Tuổi Trẻ – Thứ Sáu, 22/01/2010, 02:27 (GMT+7)
Sông Hồng thời cạn kiệt – Kỳ cuối:
Hồng Hà cạn kiệt và câu chuyện của tương lai
TT – Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc kể rằng vào những năm 1920-1930, dòng chính của sông Hồng nằm về phía nam.
Sông cạn nên tôm cá cạn kiệt, dân làng chài phải bắt ốc mưu sinh – Ảnh: Đ.H.Lực
Làng biến thành sông
Ông hình dung cả một ký ức Hồng Hà: “Dạo ấy đường Trần Nhật Duật nằm sát mé sông, vào mùa nước lên đứng trên bờ có thể thò chân xuống rửa. Từ con đường này chạy dọc xuống tới chân cầu Chương Dương ghe tàu ra vào tấp nập. Tàu buôn, tàu hàng của Bạch Thái Bưởi, của Hoa kiều và của Pháp mang hàng ngược sông Hồng từ Nam ra và từ vùng núi phía Bắc xuống. Chính nó đã hình thành các tuyến phố Hàng Muối, Hàng Mắm, Hàng Chiếu, Hàng Nâu, Hàng Đường, Hàng Cau, Hàng Tre… Việc buôn bán sầm uất đến nỗi Pháp đã định xây dựng một thương cảng tại đây”.
Nhưng rồi Hồng Hà lại chuyển dòng chính từ bờ nam sang bờ bắc như hiện nay. Nhánh nam bị bồi lắng nhanh chóng và bờ sông cũng lùi ra phía bắc hơn trăm mét so với hiện nay…”. Nhà Hà Nội học nói xong rồi trầm ngâm.
Cả đời gắn bó với đất Hà thành, nay đã ở tuổi cổ lai hi cụ Nguyễn Vinh Phúc vẫn còn nguyên ký ức về một dòng Hồng Hà quanh năm cuồn cuộn phù sa và một ngôi làng Trung Hà đông đúc, trù phú ở bãi giữa (đoạn giữa cầu Long Biên và cầu Chương Dương), nơi đã sản sinh vị anh hào Lý Thường Kiệt.
Nhưng càng về sau dòng sông mẹ càng có những thay đổi bất thường. Dân làng Trung Hà phiêu dạt tứ phương, trong đó số đông về định cư ở Bắc Biên.
Cả ngôi làng Đại Nam thuộc huyện Đan Phượng ngày nay, nơi cụ Phúc sinh sống, vào những năm đầu của thập niên 1970 cũng bị sạt lở chưa từng thấy. Chỉ trong vài năm làng đã biến thành sông, dòng chảy chính đi vào ngay đình Đại Nam.
“Chuyện đổi dòng chính, lở bên này, bồi bên kia lịch sử không ghi lại, nhưng các cụ đều bảo ước chừng bảy, tám chục năm, chu kỳ của cuộc dâu bể ấy lại tái diễn trên dòng sông mẹ – cụ Nguyễn Vinh Phúc lại suy tư – Quy luật tự nhiên thì khó mà cưỡng lại. Nhưng tình trạng khô kiệt như hiện nay là rất đáng lo. Bởi sự phồn vinh của Hà Nội là nhờ có sông mẹ. Nó không chỉ mang lại phù sa màu mỡ và nguồn nước tưới tiêu cho cả một vùng đồng bằng rộng lớn, mà còn khởi nguồn của một nền kinh tế hàng hóa, là con đường giao thông huyết mạch kết nối phía Bắc, phía Nam với Hà Nội. Vai trò của Hồng Hà lớn lắm, cả trong quá khứ cũng như với tương lai con cháu mai sau…”.
Hồng Hà cạn nước, vì đâu?
Những bậc cao niên, những nhà khoa học từng gắn bó với sông Hồng suốt mấy chục năm qua cũng không khỏi chạnh lòng khi thấy dòng sông đang oằn mình khô kiệt.
Bà Đỗ Hồng Phấn, trưởng ban cố vấn Mạng lưới cộng tác vì nước – Việt Nam (một tổ chức phi chính phủ chuyên lo việc bảo vệ và phát triển tài nguyên nước toàn cầu), bức xúc: “Năm 2006-2007, lần đầu tiên mọi người bắt đầu phàn nàn về việc nước sông Hồng lên xuống dập dềnh.
Ban đầu mọi người nghĩ là tại thiên nhiên, nhưng sau để ý mới thấy đó là vấn đề của công trình. Giới chuyên môn trao đổi với nhau rằng có phải tại thủy điện Hòa Bình không? Và tài liệu đo đạc của thủy văn 2006-2007 đã chứng tỏ hoạt động của thủy điện Hòa Bình là nguyên nhân tình trạng này”.
Tiến sĩ Nguyễn Lan Châu – phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương – cũng nhìn nhận: tình trạng hiếm mưa và việc các nhà máy thủy điện ở thượng lưu sông Hồng đẩy mạnh tích nước trong mùa cạn đã dẫn tới nguyên nhân trên.
Thêm vào đó là diễn biến dòng chảy mùa cạn (từ tháng 11 đến tháng 5) của hạ lưu sông Hồng những năm gần đây ngày càng suy thoái, năm sau trầm trọng hơn năm trước. Có những tháng lượng mưa tại vùng thượng nguồn sông Hồng giảm 80-90% so với trung bình nhiều năm.
Tác động của con người thì có nhiều yếu tố như tích nước hồ thủy điện, quản lý khai thác nguồn nước chưa hợp lý.
Thời gian gần đây phía Trung Quốc xây dựng nhiều hồ chứa ở thượng nguồn hệ thống sông Hồng nên nguồn nước chảy vào VN trong mùa cạn ngày càng giảm. Nguồn nước từ phía Trung Quốc đổ vào hệ thống sông Hồng chiếm 30-40% trong mùa cạn.
Những năm mưa nhiều thì không sao, nhưng những năm ít mưa phía Trung Quốc tăng cường tích nước thì mình lại thiếu.
Từ năm 2006 các nhà máy thủy điện Trung Quốc xuất hiện trên thượng nguồn sông Đà, sông Lô (hai nhánh chính của sông Hồng trên lãnh thổ Việt Nam) sát biên giới Việt – Trung nhiều hơn.
Ba năm trở lại đây họ đã xây dựng sáu nhà máy trên dòng chính, bốn nhà máy trên dòng nhánh và 18 đập ngăn nước trên thượng nguồn sông Đà, tám nhà máy trên thượng nguồn sông Lô, sông Gâm, một nhà máy và 29 đập ngăn nước ở thượng nguồn sông Hồng.
Do tình trạng thiếu nước chung nên phía Trung Quốc tăng cường tích nước nhiều vào mùa khô làm tình trạng cạn của sông Hồng trầm trọng hơn. Có những thời điểm phía Trung Quốc không phát điện (không xả nước) thì nguồn nước phía Việt Nam giảm rất nhanh.
Bên cạnh đó, việc khai thác sử dụng nguồn nước ở hạ du không hợp lý, không được điều hành từ hệ thống liên hồ chứa Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang nên tình trạng suy thoái nguồn nước ở hạ du sông Hồng trong mùa cạn vẫn diễn ra liên tục.
“Đã đến lúc chúng ta phải tiết kiệm nước thật sự và nên xem nước là nguồn tài nguyên có hạn. Việt Nam cũng cần có ủy ban quản lý lưu vực các sông để giám sát điều phối việc sử dụng phân bố tài nguyên nước như ở nước ngoài. Về công tác điều hành, người lãnh đạo nên tin vào những cảnh báo khoa học để tăng cường tích nước trước. Ngành khí tượng cảnh báo thiếu nước từ tháng 8-2009 nhưng vẫn có người bảo là dọa ngành nông nghiệp” – tiến sĩ Nguyễn Lan Châu nói.
Với bà, câu chuyện về “sức khỏe” sông Hồng là một câu chuyện đáng quan tâm thật sự!.
TẤN ĐỨC – TUẦN PHÙNG
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=359829&ChannelID=89