Dina Newman
BBC Thế giới vụ
Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Image copyright AFP
Khi Mikhail Gorbachev từ chức gần 25 năm trước khiến Liên Xô bất ngờ tan rã, ông hầu như không còn lựa chọn nào khác, khi mà trước đó 17 ngày, lãnh đạo ba nước Nga, Ukraine và Belarus đã ký một hiệp ước hủy bỏ Liên bang Xô viết – cũng là một quyết định mang tính nhất thời không được tính toán kỹ càng.
Cho đến thời điểm tháng 12/1991, Bức tường Berlin và khối các nước cộng sản Đông Âu đã không còn nữa, nhưng Liên bang Xô viết vẫn tồn tại, được lãnh đạo bởi Đảng Cộng sản với Mikhail Gorbachev là người đứng đầu.
Tuy nhiên, thế lực của ông đã suy yếu đi nhiều sau cuộc đảo chính vào tháng Tám 1991, và vấn đề nghiêm trọng nhất là các phong trào đòi độc lập của các nước cộng hòa khối Xô viết nổi lên vào thời gian cuối năm.
Liên Xô có thể tồn tại mà không có các nước thành viên vùng Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania, nhưng lại không thể nếu không có Nga và Ukraine.
Tổng thống vừa đắc cử của Ukraine khi đó, Leonid Kravchuk, muốn tách khỏi Moscow, còn Tổng thống Nga, Boris Yeltsin, thì muốn giành thêm quyền lực từ tay Gorbachev.
Vì thế, họ đồng ý gặp mặt vào ngày 08/12 cùng với Tổng thống Belarus, Stanislav Shushkevich. Hiển nhiên có thể dự đoán kết quả cuộc họp chỉ là điều bất lợi cho Gorbachev.
Cuộc họp không hẹn trước
Và gần như là các lãnh đạo đã không có sự thỏa thuận trước khi đưa ra quyết định khiến Liên Xô tan rã.
Shushkevich khẳng định cuộc họp chỉ bàn bạc về việc Nga sẽ cung cấp dầu hỏa và khí đốt cho Belarus trong mùa đông.
“Nền kinh tế đang bị khủng hoảng, chúng tôi không thể cho trả cho nhà cung cấp mà lại không có ai cho chúng tôi vay tiền, vì thế, chúng tôi cầu cứu nước Nga giúp đỡ, để khỏi chết cóng vào mùa đông. Đó cũng là mục đích của cuộc họp mặt”, ông nói.
“Chúng tôi mời cả Ukraine, vì muốn mọi chuyện được minh bạch và không muốn thỏa thuận gì với Moscow sau lưng Ukraine”.
Nhưng thật khó chịu là những cuộc điện đàm của chúng tôi thường xuyên bị ngắt quãng. Shushkevich giải thích rằng cho đến tận bây giờ, sau 25 năm, chủ đề về việc tách khỏi Liên Xô vẫn bị cấm ở Belarus.
Và chuyện đường dây điện thoại bị ngắt quãng, ông nói, là do mật vụ Belarus gây ra.
Người dân kêu gọi Gorbachev từ chức sau sự kiện ở Lithuania. Image copyright AFP
Nhưng Leonid Kravchuk lại có một ký ức khác về cuộc họp năm đó.
“Khi Shushkevich nói về dầu và khí đốt, tôi không hiểu gì cả!” cựu lãnh đạo Ukraine nói.
“Tôi không được thông báo gì trước về dầu lửa và khí đốt. Tôi nghĩ tôi đến đây là để thảo luận về Liên Xô. Đất nước đang bị xâu xé vì những mâu thuẫn, người dân mệt mỏi vì khủng hoảng, xung đột, chiến tranh và phải xếp hàng quá dài. Chúng tôi tập trung về Belarus để thảo luận hướng đi cho đất nước, và có thể ký kết một thỉnh nguyện thư, hoặc một bản tuyên bố để kêu gọi sự chú ý đến cuộc khủng hoảng mà chúng tôi đang phải đương đầu”.
Nhưng dù cuộc gặp có nghị trình về vấn đề gì đi chăng nữa giữa ba lãnh đạo,mà không thông báo trước với Gorbachev thì sẽ rủi ro, Tổng thống Nga Boris Yeltsin bổ sung thêm.
“Hiển nhiên KGB có thể bắt giữ chúng tôi, theo lệnh của Gorbachev, vì KGB thuộc quyền lãnh đạo của Gorbachev, không phải Yeltsin”, Shuchkevich nói.
“Nhưng lãnh đạo của cơ quan mật vụ Belarus, Eduard Shirkovsky, vẫn giữ liên lạc với cơ quan mật vụ của Boris Yeltsin. Cho đến thời điểm hai tuần trước cuộc họp, ông ta khẳng định với tôi là không có nguy cơ xảy ra chuyện bắt bớ chúng tôi”.
“Thật thú vị là sau đó, khi Shirkovsky về hưu và sinh sống tại Nga, ông ta nói ngược lại hoàn toàn. Ông ta nói hối hận đã không bắt giữ chúng tôi vào năm 1991! Vì vậy, thật khó để có thể xác định chuyện gì thực sự đã xảy ra”.
Đến cuối năm 1991, những lãnh đạo này của khu vực đều nhận thấy Mikhail Gorbachev không còn thích hợp.
“Tất nhiên ông ta vẫn là người đứng đầu, nhưng đã không còn quyền lực thực sự!” Krachuk nói.
“Sau cuộc đảo chính vào tháng Tám 1991 chống lại ông ta, ông ta đã mất hết quyền lực. Ông ấy có trở lại sau đó, nhưng trên thực tế không còn tí quyền lực nào. Chúng tôi nhận thấy quyền lực đã được chuyển sang lãnh đạo các nước cộng hòa. Mặc dù Gorbachev muốn tổ chức lại quốc gia theo kiểu một liên bang mới, ông ta đã không thể thực hiện được”.
Vì thế, vào ngày 07/12/1991, lãnh đạo nước Nga Boris Yeltsin, lãnh đạo Ukraine Leonid Kravchuk và lãnh đạo Belarus Stanislav Shushkevich đã nhóm họp ở một khu nhà chuyên dành cho những quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản, tại Belavezha, gần biên giới Ba Lan.
“Đây là một khu nhà rất sang trọng, được thiết kế cho những lãnh đạo cao cấp của Liên Xô”, Shushkevich nói.
“Như thường lệ, trong lịch trình có tắm hơi. Thường sau khi tắm hơi xong, sẽ có tiệc tùng uống rượu. Nhưng lần này khác, thay vì uống rượu, chúng tôi chọn dịch vụ đấm bóp. Cuộc họp được thực hiện đúng truyền thống của Liên Xô, có nhiều thức ăn, nhiều dịch vụ thư giãn và sau đó là đi săn”.
Shushkevich và Kravchuk vào cuối năm 1991. Image copyright AFP
Ngày hôm sau, 08/12/1991, vào lúc 9 giờ sáng, lãnh đạo các nước cùng các thủ tướng và quan chức cao cấp nhóm họp để cùng thương thảo, dù vẫn chưa rõ sẽ thảo luận về chủ đề gì.
Người đầu tiên khơi mào là cố vấn của Nga, Gennadi Burbulis, với tuyên bố rất cực đoan.
“Tôi cho đến chết sẽ không thể quên được câu nói của ông ta”, Shushkevich nói.
“Đó cũng là khởi đầu của thỏa thuận của chúng tôi, là thỏa thuận duy nhất mà không hề có tranh cãi. ‘Liên Xô, một thực thể địa chính trị, cũng như một chủ thể của luật pháp quốc tế, sẽ không còn tồn tại.’ Và tôi là người đầu tiên tuyên bố sẽ đặt bút ký”.
Thỏa thuận cũng đồng thời tuyên bố lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev không còn quyền lực, thay vào đó tăng thêm quyền hạn của Moscow cho Tổng thống Nga Boris Yeltsin.
Nhưng để chấm dứt sự tồn tại của đế chế Nga và hậu thân của nó là Liên bang Xô viết, vốn đã kéo dài hàng thế kỷ, là một bước đi to lớn.
Tòa nhà Belovezhskaya Pushcha, nơi thỏa thuận được ký kết. Image copyright Alamy
Nhiều năm sau đó, rất nhiều người đã đặt câu hỏi liệu ba lãnh đạo có tỉnh táo khi đưa ra quyết định lớn như vậy?
“Theo lời đồn đại, chúng tôi đã soạn thảo thỏa thuận trong trạng thái say rượu”, Shushkevich nói. “Điều này hoàn toàn sai! Tất nhiên, đó là một cuộc họp được sắp đặt theo phong cách Liên Xô, và đồ uống cồn thì rất sẵn, nhưng chẳng ai động đến cả. Tối đa, chúng tôi chỉ làm một ngụm brandy, mỗi khi thông qua một điều khoản”.
Trong vòng vài tiếng đồng hồ, chúng tôi đã thông qua 14 điều khoản. Đến 3 giờ chiều, bản thỏa thuận đồng ý hủy bỏ Liên Xô đã sẵn sàng. Bước tiếp theo là công bố với thế giới và lãnh đạo Belarus nhận trách nhiệm này.
“Yeltsin và Kravchuk đùa với tôi: ‘Chúng ta đề cử anh là người thông báo cho Gorbachev.’ Và sau đó tôi nói: ‘Kravchuk và tôi đề cử anh, Boris Yeltsin, là người sẽ gọi điện cho bạn anh là Tổng thống Hoa Kỳ Goerge Bush.’”
“Tôi quay số của văn phòng Gorbachev ở Moscow, nhưng đường dây được chuyển sang nhiều tổng đài và tôi phải giải thích tôi là ai. Trong khi đó, Yeltsin trong lúc chứng kiến việc tôi gọi cho Moscow đã gọi điện cho Tổng thống Bush. Ngoại trưởng [Nga] [Andrei] Kozyrev, ở đầu dây bên kia để dịch lại lời của Tổng thống Bush”.
Lãnh đạo Ukraine Leonid Kravchuk là người ngồi nghe.
“Tôi nhớ khá rõ, ông Bush đưa ra hai câu hỏi. Đầu tiên là có phải quốc gia kế vị sẽ là nước chịu trách nhiệm cho toàn bộ Liên Xô? Và câu sau là điều gì sẽ xảy ra với vũ khí hạt nhân của Liên Xô?” Kravchuk nói.
“Chúng tôi không thể thì ông Yeltsin nói, ‘Đúng, chúng tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm.’”
Tới lúc đó thì lãnh đạo Belarus Shushkevich cũng gặp được Gorbachev, và một lần nữa, lãnh đạo Ukraine là người cùng nghe.
“Đó là cuộc đàm thoại rất khó khăn”, Kravchuk nói. “Gorbachev giận dữ với Shushkevich, nói, ‘Các anh đã làm gì vậy? Các anh đã đảo lộn cả thế giới! Mọi người đều đang hoang mang!’ Nhưng Shushkevich vẫn giữ sự trầm tĩnh”.
Kravchuk và Shushkevich (ngồi bên trái), cùng Yeltsin (phải). Image copyright AFP
Cho đến hôm nay, nhà lãnh đạo điềm đạm của Belalrus vẫn tự hào về cách xử lý cuộc nói chuyện quan trọng với Moscow.
“Tôi giải thích với Gorbachev về bản thỏa thuận mà chúng tôi sẽ ký. Ông ta phản ứng với thái độ kẻ cả, ‘Thế còn cộng đồng quốc tế thì sao? Các anh có nghĩ đến sự phản ứng của họ không? Và tôi trả lời, ‘Thật sự thì Boris Yeltsin đang nói chuyện với Tổng thống Bush lúc này, và ông Bush không có gì là quan ngại! Trên thực tế, ông ta còn ủng hộ!”
Quyết định mang tính lịch sử
Trong những giờ tiếp theo, ba lãnh đạo đã ký văn bản mang tính lịch sử tại một cuộc họp báo. Sau khi họp báo, là đến thời điểm phải ra về. Và đó là lúc Stanislav Shushkevich cảm thấy lo sợ.
“Trên đường về, tôi nghe radio ở trong xe, để xem thế giới đang phản ứng thế nào. Điều đầu tiên tôi ghi nhận, hai cái tên Yeltsin và Kravchuk được nhắc đến nhiều nhất, nhưng khi nhắc đến tên tôi, họ đã không phát âm đúng. ‘Chuchkevich, Sheshkevich, Sharkevich’, và tương tự như vậy”.
“Và trên bất cứ kênh nào tôi dò được, tôi đều nghe nhắc đi nhắc lại Kravchuk, Yeltsin và sh…vich… ch…vich… và còn rất nhiều cách gọi khác về tên tôi. Khi đó tôi nhận ra, chúng tôi đang là tin nóng. Cho đến lúc đó, tôi quá bận và không có thời gian để nghĩ”.
“Nhưng tại thời điểm này, tôi bắt đầu sợ. Tôi nghĩ: ‘82% đại biểu quốc hội là đảng viên Cộng sản. Nếu họ không đồng thuận thì tôi đã phạm sai lầm, và sự nghiệp chính trị của tôi xem như chấm dứt”.
Nhưng quốc hội của cả ba nước đều đồng thuận, và các nước cộng hòa khác trong Liên bang Xô viết cũng tham gia trong vài tuần tiếp theo.
Vào ngày 25/12, Tổng thống Gorbachev từ chức và Liên Xô cũng không còn tồn tại.
D.N.