Thiếu năng lực quản lý tài nguyên

Nhắc đến Tập đoàn TKV từ năm ngoái đến nay, dư luận không ai là không cảm thấy buồn bực, lấn cấn. Bao nhiêu “lời có cánh” của họ cuối cùng rơi rụng dần đâu hết, riêng ông Chủ tịch thì từ một tay cờ bạc bịp với cái tuyên ngôn rất kêu “50/50” đã hiện nguyên hình là một thổ phỉ than hạng kễnh vét sạch than của cả vùng Quảng Ninh đem bán cho Tàu. Liệu sẽ còn những “ngón” gì đây họ sắp thi thố ở Tây Nguyên trước khi ngả bài ra ù làm mọi người ngã ngửa? Xin hãy chờ đấy mà xem.

Bauxite Việt Nam

Những bãi than lậu nằm ngay sát bờ biển chờ lên tàu sang bên kia biên giới. Ảnh: P.H.S

Những bãi than lậu nằm ngay sát bờ biển chờ lên tàu sang bên kia biên giới. Ảnh: P.H.S

Cách quản lý tài nguyên thiếu hiệu quả của Tập đoàn Than khoáng sản (TKV) đang là nguyên nhân chính làm nóng lên tình hình than lậu tại Quảng Ninh.

Cơ chế nảy sinh sai phạm

Lâu nay, TKV thực hiện cơ chế than cuối nguồn (than được các đơn vị vận chuyển của TKV giao đến doanh nghiệp có chức năng tiêu thụ than trong nước đã đăng ký mua, trừ một số hộ tiêu thụ lớn). TKV đánh giá đó là phương thức quản lý đảm bảo các hộ mua than sạch, không lợi dụng được mua trợ giá để tuồn than ra thị trường bên ngoài.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh lại nhận định, cơ chế là thế nhưng do những bất cập, sơ hở trong cơ chế tiêu thụ than cuối nguồn của TKV, từ khâu thẩm định nhu cầu, mục đích sử dụng than của khách hàng đến khâu kiểm soát việc vận chuyển than từ cảng xuất đến hộ tiêu thụ… đã dẫn đến tình trạng một số lượng lớn than tiêu thụ nội địa được mua bán lòng vòng trên hóa đơn, giấy tờ nhằm hợp pháp hóa nguồn than. Sau đó, thông qua các công ty thương mại được cấp phép xuất than tiểu ngạch, một lượng lớn than nội địa đã được tiêu thụ tại… Trung Quốc.

Theo Đại tá Nhâm Ngọc Tám, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, qua tổng hợp chung cũng như qua chỉ đạo điều tra các vụ án liên quan đến lĩnh vực này thời gian qua cho thấy, tội phạm về hình sự ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn với các loại tội phạm kinh tế (chủ yếu trong lĩnh vực khai thác, chế biến, tiêu thụ than; xuất khẩu tiểu ngạch ở khu vực biên giới). Chính những sơ hở lỏng lẻo trong công tác quản lý than đã tạo điều kiện cho một số đối tượng hình sự “ăn bám” vào hoạt động khai thác, thu mua và tiêu thụ than trái phép… Vì lợi nhuận trong khai thác thu gom, tiêu thụ than nên chúng sẵn sàng sử dụng mọi thủ đoạn, tụ tập thành các nhóm để tranh giành địa bàn, gây ra một số vụ việc nghiêm trọng, phức tạp ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự.

Điển hình là vụ việc xảy ra tại Công ty cổ phần thương mại XNK Mai Trường, có trụ sở tại xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng. Theo hồ sơ từ cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Quảng Ninh, công ty có chức năng kinh doanh than mỏ, chế biến than tổ ong, nung nghiền đá vôi. Trong thời gian hơn một năm (từ tháng 10.2004 – 12.2005), đã có 4 doanh nghiệp thuộc TKV ký hợp đồng bán cho Công ty Mai Trường với tổng số lượng gần 400 nghìn tấn than, trị giá hơn 100 tỷ đồng.

Theo quy định về tiêu thụ than cuối nguồn của TKV, toàn bộ số than trên phải được doanh nghiệp có chức năng vận chuyển do chính TKV “chỉ định” vận chuyển tới cảng Máy Chai, Ngô Quyền, Hải Phòng rồi mới giao than cho Công ty Mai Trường. Công ty này cũng cam kết mua than chỉ để sản xuất chế biến, không bán lại cho đơn vị thương mại khác, không xuất than khỏi lãnh thổ Việt Nam. Nhưng 4 doanh nghiệp của TKV trên vẫn tiến hành giao than cho Công ty Mai Trường ngay tại các cảng ở Quảng Ninh, để ngay sau đó công ty này sang tay luôn cho 8 doanh nghiệp khác có trụ sở tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh (trong đó có 3 doanh nghiệp không có giấy phép xuất khẩu than tiểu ngạch đi Trung Quốc). Toàn bộ số lượng than trên được các doanh nghiệp này xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Để hợp thức hóa nguồn gốc than, tình trạng mua bán hóa đơn cũng diễn ra phổ biển nhằm ăn theo thị trường than lậu. Trong chiến dịch chống than lậu năm 2008, Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố bắt tạm giam Lê Thị Nụ, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Minh Nụ, Quảng Ninh về tội lưu hành giấy tờ giả. Lê Thị Nụ cùng với một đối tượng khác trực tiếp chế biến, kinh doanh gần 70.000 tấn than các loại. Do không có chức năng chế biến, kinh doanh than nên Nụ đã mua nhiều hóa đơn của một số công ty để hợp thức hóa số than trên.

Theo tìm hiểu của Thanh niên, TKV hiện mới đảm trách vận chuyển được một phần khối lượng than tiêu thụ trong nước do lực lượng vận tải của TKV chưa đủ đáp ứng. Khối lượng than còn lại, TKV phải thuê các đơn vị vận chuyển thuộc mọi thành phần kinh tế… Điều này lý giải tại sao hàng loạt các sai phạm đã nảy sinh từ cơ chế này.

Ngày càng nghiêm trọng

Không còn là những vụ lén lút, cấu kết trộm cắp than đem bán ra bên ngoài như trước, thời gian gần đây, số lượng than đưa ra bên ngoài trái phép ngày càng lớn với sự trợ giúp đắc lực từ một số cán bộ của TKV. Vụ việc xảy ra tại Công ty than Mạo Khê hồi Tết Canh Dần được Công an Quảng Ninh đánh giá “đây thực chất là vụ bảo vệ Công ty than Mạo Khê mở cửa cho than tặc vào khai thác than”. Hàng trăm ô tô, mấy chục máy xúc… đã được than tặc huy động, khai thác trên 14 điểm lộ vỉa. Chưa xác định chính xác bao nhiêu tấn than đã bị cướp đi, nhưng theo lời khai của một số trùm than tặc bị bắt thì ước chừng vài ngàn tấn. Công an Quảng Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hàng loạt cán bộ và lãnh đạo công ty này.

Không những tiếp tay cho than tặc, một sai phạm khác mới đây tại Công ty Quang Hanh cũng gây bức xúc trong dư luận Quảng Ninh. Theo tài liệu từ cơ quan công an, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2009, một số cán bộ chủ chốt của Công ty than Quang Hanh (thuộc TKV) đã lập khống chứng từ, rút ruột gần 2 tỷ đồng bỏ túi. Ngày 5.3, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Xuân Dung, SN 1949, nguyên Giám đốc Công ty than Quang Hanh; Trần Huy Hiệp, SN 1974, Chánh văn phòng của Công ty trên với tội danh “tham ô tài sản”. Trước đó, Công an tỉnh cũng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Đặng Thị Xoa, sinh năm 1974, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ việc làm và thương mại Thành Đạt và Đỗ Văn Tân, Quản đốc của Công ty này; khởi tố bị can và cho tại ngoại cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 cán bộ của Công ty than Quang Hanh là Nguyễn Văn Hưng, SN 1970 và Phạm Văn Học, SN 1966, cũng với tội danh “tham ô tài sản”. Những cán bộ thoái hóa này đã lợi dụng công việc được giao là khai thác, chế biến “vàng đen”  – tài nguyên của Tổ quốc, để tư lợi cá nhân, trong khi đời sống đa số công nhân làm việc trực tiếp vẫn hết sức vất vả, khó khăn, thu nhập chưa tương xứng với giá trị lao động và hiểm nguy mà họ phải đối mặt dưới hầm lò.

Trong báo cáo của Tỉnh ủy Quảng Ninh hồi tháng 7.2009 cũng xác định rõ, ngoài số than trôi nổi do dân khai thác thu gom không đáng kể thì nguồn than cung cấp cho các đối tượng thu gom vận chuyển xuất lậu sang Trung Quốc tiêu thụ chủ yếu là than từ TKV (bằng 2 nguồn, một là than các đơn vị của tập đoàn bán trái phép và hai là, nguồn than tiêu thụ nội địa bị hợp pháp hóa để xuất lậu).

Được giao quản lý tài nguyên cho đất nước nhưng TKV đã ngày càng bộc lộ sự lúng túng, thiếu năng lực trong quản lý ranh giới mỏ và quản lý cán bộ trong ngành. Để rồi từ đây mỗi năm hàng triệu tấn than đã được xuất lậu qua biên giới, tài nguyên đất nước mất đi ngày một nhiều trong khi ngành điện và nhiều ngành kinh tế khác đang lo ngay ngáy vì trong vài năm tới sẽ phải đi… nhập khẩu than.

PHS

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/201022/20100524231343.aspx

This entry was posted in kinh tế, Môi Trường. Bookmark the permalink.