Một nhà báo từng ăn cơm tù, kể: Tôi là người ăn cùng mâm bát với những ông trùm xã hội đen khét tiếng nhất Việt Nam ở những nhà hàng sang trọng và cả trong nhà tù, vậy thì tôi rất tự tin mà nói rằng nếu người thân bạn máu mê cơ bạc, bạn có khả năng chi trả nào đó hoặc bạn nổi tiếng thì những cái bẫy “tín dụng thân hữu không thế chấp” sẽ được giăng ra và không bao giờ người thân và bạn thoát được.
Nhà báo này cho rằng Đàm Vĩnh Hưng chỉ có con đường duy nhất là tuyên bố không còn khả năng chi trả cho những khoản nợ “thân hữu” của mẹ, thì mới tạm thời chốt sự việc lại để giải quyết một lần: trả những khoản tiền còn vướng lại nếu có chứng từ hợp pháp. Nếu kéo dài nữa có thể cả bà mẹ và Đàm Vĩnh Hưng cũng không an toàn.
Giới nghệ sĩ có nhiều người rơi vào hoàn cảnh tương tự với con số ít hơn rất nhiều nhưng cũng đã phải bán tất cả tài sản, sống kiếp lưu lạc để mà… có thể tiếp tục sống. Nhiều nghệ sĩ nữa có thể trong thời gian tới sẽ chọn giải pháp như Đàm Vĩnh Hưng.
Tuy nhiên nếu so với tín dụng “thân hữu Nhà nước”, thì chuyện nợ nần, chuyện ân oán giang hồ của “tín dụng thân hữu” kiểu ca sĩ họ Đàm xem ra bé xíu như hạt cát trong biển nợ nần mà tín dụng “thân hữu Nhà nước” gây ra.
Trong một khảo cứu của TS. Vũ Thành Tự Anh, người phụ trách Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Việt Nam, thì kể từ giữa thập niên 2000, một loạt chính sách kinh tế của Nhà nước đã dẫn tới việc doanh nghiệp chú trọng đầu tư vào việc tìm kiếm đặc quyền, đặc lợi và xây dựng quan hệ với các nhà chính trị, quan chức chính phủ và doanh nghiệp nhà nước. Vụ đại án Phạm Công Danh sẽ bước vào phiên phúc thẩm hôm 27-12 tới đây là một đơn cử.
Đầu tiên phải kể đến sự thay thế chủ trương phát triển tập đoàn kinh tế có tính thí điểm bằng chính sách mở rộng mô hình này một cách ào ạt. Với sự hỗ trợ to lớn của Nhà nước, các tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN) nhanh chóng được thổi lên quy mô rất lớn, được phép hoạt động đa ngành. Đồng thời, với quyền tự chủ lớn hơn trước nhiều, các TĐKTNN – nay được phép kinh doanh đa ngành – đã bành trướng sang nhiều lĩnh vực có tính đầu cơ như bất động sản, ngân hàng, đầu tư tài chính, và chứng khoán.
Một khi được trực tiếp sở hữu ngân hàng, các TĐKTNN trở nên ít phụ thuộc hơn vào nguồn vốn rót từ ngân sách, mà có thể dùng chính những ngân hàng mà các tập đoàn này sở hữu để tài trợ cho các dự án đầu tư của mình. Vốn có ưu thế tuyệt đối về tiếp cận đất đai – mà theo Hiến pháp thuộc quyền sở hữu toàn dân nhưng do Nhà nước quản lý, nay được phép kinh doanh bất động sản, các TĐKTNN đua nhau tìm kiếm đất đai ở những vị trí vàng, qua đó góp phần làm nóng thêm thị trường bất động sản vốn đang trong tình trạng bong bóng. Tương tự như vậy đối với các hoạt động đầu tư tài chính và kinh doanh chứng khoán.
Chính sách đem đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng tiếp theo là việc “đô thị hóa” các ngân hàng nông thôn. Là các ngân hàng nhỏ với vốn điều lệ có khi chỉ vẻn vẹn vài chục tỉ đồng, nhưng khi trở thành ngân hàng đô thị với yêu cầu vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỉ đồng, các ngân hàng này buộc phải huy động thêm vốn từ bên ngoài, dẫn tới làn sóng doanh nghiệp, đặc biệt là TĐKTNN, sở hữu ngân hàng và gây nên tình trạng sở hữu chồng chéo trong hệ thống ngân hàng như đã được mổ xẻ rất nhiều trong mấy năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, với chiến lược đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng trong khi năng lực quản trị yếu kém, các ngân hàng này góp phần quan trọng vào việc gia tăng nợ xấu với những hệ lụy mà đến nay vẫn chưa giải quyết được.
Đâu chỉ vậy. Vẫn theo TS. Vũ Thành Tự Anh, một số địa phương thậm chí còn nuôi dưỡng một số doanh nghiệp tư nhân thân hữu trở thành trợ thủ đắc lực trong việc huy động nguồn lực từ trung ương. Trên danh nghĩa, những doanh nghiệp này được chính quyền địa phương ủy quyền trong việc huy động vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm của tỉnh. Với sự ủy quyền này, họ tiến hành “chạy dự án”, có thể bằng cách trước hết tìm cách đưa dự án của tỉnh vào trong quy hoạch của trung ương, sau đó đem quy hoạch này sang Bộ Tài chính để xin giải ngân.
Một cách khác là với danh nghĩa huy động vốn cho phát triển kinh tế địa phương, doanh nghiệp có thể “chạy” trực tiếp tới Ngân hàng Phát triển Việt Nam, các ngân hàng thương mại, hay các quỹ kích cầu để vay vốn với lãi suất ưu đãi. “Ví dụ như trong giai đoạn kinh tế đình trệ, trợ cấp từ trung ương cho một số địa phương trong năm 2009 tăng đáng kể, thậm chí có thể tăng gấp đôi so với năm 2008, nhờ vào sự “năng động” của một vài doanh nghiệp tư nhân địa phương có quan hệ thân thiết với chính quyền”. TS. Vũ Thành Tự Anh, nói.
Kiểu tín dụng “thân hữu Nhà nước” này đã đưa những ông chủ nhà băng như Bầu Kiên, như Phạm Công Danh, như Trần Phương Bình… đến chốn ngục tù mỗi khi “thân hữu” đỡ đầu bị “hạ bệ”, hay khi cần phải có một cascadeur vào vai Lê Lai trong bàn cờ chính trị.
Con tàu đắm Vinashin cũng là một hệ lụy của kiểu tín dụng “thân hữu Nhà nước”, khi mà Chính phủ đã đứng ra vay nợ nước ngoài dùm cho tập đoàn Vinashin, bất chấp mọi cảnh báo. Kết quả thế nào thì chắc ai cũng biết.
T.V.
Nguồn: http://www.ijavn.org/2016/12/vntb-tin-dung-than-huu-au-chi-chuyen.html