 1 Bộ trưởng tài chính chung, có thể dẫn đến mất chủ quyền quốc gia. Đó là điều cử tri của các quốc gia đó rất khó chấp nhận nên nguy cơ tan rã là không tránh khỏi. Người Châu Âu đã nhận thức được điều này. Một số chính trị gia cho rằng khu vực đồng tiền chung Euro có thể sẽ phân rã thành Châu Âu có nhiều tầng, chẳng hạn 1 tầng gồm Đức, Bỉ, Hà lan, Luxembourg, do Đức lãnh đạo. Tầng khác do Pháp lãnh đạo…

Nhưng Châu Âu không tan rã bởi Donald Trump. Tờ báo Liberation của Pháp (xem RFI 18/1/2017) có một bài xã luận với tựa đề “Sống Còn”, trong đó viết: ”Liên hiệp Châu Âu phải lựa chọn giữa khuất phục hay vượt lên chính mình. Đây là cơ hội lịch sử để nhanh chóng khởi sự một dự án tái xây dựng Liên hiệp Châu Âu. Dự án đó là xây dựng một thế giới mà ở đó hợp tác thay vì đối đầu, cạnh tranh kinh tế được kiểm soát thay cho chiến tranh thương mại, các giá trị phổ quát thay vì thái độ ích kỷ dân tộc chủ nghĩa”. Còn trong bài “Vai trò toàn cầu mới của Đức” đăng trên tạp chí nghiên cứu quốc tế 02/2/2017, ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier viết: “Có lẽ không quốc gia Châu Âu nào như Đức có số phận liên quan mật thiết đến sự tồn tại và thành công của EU đến thế. Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Đức sống trong hòa bình và hữu nghị với Pháp, Ba Lan và với phần còn lại của Châu Âu. Bởi vậy giữ vững liên minh và chia sẻ gánh nặng lãnh đạo là những ưu tiên hàng đầu của Đức”.

Ngoài nguyên nhân nói trên, khủng hoảng kinh tế trong EU còn bắt nguồn từ 2 tác động khác. Đó là “Gánh nặng Nhà nước phúc lợi và hệ thống luật lệ về thị trường lao động đã trở nên cứng nhắc” và ”Vấn đề người nhập cư”.

Chính sách phúc lợi xã hội của EU rất đáng được trân trọng. Trong các cuộc thế chiến đã xảy ra ở Châu Âu, phần đông những người ra trận và phải trả giá bằng xương máu là thuộc giai cấp vô sản chứ không thuộc tầng lớp tinh hoa. Từ đó trong xã hội có một cảm giác hàm ơn những sự hy sinh đó. Khi các chính trị gia kêu gọi sự bình đẳng và các chính sách phúc lợi xã hội để chăm sóc những người thất nghiệp, người già, người bệnh thì đã nhận được ngay sự ủng hộ rộng khắp trong xã hội Châu Âu. Đó là hoàn cảnh lịch sử của Châu Âu đã trải qua và chính sách phúc lợi của họ đã đưa đến những xã hội tử tế hơn. Nhưng thế giới luôn vận động và khi thế giới toàn cầu hóa mạnh mẽ hơn, những công nhân Châu Âu có tay nghề thấp không chỉ phải cạnh tranh giữa họ mà còn phải cạnh tranh với công nhân Nhật, công nhân Trung Quốc và công nhân Ấn Độ. Xuất khẩu giảm. Nhiều trung tâm sản xuất công nghiệp chuyển sang Châu Á. Lương của công nhân Châu Âu bị suy giảm. Với sự thâm nhập của Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, cộng với tỉ xuất sinh giảm, tuổi thọ người dân tăng, sự duy trì quỹ phúc lợi của các quốc gia Châu Âu đã trở nên gánh nặng khó kham nổi. Người Châu Âu đã cố gắng phát triển theo hướng sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ có giá trị cao hơn để bù lại, nhưng khả năng này có giới hạn. Có những bộ phận dân cư không thể làm được, do họ phải học những kỹ năng mới, đòi hỏi tốn năng lượng, thời gian và cần có ý chí trong cuộc cạnh tranh để tự cải thiện bản thân, mà những điều này tùy thuộc rất lớn vào đặc tính bẩm sinh của một dân tộc và vào cách mà họ được quốc gia đó tổ chức và quản lý tốt đến mức nào. Chẳng hạn theo nhận xét của ông Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng Singapore là người đã đến nhiều nước, thì người Đức không tiêu xài nhiều hơn những gì mà họ kiếm được, lực lượng công nhân của họ được đào tạo tay nghề rất cao. Họ có động lực và sẵn sàng tự tổ chức bản thân và ông ấy cho rằng đó là bản chất xã hội của người Đức.

Mặt khác, hoàn cảnh Châu Âu và thế giới đã thay đổi mau chóng nhưng chính sách và luật lệ lại không dễ thay đổi. Đồng thời tâm trạng của người dân cũng không dễ từ bỏ những lợi ích mặc nhiên đã được hưởng trong nhiều năm qua. Năm 2007, trung bình mỗi quốc gia Châu Âu trong OECD dành 23% GDP cho chi tiêu xã hội của chính phủ, trong khi mỗi quốc gia trong OECD không thuộc Châu Âu chỉ dành 17% GDP cho chi tiêu xã hội. Tỉ lệ này tại Mỹ và Úc là 16%. Hệ thống phúc lợi còn có mặt trái tạo ra hệ quả xấu, ảnh hưởng đến động cơ cố gắng của các cá nhân. Nếu làm việc chăm chỉ cũng chỉ được hưởng lợi ích bằng với người làm việc không chăm chỉ thì tại sao họ phải chăm chỉ?

Tính linh động trong đời sống kinh tế thời toàn cầu hóa đang ngày càng trở nên quan trọng. Những quy định cứng nhắc về thị trường lao động cần được thay đổi phù hợp nhưng Châu Âu lại rất khó thay đổi. Hầu như có nhiều người đòi hỏi thế giới ngừng vận động để không có gì phải thay đổi. Số liệu thống kê cho biết: trong các nước Châu Âu thuộc OECD, 8 trong số 10 nước xếp hạng đầu về luật lệ lao động tự do nằm trong top 10 nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp, 7 trong top 10 nước có những luật lệ lao động cứng nhắc nằm trong top 10 nước có tỉ lệ thất nghiệp cao.

Không phải chỉ từ khi nổ ra chiến tranh ở Syrie, Châu Âu mới có vấn đề người nhập cư, mà đã dần dần xuất hiện vấn đề này ngay sau khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, bắt tay vào phục hồi kinh tế. Khi đó dân cư Châu Âu tương đối thuần nhất, hầu như chỉ có người da trắng, tính cố kết nội bộ cao. Do tỉ xuất sinh giảm và do có nhu cầu về lao động, các nước Châu Âu đã mở cửa cho những người nhập cư từ Châu Á, Trung Đông, Châu Phi, Đông Âu. Người nhập cư làm giảm bớt áp lực đối với Châu Âu về kinh tế và về nhân khẩu nhưng lại làm gia tăng nhiều loại tội phạm khác nhau. Vào cuối thế kỷ trước, đã có khoảng 2,5 triệu người nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ vào nước Đức. Phần lớn trong họ không chịu học tiếng Đức để hội nhập vào xã hội Đức. Nhiều người nhập cư thất nghiệp, sống nhờ trợ cấp. Tình hình ở Pháp và ở Anh cũng gần như thế. Người Châu Âu vốn dĩ ít cởi mở với người nhập cư so với người Mỹ vì bản chất xã hội Mỹ là xã hội nhập cư, trái lại Châu Âu bao gồm những dân tộc đã hình thành từ lâu đời, có nền văn hóa, văn học và lịch sử riêng. Chủng tộc đã là gốc rễ của sự khó hội nhập. Yếu tố tôn giáo (đặc biệt là Đạo Hồi) trong những người nhập cư càng gây thêm sự phức tạp của vấn đề, khiến người Châu Âu cảm thấy khó hòa nhập với những người nhập cư này. Cả ông Sakozi (Tổng thống Pháp) và bà Merkel (Thủ tướng Đức) đều đã công nhận thất bại về chương trình xây dựng một xã hội đa văn hóa. Chiến tranh Trung Đông càng ác liệt và kéo dài, làn sóng người nhập cư càng lớn, trong đó trà trộn những tên khủng bố và đang tạo ra tình hình khó khăn chưa có lối thoát của Châu Âu.

Ở dòng thứ 93 (tính từ dưới lên), tướng Hưởng viết: “Mỹ và các nước Phương Tây chả làm gì để ngăn được làn sóng di cư này. Những gì gọi là tự do cư trú, quyền lao động không còn được Chính phủ và các chính trị gia của họ nhắc đến nữa, thay vào đó là những đạo luật cấp thời cấm cản người nhập cư”. Ngày 19/01/2017, Channel News Asia đưa tin từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneve rằng ông Tập Cận Bình vừa nói một câu rất hay “Kỷ sử bất dục, vật thi ư nhân” (dịch là: cái gì mình không muốn người khác làm với mình thì đừng làm cho người khác). Vậy theo ông Hưởng: “Giả định xảy ra tình hình người nhập cư ồ ạt vào Việt Nam như vào Châu Âu và vào Mỹ thì ông sẽ làm như thế nào để gọi là quyền cư trú, quyền lao động?”.

2)- Donald Trump có giống Boris Yeltsin không?

Tại dòng thứ 21 (tính từ dưới lên), ông Hưởng viết: “Đã có tiếng nói (của ai hay của ông?) tặng cho Donald Trump thành tích làm sụp đổ nền chính trị truyền thống của Hoa Kỳ, theo đó sẽ làm tan rã Liên Minh Châu Âu, giống như Boris Yeltsin đã làm sụp đổ Liên Xô, theo đó làm tan rã hệ thống XHCN vào năm 1991”.

Có đúng thế không, xin thử so sánh:

Về sự sụp đổ Liên Xô và vai trò của Boris Yeltsin:

– Trước hết xin đính chính giúp ông Hưởng: Liên Xô sụp đổ kể từ ngày 26/12/1991 bởi bản tuyên bố số 142/H của Hội đồng tối cao Liên Bang Xô Viết. Trước đó một ngày, ngày 25/12/1991 Tổng thống Liên Xô Gorbachev đã từ chức. Quốc kỳ Liên Xô trên điện Kremli được hạ xuống vào tối 25/12/1991. Nhưng hệ thống các nước XHCN Đông Âu đã lần lượt tan rã từ năm 1989 chứ không đợi đến năm 1991 để tan rã và sụp đổ cùng với Liên Xô.

Liên Xô tự sụp đổ và kết thúc bởi cuộc biểu tình của 5 triệu dân Thủ đô Matskova vào ngày 21/8/1991 và toàn bộ binh sĩ từ chối lệnh của bọn đảo chính, đứng đầu là viên Giám đốc KGB Kryuchkov và Phó tổng thống Janaev ra lệnh bắn vào người biểu tình. Boris Yeltsin chỉ đóng vai trò người cuối cùng thúc đẩy sự kết thúc bằng hành động đứng trên xe tăng kêu gọi binh sĩ Liên Xô và người biểu tình chống lại cuộc đảo chính của bọn Kryuhkov – Janaev, giải thoát cho Gorbachev.

Trước sự giận dữ của những người biểu tình, bọn Kryuchkov – Janaev đã nhanh chân tẩu thoát ngay khỏi Matskova.

– Sự sụp đổ của Liên Xô là sự sụp đổ quyền lực độc tôn của Đảng cộng sản và Nhà nước cộng sản đầu tiên, lớn nhất hành tinh, sau 74 năm tồn tại, đồng thời đánh dấu sự kết thúc chiến tranh Lạnh trên thế giới.

– Sự sụp đổ của Liên Xô là sự sụp đổ một chế độ cai trị độc tài chuyên chế của một đảng cộng sản mà điểm đặc trưng của chế độ này là xóa bỏ chế độ tư hữu và kinh tế thị trường, tạo ra đặc quyền đặc lợi cho các quan chức đảng, xóa bỏ mọi quyền đương nhiên của con người trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do biểu tình và biểu đạt chính kiến, từ chối mọi sự giám sát của người dân, tẩy não và làm ngu dân kết hợp với lừa dối, đe dọa và khủng bố để tồn tại. Vì thế, nhà bác học hạt nhân Liên Xô Sakharov, người đã từng bị Brezhnev bỏ tù vì tự do ngôn luận, đã nói: “Cốt lõi của vấn đề mô hình nhà nước Xô Viết không tồn tại là vì nó không tôn trọng con người”.

– Gọi là tự sụp đổ vì nguyên nhân của sự sụp đổ nằm ngay ở bản chất của hệ thống chính trị này, dẫn đến nền kinh tế quốc gia trì trệ, đảng viên quan chức tự chuyển hóa, thoái hóa đạo đức và hư hỏng, vừa bất tài, vừa tham lam đặc quyền đặc lợi, ăn cắp tài sản công, nên mất dần tính chính danh lãnh đạo và cầm quyền. Vì vậy, dù đặc quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản Liên Xô đã được ghim trong Điều 6 Hiến pháp Liên Xô 1977, Liên Xô vẫn không tránh được sụp đổ.

Về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 và Donald Trump:

– Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ thứ 45 thông qua cuộc bầu cử hợp hiến vào ngày 8/11/2016 và đã được người tiền nhiệm là Tổng thống Obama chuyển giao quyền lực. Ở đây không có cuộc đảo chính nào, cũng không thông qua một cuộc cách mạng vô sản hay một cuộc cách mạng “hoa hồng, hoa nhài” nào.

– Donald Trump lên làm Tổng thống, chế độ chính trị Mỹ vẫn tồn tại. Hiến pháp Mỹ vẫn nguyên hiệu lực. Chế độ tư hữu và kinh tế thị trường vẫn tồn tại ở nước Mỹ. Nước Mỹ vẫn duy trì chế độ chính trị đa nguyên, đa đảng và vẫn là nước tư bản lớn nhất, giàu nhất, mạnh nhất hành tinh.

– Trump lên làm Tổng thống, hệ thống các nước tư bản trên thế giới vẫn tồn tại, không vì Trump mà sụp đổ.

Như vậy làm gì có chuyện Donald Trump làm sụp đổ nền chính trị Mỹ?

Vậy có điểm nào giống nhau trong sự sụp đổ Liên Xô và kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ 2016?

So sánh khái quát thì ở đây có 1 điểm gần giống nhau: Đó là có “bọn người xấu” đã lũng đoạn bộ máy nhà nước, gây thiệt hại đến người dân, đến mức làm người dân giận dữ và không tin ở bộ máy nhà nước nữa, còn bộ máy nhà nước thì trở nên rối loạn trong vận hành.

“Bọn người xấu” đó là ai?

– Ở trường hợp của Liên Xô: Đó là các đảng viên quan lại ở các cấp quyền lực trong bộ máy nhà nước (Ở Liên Xô cũng như ở nước CHNDTH và nước CHXHCNVN, chỉ những đảng viên cộng sản mới được hành nghề quan chức).

– Ở trường hợp của nước Mỹ: Đó là các nhóm lợi ích có tổ chức chặt chẽ và giàu có, xuất hiện từ cuối thế kỷ 20, đã và đang lũng đoạn Quốc hội, đút lót tiền cho giới tinh hoa, để lợi dụng chế độ phủ quyết, phủ quyết các biện pháp bất lợi cho chúng và gây khó khăn cho những hoạt động tập thể vì lợi ích công cộng.

Tại sao nói là chỉ gần giống nhau?

Vì giữa chúng hơi giống nhau về bộ mặt, nhưng khác nhau về bản chất:

– “Bọn người xấu” ở Liên Xô được sinh ra từ chế độ độc đảng toàn trị, có giấy bảo đảm là Điều 6 Hiến pháp Liên Xô 1977. Dân không thể loại bỏ chúng bằng cách “Đảng cử, Dân bầu”. Chống lại chúng rất khó vì không được “ta đánh vào ta”. Nhưng chính vì thế mà Liên Xô đã tự sụp đổ.

– “Bọn người xấu” ở Mỹ không được sinh ra từ chế độ độc đảng toàn trị, cũng không được Hiến pháp bảo đảm. Chúng dùng tiền để làm việc đó.

Có thể rút ra bài học gì từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thứ 45?

Một nền dân chủ đích thực phải cân bằng giữa 2 bên: Một bên là tạo điều kiện cho tất cả người dân có cơ hội tham gia vào hoạt động chính trị của đất nước. Một bên là phải hoàn thành các công việc một cách hiệu quả để đất nước phát triển.

Xuất phát từ mục đích bảo vệ các quyền tự do cá nhân của người dân, các nhà lập quốc của nước Mỹ Hợp chủng quốc đã xây dựng bản Hiến pháp Mỹ, trong đó thiết kế 1 hệ thống “Cân bằng và kiểm soát” phức tạp, nhằm kiềm chế sự lạm quyền của bộ máy nhà nước. Đồng thời Quốc hội đầu tiên của nước Mỹ đã ban hành bản Tuyên ngôn Nhân quyền vào năm 1789, để bảo vệ các quyền cơ bản của công dân Mỹ, trong đó có quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền hội họp và kiến nghị Chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình, ghi tại Tu chánh án thứ 2.

Nhưng theo Alexis de Tocqueville, nhà triết học người Pháp, tác giả cuốn “Nền Dân trị Mỹ”, được xem là người “hiểu nước Mỹ hơn cả người Mỹ” thì “Thắng lợi của các nền dân trị là không gì ngăn cản được. Vấn đề còn lại là phải tìm hiểu về mọi khía cạnh của nó, kể cả mặt tích cực và mặt tiêu cực. Các nhà nước đại diện cho Dân phải là các nhà nước có đạo đức chính trị, vì không một nhà nước nào có Luật pháp tiên liệu được hết mọi điều và các thiết chế lại có thể thay thế được cả lý trí và tập tục”.

Trải qua thời gian, từ cuối thập kỷ 1980, tình hình chính giới Mỹ có thay đổi. Hai chính đảng lớn nhất là Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đã phân cực mạnh về tư tưởng, luôn luôn tìm cách chống nhau để tìm kiếm khả năng tái đắc cử cầm quyền. Điều này xảy ra đồng thời với sự xuất hiện một số lớn các “nhóm lợi ích” dùng tiền để vận động hành lang (lobby) tìm kiếm những chính sách có lợi cho họ, bác bỏ những chính sách có hại đến lợi ích của họ, còn trong giới tinh hoa thì đã có tình trạng bán rẻ quyền lực, tạo ra một thứ suy đồi gọi là “nền dân chủ phủ quyết” (vetocracy), gây ra nguy hiểm đến mức trong năm 2003, bộ máy công quyền của Mỹ phải đóng cửa hoàn toàn. Sự lũng đoạn của chúng, tuy chưa làm cho nền dân chủ Mỹ sụp đổ nhưng đã làm cho việc quản trị đất nước Mỹ trở nên kém cỏi.

Một nền dân chủ đích thực phải thúc đẩy nền kinh tế của đất nước phát triển, đồng thời giải quyết hợp lý sự bất bình đẳng thu nhập giữa các lớp dân cư. Trong những năm vừa qua, nền kinh tế Mỹ có phục hồi nhưng khoảng cách bất bình đẳng giữa lớp người giàu và lớp người nghèo ngày càng rất lớn. Tại nhiều bang miền Trung nước Mỹ, nhiều triệu người kể cả người Mỹ da trắng bị thất nghiệp, kéo theo nhiều tệ nạn xã hội kinh hoàng. Cả 2 đảng, Cộng hòa và Dân chủ đều bỏ rơi họ, gây nên sự phẫn nộ trong dân Mỹ.

Báo Figaro của Pháp ngày 8/11/2016 mô tả cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016 thể hiện hình ảnh một dân tộc đang tức giận đứng đằng sau ứng cử viên Donald Trump. Trump đã nói đúng vào sự tức giận của ít nhất một nửa số dân Mỹ, mà tiếng nói của họ đã bị cả 2 đảng phớt lờ. Cuộc bầu cử Mỹ 2016 đã trở thành một trong những sự kiện chấn động, bất ngờ nhất trong lịch sử cận đại của nước Mỹ. Vượt qua mọi dự đoán của các nhà chính trị truyền thống, vượt qua các tiếng loa truyền thông tranh cử, vượt qua sự ngăn cản của cả Đảng Dân chủ lẫn Đảng Cộng hòa, Donald Trump đã đắc cử. Ông ta không chỉ đã đánh bại bà Clinton thuộc Đảng Dân chủ mà còn đánh bại cả giới chính thống của Đảng Cộng hòa. Thông qua Trump, dân Mỹ đã nói thẳng nói thật sự bất mãn của họ đối với chính sách của nhà cầm quyền. Từ nay, dù Trump có tiếp tục làm Tổng thống hay không thì 2 đảng này không thể phớt lờ những lời phê phán và ý chí của người dân Mỹ nữa, vì các nhà lập quốc Mỹ đã khẳng định trong Hiến pháp Mỹ “Nhà nước Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là do dân, của dân và vì dân”.

Dù diễn tả bằng những cách khác nhau thì bất kỳ một hệ thống quản trị quốc gia nào cũng có 2 tầng lớp: tầng lớp cầm quyền, cai trị và tầng lớp bị cai trị. Ở bất cứ nhà nước nào, sự tha hóa quyền lực đều có thể xảy ra, gây nên thiệt hại và sự phẫn nộ trong tầng lớp bị cai trị. Nhưng nền dân chủ Mỹ đã đóng vai trò một chiếc van để xả bớt áp lực tức giận của người dân, cứu nền chính trị Mỹ khỏi sụp đổ. Cả 2 đảng đã bừng tỉnh, đang tìm lại chỗ đứng trong quần chúng và sẽ phải thay đổi để thích ứng, nếu không muốn lặp lại những sự đổ vỡ đã xảy ra trên thế giới vào những năm 1930. Nền chính trị Mỹ trải qua khủng hoảng đã cho thấy sức sinh động của nền dân chủ. Điều này thể hiện tính ưu việt của nền dân trị Mỹ mà Tocqueville đã nói đến. RFI ngày 10/11/2016 viết: “Chỉ có dân chủ mới cho ta thấy được thực tế chính trị. Ở nước Mỹ người dân có quyền phát biểu bất mãn của họ qua cuộc bỏ phiếu và họ đã làm để thay đổi chính sách công”. Có lẽ chính vì vậy Milton Friedman, nhà kinh tế học được giải Nobel 1976 nói: “Chủ nghĩa tư bản không hoàn hảo nhưng nó là một hệ thống tuyệt vời nhất trong lịch sử nhân loại”.

Hiện nay Đảng Cộng hòa đã chiếm đa số trong cả Thượng viện và Hạ viện, cả nơi lập pháp và nơi hành pháp. Với Tổng thống chế của nước Mỹ, trong một thế giới đa tầng hiện tại, ông Trump có thực hiện và thực hiện đến đâu những lời ông ta đã hứa khi tranh cử là điều cả thế giới đang tìm hiểu. Theo đoán trước của RFI ngày 9/11/2016 thì trong 100 ngày đầu tiên, trọng tâm của Tổng thống Mỹ là đối nội. Còn về đối ngoại, RFI ngày 18/11/2016 cho biết sau khi hội kiến với Tổng thống Trump vào ngày 17/11/2016, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố “tin cậy vào Tổng thống Trump”. Ngày 6/2/2017 BBC báo tin “Hoa Kỳ cam kết bảo vệ đảo Senkaku cho Nhật Bản”.

Nước Mỹ có vĩ đại trở lại hay không là điều chưa thể khẳng định trước, nhưng ta có thể tham khảo lời Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng Singapore nói về nước Mỹ trước khi ông mất: “Cân bằng quyền lực trên thế giới đang thay đổi. Mọi chuyện sẽ không như trước nữa. Hoa kỳ có nhiều trở ngại. Uy tín của Hoa Kỳ đã bị tổn thất. Nhưng Hoa kỳ vẫn đang ở vị trí số 1. Hoa Kỳ có tiếp tục ở vị trí đó không thì còn phải chờ xem, vì ý định là một mặt, tài trí và khả năng là một mặt khác. Tuy nhiên, các sử gia trên thế giới đều nhận ra rằng Hoa Kỳ đã từng phục hồi ra khỏi những tình huống tệ hại hơn như cuộc Đại suy thoái đã qua và họ đã lại tìm thấy ý chí và sức mạnh để giữ vị trí dẫn đầu của họ. Thành công của họ nằm ở nền kinh tế năng động, liên tục đổi mới và sáng tạo. Lợi thế chính yếu của họ là sự năng động sẽ không biến mất. Của cải tương lai sẽ được tạo ra chủ yếu bằng sức mạnh trí óc, sức sáng tạo, tính nghệ thuật, kiến thức và bản quyền trí tuệ. Hoa Kỳ là xã hội thu hút và giữ được chân nhân tài của khắp thế giới. Điều này không quốc gia nào sánh được, kể cả Trung Quốc. Nhưng Hoa Kỳ giống như một chiếc tàu chở dầu lớn. Nó sẽ khó chuyển hướng nhanh như một con thuyền nhỏ…”.

Đối với Việt Nam, những người muốn “nhốt quyền lực”có thể rút ra nhiều điều bổ ích từ bài học này.

Được truyền cảm hứng từ tinh thần bản Hiến pháp nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền của Mỹ, ông Hồ Chí Minh đã từng viết: “Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” (HCM toàn tập, NXB Sự Thật 1985, tập 5, trang 299) và “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ” (HCM toàn tập, NXB SựThật 1984, tập 4, trang 283). Tiếc rằng Đảng của ông và học trò của ông chưa bao giờ làm theo những lời dạy này của ông.

Tư liệu tham khảo:

– ”Nước Mỹ trong cơn suy thoái chính trị” gồm 5 phần, của tác giả Francis Fukuyama, Giám đốc trung tâm dân chủ, phát triển và pháp trị của Viện Nghiên cứu quốc tế Freeman Spogli thuộc Đại học Stanford Mỹ, đăng 5 kỳ trên Tạp chí Nghiên cứu quốc tế tháng 8-2015.

– ”Nền dân trị Mỹ” của Alexis de Tocqueville – Phạm Toàn, Bùi Văn Nam Sơn dịch và hiệu đính, NXB Trí thức 2016.

– ”Lý Quang Diệu viết về Châu Âu và về Hoa Kỳ” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu quốc tế 27-4-2014 và 15-6-2014.

HN 7.2.2017

T.B.S.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.