Ông Ninh và ông Nang

“Ông Ninh và ông Nang” hay là “Lời hứa hão của ông Phờ Tờ”

Ông Ninh và ông Nang thì bà con ta biết rồi. Đó là những nhân vật quen thuộc, vừa vô danh vừa hữu danh, ông Nỉnh ông Ninh, ông ra đầu đình lại gặp ông Nang, ông Nảng ông Nang, ông ra đầu làng lại gặp ông Ninh. Còn ông Phờ Tờ là như sau: tên gọi thân tình và châm chọc của giáo viên trường Thực nghiệm ở Hà Nội đặt cho tác giả bài viết này (mở ngoặc, do một cô giáo tuổi Ất Mùi rất có lý tưởng một hôm nào đó vào năm 1981-82 đã ngẫu hứng gọi ra: nom kìa, anh Phờ Tờ tung tăng thế kia, chắc hôm nay lại có sáng kiến gì đó…).

Phờ Tờ gợi ra hình ảnh một người lao động mệt nhoài nhưng vẫn vui tươi. Hôm nay Phờ Tờ tự phê bình với bà con độc giả trang Boxitvn: hôm thứ tư 20-1-2010, Phờ Tờ gửi thư cho nhiều bà con, nói rằng buổi “làm việc” ngày thứ năm 21-1-2010 của giáo sư Huệ Chi sẽ là buổi làm việc cuối cùng, và như vậy thì ngày thứ sáu kế tiếp sẽ là ngày tai qua nạn khỏi, có thể đun nồi nước tắm bằng lá thơm và mua vàng mã đốt vía tổng kết được đấy.

Rồi hóa ra vẫn chưa xong, bà con ta ạ! Vẫn còn ông Ninh ông Nang bà con ạ! Mặc dù chính giáo sư Huệ Chi ngay trong buổi làm việc ngày thứ năm cũng đinh ninh rằng sau buổi này thì còn gì nữa để mà “làm việc” tiếp?

Đúng thế: trong buổi làm việc này, giáo sư đã viết một mạch bảy trang “tiểu luận” bênh vực sự đúng đắn của việc đã cho đăng trên trang Bauxite Việt Nam hai bài báo, một bài của nhà văn Phạm Đình Trọng và một bài của ông La Thành. Một sự hào hứng như thế nghĩ cũng phải thôi. Vì đó là hai bài báo rất hay. (Nhìn chung, bài trên trang Bauxite Việt Nam thì chỉ từ cấp độ HAY trở lên thôi, nhưng hai bài này có thể xếp loại ĐẸP VÀ HAY). (Chú thích thêm lần nữa: hôm nào trang Bauxite Việt Nam tái xuất, xin đề nghị sếp Huệ Chi cho đăng lại hai bài đó để bà con xếp hạng lại cho thêm phần đồng thuận).

Và thế là, vào một ngày thứ năm 21-1-2010 khi bầu trời Hà Nội quá mù ra mưa, buổi sáng hai bên “làm việc” theo lối tranh luận thêm về hai bài báo đó. Sau khi ngã ngũ rằng cách đánh giá bài thứ nhất của Nhà văn Phạm Đình Trọng cho thấy “hai bên làm việc đã hiểu nhau”, sau giấc ngủ trưa rất nhân đạo, cả buổi chiều giáo sư Huệ Chi ngồi viết giải trình về bài của ông La Thành. Viết xong, các anh ấy đọc và chỉ giả vờ chê một điều lấy hên: “bài của bác có một câu sai ngữ pháp”.

Tóm tắt “luận văn giải trình” bảy trang (07 trang) chi chít toàn chữ quốc ngữ của giáo sư Nho học như sau, xin kể lại y nguyên theo lời kể tối qua của giáo sư cho bác Phờ Tờ nghe:

Điều giải trình thứ nhất là, bài viết của ông La Thành không thuộc loại bài do trang Bauxite Việt Nam tổ chức viết, mà chỉ là bài tham khảo lấy từ trang mạng khác qua. Điều đó có nghĩa là trang Bauxite Việt Nam không có quyền biên tập lại, chỉ có quyền đăng nguyên văn. Và điều đó cũng có nghĩa như sau nữa: khi đăng nguyên văn một bài từ trang mạng khác, thì phải chấp nhận cả những gì mình ưng (tạm gọi là ưu điểm) lẫn những gì mình chưa ưng (tạm gọi là khuyết điểm) của nó. Sở dĩ phải “tạm gọi” là ưu điểm hoặc khuyết điểm, vì có khi cái mình khen lại bị chê, cái mình chê lại được khen.

Điều giải trình thứ hai là, bài viết của ông La Thành có những ý gì được trang Bauxite Việt Nam coi là ưu điểm (hoặc đáng khen)? Bài đó nói được ba điều hay và mới như sau:

1./ Vấn đề khai thác bauxite ở Việt Nam là một phép thử, phép thử đối với tinh thần dân tộc của người Việt Nam, phép thử đối với năng lực gìn giữ nền độc lập của người Việt Nam, và cũng là phép thử cả năng lực lãnh đạo đất nước của người Việt Nam.

2./ Đừng ai nghĩ rằng nước Việt Nam nhỏ bé bên cạnh nước khổng lồ Trung Hoa thì sẽ có rất ít chọn lựa. Ông La Thành nêu rõ: Bắc Triều Tiên giữ được độc lập với Trung Hoa, các nước nhỏ bé vùng Baltic giữ được độc lập với Nga, nước Panama còn nhỏ hơn nữa mà vẫn giữ được độc lập với Hoa Kỳ. Người ta làm được thì mình cũng làm được. Đó chính là biểu hiện của phép thử vậy.

[Chú thích tại chỗ: giáo sư Huệ Chi bận đi “làm việc” nên không cập nhật được chi tiết này trên làn sóng truyền hình: ngay lập tức sau khi biết tin động đất ở Haiti, nước Cuba bé nhỏ đã cử ngay bốn trăm (400) bác sĩ qua làm công tác phẫu thuật cấp cứu nạn nhân; và chỉ từ hôm sau đó các bác sĩ của những nước khác mới lục tục theo sau Cuba có mặt ở nơi xảy ra tai họa. Điều này không những mang ý nghĩa là Cuba giỏi về Y tế và tốt bụng trong tình láng giềng, mà còn có ý nghĩa khác liên quan đến cái phép thử mà chúng ta đang xét. Tác giả Phờ Tờ biết tin này do mở kênh Truyền hình Australia, nghe họ chê trách các kênh thông tin toàn thế giới không chịu tuyên dương Cuba đã đi đầu trong công cuộc cứu trợ này. Chẳng biết Cuba coi sự chê trách này là một lời tuyên dương tuyệt vời hay là một “thủ đoạn diễn biến hòa bình” từ cái xứ sở từng có những thanh niên nằm ngáng xe ô tô của ông Johnson để phản đối Chiến tranh Việt Nam?]

3./ Vấn đề khai thác bauxite cũng còn là một phép thử đối với người láng giềng mười sáu chữ vàng nữa. Rành rành là khai thác bauxite thì cả Việt Nam lẫn nước bạn cũng chưa có lợi gì về kinh tế. Vậy, sự cố (tôi định dùng chữ “cố đấm ăn xôi” nhưng kịp nén lại, dùng chữ khác) cố công cố sức khai thác bằng được tài nguyên trên một miền đất khác đất Trung Nguyên mênh mông có ý nghĩa gì đây? Câu hỏi này chỉ có thể giành cho những người quen nhăn nhó cười khi bắt tay nhau chặt chẽ, còn những lương dân chúng mình làm sao trả lời cho nổi?

Điều giải trình thứ ba là, như đã nói ở trên, do chỗ không biên tập cắt gọt nên bài của ông La Thành nhất định sẽ có một vài điểm “có thể gây ra sự hiểu khác đi của cơ quan an ninh và có thể bị “kẻ địch” lợi dung”. Tuy vậy, theo lời giáo sư Huệ Chi, cho tới nay chúng tôi vẫn chưa thấy “kẻ địch” nào lợi dụng một vài điểm sơ suất rất nhỏ đó cả. Giáo sư Huệ Chi cũng viết thêm vào bản giải trình: so với việc một ông Tổng biên tập tờ báo Điện tử đã gọi quân đội Trung Hoa là “quân ta” và giúp họ gọi vùng biển Đông trong phạm vi lưỡi bò là “nước ta”, thì khuyết điểm của người điều hành chính trang Bauxite Việt Nam chỉ là một con kiến so với một con voi.

Tác giả đã làm xong công việc kể hầu bà con chuyện gì xảy ra hôm nay liên quan đến Huệ Chi tức là liên quan đến trang mạng của chúng ta. Nghĩ rằng với bài viết này tới đây nên dừng là hợp nhẽ.

Trước khi đặt dấu chấm hết bài và “nộp mạng” tức là để “văng bài lên mạng”, xét tinh thần người viết và tự xét cả chất lượng bài viết, tác giả xin bạn đọc thấu tình tha cho cái tội hứa hão là hôm nay thứ sáu 22-1-2010 Huệ Chi không phải đi “làm việc” nữa. Gạt một bên chuyện lao động là vinh quang, một ông giáo sư bỏ việc một ngày là mất toi bạc triệu của người ta, lại thêm cái khoản lo lắng phí của vợ con tính thành tiền là các cuộc gọi lê thê buổi tối từ miền Nam ra và từ Mỹ về, quả tình là có hơi bị đau!

Trong khi đó có nhiều người có thể được tăng lương và thăng chức vì những buổi làm việc lê thê làm mất mát cả vật chất và tinh thần giáo sư Huệ Chi.

Cuộc đời này lắm lúc rõ là vớ vẩn hết chỗ nói.

Hà Nội, sáng rất sớm 22-1-2010

Phạm Toàn

This entry was posted in Tản Mạn and tagged , , . Bookmark the permalink.