Vũ Quang Việt – Nguyễn Huệ Chi
Nguồn gốc của 4 lá thư: Trích một đoạn trong thư của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (Việt Nam) gửi TS Vũ Quang Việt (New York):
28/12
Anh Việt quý mến,
[…]
Cảm ơn anh đã bỏ công trong kỳ nghỉ để trả lời.
Về thu thuế xăng cao, tôi đồng ý với anh về hai mục đích anh nêu.
Tuy nhiên ở VN, tăng thuế, tăng giá cũng không giúp giảm tiêu dùng hay chuyển hướng tiêu dùng bao nhiêu. Đối với phương tiện công cộng, người ta ngại đi vì kém thuận lợi, an toàn lúc lên-xuống xe, an toàn trên xe…, dù giá rất rẻ (ở Hà Nội, mua vé xe buýt 100.000VND một tháng có thể đi bao nhiêu cũng được, trong khi một cuốc taxi cho chặng đường khoảng 7-8km đã hết 100.000 D rồi). Và xu hướng mua xe riêng vẫn tăng ghê quá, dù bây giờ đường chật, hay tắc nghẽn và rất khó kiếm chỗ đỗ xe.
Phạm Chi Lan
28/121. Lá thư thứ nhất: Tiến sĩ Vũ Quang Việt trả lời bà Phạm Chi Lan, có cc cho một số người, trong đó có Nguyễn Huệ Chi (Hà Nội)
Chị Phạm Chi Lan mến,
Chị đặt ra vấn đề rất hay vì nó chính là vấn đề mà một số thành phố đang kiếm cách giải quyết. Điển hình là thành phố New York City trong khoảng 10 năm qua mà tôi chứng kiến.
Triết lý của họ như sau:
1. Từ trước đến nay, các nhà hoạch định cho rằng đường sá là nhằm phục vụ người đi xe hơi trong thành phố, do đó càng mở rộng đường, càng xây thêm đường, càng tạo thêm người đi xe, kẹt xe và ô nhiễm trong thành phố.
2. Triết lý mới đây là đường sá là nơi công cộng cũng như công viên nhằm phục vụ cuộc sống như buôn bán, xã hội hóa, hoạt động cộng đồng, giải trí, tức là không chỉ phục vụ người đi xe hơi.
Hai bài này nói về những gì đã xảy ra ở một số thành phố ở Mỹ, như San Francisco và NYC. Họ làm nhỏ đường lại, lấy 1 làn xe làm đường đi xe đạp, hay mở rộng lề đường, đặc biệt ở các góc phố, để đặt ghế ngồi, mở rộng công viên. Ở thành phố NYC, họ đã hủy một xa lộ, chỉ xây đường nhỏ, để xây công viên, đường chạy bộ và chạy xe đạp, dọc theo bờ sông, suốt thành phố.
Cách làm này tạo ra nghẽn giao thông, nhưng người lái xe, thấy không thể vào vì kẹt xe, nên tự động tìm phương tiện khác (xe công cộng) để vào thành phố. Để giảm kẹt xe, có thể phải áp dụng các biện pháp kinh tế như thu phí thật cao xe hơi khi vào thành phố trong giờ cao điểm.
ACTIONS FOR STREETS AS PLACES
HOW GOVERNMENT MAKES IT HAPPEN
http://www.pps.org/reference/actions-streets-places-government-makes-happen/
What’s Up With That: Building Bigger Roads Actually Makes Traffic Worse
https://www.wired.com/2014/06/wuwt-traffic-induced-demand/
Có thể đây là triết lý mới. Tôi chỉ chứng kiến và thấy dân thành phố ủng hộ, nhưng thật hiểu về các nguyên tắc qui hoạch lại đường sá nhằm phục vụ đa mục tiêu cần hiểu biết chuyên ngành, vượt khỏi khả năng của tôi. Tôi thấy đây là vấn đề cần tìm hiểu để ứng dụng ở VN. Chính vì các quyết sách này mà Bloomberg được bầu tới 3 nhiệm kỳ làm Thị trưởng và nếu luật cho phép, dân còn sẵn sàng bầu cho ông ta thêm nhiệm kỳ.
Vừa rồi nhà báo Trương Duy Nhất trên trang Bôxit có bài viết về 10 phát ngôn ấn tượng của quan chức nhưng rất tiếc lại đưa phát ngôn của nhà giáo chứ không phải quan chức Huỳnh Thế Du vào bài viết, có lẽ vì tác giả thiếu hiểu biết về những gì đang xảy ra ở nhiều nước. Ông Nhất viết như sau:
“10- Tiến sĩ Huỳnh Thế Du: “Không mở đường, cứ để kẹt xe. Người dân chịu hết nổi sẽ chuyển sang dùng phương tiện công cộng” – hiến kế giảm ùn tắc giao thông cho TP Hồ Chí Minh, 29/3/2016” (https://boxitvn.online/bai/46232)
Việt
2. Lá thư thứ hai: GS Nguyễn Huệ Chi trao đổi với Vũ Quang Việt
28/12
Anh Vũ Quang Việt thân mến,
Cám ơn anh đã có một giải thích mới mẻ về “triết lý làm đường” đã được biến thành giải pháp thực thi ở một số thành phố bên Mỹ. Có lẽ ở VN tìm ra được một giải pháp khả thi về hiện tượng đường sá kẹt cứng là vô cùng khó chứ nói tìm cho được một triết lý sinh tồn về nó thì chắc không thể tìm ra.
Từ lâu rồi, người cầm quyền đâu có coi trọng không gian sinh hoạt công cộng của người dân. Có chút đất hoặc công sở nào họ cũng nhăm nhe bán hết cho tư nhân kinh doanh cao ốc (khu Triển lãm Giảng Võ là một không gian rất đáng lưu giữ để người ta đến đấy sinh hoạt vui chơi, nâng cao kiến thức văn hóa và sự hiểu biết thực tế đời sống muôn mặt… thì họ đã bán mất rồi và sắp xây lên một toà cao ốc đến 50 tầng, như thế hỏi không kẹt làm sao được. Kẹt và không còn không khí để thở là khác. Ngay tại Hồ Gươm là khu vực 1, cấm xây cao mà dọc trên đường Hai Bà Trưng sát Plaza Tràng Tiền là nơi công sở Vụ Bảo tồn bảo tàng cũ nghe nói họ cũng bán cho Vingroup và cũng sắp mọc lên những cao ốc 9 tầng, vừa vi phạm luật về độ cao của các tòa nhà ở khu vực này, quan trọng hơn là mật độ người dân cư trú tại khu trung tâm trở nên đông đặc, thế thì còn chịu sao thấu).
Thậm chí Hồ Tây là một sản vật vô giá không một triều đại nào dám phá, vậy mà chỉ trong hai nhiệm kỳ vừa rồi các vị lãnh đạo hình như đã “xấn thốn” để cho diện tích của nó… bớt đi gần một nửa (từ 900 Hectares nay chỉ còn nhõn 500 hectares).
Xin nói thêm là dưới thời ông cựu CT Hoàng Văn Nghiên cũng đã lấp mất một phần rất lớn diện tích của hồ Thủ Lệ rộng lớn để xây khách sạn Daewoo và con đường Liễu Giai. Đó là tình trạng “giật gấu vá vai” chẳng hay ho gì và không hướng tới mục tiêu lâu dài làm cho thành phố đẹp đẽ rộng rãi hơn, mà chỉ nhắm vào một vài lợi ích thiển cận, rất thiển cận. Nếu chẳng phải là những tên phá hoại ngu xuẩn tự cho mình cái quyền nã đạn vào quá khứ, tại sao thành phố có thể mở rộng đến tận Sơn Tây, Hòa Bình và xa hơn nữa, mà cứ nhất quyết san lấp đi những gì từ hàng nghìn năm lưu lại và đã trở thành những cái tên không bao giờ phai trong ký ức, để mua lấy tiếng cười mai mỉa của dân gian?
Còn các công viên vui chơi như Thống Nhất, được cải tạo từ hồ Bảy Mẫu vào 1961, cũng được mặc nhận là một công trình lịch sử tuy chỉ mới trên 50 năm; trước đây dù muốn bán một phần để doanh nhân xây khách sạn lắm nhưng trước bức bối của sư luận, ông Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đành dừng lại không dám bán, thì nay ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung là người kế chân, khi vừa lên có tuyên bố sẽ cho xây ở đấy một bãi đỗ xe ngầm nhưng có hứa không làm mất cây xanh trrong công viên. Xét ra, cũng là một giải pháp tình thế chưa ổn thỏa cho lắm vì công viên thì không nên có tiếng ồn ào và khói xe, trái lại rất cần yên tĩnh và bầu không khí trong sạch.
Lại còn những chợ truyền thống mà người Pháp xưa kia rất tôn trọng, biết đó là nguồn sống chính của người buôn thúng bán mẹt, cũng là huyết mạch giao lưu thương mại của một Hà Nội kể từ xa xưa, nên để nguyên cho người dân nội và ngoại thành đến sinh hoạt trao đổi mua bán, thì các vị quan ngày nay lần lượt đem bán hết cho tư nhân (trừ chợ Đồng Xuân). Và thế là tiểu thương mất chỗ buôn bán, trở thành người lang thang trên đường phố, bị xua đuổi gần như người bán rong, cuối cùng thấy chỗ nào trụ lại được thì họ bám trụ, bám đến cùng, dù bị CA nhiều lần tịch thu hàng hóa tàn nhẫn vẫn “một tấc không đi một ly không rời”.
Vì thế, không những có những con đường dù nhỏ hẹp nhưng vẫn bắt buộc phải cho phép xây kiosque từng đoạn như đường Phùng Hưng (khi giải tỏa chợ Hàng Da), song vẫn đâu có đủ, nên nhiều xó xỉnh của thành phố bỗng mọc lên bao nhiêu là chợ cóc nhếch nhác, bẩn thỉu, lâu dần thì đám tiểu thương thắng cuộc sau khi chịu nộp một khoản tiền phí hàng tháng cho phường quận, biến thành một thứ “chợ tạm cố định” và người dân thành phố – nhất là lớp người không buôn bán và cần một không gian thông thoáng để sống – thế là mất luôn con đường yên tĩnh của mình (trước 1954 chỉ có một chợ Đuổi và chỗ Dốc hàng Kèn, nay thì la liệt). Cho nên nói đường phố phải trở thành nơi sinh hoạt cho cộng đồng thì thực tế người bình dân đã phải bỏ những nơi buôn bán sầm uất và đàng hoàng mà chạy ra đây từ lâu rồi (chỉ có điều không phải ra đây để vui chơi làm cho đường sá đẹp hơn sạch hơn mà là để kiếm sống, nên mọi thứ cơ hồ đảo ngược lại).
Có ở trong thực tại “đang là” của đất nước mới nhìn thấy nhiều chuyện cười ra nước mắt mà truy tìm nguyên nhân cuối cùng thì thế nào cũng tìm ra là do ông lãnh đạo khóa này hoặc ông lãnh đạo khóa trước, cấm bao giờ sai. Chuyện gì chi phối họ một cách khó hiểu như thế, chẳng hạn tự dưng xướng lên ồ ạt chặt cây? Thật là lý giải thế nào cũng cứ thấy bất ổn. Thế thì nói đến triết lý giao thông như bên Mỹ e sang quá anh ạ.
Thân ái,
Huệ Chi
3. Lá thư thứ ba: GS Nguyễn Huệ Chi viết tiếp cho Vũ Quang Việt
30/12
Anh Vũ Quang Việt thân mến,
Cách đây mấy hôm tôi phản hồi thư anh, có nhắc đến khu Triển lãm Giảng Võ lâu đời đã bị bán để cho Tập đoàn Vingroup xây lên một cao ốc 50 tầng, thì quả nhiên vừa có bài của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng về việc này. Chính ông ấy cũng rất bức xúc; mời anh xem: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/chung-cu-50-tang-o-trung-tam-moi-nha-giau-2-oto-di-duong-nao-349202.html
Nhưng tôi rất lấy làm lạ. Một vị Thủ tướng mà đến nay mới biết đến những việc quan trọng làm biến dạng bộ mặt Thủ đô, thế thì lâu nay bao nhiêu việc tày trời trên mảnh đất Hà Nội này (chỉ mới nói riêng về phương diện thay đổi diện mạo của nó, chưa nói các chuyện khác), Nhà nước cứ phó mặc cho mấy ông Thị trưởng và Bí thư Hà Nội muốn làm gì thì làm sao? Tôi không hiểu những thành phố lớn có ý nghĩa là một trung tâm văn hóa nổi tiếng cả nước như Paris, Venise, Roma, Athens, Cairo, London, Washington, DC, New York, Berlin… mỗi khi muốn thay đổi một cảnh quan nào đó ông Thị trưởng thành phố và Hội đồng dân biểu thành phố có toàn quyền tự ý cải tạo nó hay phải thỉnh thị ý kiến lên Quốc hội và người đứng đầu đất nước.
Ở Việt Nam lâu nay, tôi thấy hình như ý muốn chủ quan của các nhà cầm quyền địa phương đóng vai trò hàng đầu. Mà những ông quan địa phương này thì tầm mắt, tiếc thay lại có vẻ hơi ngắn. Họ không biết gì về lịch sử, văn hóa – không phải lịch sử văn hóa chung chung đâu mà lịch sử văn hóa ở đây theo tôi phải là những kiến thức cụ thể, đã biến thành kiến thức sống cho những đoạn đường, góc phố, mỗi cái hồ, khúc sông… – mà chỉ làm theo những nhu cầu cấp bách nhất thời mà thôi. Hoặc giả họ bị chi phối bởi những thế lực ghê gớm đằng sau, cho nên cứ thế làm mà không tính đến lợi ích lâu dài của cộng đồng, khiến cho mỗi ông lên lại làm méo mó thành phố dưới tay mình đi một ít chứ không phải là làm cho đẹp hơn nhằm tôn vinh nó, ít ra cũng để giữ thể diện của mình.
Tôi nghe có người nói rằng áp lực của những thế lực chi phối đằng sau đã khiến bài phát biểu của ông Thủ tướng không được đăng nguyên trên báo mà chỉ là tóm tắt lại, nghe thế lo quá vì e rằng ông Thủ tướng chưa chắc đã cản bước được ý đồ xâm lấn đất đai để xây cao ốc của tập đoàn này tập đoàn nọ, vì đến nay khu Triển lãm này đã thấy quây kín lại từ mấy tháng rồi. Nói như bạn Nguyễn Lân Thắng trên FB: “Thủ tướng đăng đàn chửi thẳng vụ cái khối nhà chung cư đồ sộ cao 50 tầng đang chuẩn bị xây ở Giảng Võ, nghe có vẻ hay hớm lắm. Nhưng xin thưa, Vingroup luôn là kẻ thuộc lòng bài học: cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền. Và khổ cái, quan chức Việt Nam thì luôn thừa sự lật lọng và lại đang rất thiếu tiền…” (Xin xem đây) (1). Giá mà họ biết nghĩ – hoặc chịu bớt “ham muốn” đi để nghĩ – rằng một khu triển lãm là một nơi có ý nghĩa mở mang văn hóa, một nơi giao lưu quan trọng, giúp cho người dân nâng cao tầm hiểu biết của mình về rất nhiều mặt, thì hay biết mấy.
Tôi cũng thấy cái ý tưởng vạch ra một tuyến đường riêng cho xe bus nhanh mà họ mới quyết định đưa vào Hà Nội với một ngân khoản lớn là một ý tưởng không tưởng, vì khác với các thành phố của các nước khác, Hà Nội vốn là một thành phố nhỏ, đường sá thời Pháp mới mở được dăm ba đại lộ chính ở khu phố trung tâm, còn lại đường cũng còn hẹp, được cái hạ tầng thì xây dựng tương đối căn cơ. Còn về sau (khoảng sau 1980 nhất là sau 1986), vì mật độ dân số đông lên, phải cơi nới thành phố ra, thì vì không có quy hoạch tổng thể với một tầm hiểu biết rộng và xa, nên nhìn chung cũng chỉ là những cái làng cổ truyền được bê tông hóa nối dài vào trung tâm Hà Nội cũ mà thôi. Mà đường phố của những cái làng bê tông hóa này vốn là đường làng thì lại còn chật hơn cả đường thời Pháp, thậm chí việc xây dựng hạ tầng làm một cách rất chắp vá thô thiển (như cống ngầm chỉ là một ống bê tông tròn có đường kính khoảng 1 mét đối với các đường phố lớn, và cống gạch sâu nửa mét có nắp đậy đối với các đưởng phố nhỏ), nên cứ mưa xuống là ngập, trong khi khu của Pháp xây thì rất ít khi bị ngập. Mươi, mười lăm năm lại đây họ mới có ý thức quy hoạch những khu vực rộng rãi như khu đại lộ Lê Văn Lương, khu Mỹ Đình… nhưng hình như cũng không có cống ngầm cho tử tế, và rộng rãi cũng chỉ là trên những trục đường chính, còn các con dường chằng chịt giữa các khu phố nằm sâu bên trong thì vẫn bé tí teo.
Như thế thì xe bus nhanh bày ra cũng không thể độc quyền một tuyến nào được, và không len lỏi vào các khu dân cư được, gây trở ngại cho người đi vì xuống xe còn phải đi bộ rất xa. Hàng ngày xe cộ chen chúc trong giờ làm việc, loại bus kềnh càng ấy làm sao mà có thể xoay trở? Mà một chiếc xe máy với số đông người Việt nội thành và ngoại thành là cả cuộc sống vật lộn mưu sinh của họ, giúp họ tranh thủ làm ăn, sinh hoạt gia đình, nuôi con cái… không biết cấm đi thì họ và gia đình họ sẽ tồn tại thế nào (2).
Cho nên càng nghĩ đến cái triết lý về đường phố bên Mỹ – một triết lý đúng là vì sự sống yên vui của người dân thành phố – như anh nói, càng cảm thấy chưa có lối ra cho giao thông phố phường ở Việt Nam.
Thân ái
Huệ Chi
(1) Trên FB ngày 31-12, anh Nguyễn Quang Vinh có viết một lá thư gửi ông Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn như sau:
“Thưa Bộ trưởng Trương Minh Tuấn.
– Làm báo bây giờ cực và xót đến thế này đấy ạ: Mới hôm qua, đồng loạt các báo đưa chính xác lời Thủ tướng như ảnh dưới, nói cực rõ hai chữ Giảng Võ nhưng ngay sau đó, đồng loạt các báo gỡ ngay hai chữ Giảng Võ trên tít, trong nội dung cũng liều lĩnh cắt xén luôn địa danh này khi dẫn lời Thủ tướng.
– Làm như thế, một là thiếu trung thực thông tin, xúc phạm Thủ tướng, hai là thấy nó đắng cay thế nào, không lẽ hợp đồng quảng cáo, bảo trợ thông tin của Tập đoàn ông Phạm Nhật Vượng có quyền lực hơn chỉ đạo của Thủ tướng, không lẽ vì miếng cơm manh áo mà các báo đành ngậm ngùi chùi nước mắt chấp nhận cắt xén biên tập lời Thủ tướng để vui lòng ông Vượng. Còn nếu không phải ông Vượng cho lính can thiệp các báo thay đổi tít bài và nội dung thì ai?
– Và còn bao nhiêu tập đoàn, địa phương nào nữa đang dùng các hợp đồng quảng cáo và bảo trợ thông tin xô đẩy báo chí đứng ngoài sai phạm, khuyết điểm của họ?
– Có khi để viết bài phê bình ngành, địa phương nào sai phạm, tổng biên tập lại phải nhỏ nhẹ gọi “Dạ, báo cáo Tổng giám đốc, anh cho phép báo em đăng bài phê bình các anh ạ”, nhỉ?
– Bộ trưởng có xót xa không ạ?” (FB Nguyễn Quang Vinh)
(2) Trong khi chuyện xây nhà cao tầng ở Giảng Võ được/bị các báo giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng xuống thì ông Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung cũng đưa ra một quyết định được coi là “quyết định lịch sử”:
“Quyết định lịch sử” của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung
(CLO) Sau loạt bài “Giao thông Hà Nội trước nguy cơ hỗn loạn” đăng tải trên Congluan.vn, mới đây, Chủ tịch UBND TP, Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có chỉ đạo hết sức quyết liệt, dứt khoát, rõ ràng về việc dẹp “xe xuyên tâm”, sắp xếp lại luồng tuyến vận tải khách theo đúng quy hoạch. Chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chung được dư luận đánh giá rất cao như một “quyết định lịch sử” đem lại niềm tin cho người dân, doanh nghiệp (Nhà báo và Công luận).
Nhưng quyết định này lại vấp phải phản ứng mạnh mẽ của giới tài xế xe khách:
Hơn 100 xe ‘đình công’, từ chối đón khách ở bến Mỹ Đình
TPO – Sáng 30/12, hàng loạt tài xế các nhà xe tuyến Mỹ Đình đi Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, đã không đón khách như thường lệ (Nguyễn Hoàn, Tiền phong).
4. Lá thư thứ tư: TS Vũ Quang Việt trả lời Nguyễn Huệ Chi
30/12
Anh Huệ Chi mến,
Cám ơn anh đã viết lại một lần nữa.
Vấn đề anh đặt ra rất đáng suy nghĩ. Như tôi nói tôi không phải là người chuyên về đô thị, cũng không đọc nhiều về vấn đề này, nên phát biểu chỉ dựa vào quan sát và qua việc đọc một số bài báo. Áp dụng vào Việt Nam như thế nào cho phù hợp cần nghiên cứu, và cần chuyên gia như anh nói.
Dù thế nào, hai bài viết mà tôi gửi cùng email trước rất đáng đọc và nên dịch ra tiếng Việt để tạo sự trao đổi.
Theo sự hiểu biết của tôi, Chính phủ Mỹ đã thuê L’Enfant người Pháp làm bản thiết kế thủ đô Washington năm 1791; cho đến nay bản thiết kế đường sá cơ bản vẫn vậy. Đường sá của thành phố New York thiết kế từ năm 1811 bây giờ cũng vẫn thế. Chỉ có khác là khu kỹ nghệ, như khu kỹ nghệ may mặc quanh nhà tôi không thể tiếp tục tồn tại, nên đã được chuyển đổi sang khu nhà ở và buôn bán. Tuy vậy, hệ thống đường sá vẫn giữ nguyên như cũ. Thậm chí, ngay các tòa nhà khu nhà tôi, kể cả tòa nhà tôi đang ở, mà anh cũng đã tới, không có gì đặc biệt nhưng đã hơn 100 tuổi, do đó đã bị thành phố tuyên bố là khu bảo tồn, phải giữ nguyên hình dáng bề ngoài, chỉ được tân trang trong nhà. Bất cứ thay đổi nào ở mặt ngoài, kể cả cửa sổ, cũng phải xin phép thành phố.
Chính sách này hoàn toàn là do chính quyền thành phố New York đề xuất và được Hội đồng Nhân dân thông qua. Washington DC thuộc chính quyền Liên bang nên do Quốc hội quyết định. Có thể các thành phố khác họ quyết định khác, nhưng nhìn chung tôi nghĩ họ đều làm thế.
Nói chung, khu nhà hoặc từng nhà có thể bị xếp vào loại bảo tồn không được phá đi làm lại. Đường sá muốn thay đổi thì rất khó vì nằm trong qui hoạch được quyết định từ rất lâu rồi, và phải được Hội đồng Nhân dân quyết định.
Khu phố cổ ở New York mà bây giờ là trung tâm tài chính, quanh phố Wall, và nằm phía nam đường Houston được người Hòa Lan xây dựng trước khi có nước Mỹ, hiện nay phần lớn được coi là khu lịch sử phải bảo tồn, đường sá rất nhỏ, chẳng khác gì Hà Nội, nhưng không được phép mở rộng. Khu World Trade Center là khu cạnh bờ sông Hudson, được xây sau này do thành phố cho phép bồi đắp, nới ra sông, vừa làm nhà ở vừa làm công viên. Đất khu mới này thuộc sở hữu của thành phố, cho nên các khu nhà mới xây chỉ được thuê đất 99 năm, chính vì thế mà giá mua nhà ở khu này rẻ. Cũng đáng nói thêm là ở Mỹ không có ý niệm “sở hữu toàn dân”. Họ có sở hữu tư nhân, sở hữu chính quyền liên bang (gồm có bầu trời, hầm mỏ nằm dưới tài sản quốc gia là đất đai, công viên quốc gia, đường xây xa lộ liên bang, cao ốc, v.v.), sở hữu chính quyền bang, và sở hữu chính quyền địa phương cấp dưới.
Như tôi viết trong thư, nhiều đường quanh phố Wall đã bị cấm xe, chỉ được đi bộ. Nhiều nơi khác cũng thế. Khu quanh nhà tôi, có đường có 6 làn đường bị cắt chỉ còn một làn [đi và một làn lại], phần còn lại đặt các chậu hoa, ghế ngồi, ngắm cảnh cho khách bộ hành.
Đường số 23 (cắt ngang thành phố) vừa có thêm đường dành riêng cho xe bus đi nhanh (như Hà Nội) vừa có đường cho xe đạp. Như vậy mỗi bên đường chỉ còn 1 làn xe cho xe hơi. Nói chung rất nhiều công viên được nới rộng. Khu cạnh nhà tôi, ở trong công viên được mở rộng, thường xuyên có triển lãm tượng, trình diễn âm nhạc, trưa thì cho trẻ con, chiều thì cho người lớn. Họ cho mở 1 cửa hàng ăn duy nhất (phải giữ cực kỳ sạch sẽ), tiền thu được dùng để quét dọn và trồng hoa và cỏ trong công viên. Các cửa hàng và công ty chung quanh tổ chức Hội cộng đồng để thu tiền, thuê người quét dọn, và bảo vệ an ninh. Chính phủ không phải bỏ tiền.
Vào mùa hè, vào một số ngày thứ Bảy hay Chủ nhật, nhiều đường bị đóng cửa dọc theo đường Park, dài cả chục cây số để cho đạp xe hoặc để cho người buôn bán lẻ ra đường bán hàng và ca hát. Đây là cách thành phố khuyến khích người đi xe đạp. Hiện nay, cũng không cần có xe đạp cá nhân, vì nhiều nhà quá nhỏ không có chỗ chứa xe đạp. Thành phố tổ chức nhiều nơi có xe đạp công cộng. Phí sử dụng một ngày là $12, ba ngày là $24, nhưng một năm chỉ tốn $155. Bất cứ ai trả tiền có thể lấy xe bất cứ chỗ nào, rồi đưa vào nơi để xe bất cứ chỗ nào. Làm như thế được, vì thành phố có khả năng theo dõi bằng máy tính, biết rõ nơi nào có quá nhiều xe cần di chuyển về nơi ít xe.
Có nghĩa là họ tạo ra môi trường thân thiện cho dân chúng.
Tất nhiên làm thế xe hơi sẽ bị kẹt. Nhưng các hoạt động hoặc nơi bị kẹt xe, được thông báo liên tục, nếu có app trên điện thoại di động theo dõi thông tin, người lái xe hơi có thể biết để tránh xa chỗ kẹt xe. Nói chung, đường sá không còn chỉ nhằm phục vụ người lái xe hơi, mà nhằm nhiều mục đích sinh hoạt khác, đặc biệt là sinh hoạt văn hóa. Người lái xe không chịu được thì đi vào thành phố bằng xe công cộng hay xe đạp. Lưu thông hàng hóa chủ yếu vào khuya hoặc sáng sớm.
Vài thành phố khác đã làm những chuyện sau:
1. Tăng thuế phí đậu xe rất cao vào ngày làm việc. Ở trong Manhattan (quận nội thành của TP New York), thuế là 18.375%.
2. Thu phí xe vào thành phố và thu phí rất cao vào giờ cao điểm nhằm hạn chế số xe trên đường phố. (Đề nghị của TP New York được khoảng 68% dân thành phố ủng hộ, nhưng Nghị viện Bang từ chối bỏ phiếu, nên không thông qua được). Ở Singapore hay London, họ bắt xe hơi phải có hệ thống tự động để trả phí. Nếu không bị chụp hình tự động và chịu phí cao hơn.
Tôi nghĩ tất cả những điều trên có thể làm ở Hà Nội. Có thể xây nhà cao tầng, nhưng có xe hơi đăng ký thì bị đánh thuế thật cao, và trả phí mỗi lần qua trung tâm. Tất cả có thể làm tự động hóa. Tất nhiên vấn đề là Chính phủ có thật sự dám làm không.
Tôi nhìn ảnh chụp xe bus nhanh mà nhận thấy là cái gọi lãnh đạo Chính phủ ở TP Hà Nội nên bị pháp luật xử lý vì đã không nghiêm túc thực hiện luật cấm xe hơi đi vào làn đường của xe bus đặc biệt. Tại sao không đặt các vật chướng ngại bảo vệ đường xe bus, đặc biệt để đối phó với cư dân chây lì chống luật khi TP không đủ công an bắt phạt kẻ vi phạm?
Tất nhiên là sẽ có nhiều người dân đã quen sống vô chính phủ sẵn sàng chống lại, nhưng Chính phủ cần giáo dục rộng rãi việc làm và cần thực thi biện pháp cứng rắn.
Cả khu Hồ Hoàn Kiếm và khu Phố Cổ có thể đóng cửa với xe hơi (với bất cứ ai) vào ban ngày và chỉ cho đi xe đạp, xe bus đặc biệt, giống như các khu phố cổ của nhiều thành phố ở các nước.
Và việc sử dụng quá rộng rãi xe gắn máy, cho phép chạy vào bất cứ đường nào (trừ xa lộ cao tốc trên nguyên tắc, nhưng trên thực tế thì vẫn thấy đầy cảnh gai mắt trên). Tôi gần như không thấy nước nào cho sử dụng xe gắn máy rộng rãi như ở VN. Không thấy ở TQ, ở Thái, ở Phi, ở Myanmar và cũng không thấy cảnh này ở các nước nghèo ở châu Phi như Zambia, Tanzania, Zimbabwe, v.v. Có thể nào biện minh cho hành động này là để phát triển kinh tế?
Như vậy, cần đặt lại mục đích và quyền sử dụng đất công vô chủ, trong đó có đường sá. Tại sao chỉ có vài cán bộ trong thành phố được quyền quyết định sử dụng đất công (tức là giao đất)? Phải chăng đất thuộc quyền sở hữu của vài người này? Phải chăng đất và đường là chỉ để phục vụ người có xe, có tiền mua nhà, và bất kể đến chất lượng cuộc sống cộng đồng? Cộng đồng cần phải đặt ra vấn đề kẹt xe cho ai, đỡ kẹt xe cho ai? Và ai phải chi trả về sức khỏe cho ô nhiễm, tai nạn, sự sợ hãi qua đường của cộng đồng?
Việt
Bài được đăng lên BVN với sự đồng ý của cả hai tác giả và bà Phạm Chi Lan.
Phụ lục
Chỉ đạo của Thủ tướng về quy hoạch cần phải được thực hiện nghiêm túc
Ninh Giang – Hoàng Nguyên
VietTimes – Đó là ý kiến của Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khi ông trao đổi với VietTimes về câu chuyện quy hoạch đô thị, ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hà Nội báo cáo về việc xây chung cư 50 tầng ở Giảng Võ.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên.
“Ai cho phép xây chung cư cao tầng ở nội đô”: Cần được làm rõ!
Thưa ông, tại phiên họp tổng kết năm 2016 của Chính phủ sáng 29/12 vừa qua, người đứng đầu Chính phủ nói: “Không lý thuyết quy hoạch nào cho phép xây chung cư 50 tầng ở Giảng Võ”. Ông nhìn nhận như thế nào về thực trạng mà Thủ tướng đã chỉ ra?
Câu chuyện về việc cấp phép xây dựng chung cư 50 tầng tại Giảng Võ mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra đã không còn là chuyện hiếm trong công tác quy hoạch của chúng ta hiện nay. Thực trạng “trụ sở của các cơ quan, các nhà máy, trường học, bệnh viện phải “ra đi” để các chung cư cao tầng đến” đang ngày càng trở nên phổ biến và với mật độ ngày càng dày đặc hơn, được người ta giải thích bằng cụm từ “điều chỉnh quy hoạch”.
Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Có điều rất lạ là tất cả các cơ sở di dời ra khỏi nội thành đều trở thành các khu đô thị cao tầng, mật độ rất cao, nhiều khu chung cư cao 40-50 tầng dày đặc. Từ đó gây ách tắc giao thông, quá tải trầm trọng giao thông, cấp thoát nước, môi trường. Trong khi từng chúng ta, con em, gia đình đang cần các công viên, công trình công cộng và góp phần thu hút du khách, phát triển du lịch bền vững”. Đây là điều khiến các nhà hoạch định chính sách nói chung và những người làm công tác quy hoạch nói riêng rất cần phải suy ngẫm. Điều quan trọng để thiết lập lại kỷ cương, phép nước là những chỉ đạo của Thủ tướng về quy hoạch đô thị cần phải được thực hiện nghiêm túc.
“Ai cho phép những chung cư cao tầng liên tục mọc lên ở nội đô gây ách tắc giao thông, quá tải trầm trọng giao thông, cấp thoát nước, môi trường?”, “Ai phải chịu trách nhiệm về những vấn đề này?”… Đó là những vấn đề cần phải được làm rõ.
Thưa ông, đây không phải là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ lên tiếng về việc sau khi di dời các trụ sở, cơ quan, nhà máy… ra khỏi nội thành, các khu đô thị cao tầng lại liên tục mọc lên, cái sau cao hơn cái trước. Ngay từ năm 2013, với cương vị Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu quỹ đất sau khi di dời trụ sở phải dành cho công trình công cộng và giao thông tĩnh. Tại sao hiện tượng trên vẫn tiếp tục diễn ra?
Đây là bất cập của việc quy hoạch và tuân thủ quy hoạch. Nhiều khu vực của Hà Nội chưa hoàn thành quy hoạch chi tiết, đặc biệt là những vùng đất xây xen và chuyển mục đích sử dụng. Điển hình như những khu vực có dự án: Nhà máy bánh kẹo Tràng An, nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, nhà máy dệt 8/3, nhà máy Công cụ Số 1… và bây giờ là Triển lãm Giảng Võ. [còn nhiều nữa, chẳng hạn xin thêm một vài dẫn chứng: Nhà máy Rượu, Nhà máy Trung quy mô, Nhà máy cơ khí Mai Động, khu công sở Bảo tồn bảo tàng Bộ Văn hóa… – BVN].
1 km đường, 33 dự án chung cư cao tầng
Theo thông tin từ Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, chỉ riêng tuyến đường Lê Văn Lương dài 1km, Thành phố đã cấp phép cho 33 dự án chung cư cao tầng.
Cụ thể, đó là các dự án nhà ở của: Ban Cơ yếu Chính phủ, dự án chung cư Tập đoàn Đại Dương (21 tầng), trụ sở văn phòng HUD (32 tầng), dự án nhà ở (HACCI cao 25 tầng), dự án nhà ở Tổng công ty Coma (25 tầng), dự án công trình hỗn hợp nhà ở, văn phòng (Công ty TNHH MTV kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội cao 25 tầng); tòa nhà trung tâm thương mại 32 tầng (Hadinco); chung cư cao tầng của Công ty CP dịch vụ và kinh doanh bất động sản HN cao 32 tầng; tòa chung cư của Công ty CP đầu tư và thương mại Vneco Hà Nội cao 35 tầng, nhà chung cư của Công ty CP Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và đô thị 18, tổ hợp tòa nhà cao tầng Sunrise cao 25 tầng; tòa nhà trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê của Công ty CP phát triển xây dựng và XNK Sông Hồng cao 16 tầng….
Trong số 33 dự án bất động sản này có 15 dự án chưa được triển khai, trong đó có 4 tòa nhà tái định cư. Dự tính, nếu 15 tòa nhà này được xây dựng xong thì sẽ có khoảng 40 nghìn dân chuyển về khu vực này sinh sống.
Không sớm khắc phục tình trạng hiện nay Hà Nội sẽ không có lối thoát
Là người nhiều năm làm công tác thẩm định và giám sát các chính sách kinh tế, ông có suy nghĩ gì về chính sách quy hoạch của chúng ta hiện nay, đặc biệt là ở các đô thị lớn?
Tại một phiên họp Quốc hội trước đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng đưa ra số liệu thống kê đã khiến không ít người phải ngạc nhiên: trong 3 năm (2011 – 2014), mỗi tháng cả nước có trên 358 quy hoạch được lập và phê duyệt. Chỉ tính riêng năm gần nhất là năm 2015, mỗi tháng có trên 75 công trình được lập quy hoạch và phê duyệt, đưa tổng số quy hoạch dự kiến lập cho giai đoạn 2011 – 2020, được thực hiện trong các năm qua lên đến con số 13.767 quy hoạch!
Điều đáng nói ở đây là đa phần các quy hoạch đều chưa có tính liên kết. Thông thường trên thế giới người ta làm quy hoạch là phải từ trên xuống dưới. Như vậy tính khả thi và hiệu quả mới cao. Còn ở Việt Nam chúng ta quy hoạch thường thiếu tính liên kết.
Quy hoạch các đô thị nói chung và Hà Nội nói riêng đang gặp phải tình trạng như vậy, thiếu đột phá, thiếu tầm nhìn, cùng với việc dễ dãi trong thẩm định, phê duyệt, tổ chức và tuân thủ quy hoạch. Nhiều quy hoạch tác động bởi tư duy nhiệm kỳ dẫn đến nhiều dự án, công trình không phù hợp với thực tế, gây bức xúc dư luận. Thực tế nhiều khu vực được quy hoạch làm trường học, công viên nhưng sau đó lại điều chỉnh làm nhà cao tầng, công trình thương mại. Nhiều khu vực đô thị quy hoạch chỉ cho phép chung cư xây thấp tầng, nhưng nhờ có tác động nào đó người ta lại xin điều chỉnh quy hoạch, xây cao thêm nữa, bất chấp những hệ lụy về cơ sở hạ tầng, xã hội xung quanh.
Theo ông, những bất cập đó đang tạo ra những hệ lụy gì?
Dưới góc độ kinh tế, quy hoạch là để sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực quốc gia nhưng hiện tại chúng ta triển khai quy hoạch và thực hiện quy hoạch làm cho chi phí nguồn lực quốc gia tăng lên và chi phí của toàn xã hội ngày càng lớn thêm. Có hai điểm cần lưu ý ở đây:
Thứ nhất, khi một khu chung cư mọc lên thay thế cho một nhà máy hay trụ sở cơ quan được di dời, vô hình trung họ đã chuyển diện tích sử dụng chung thành diện tích sử dụng riêng (nhà ở), gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng, xã hội xung quanh. Một lượng người quá lớn tập trung tại một khu vực sẽ phá vỡ cân bằng của hệ thống y tế, giáo dục, giao thông. Ví dụ “anh” đưa 8.000 người, tương đương với dân số của một phường, vào một khu chung cư cao 50 tầng, thì thử hỏi lấy đâu ra tiền để xây trạm y tế, trụ sở công an, trường mẫu giáo, tiểu học? Rồi còn chỗ vui chơi cho trẻ em, giải trí cư dân đâu? Những chi phí cho các dịch vụ này ai phải gánh chịu?
Quang cảnh giao thông khu vực Triển lãm Giảng Võ vào giờ tan tầm.
Hậu quả là nhà nước sẽ phải gánh chịu các chi phí đầu tư xây dựng, duy trì các cơ sở hạ tầng, còn nhân dân sẽ phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng về giao thông và hạ tầng xung quanh.
Đây là nguyên nhân khiến đời sống Hà Nội đang kém đi so với các đô thị khác trên thế giới. Thủ đô của chúng ta ngày càng giống BomBay của Ấn Độ, MegaCity của Mexico và đang thua xa các thủ đô khác như Paris của Pháp hay London của Anh.
Thứ hai, Thủ tướng vừa có phát biểu rất chính xác: “Trẻ con, người dân cần nhiều công viên, vườn hoa, không gian công cộng… mà cứ xây chung cư cao tầng trong nội đô thì không ai ra ngoại thành, khu đô thị vệ tinh để định cư”. Như vậy, Hà Nội sẽ rơi vào và không thể thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn trong phát triển quy hoạch.
Nếu không khắc phục sớm tình trạng này, ngân sách nhà nước sẽ không chịu nổi việc phải chi hàng trăm nghìn tỷ đồng cho việc giải tỏa mở đường, làm cầu, đầu tư cho các công trình thoát nước, metro hay xe bus nhanh…
Trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư ở đâu?
Về mặt lý thuyết thì các nhà đầu tư đều tính đến lợi nhuận khi bỏ tiền ra để làm một công trình. Việc xây chung cư ở nội đô, lại xây cao tầng sẽ đem đến lợi nhuận nhiều hơn khi xây ở ngoại thành. Đành rằng, cứ được chính quyền cấp phép là họ xây, nhưng chẳng lẽ các nhà đầu tư là các tập đoàn kinh tế đầu tàu của nước ta lại không nghĩ gì đến trách nhiệm xã hội của họ hay sao. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Nếu nền kinh tế của chúng ta hoạt động đúng theo cơ chế thị trường, thì việc các nhà máy, xí nghiệp, trụ sở khi phải di dời, Nhà nước sẽ phải hỗ trợ một phần kinh phí để đổi mới công nghệ, đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh.
Còn quyền sử dụng đất, Nhà nước sẽ thu hồi, cải tạo và bán đấu giá công khai. Số tiền bán đấu giá đó phải tính toán đầy đủ cả những phần đầu tư cho cơ sở hạ tầng xung quanh và đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước.
Còn nếu nhà đầu tư muốn chi phí thấp hơn có thể ra ngoại thành, các thành phố vệ tinh để đầu tư xây dựng các khu chung cư 40-50 tầng để kéo giãn dân nội đô ra đó. Khi ấy Nhà nước và nhân dân chắc chắn sẽ ủng hộ và hoan nghênh.
Theo một khảo sát mà chúng tôi từng thực hiện trên tuyến Lê Văn Lương kéo dài, thì tổng chi phí mà chủ đầu tư phải chi ra cho mỗi mét vuông đất dự án tại khu vực này, tối đa chưa đến 5 triệu đồng, bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí hạ tầng, chi phí lãi vay và áp cả tỷ lệ xây dựng ở mức xông xênh là 50%. Nhưng thử hỏi đến thời điểm này, có dự án nào bán đất nền với giá 10 triệu đồng/m2, hay là cao hơn rất nhiều (?).
Mà đấy mới nói là bán đất nền, còn nếu xây chung cư, xây nhà cao tầng để bán, biên lợi nhuận thậm chí còn lên đến 400% (!).
Vậy thì theo ông, đâu là giải pháp cho vấn đề này?
Dự thảo Luật Quy hoạch đang được đưa ra bàn thảo tại các cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Tuy còn có những vấn đề cần tiếp tục thảo luận và làm rõ, nhưng đây sẽ là một văn bản pháp lý làm thay đổi tư duy về quy hoạch . Tôi tin rằng, khi văn bản này ra đời, về cơ bản, có thể giải quyết được tình trạng quy hoạch chồng chéo, mâu thuẫn hiện nay gây lãng phí nguồn lực nhà nước, bức xúc của người dân.
Bên cạnh việc thay đổi thể chế trong quy hoạch, điều quan trọng là phải thay đổi tư duy về quy hoạch. Nếu xác định quy hoạch là tài sản quốc gia thì phải kiểm soát như tài sản công, phải có những chế tài đủ mạnh để xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể tạo ra những quy hoạch không tốt, gây thiệt hại cho nền kinh tế. Đồng thời xử lý nghiêm những hiện tượng điều chỉnh để trục lợi từ quy hoạch, phải coi đó cũng như hành vi tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây thiệt hại về kinh tế.
Xin chân thành cảm ơn ông!
N.G. – H.N.
Nguồn: http://viettimes.net.vn/chi-dao-cua-thu-tuong-ve-quy-hoach-can-phai-duoc-thuc-hien-nghiem-tuc-98664.html