Sau bài viết này, BVN xin chấm dứt việc bàn luận về việc rà phá thủy lôi ở các cảng biển miền Bắc nước ta thời kỳ chiến tranh chống Mỹ vì mọi việc như thế tưởng cũng đã là sáng rõ. Hiện nay theo chúng tôi, Hải quân chúng ta không nên miên man quá lâu trên những hồi tưởng về thành tích quá khứ, bởi trước mắt đang là một thử thách trọng đại mà mọi sáng tạo cần dồn hết vào đấy để làm sao bảo vệ được ngư dân khỏi tàu Ngư chính Trung Quốc ngang nhiên bắt giữ và hành hạ họ một cách tàn bạo, mỗi khi họ giong buồm ra khơi đánh cá. Không những thế, bọn giặc biển này còn coi khinh Nhà nước Việt Nam bằng cái hành vi “chửi vỗ mặt”: đợi cho các phái đoàn cấp cao chúng ta vừa sang tận Bắc Kinh, Thượng Hải… tay bắt mặt mừng tỏ tình hòa hiếu lục tục trở về là lập tức tàu của chúng xông ra giữa lãnh hải của nước ta, tung hoành ngang dọc như giữa chỗ không người.
Các bạn Hải quân có nuốt được nỗi nhục này không mà sao không làm như Hải quân Malaysia kiên quyết mời các vị “bất tốc chi khách” (khách không mời mà đến) ấy ra khỏi vùng biển nước mình để hả lòng dân một phen? Hay các bạn là những bậc kỳ tài đang chăm lo tập luyện, náu vết đợi thời, không để lộ hình tích? Mong thế lắm.
Bauxite Việt Nam
Biết tôi có tham gia công tác chống phong tỏa đường biển thời kỳ 1967-1968 và 1972-1973, một anh bạn có chuyển cho tôi bức ảnh chụp bia lưu niệm đặt tại Viện Vật lý Kỹ thuật Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, kèm theo câu: “Họ đã và đang bóp méo sự thật lịch sử. Họ đã làm cho nhiều thế hệ sinh viên từ 1996 và nhiều người khác ngộ nhận là chính họ đã tìm ra phương pháp rà phá thủy lôi và bom từ trường. Thật hết biết!”
Bia lưu niệm ghi:
Đề tài GK1
Giải thưởng Hồ Chí Minh
Năm 1972, tại ngôi nhà này, các nhà khoa học Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã nghiên cứu thành công phương pháp rà phá thủy lôi từ tính và bom từ trường (Đề tài GK1) kịp thời phục vụ chiến đấu chống lại âm mưu phong tỏa Cảng Hải Phòng, đường sông, đường biển và các huyết mạch giao thông của ta.
Không phải năm 1972 Mỹ mới thả thủy lôi trên miền Bắc nước ta mà họ đã thả từ năm 1967.
Chúng ta cùng nhau ôn lại một cách khái quát việc phong tỏa và chống phong tỏa.
Nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam và ngăn chặn các nguồn viện trợ của nước ngoài cho công cuộc xây dựng XHCN, đế quốc Mỹ đã tiến hành 2 cuộc phong tỏa bằng thủy lôi:
Cuộc phong tỏa lần thứ nhất 1967-1968.
Ngày 26/2/1967 Mỹ bắt đầu phong tỏa bằng thủy lôi thì chỉ hơn một tuần sau Hải quân đã tháo gỡ được thủy lôi MK-50 và MK-52. Chúng được chuyển ngay cho bộ phận kỹ thuật nghiên cứu nguyên lý hoạt động để tìm ra phương pháp rà phá. Phương pháp rà phá đơn giản đầu tiên là kéo các tấm tôn, các cục nam châm qua thủy lôi và làm nổ chúng, lúc bấy giờ gọi là phương pháp thô sơ. Phải nói chính nhân dân là người đầu tiên tìm ra phương pháp này và phải đánh đổi bằng xương máu!
Thời kỳ này Hải quân (HQ) và Cục Vận tải đường Biển (VTĐB) là 2 đơn vị chủ lực rà phá thủy lôi giải phóng luồng lạch, bến phà… đảm bảo giao thông sông, biển thông suốt.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về nguyên lý hoạt động của thủy lôi của các đơn vị kỹ thuật, HQ đã chế tạo được các thiết bị rà phá thủy lôi hiệu quả như HDL-9, HT-5, HT-6. Cục VTĐB được HQ truyền đạt các kiến thức ban đầu về bom mìn, về nguyên lý hoạt động của thủy lôi cũng độc lập chế tạo được PĐ-67-3 và sản xuất 50 bộ với tên gọi chung là PĐ-67 cung cấp cho nhiều đơn vị trong và ngoài ngành GTVT.
Thời kỳ 1967-1968 HQ đã phá gỡ được 1.240 quả và Cục VTĐB phá gỡ được 1.000 quả.
Hơn 2.200 quả thủy lôi đã được rà phá chứng tỏ HQ và Cục VTĐB đã tìm ra và áp dụng hiệu quả các phương pháp rà phá để đánh thắng âm mưu phong tỏa của người Mỹ trên cơ sở hiểu vũ khí của họ.
Cuộc phong tỏa lần thứ hai 1972-1973.
Ngày 9/5/1972 Níchxơn ngang ngược phong tỏa cảng Hải Phòng và một số cảng khác cùng các luồng chính vào các cảng này.
Vũ khí của địch có cải tiến tinh vi hơn, độ nhạy giảm nhiều, đòi hỏi thiết bị rà phá phải có công suất lớn hơn trước. Tất cả những thay đổi này có gây khó khăn cho ta song cũng không quá tầm giải quyết của các đơn vị đã từng tham gia cuộc chiến chống phong tỏa lần thứ nhất.
Ngày 9/5/1972 địch thả thủy lôi thì ngay ngày 15/5/1972 ta đã tháo gỡ được quả MK-52 đầu tiên để nghiên cứu. Ngày 28/6/1972 Cục VTĐ phối hợp tháo gỡ được 1 quả MK-52 và được giữ lại để nghiên cứu.
Là lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến chống phong tỏa, ngày 15/5 HQ đã cho ra đời tàu T150 kéo khung dây điện từ. Ngày 15/6/1972 tàu này đã phá nổ quả MK-52 đầu tiên ở khu vực phao số 24 Hoàng Châu. Tiếp theo HQ chế tạo tàu phóng từ V412 là phương tiện phóng từ mạnh để giải quyết MK-52. Tàu V412 đã phá nổ MK-52 ngày 27/7 1972. Tiếp theo HQ đã sản xuất thêm 2 chiếc loại T150 và 6 chiếc loại V412 để tham gia rà phá.
Cục VTĐB tích cực cải tiến các thiết bị cũ để tham gia rà phá. Ngày 2/6/1972 tàu TN đã phá nổ quả MK-42 đầu tiên của đơn vị.
Ngày 8/7/1972 Cục VTĐB có phương án sản xuất ĐB-72-1. Sản xuất xong lắp xuống 3 tàu phá nổ được 67 quả.
Ngày 7/8/1972 Cục VTĐB có phương án sản xuất ĐB-72-3. Sản xuất xong lắp xuống tàu tăng kít TK160. Tàu phá nổ 161 quả.
Ngoài ra Cục VTĐB còn cải tiến các thiết bị của thời kỳ 67-68 lắp xuống 4 tàu. Các tàu này phá nổ 125 quả.
Cục VTĐB còn cải tiến các thiết bị T480 của TQ thành tự động phóng từ và lắp xuống 6 tàu. Các tàu này phá nổ 105 quả.
Ngày 5/7/1972 Đại học Bách Khoa mới đặt chân đến Hải Phòng để tìm hiểu về thuỷ lôi và được Cục VTĐB hướng dẫn ban đầu để tìm hiểu về MK-52 và tiến hành một số đo đạc.
Nhìn các mốc thời gian thì thấy ngay tàu TN của Cục VTĐB (2/6/72), tàu T150 của HQ (15/6/72) đã phá nổ MK-42 và MK-52 của Mỹ ngay cả khi ĐHBK còn chưa nhìn thấy các loại thủy lôi này.
Cục VTĐB sản xuất ĐB-72-1 và ĐB-72-3 khi ĐHBK còn đang tiếp tục tìm hiểu về thủy lôi, cụ thể ngày 11/10/1972 Cục VTĐB còn mang MK-52 lên hầm Bộ GTVT để ĐHBK tiếp tục nghiên cứu về MK-52 (Cục VTĐB còn lưu giấy mượn). Thậm chí sang năm 1973 anh Nguyễn Nguyên Phong của ĐHBK còn mượn đầu MK-42 để nghiên cứu đến nay vẫn chưa trả (Cục VTĐB còn lưu giấy mượn).
Xin mời độc giả đọc lại lần nữa nội dung ghi trên bia lưu niệm và suy xét.
Năm 1972, tại ngôi nhà này, các nhà khoa học trường Đại học Bách Khoa Hànội đã nghiên cứu thành công phương pháp rà phá thủy lôi từ tính và bom từ trường (Đề tài GK1) kịp thời phục vụ chiến đấu chống lại âm mưu phong tỏa cảng Hải Phòng, đường sông, đường biển và các huyết mạch giao thông của ta.
NNL
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập