Nếu không nhầm thì cách đây mấy năm cũng đã rộ lên tình trạng sinh viên đi theo học bổng 322 ở rất nhiều nước bị bỏ đói, thấy các cháu khổ quá có phóng viên phải cho mấy gói mỳ tôm. Những tưởng chuyện đó đã được khắc phục, vậy mà sau bằng ấy thời gian đằng đẵng tình hình vẫn không được cải thiện chút nào. Bộ Giáo dục Đào tạo nghĩ thế nào mà lại để mọi việc dẫm chân tại chỗ lâu đến thế? Biết bao đoàn công cán của Bộ ra nước ngoài nhằm học tập cung cách quản lý của các nước văn minh cuối cùng công cốc hết hay sao? Ôi, thế mới biết bọn tư bản “giãy chết” nó giỏi thật. Nó cấp học bổng cho học sinh sinh viên toàn thế giới cứ nhẹ như không. Chẳng thấy học sinh sinh viên nào bị đem con bỏ chợ như các sinh viên này.
Hình như không phải chỉ chuyện quan liêu mà thôi, mà 60 năm là một chặng đường đủ để cơ chế chúng ta tạo ra những con người chức năng tim và óc đều khuyết tật bẩm sinh.
Đặng Thị
Gần 6 tháng không nhận được học bổng, nhiều sinh viên du học theo đề án 322 tại Nga đã phải vất vả để lo toan cho việc sinh sống và học tập. Tình trạng ngồi trong lớp học mà bụng đói meo xảy ra như cơm bữa.
VnExpress.net vừa nhận được lá thư của 19 lưu học sinh chương trình 322 tại ĐH Kỹ thuật Tổng hợp Bauman (Liên bang Nga) “cầu cứu” Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân. Theo các sinh viên này, với khoản trợ cấp 400 USD, trừ tiền thuê nhà, phí chuyển tiền, tiền bảo hiểm… các em còn lại 214-284 USD mỗi tháng. Ở thủ đô của Nga, khoản sinh hoạt phí này quả là eo hẹp, các em phải chi tiêu ở mức thấp nhất mới đủ sống.
Không thắc mắc về mức sinh hoạt phí nhưng những lưu học sinh này cho hay, rất bức xúc về việc không bao giờ được nhận học bổng đúng thời hạn và “việc chậm học bổng 5-6 tháng, thậm chí dài hơn, xảy ra thường xuyên”. Ngồi học, đầu óc luôn bị “cái đói” bám đuổi nhưng các em không dám kêu vì sợ gia đình lo lắng.
Thực tế này đã khiến lưu học sinh đứng giữa hai sự lựa chọn là tiếp tục chờ sinh hoạt phí hoặc chấp nhận lơ là học tập để tìm cách kiếm tiền. Điều này đã khiến kiến thức mòn dần, nhiều em cảm thấy “đi học ngày một nặng nề”.
“Nhiều khi đi đường hay đi lên trường mà trong túi không còn một đồng tiền nào. Sáng dậy chưa ăn gì lên đến lớp, đến giờ ăn trưa cũng không có tiền đi ăn. Ngồi trong lớp học mà bụng đói meo, nhìn các bạn đi ăn mà mình lủi thủi ngồi trong góc tường thì thử hỏi làm sao đủ can đảm mà lên lớp đi học”, các em chia sẻ.
Cũng theo những sinh viên này: “Cứ thi xong, kết quả tốt, anh em háo hức làm báo cáo gửi về nhà để mong sớm được nhận sinh hoạt phí, nhưng gửi báo cáo đợt 1 xong, chờ vài ba tháng lại phải báo cáo đợt 2, đợt 3, rồi không biết có còn đợt nào nữa không mà tiền thì vẫn chưa thấy. Thất vọng nối tiếp thất vọng…”.
Những sinh viên này cũng nêu thắc mắc: “Tại sao việc chuyển tiền lại chậm trễ đến vậy. Tất cả các thủ tục yêu cầu, chúng em đều làm đủ vậy tại sao tiền lại không được nhân theo quy định?”.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD&ĐT) cho hay, 19 lưu học sinh đề án 322 này đi theo diện đào tạo phối hợp của Học viện Kỹ thuật Quân sự. Do đó, lâu nay sinh hoạt phí của các sinh viên này thường được Cục chuyển cho người đại diện của học viện chứ không gửi vào tài khoản cá nhân của từng sinh viên.
Lý giải về việc chậm sinh hoạt phí lần này, một chuyên viên Cục Đào tạo với nước ngoài trực tiếp quản lý 19 lưu học sinh ở Nga cho biết, do Học viện kỹ thuật chưa thống nhất được phương thức chuyển tiền vào tài khoản cho lưu học sinh hay tiếp tục gửi cho người nhận như mọi khi. Vì nếu chuyển vào tài khoản của lưu học sinh thì cần phải có tài khoản, còn nếu chuyển cho người đại diện như các lần trước thì phải có công văn của Học viện.
“Đến kỳ chuyển sinh hoạt phí tháng 2/2010, Cục đề nghị Học viện hoàn thành gấp báo cáo kết quả học tập của các sinh viên theo mẫu mới nhất để xem xét cấp sinh hoạt phí tháng 2 – 7/2010 nhưng mãi chẳng thấy. Qua trao đổi vài lần, được biết Học viện chưa thống nhất phương thức chuyển tiền vào tài khoản cho lưu học sinh hay người nhận như mọi khi. Tôi có giục mấy lần nhưng chẳng nhận được bất kỳ tài liệu gì liên quan đến các sinh viên này”, vị chuyên viên cho biết thêm.
Cũng theo chuyên viên này, gần đây, đại diện Học viện đã nộp bảng điểm của 19 lưu học sinh này nhưng vẫn thiếu báo cáo theo mẫu của Bộ và quan trọng nhất là không có thông tin đầu mối nhận tiền.
Ngay khi nhận được phản ánh từ phía Cục Đào tạo với nước ngoài, ngày 19/5, Học viện Kỹ thuật Quân sự đã gửi công văn tới Cục đề nghị chuyển sinh hoạt phí cho 19 lưu học sinh này vào tài khoản của đại diện Học viện tại Nga. Phía Học viện cam kết 19 lưu học sinh này đạt kết quả tốt và nộp báo cáo kết quả học tập về Cục trong tháng 5.
Cục Đào tạo với nước ngoài cho biết, ngày 20/5, Cục bắt đầu gửi tiền sang Nga.
Tháng 8/2007, trước việc lưu học sinh kêu đói vì chậm sinh hoạt phí, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã đồng ý chuyển cấp sinh hoạt phí cho lưu học sinh Việt Nam tại Liên bang Nga diện “xử lý nợ” từ tạm ứng sang cấp thẳng vào tài khoản của lưu học sinh. |
TD
Nguồn: http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/Giao-duc/2010/05/3BA1C24F/
Thư cảm ơn của phụ huynh du học sinh tại Nga
Kính gửi : Ban Biên tập VnExpress.net
Tôi là một trong những phụ huynh của 19 du học sinh trong bài “Du học sinh tại Nga cầu cứu Bộ trưởng vì đói”. Xin được thay mặt 19 gia đình cám ơn Ban biên tập VnExpress đã lên tiếng can thiệp và đưa ra công luận vấn đề này cứu cho các cháu khỏi bị bỏ đói. Đồng thời cũng xin cám ơn các bạn xa gần đã có những đồng cảm sâu sắc và kịp thời động viên các cháu.
Nhân đây tôi xin được nói đôi điều với ông Bộ trưởng và những cán bộ có trách nhiệm về vấn đề này của Bộ GD&ĐT. Chắc các bác các cô các chú đều biết rõ 19 du học sinh này nằm trong số những sinh viên xuất sắc của Học viện Kỹ thuật Quân sự được cử sang Nga du học theo Đề án 322 (đào tạo nguồn) để sau này trở về phục vụ quân đội, bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta.
Toàn bộ tiền ăn học của các cháu là do nhân dân đóng góp chứ không phải của riêng cá nhân nào, không phải tiền riêng của Bộ GD&ĐT mà muốn cho bao nhiêu thì cho, muốn gửi khi nào thì gửi. Với số tiền chi phí lớn này, trước khi các cháu đi du học, gia đình chúng tôi phải ký cam kết bồi hoàn nếu các cháu bỏ học, vậy các cháu có quyền đòi hỏi việc chi trả kịp thời và đầy đủ. Mặt khác, nếu các cháu đói quá phải bỏ học đi làm để khỏi chết đói thì ai chịu trách nhiệm bồi hoàn đây? Người chậm gửi tiền hay gia đình chúng tôi?
Việc gửi tiền chậm đã có từ lâu, các cháu đã có nhiều ý kiến đề xuất, nhưng gia đình chúng tôi không ngờ lại kéo dài triền miên như thế. Các cháu đều là những người lính sẵn sàng chịu gian khổ nên hầu như khi gia đình hỏi đến, các cháu đều nói là tạm ổn. Các cháu không muốn bố mẹ, gia đình lo lắng vì biết rằng với 400 USD mỗi tháng thì bố mẹ ở Việt Nam cũng không thể nào lo nổi.
Đa số gia đình các cháu đều nghèo, thậm chí có nhiều cháu thi vào Học viện KTQS chỉ vì học giỏi nhưng không có đủ tiền theo học ở các trường khác. Vả lại nếu không gửi tiền ăn cho các cháu thì tại sao Bộ không thông báo cho gia đình để chúng tôi vay mượn, cầm cố lấy tiền nuôi con?
Tại sao các bác các cô làm việc này lại vô cảm nếu không muốn nói là tàn ác đến vậy. Các bác các cô các chú hãy đặt mình vào địa vị những đứa trẻ lần đầu xa gia đình đến nơi đất khách quê người, mọi thứ đều tự lo lấy mà trong túi không có tiền. Hay các bác nghĩ đó có phải con mình đâu mà xót, các bác hãy thử sống 6 tháng không có lương xem sao.
Khi đọc bài báo, cả gia đình tôi đều khóc vì thương các cháu. Không ngờ rằng con em mình đang đói khổ bên phương trời xa lạ. Vì vậy xin Ban Biên tập một lần nữa đăng ý kiến của các phụ huynh chúng tôi lên mặt báo, hy vọng là các quan chức ở Bộ GD&ĐT xem được và có cách làm việc có trách nhiệm trong vấn đề này, bởi còn rất nhiều cháu còn đang gặp khó khăn như trên mà chưa biết kêu ai.
Xin chân thành cám ơn.
Nguyễn Đình Long