Mike Ives, The New York Times ngày 11/10/2016
Bản dịch của Bauxite Việt Nam
Blogger người Việt Nguyễn Ngọc Như Quỳnh năm 2015. Jonas Gratzer/Civil Rights Defenders
(Hồng Kông) – Hôm thứ Ba, nhà cầm quyền Việt Nam thông báo họ đã bắt một blogger nổi tiếng vì đã chỉ trích chính quyền độc đảng trong nước qua những đề tài chính trị nhạy cảm, bao gồm sự việc hàng tấn chất độc hóa học hủy hoại cộng đồng ngư dân và làm khơi dậy các cuộc biểu tình.
Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 37 tuổi, đã bị bắt vào hôm thứ Hai tại Khánh Hòa, một tỉnh phía Nam Trung bộ. Theo truyền thông Việt Nam, hôm thứ Ba, bà bị cáo buộc đã xuyên tạc sự thật và tuyên truyền chống phá nhà nước. Cáo buộc đưa lại mức án cao nhất lên đến 12 năm tù. Ngày xét xử chưa được thông báo.
Bà Quỳnh, dưới bút danh Mẹ Nấm, là nhà đồng sáng lập Mạng lưới Blogger Việt Nam, một trong số ít các tổ chức những cây bút độc lập tại Việt Nam. Ngành xuất bản và truyền thông trong nước bị Đảng Cộng sản cầm quyền kiểm soát chặt chẽ, còn những người cầm bút nằm ngoài hệ thống và thách thức chính quyền thường xuyên bị bắt giam dưới các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia.
Phạm Đoan Trang, một cây bút bất đồng chính kiến tại Hà Nội và là thành viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam, cho rằng nhà cầm quyền bắt bà Quỳnh nhằm đe dọa những blogger trẻ được truyền cảm hứng từ các cuộc vận động trên mạng của bà – qua Facebook và blog độc lập – nhằm phản đối tham nhũng, bất công xã hội và công an bạo hành. Nhưng bà Trang dự đoán mưu tính này sẽ thất bại.
“Nhiều người ủng hộ cô ấy”, bà Trang nói về blogger Quỳnh trong một cuộc phỏng vấn qua Messenger Facebook hôm thứ Ba. “Nhiều người trong họ sẽ thay thế cô ấy hay đi theo con đường của cô”.
Bà Trang trích dẫn từ một hãng tin cho biết nhà điều tra tìm thấy tài liệu có nội dung chỉ trích ứng phó của chính quyền trước sự việc một nhà máy thép Đài Loan thải hóa chất xuống biển miền Trung gây ra tình trạng cá chết hàng loạt. Đây được xem là thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại.
Mặc dù công ty thép Formosa đồng ý trả 500 triệu đô la Mỹ đền bù thiệt hại, nhiều người Việt Nam phản đối việc chính quyền đã giữ im lặng từ đầu trước nguyên nhân ô nhiễm và sau đó từ chối cung cấp đầy đủ chi tiết đúng đắn về tác động môi trường và sức khỏe. Vụ bê bối này làm dấy lên nỗi bất bình kéo dài nhiều tháng trời và làm nổ ra các cuộc biểu tình tại miền trung Việt Nam.
Năm 2009, bà Quỳnh từng bị giam giữ hơn một tuần sau bài viết về dự án khai thác bô-xit ở Tây Nguyên Việt Nam do một công ty Trung Quốc bỏ thầu. Tầm ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc là một đề tài chính trị nhạy cảm mà nhà nước Việt Nam gắng làm dịu đi. Bà không bị buộc tội vào thời điểm đó.
“Những gì đang diễn ra trong xã hội chúng tôi thật xấu xí”, bà Quỳnh phát biểu trong cuộc phỏng vấn vào năm 2014 với Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (Committee to Protect Journalists), một nhóm vận động tại New York. “Trang blog của tôi đặt ra câu hỏi: “Tại sao chúng ta phải đồng ý với chính phủ về mọi thứ? Tại sao ta không thể có ý kiến trái chiều?”.
Năm 2015, bà Quỳnh được trao giải “Người bảo vệ nhân quyền” của Civil Rights Defenders, một tổ chức vận động đóng tại Stockholm. Robert Hardh, giám đốc điều hành của tổ chức này, phát biểu vào hôm thứ Ba rằng ông rất buồn khi hay tin bà Quỳnh bị bắt giữ.
“Người ta thường vẽ ra bức tranh về Việt Nam như là một trong “những con hổ kinh tế” và đất nước du lịch”, ông Hardh nói qua cuộc phỏng vấn bằng điện thoại. “Nhưng thực tế thì, những người bảo vệ nhân quyền đang ở trong tình trạng thảm khốc”.
M. I.