Xin gửi đến bạn đọc hai bài báo dưới đây có cách nhìn khác nhau đối với hiện tượng tin tặc đánh phá cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua ở Hoa Kỳ.
Nhà báo Lê Phan, trên tờ Người Việt, dựa theo quan điểm của cơ quan an ninh Mỹ, phân tích âm mưu của ngài Tổng thống Nga – người bao giờ cũng cụp mặt xuống gườm gườm khi đối thoại với những đồng cấp các nước khác – trong một loạt hành vi của tin tặc Nga trên không gian ảo, cố tình làm cho nền dân chủ vốn đứng đầu thế giới của Hoa Kỳ mất uy tín, hòng kiếm lợi cho nước Nga.
Nhưng một nhà dân chủ gốc Trung Quốc, ông Đường Bá Cao, vốn là một trong những người tham gia phong trào sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989, may mà thoát được, lại có quan điểm ngược lại, khi cho rằng, chính Tập Cận Bình mới là kẻ nhúng tay trực tiếp vào vụ này.
Xem ra, ý kiến phía nào cũng đều có lý, ngoại trừ về giọng điệu, có vẻ như bài của Đường Bá Cao không tránh khỏi gây cảm tưởng ít nhiều muốn lobby cho ông Donald Trump và làm giảm nhẹ bộ mặt độc tài của Putin (chẳng biết có phải lâu nay ông Đường Bá Cao vẫn nương náu tại nước Nga hay không). Nhưng với chúng ta, đấy không phải là điều cần quan tâm. Chỗ đáng quan tâm hơn là thử tìm hiểu vì sao có thể nói Tập Cận Bình mới là kẻ thù giấu mặt của sự kiện bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ.
Xét theo lịch sử, Tập vốn đại biểu cho một thể chế độc tài phương Đông không có truyền thống dân chủ, nên ở ông này là sự tích tụ thâm căn cố đế lòng căm thù nền dân chủ thế giới. Tập lại là một người Trung Hoa, tiếp nhận từ trong máu cả một truyền thống văn hóa độc tài của nhiều tập đoàn phong kiến Đại Hán nổi tiếng chuyên chế và khủng khiếp về âm mưu suốt hàng mấy nghìn năm. Vì thế, ngày đêm họ Tập chỉ tính toan xóa bằng sạch mọi bước tiến về quyền con người mà nhân loại đã đạt được, và bằng mọi thủ đoạn, Tập ra sức tìm cách kéo lùi thế giới trở lại thời kỳ mông muội của chế độ cộng sản bạo quyền mà giờ đây chỉ còn mình ông là bạo chúa đàn anh, trồi lên sừng sững như một ngọn núi lửa đang phun giữa thế gian.
Đó là lý do để Tập Cận Bình tận lực xây dựng một chiến lược bài bản, một mặt rải tiền mua chuộc các nước kém phát triển khắp các châu lục để họ thần phục đế chế Trung Hoa, giúp người Trung Quốc chiếm hữu dần dà đất đai và mọi quyền lợi kinh tế ở nơi này nơi khác, biến các vùng đất ấy thành tô giới nước mình trong gần 100 năm, tạo điều kiện cho đội quân chính trị và quân sự của Hoa quốc tiếp bước duỗi dài đến các nước đó. Mặt khác Tập lại làm ngơ – hoặc có chủ trương hẳn hòi cũng không biết nữa – để cho vô số doanh nghiệp tẩm chất độc vào thực phẩm, vào hàng hóa, và cứ thế bán với giá rẻ đi khắp mọi nước, nhằm đầu độc nhân loại, khiến nhân loại rơi vào bệnh tật, chết chóc, sau nhiều thập niên nữa sẽ mất hết sinh lực, không còn kịp trở tay một khi nhà nước Trung Hoa động thủ, ngoi lên bá chủ toàn cầu.
Thì chính mũi dùi tấn công vào nền dân chủ Hoa Kỳ bằng hackers vừa rồi là một “mũi giáp công” mà họ Tập đã phục sẵn bao lâu nay, nằm trong hệ thống chiến lược phục thù toàn diện của đế chế Hán tộc đang trỗi dậy kể từ 1949 – nhất là từ sau ký kết với Tổng thống Nixon 1972 – kia. Tất nhiên chưa đến lúc họ Tập có thể lấn át được sức mạnh ghê gớm của Mỹ, nhưng đây cũng là một bước đệm, một thứ thuốc thử, để xem phản ứng của Hoa Kỳ ra sao, và cũng nhằm làm nhụt bớt nhuệ khí Hoa Kỳ. Không phải Putin mà chính Tập Cận Bình mới là thủ phạm của cú đòn ngầm đánh vào mạng nội bộ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, mà do mất cảnh giác từ lâu, Tổng thống Obama và cơ quan an ninh Mỹ đã tố cáo sai đối tượng.
Xét thế và lực thì Putin dù sao cũng đang hụt hơi, đang trên quá trình ngày càng phân rã của cái tàn dư cộng sản còn lại, nên ông ta không nguy hiểm bằng Tập Cận Bình – như trên đã nói, một tập đoàn cộng sản có thừa tàn bạo và đang nhe nanh múa vuốt vồ ngoạm các nước láng giềng để chứng tỏ giai đoạn “thâu quang dưỡng hối” của Đặng Tiểu Bình nay đã bị mình vượt qua. Tuy nhiên cũng không thể xem thường Putin. Nói chung, dưới hình thức một đế chế phong kiến như Trung Cộng hay một đế chế Sa Hoàng hậu Cộng như Nga (có cái đuôi KGB) thì trong bản chất, đấy vẫn là chủ nghĩa cộng sản chuyên chính bạo lực mà có che đậy bằng cách nào đi nữa thì cũng vẫn để lộ hàm răng chó sói đối đầu với nhân loại, là tai họa của thế giới văn minh. Vì thế, đứng về phía loài người tiến bộ, làm cách nào để đưa hai gã đầu sỏ đó vào lưới một cách gọn gàng êm thấm nhất, đó mới là đòi hỏi cấp thiết hiện nay.
Dưới con mắt một nhà buôn như Donald Trump, ông ta đã có thể bất thần tung ra câu hỏi: Làm sao nước Mỹ cứ buộc phải chấp nhận quy định “một nước Trung Hoa” trong khi Trung Quốc không phải tuân thủ một điều kiện có đi có lại nào cả, thế có công bằng không? Ông ta đã gây nên một cơn bão, không biết là bão trong chén nước trên bàn thương lượng hay bão đang thật sự nổi ở bên kia địa cầu. Thì thiết tưởng, tất cả mọi con người thấm nhuần tư tưởng tự do dân chủ trên thế giới cũng đã đến lúc cần tự cật vấn mình: Làm sao thế giới này cứ phải ngậm bồ hòn làm ngọt bắt tay với các nước cộng sản với sự nhẫn nhịn quá sức, kiên nhẫn chờ cho chủ nghĩa độc tài tàn bạo của các nước đó tiêu vong – trong khi chúng chẳng hề tự nguyện tiêu vong – mà không chọn một giải pháp chủ động hơn, chẳng hạn một “cú hích” nào đấy, tuy có trầy da sứt vảy tí chút, nhưng sẽ làm cho chúng tiêu vong nhanh hơn?
Tư những điều suy nghĩ trên, giờ đây ngẫm lại, có vẻ như cung cách đi đêm của những tay thò lò hai mặt kiểu Kissinger cách đây hơn 40 năm, một thời ngỡ là đắc sách, có hay đâu lại làm cho cái ung nhọt của nhân loại sưng tấy mà không chịu vỡ, hoặc vỡ được chỗ này thì chỗ khác lại sưng lên. Và một chủ trương hòa dịu/hòa giải như của Tổng thống Obama, xuất phát từ bản chất hướng thiện của nhân loại, hóa ra cũng mang trong nó quá nhiều bất cập, thực thi nhiều năm rồi vẫn không thấy hữu hiệu. Bi kịch toàn cầu phải chăng chưa hẳn là ở bè lũ ISIS mà chính là chỗ này? Dù cân nhắc thế nào thì khi Trump lên nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, với chiến lược mới của ông ta như đã hé lộ ra ở đôi ba phát ngôn nào đó và ở đôi ba sắp xếp nhân sự nào đó, điều nhiều người muốn hình dung có lẽ là “giải pháp Kissinger” sẽ lại được dùng lại nhưng xoay ngược đối tượng. Không ai dám chắc gì ở một lái buôn có hạng như Trump, vì trong đầu ông ta chữ “lợi” chắc sẽ đặt lên đầu, mà Tập Cận Bình thì không ngu gì mà không biết điều đó.
Chưa biết loài người lần này có chặn được một con quỷ đỏ mà Nixon và Kissinger đã tháo cũi hay không, hay sẽ còn nhiều phen trả giá bằng lỗi lầm.
Bauxite Việt Nam
I. Vũ khí lý tưởng
Lê Phan
Cũng như một vụ scandal bầu cử khác của Hoa Kỳ, nó khởi đầu với một vụ đột nhập Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ. Lần đầu tiên, cách đây 44 năm, nó là ở văn phòng cũ ở khu Watergate, nơi mà những kẻ đột nhập đặt máy nghe và cậy một tủ hồ sơ. Lần này vụ trộm đến từ xa, được điều khiển từ điện Kremlin, với emails và những ký hiệu zero và một. Đó là theo một cuộc điều tra của tờ New York Times.
Quốc hội thuyết phục, Tổng thống đắc cử thì không
Trong những ngày gần đây, một Tổng thống đắc cử nghi ngờ, các cơ quan tình báo của quốc gia và hai chính đảng quan trọng đã lâm vào một cuộc tranh chấp công khai về bằng cớ nào chứng tỏ là Tổng thống Vladimir Putin của Nga đã vượt ra khỏi tình báo sang cố tình tìm cách lật đổ nền dân chủ Hoa Kỳ và tìm cách chọn người thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống.
Hôm thứ Tư vừa qua, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, Cộng hòa tiểu bang North Carolina, tuyên bố là email của ông cũng đã bị tin tặc Nga tấn công. Nói chuyện trên đài CNN, Thượng nghị sĩ đầy quyền lực của Ủy ban Quân vụ Thượng viện, nói: “Tôi tin là Nga đã đột nhập Ủy ban Dân chủ. Tôi tin là họ đã đột nhập trương mục email của Podesta. Họ đã đột nhập trương mục tranh cử của tôi”. Ông cũng nói ông tin là “tất cả những thông tin phổ biến công khai làm hại Clinton mà không làm hại Trump”. Tuy ông nhấn mạnh ông không nghĩ là việc này ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, ông cáo buộc Nga đang cố gắng tạo bất ổn cho chế độ dân chủ.
Đúng như Thượng nghị sĩ Graham nhận xét, trong khi chưa có gì chắc chắn về ảnh hưởng cuối cùng của cuộc tấn công này, một điều rõ ràng: Một loại vũ khí ít tốn tiền, ảnh hưởng lớn mà Nga đã thử nghiệm trong các cuộc bỏ phiếu ở Ukraine và Âu Châu đã được sử dụng ở Hoa Kỳ, với hiệu quả kinh hồn. Đối với Nga, một quốc gia mà nền kinh tế yếu kém và một kho vũ khí hạt nhân không thể dùng được trừ phi chiến tranh toàn diện xảy ra, quyền lực internet là vũ khí tuyệt hảo: rẻ tiền, khó đoán trước, và khó truy tìm thủ phạm.
Đô đốc Michael S. Rogers, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia và Tư lệnh của Bộ Chỉ huy Chiến tranh mạng của Hoa Kỳ, khẳng định “Không một ai có thể nghi ngờ nữa. Đây không phải là một hành động vô chủ đích, không phải vì tình cờ, đây cũng không phải là một mục tiêu lựa chọn tùy tiện. Đây là một cố gắng có chủ đích của một quốc gia để tìm cách đạt được một ảnh hưởng rõ rệt”.
Hoa Kỳ cũng đã thực hiện tấn công ảo, và trong nhiều thập niên cơ quan CIA đã tìm cách chi phối các cuộc bỏ phiếu ở ngoại quốc. Nhưng cuộc tấn công của Nga ngày càng được hiểu rõ trên chính trường là một cái mốc lịch sử đáng ngại. Trừ một người: Tổng thống đắc cử Donald Trump đã bác bỏ mọi khám phá của các cơ quan tình báo là “nực cười”, cả quyết là tin tặc có thể người Mỹ, người Trung Hoa, và rằng “họ không biết”. Chính phủ Nga đồng ý với ông Trump.
Cuối tuần qua, Chủ tịch khối đa số Thượng viện, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, Chủ tịch Hạ viện, Dân biểu Paul Ryan, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Thượng nghị sĩ John McCain, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, Cộng hòa-South Carolina, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, Dân chủ-New York, và Thượng nghị sĩ Jack Reed, Dân chủ-Rhode Island đã đồng quyết định sẽ có những cuộc điều tra lưỡng đảng về vụ này.
Quốc hội đã định ngày cho những cuộc điều trần, nhưng trong khi đó càng ngày báo chí càng tiết lộ những chi tiết về cuộc tấn công lần này.
Ngày càng điêu luyện
Hoa Kỳ đã có khuyến cáo từ hai thập niên qua là các cơ quan tình báo Nga đã tìm cách đột nhập vào các hệ thống computer quan yếu. Nhưng người Nga có vẻ luôn đi trước một bước.
Cuộc tấn công quan trọng nhất đầu tiên là vào 7 tháng 10 năm 1996, khi một chuyên viên computer của Trường School of Mines của Viện Đại học Colorado khám phá một số hoạt động computer vào ban đêm mà ông không giải thích được. Trường có một hợp đồng quan trọng với Hải quân, chuyên viên này khuyến cáo bên Hải quân. Và cũng như hai thập niên sau ở Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ, lúc đầu, như Giáo sư Thomas Rid ở King’s College của Viện Đại học Luân Đôn nhận xét, “không ai tìm ra cách nối các điểm này với nhau”.
Các nhà điều tra cho nó một cái tên – Moonlight Maze – và trải hai năm, có khi làm ngày làm đêm, để truy ra xem nó nhảy từ Hải quân sang Bộ Năng lượng rồi Không quân và NASA như thế nào. Sau cùng họ kết luận, tổng số hồ sơ bị đánh cắp, nếu in ra và chất lên sẽ cao hơn Đài tưởng niệm Washington. Và đó chỉ là mới bước đầu của một chiến dịch tấn công không tặc toàn cầu.
Lúc đầu, không ai để ý đến người Nga, phần lớn tại người Hoa, vốn liều lĩnh hơn và thường bị bắt quả tang. Họ ăn cắp mẫu vẽ của chiến đấu cơ F-35, bí mật nghề nghiệp về thép cuốn, ngay cả họa đồ đường ống dẫn khí đốt cung cấp cho hầu hết Hoa Kỳ. Và trong kỳ bầu cử năm 2008, tình báo Trung Cộng đột nhập vào chiến dịch của cả ông Obama lẫn ông McCain. Nhưng họ không phổ biến chúng.
Người Nga tuy vậy không vắng mặt. “Họ chỉ kín đáo hơn”, theo giải thích của ông Kevin Mandia, nay là chủ nhân của Mandiant, Công ty an ninh mạng nổi tiếng mà nay là một bộ phận của FireEye, công ty mà sau cùng Ban vận động Clinton mới thuê, trễ bảy tháng, để bảo vệ an toàn.
Người Nga cũng nhanh chóng sử dụng các cuộc đột nhập tin tặc này cho mục đích chính trị. Cuộc tấn công vào Estonia, một cựu cộng hòa Liên Xô cũ, nay đã tham gia NATO, cho thấy là Nga có thể làm tê liệt toàn quốc gia mà không cần xâm lăng họ. Lần tiếp đó Nga sử dụng vũ khí internet là trong cuộc chiến với Georgia.
Nhưng các viên chức Hoa Kỳ không thể nào tưởng tượng là người Nga có thể dám dùng những kỹ thuật đó bên trong Hoa Kỳ. Họ tập trung cố gắng vào việc ngăn ngừa điều mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta gọi là “một Trân Châu Cảng Internet” – đóng cửa lưới điện quốc gia hay là hệ thống cellphone.
Nhưng trong những năm 2014 và 2015, một nhóm tin tặc Nga bắt đầu tấn công có hệ thống vào Bộ Ngoại giao, Tòa Bạch Ốc, Bộ Tổng tham mưu. Theo một bản phúc trình của Sáng hội Carnegie sắp xuất bản giải thích: “Mỗi lần, rồi thì họ thành công ở một mức nào đó”.
Người Nga ngày càng “tàng hình” nhiều hơn, đánh lừa các computer của chính phủ gửi đi dữ liệu trong khi che giấu những thông điệp ra lệnh mà có thể báo động. Bộ Ngoại giao bị nặng đến nỗi họ thường xuyên đóng cửa hệ thống để đuổi những kẻ xâm nhập. Có lúc, các viên chức đi Vienna với Ngoại trưởng John Kerry cho cuộc điều đình Iran đã phải lập trương mục Gmail để nói chuyện với nhau và với các nhà báo đi cùng với họ.
Tổng thống Barack Obama được thông báo thường xuyên nhưng đã có một quyết định mà nay nhiều nhân vật ở Tòa Bạch Ốc hối tiếc, không tuyên bố là Nga là thủ phạm hay trừng phạt. Có nhiều lý do: sợ leo thang chiến tranh Internet, ngại vì Hoa Kỳ cần Nga hợp tác về Syria.
Đổi chiến thuật
Nga bắt đầu leo thang một bậc nữa, đột nhập không phải vì lý do tình báo mà là để phổ biến những gì họ biết. Trong thế giới ảo hành động đó gọi là “doxing.” Thử nghiệm đầu tiên của họ là tháng 2 năm 2014, họ phổ biến một cú điện thoại bắt được giữa bà Victoria Nuland, phụ tá Ngoại trưởng chuyên lo về Nga và Đại sứ Hoa Kỳ ở Ukraine Geoffrey Pyatt. Họ dùng cuộc điện đàm đó để bảo là Hoa Kỳ can thiệp vào Ukraine và Chính phủ Kiev là do Hoa Kỳ dựng lên.
Sau đó, người Nga tiếp tục chiến thuật ăn ắp và tiết lộ với Sáng hội Open Society của ông George Soros, nhưng lần này thêm một bước nữa, một số những tài liệu được phổ biến đã được sửa đổi để làm như là Sáng hội đang tài trợ cho các lãnh tụ đối lập Nga.
Năm ngoái, cuộc tấn công tăng cường độ. Nga tấn công vào một đài truyền hình chính của Pháp, đài TF1, phá hủy một máy quan trọng. Đến Giáng sinh họ tấn công vào mạng lưới điện Ukraine, làm một phần đất nước này chìm trong bóng tối, phá hủy những hệ thống phụ trợ và kiểm soát các máy phát điện. Nghĩ lại, đây là phát súng báo hiệu.
Cozy Bear và Fancy Bear
Lần đầu tiên cơ quan FBI tìm thấy Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC) bị đột nhập là tháng 9 năm 2015 khi một nhân viên đặc biệt gọi DNC để loan báo với Ban computer là có tin tặc mà FBI gọi là “the Dukes,” một toán có liên hệ với Chính phủ Nga, đột nhập. Vì lơ là, và vì FBI đã chỉ gặp một chuyên gia hợp đồng cấp dưới, và ông này không báo lên nên mãi đến khi những điều bí mật trong nội bộ đảng, từ Chủ tịch DNC lúc đó ra lệnh chống Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đến email của ông John D. Podesta bị tiết lộ và khiến Chủ tịch DNC phải từ chức. Lúc đó họ mới tìm cách bảo vệ.
Đêm trước bữa cơm tối của Hội Các Phóng viên Tòa Bạch Ốc hôm tháng 4 năm nay, Tổng quản trị của Ủy ban DNC nhận được báo động. Lần này họ sẵn sàng. Họ cũng biết là chỉ có một cơ hội vì nếu tin tặc biết là bại lộ thì họ sẽ chui sâu hơn hay xóa dấu vết. DNC ngay lập tức thuê CrowdStrike, một công ty an ninh mạng, để rà hệ thống computer của họ. Chỉ một ngày sau CrowdStrike xác nhận kẻ đột nhập xuất phát từ Nga. Các nhà điều tra của CrowdStrike, theo dõi những vết tích như một cuộc điều tra hình sự, đã nhận ra kẻ tấn công là Cozy Bear và Fancy Bear. Đây là hai cái tên họ đặt cho hai nhóm tin tặc Nga.
Cozy Bear, cũng là Dukes hay còn gọi là APT29 (có nghĩa là đe dọa cao và tiếp tục), có thể có liên hệ với mật vụ FSB, hay ít nhất là Chính phủ Nga. Cozy Bear đột nhập DNC vào mùa hè năm 2015 bằng cách gửi email “spear-phishing” (email bề ngoài bình thường dụ dỗ click nhưng nhắm vào một người nào đó) đến một danh sách dài những cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, những nhà thầu. Và khi họ đột nhập được vào DNC, họ thấy thông tin có giá trị và quyết định tiếp tục.
Mãi đến tháng 3 năm 2016 Fancy Bear mới xuất hiện. Fancy Bear được nghĩ là phát xuất từ GRU, tức là quân báo Nga. Chính Fancy Bear, trong một màn ngoạn mục dụ ông Podesta đổi password, và ăn cắp được toàn bộ email của ông ta.
Truy nguyên nguồn gốc của tin tặc dĩ nhiên rất khó. Điều các nhà an ninh mạng chủ trương là common sense. Ai muốn tìm hiểu về email của các nhân vật trong Đảng Dân chủ. Ai cần biết về phi cơ F-35. Ai cần biết về quân đội Hoa Kỳ. Hơn thế, họ còn có một bằng cớ nữa: cả hai con gấu này thường hoạt động vào giờ làm việc ở Moscow.
L.P.
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/binh-luan/vu-khi-ly-tuong/.
II. Trung Quốc hay Nga thực sự can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ?
Đường Bá Cao
Suốt 8 năm dưới chính quyền Tổng thống Barack Obama, Trung Quốc có dịp hung hăng, nhưng Nga lại bị vào tầm ngắm.
Tổng thống Barack Obama đang bất bình và cật lực làm mọi việc để tìm ra bằng chứng cho thấy Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ, tuy nhiên sự thật đằng sau những vụ tin tặc vào hệ thống Hoa Kỳ không đơn giản như vậy.
Nhà Trắng kiên quyết khẳng định Nga tấn công mạng ảnh hưởng tới kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, nhưng có một điều mà rất nhiều người đã ý thức được rằng, Trung Quốc đứng số 1 về thủ đoạn này, và Tổng thống Mỹ đời 45 rất được Bắc Kinh quan tâm.
Nhìn lại 8 năm lãnh đạo của Tổng thống Barack Obama vốn có tín nhiệm tăng vọt vào cuối nhiệm kỳ, chúng ta sẽ thấy rằng thế giới lao dốc trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tình trạng vi phạm nhân quyền đầy báo động ở không ít quốc gia, sự xói mòn của nền dân chủ vốn là điều mỗi con người đều có quyền được hưởng.
Đặc biệt là nền dân chủ ở Mỹ, quốc gia vốn được coi là tiên phong trong vấn đề này, lại đang yếu dần, trong khi chính quyền cộng sản chuyên chế ở Trung Quốc mà ai cũng biết đứng đầu về độc tài trên thế giới với chính sách cai trị hà khắc, các cuộc đàn áp tín ngưỡng gây rúng động cùng nhiều tội ác chống nhân loại, lại dần mạnh lên.
Vấn đề nằm ở chỗ, nước Mỹ chưa bao giờ đối mặt nhiều thử thách như thế dưới thời ông Obama, khi tư tưởng lý luận cộng sản và Mác Lê đang lên như diều gặp gió, tất cả có thể được cho là được hậu thuẫn bởi sự “rụt rè” khó hiểu của ông Obama trong quan hệ ngoại giao và đối sách.
Nhìn vào ai cũng thấy rằng Tổng thống Barack Obama luôn có gì đó “kiềng” chính quyền Trung Quốc.
8 năm trước, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã lo ngại về quan điểm và cách hành xử của Mỹ với mình, nhưng hiện giờ mọi thứ đã thay đổi.
Năm 2011 khi cựu lãnh đạo cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm Mỹ, một nghệ sĩ piano Trung Quốc đồng thời là một đảng viên cộng sản kỳ cựu thuộc Hội Thanh niên Trung Hoa, đã được phép chơi bài My Motherland tại Nhà Trắng. Đây là bài hát chủ đạo trong bộ phim Shanggan Ridge, một bộ phim mô tả chiến tranh Triều Tiên do Đảng Cộng sản Trung Quốc sản xuất.
Vấn đề ở chỗ bài hát này được phổ biến tại Trung Quốc với nội dung ca ngợi các anh hùng kháng chiến chống Mỹ. Đã không ít người lên mạng xã hội và truyền thông phản đối sự kiện trên, với hy vọng Tổng thống Obama sẽ không chấp nhận sự “sỉ nhục” mà Đảng Cộng sản [Trung Quốc] mang tới nước Mỹ một cách công khai như vậy. Tuy nhiên ông Obama đã bỏ qua việc này với lý do đó đơn thuần là 1 tác phẩm nghệ thuật, mọi người không cần để tâm.
Và kể từ đó, những Hoa kiều ủng hộ cộng sản Trung Quốc liên tiếp công kích dân chủ và nước Mỹ ngay trên đất Mỹ mà không hề bị kiểm soát hay ngăn chặn. Cuộc tấn công này ban đầu chỉ đơn thuần bằng lời nói, bài viết, rồi tiếp đến là tấn công mạng và hơn thế.
Tuy nhiên Tổng thống Obama dường như không mấy quan tâm tới bất kỳ động thái nào như kể trên, hay nói gọn lại là cuộc tấn công vào nước Mỹ và nền dân chủ từ Trung Quốc.
Ngày nay, ông Obama lại ra lệnh điều tra kỹ càng cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ, điều khiến nhiều người phải buột miệng: “Thật ư? Vì sao ông ấy không ra lệnh điều tra nghi can là tin tặc Trung Quốc?”.
Trên thực tế, tấn công mạng từ Trung Quốc vào nước Mỹ nghiêm trọng hơn nhiều so với tấn công từ Nga.
Chính phủ Mỹ từng có bài công bố đánh giá rằng Trung Quốc là mối hiểm họa về an ninh mạng lớn nhất toàn cầu đối với Mỹ. Tin tặc Trung Quốc tấn công bất kể thứ gì họ muốn.
Donald Trump bị truyền thông dòng chính ủng hộ Barack Obama “bôi nhọ” vì chống Trung Quốc?
Tin tặc Trung Quốc tấn công cơ quan thuộc chính phủ, cơ sở quân đội, tổ chức tài chính, tổ chức phi chính phủ và thậm chí cả hệ thống giao thông, trung tâm điều khiển… theo số liệu từ Chính phủ Mỹ, năm ngoái tin tặc Trung Quốc đã đột nhập hệ thống Văn phòng quản lý Nhân sự Mỹ (OPM).
Thông tin liên quan tới ít nhất 4 triệu công chức hoặc cựu công chức tại đây đã bị rò rỉ, bao gồm đánh giá về nhân sự, kết quả làm việc và thông tin liên quan đến đào tạo.
Thậm chí có tin tin tặc Trung Quốc còn tạo ra một hệ thống tương tự Facebook để tổ chức những thông tin trộm được mà sử dụng khi cần.
Tin tặc Trung Quốc tấn công vào các tổ chức và công ty tài chính lớn đã gây những tổn thất không ngờ cho kinh tế Mỹ.
Một quan chức cấp cao tại JP Morgan/Chase Bank từng tiết lộ, ngân hàng này đã bị tin tặc Trung Quốc tấn công, tuy nhiên họ không dám công bố vụ việc do sợ mất khách hàng, bởi vậy mà việc kinh doanh mới xuống dốc đến thế.
Google cuối cùng đã phải rút khỏi thị trường Trung Quốc do bị tin tặc nước này tấn công vào Gmail, kèm theo đó là yêu cầu cấp thông tin bảo mật của khách hàng cho chính phủ. Đặc biệt người dùng là bất đồng chính kiến tại Trung Quốc là đối tượng bị tin tặc nước này tấn công.
Trên thực tế, mỗi ngày có hàng chục, thậm chí là hàng trăm tin tặc đang dòm ngó mọi thông tin của người dân trên đất Mỹ, và đa phần đều là đội quân do chính quyền Trung Quốc tổ chức.
Vụ việc liên tiếp được báo cáo lên FBI, tuy nhiên họ hầu như chẳng ngó ngàng.
Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi bản thân Nhà Trắng, Quốc hội và Bộ Quốc phòng Mỹ cũng liên tiếp bị chính quyền Trung Quốc điều tin tặc tấn công. Tổng thống Obama tuy vậy chưa hề ra lệnh điều tra sâu rộng vào những vụ việc này, trong khi đối với bầu cử Tổng thống Mỹ, ông lại quá tích cực?
Nếu Tổng thống Obama thực sự muốn đối phó với những gì mà chính quyền Trung Quốc đang gây ra, ông có nhiều cách để thực hiện. Nếu ông có thể đóng băng tài khoản của các lãnh tụ Nga, ông cũng có thể làm tương tự đối với Hoa Kiều sống ở Mỹ. Những biện pháp khác có thể làm là từ chối cấp visa vào Mỹ cho các quan chức và thân nhân Trung Quốc, những đối tượng có dính líu tới các vụ vi phạm nhân quyền. Đồng thời ông Obama có thể công khai tịch thu các tài sản mà những đối tượng vi phạm nhân quyền người Trung Quốc hiện sở hữu ở Mỹ.
Ông cũng có thể áp thuế cao với những mặt hàng giá rẻ nhập từ Trung Quốc, yêu cầu các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc phải tuân thủ luật lao động của Mỹ.
Ông cũng có thể đưa ra đạo luật chống độc quyền đối với doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, trấn áp mạnh mẽ theo luật đối với các doanh nghiệp Trung Quốc đang nhúng tay vào những vụ vi phạm nghiêm trọng bản quyền sở hữu trí tuệ ngay trên đất Mỹ, và thậm chí trục xuất gia đình các quan chức trong Đảng Cộng sản Trung Quốc ra khỏi Mỹ. Đó là những đối tượng đang vi phạm lợi ích của Mỹ.
Nhân quyền đang dần tồi tệ đi tại Trung Quốc dưới chế độ cộng sản, tuy nhiên chính quyền ông Obama lại quay lưng lại với vấn đề này. Ông làm ngơ trước bao vụ lạm dụng nhân quyền, thậm chí còn kết thân với những nước độc tài khác có hồ sơ nhân quyền tồi tệ như Cuba.
Trong khi đó, ông và Nhà Trắng lại coi Nga, một quốc gia đang dần hướng tới dân chủ và không đến nỗi tồi tệ như Trung Quốc, Cuba, là kẻ thù không đội trời chung.
Chỉ vì câu phát biểu của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump:
“Putin là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ” mà truyền thông dòng chính ủng hộ ông Obama đã ra sức bôi nhọ, vu khống và xây dựng hình ảnh nhà tỷ phú thẳng thắn này như một tên độc tài, trong khi ca ngợi tình hữu nghị mà ông đang đắp xây với độc tài Castros.
Bà Hillary rất gần gũi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi bà còn là Ngoại trưởng Mỹ… và cho tới giờ (Xinhua).
Khi Wikileaks tiết lộ rằng Hillary Clinton ca ngợi lãnh tụ Đảng Cộng sản Trung Quốc là “tinh tế, giỏi giang, xuất chúng, có tinh thần cải tổ”, truyền thông dòng chính ở Mỹ không hề chỉ trích bà, người tung hô những “tên bạo chúa” từng thảm sát các sinh viên biểu tình ôn hòa ở quảng trường Thiên An môn năm 1989, đàn áp dã man học viên môn tu luyện truyền thống Phật gia Pháp Luân Công, kiềm chế Thiên Chúa giáo, diệt Phật giáo Tây Tạng và các nhóm thiểu số cho tới tận ngày nay.
Truyền thông dòng chính Mỹ lại tung hô giọng điệu hùng biện đầy tham vọng của bà Hillary, tô vẽ về bà như là 1 lãnh đạo đầy tài năng có khả năng “kiềm chế các nhà độc tài” trên thế giới. Điều khó hiểu hơn cả là trong khi ông Obama tuyên bố sẽ điều tra thật kỹ tin tặc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm nay, ông lại quên mất rằng đồng minh thân cận Hillary của mình, trực tiếp hay gián tiếp, đều đã nhận được những khoản tài trợ khủng từ các nhà độc tài khác không phải Nga, trong đó có chính quyền Trung Quốc.
Chiến dịch vận động tranh cử của bà Hillary thậm chí còn công khai thảo luận việc chấp nhận kinh phí đài thọ từ các chính quyền khác. Việc nỗ lực huy động các khoản tài trợ dựa trên vận động tranh cử Tổng thống Mỹ này còn nghiêm trọng hơn nhiều so với những thông tin bị rò rỉ mà tin tặc công khai về bà.
Ông Obama không hề để tâm tới những thông tin rò rỉ đó mà điều tra chuyên sâu mà lại chăm chăm nhắm vào 1 số tin tặc vô danh tiểu tốt nào đó đến từ Nga.
Vậy Tổng thống Obama đang đứng ở chỗ nào? Liệu ông có đại diện cho lợi ích dân tộc Mỹ, nước Mỹ hay chỉ đơn thuần phục vụ lợi ích của bà Hillary vào cuối nhiệm kỳ?
Xét trên cương vị Tổng thống Hoa Kỳ, điều này thực sự là đáng tiếc, và ông Obama cần phải chịu trách nhiệm về sự vô trách nhiệm của mình. Còn đối với nhóm tin tặc, nếu thông tin họ làm rò rỉ mà đúng, nhẽ ra ông nên điều tra vào đó thay vì truy nguồn gốc tin tặc.
Người dân Mỹ nên cám ơn những tin tặc này, bởi vì họ giúp tiết lộ những bóng đêm chính trị mà người dân Mỹ chưa hề biết. Người dân Mỹ cần được biết sự thật.
Bởi vậy, cuộc điều tra mà ông Obama đang tích cực nhắm vào nước Nga khi sắp mãn nhiệm kỳ, thay vì nhìn sang bà Hillary cùng Trung Quốc, quả thật khiến người ta khó hiểu.
Đ.B.C.
Ông Đường Bá Cao là lãnh đạo phong trào sinh viên đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Biên dịch từ Vision Times
Nguồn: http://minhbao.net/trung-quoc-hay-nga-thuc-su-can-thiep-bau-cu-tong-thong/