Cần cách chức chứ không thể đợi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh từ chức

Nguyễn Hồng Lam

Ủng hộ quan điểm nhà báo Nguyễn Hồng Lam: đề nghị cách chức Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, vì đem chức vụ công bộc của dân đem đi thế chấp, bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp người ta đem chức vụ gia sản của họ đem thế chấp thì đó là quyền của họ, vì chẳng ai tin lời doanh nghiệp. Nhưng quan chức nhà nước cũng a dua, bắt chước họ thì không được!

PGS TS Đoàn Lê Giang

Tôi đề nghị, hoặc Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh từ chức ngay, hoặc Quốc hội và Chính phủ xem xét, quyết định cách chức Bộ trưởng, nếu ông ấy không tự xin từ chức.

Một công chức bình thường, nhất là những người mặc áo lính, nếu đem cầm cố, thế chấp thẻ ngành, thẻ đảng của họ, chắc chắn sẽ bị kỷ luật, cách chức – nếu có chức vụ – và loại ngũ vì vi phạm kỷ luật.

Ông Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là tư lệnh của một ngành, là Ủy viên TW Đảng, một thành viên Chính phủ. Chức vụ, phẩm trật của ông đồng thời cũng là trách nhiệm, là danh dự của một ngành, được Quốc hội, Chính phủ thay mặt nhân dân giao cho. Nó không là tài sản của riêng ông. Đem chức Bộ trưởng ra đánh cược cho Dự án thép Hoa Sen Cà Ná, một dự án được coi là thảm họa, không chút khả thi, bất chấp sự phản biện can ngăn của rất đông các nhà khoa học, sự phản đối của đa số tầng lớp nhân dân, ông đã quá coi thường thảm họa môi trường mà đất nước và nhân dân sẽ phải gánh chịu.

Về mặt tư duy quản lý, khi đưa vị trí Bộ trưởng ra đánh cược, ông đã xem dự án như một canh bạc năm ăn năm thua. Về mặt tư cách, ông đã quá coi thường quyền lợi của nhân dân và đất nước, xem thảm họa có thể xảy ra chỉ ngang với chức vị đang mang – vốn dĩ được trao cho ông nhưng không phải là thứ tài sản của riêng ông. Và do đó, trong vai trò một Bộ trưởng, ông cố tình không nhìn thấy phần trách nhiệm, chỉ nhìn thấy nó như một thứ quyền lợi hay tài sản cá nhân, có thể tùy tiện đem ra đánh cược.

Nói cách khác, ông đang đem danh dự, trách nhiệm và vị trí được gửi gắm ra cầm cố, thế chấp.

Cố chấp trong tư duy, đáng ngờ về năng lực – không nhìn thấy nguy cơ mà xã hội đều rõ mồn một – cộng thêm việc coi thường danh dự, trách nhiệm, việc “cầm cố” chức vụ để thực hiện Dự án thảm họa cho bằng được, ông đã vi phạm kỷ luật như một kẻ đánh bạc, tạo nợ xấu… Cùng lúc, ông đã phạm hàng loạt điều cấm cán bộ công chức, đảng viên không được làm, rõ nhất là tạo lợi ích nhóm.

Nhà nước, Chính phủ và nhân dân tất nhiên không chấp nhận làm người cầm đồ (chức Bộ trưởng) cho ông, cũng không thể tham gia đánh bạc cùng ông.

Nhưng ông thì chắc chắn sẽ làm điều đó, nếu vẫn ngồi trên ghế Bộ trưởng cho đến hết nhiệm kỳ. Mối quan hệ gia đình, quyền lợi của ông với Chủ dự án thép Hoa Sen Cà Ná Lê Phước Vũ bảo đảm và thể hiện rõ ý chí của ông.

Hàng chục triệu người dân Việt Nam, nhất là người dân Cà Ná – Ninh Thuận không thể để ông làm điều đó, không thể đợi đến ngày thảm họa xảy ra trên nhiều mặt, tàn phá nốt đời sống vốn đã bấp bênh, vất vả của họ để thấy ông từ chức. Do đó, ông Trần Tuấn Anh cần phải bị cách chức Bộ trưởng.

Tôi tin chắc đó là ý nguyện của đa số nhân dân, ý nguyện cuối cùng trước khi kết thúc năm 2016.

Vì chưa hỏi ý kiến, chưa được ông đồng ý, tôi không đăng kèm ảnh Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trong stt này. Tôi không muốn ông là hình ảnh cuối cùng của năm trên FB của tôi.

TP Hồ Chí Minh, 23h32 phút ngày 31-12-2016

N.H.L.

Nguồn: FB lam hồng nguyễn

This entry was posted in quốc hội. Bookmark the permalink.