Một bản án vô nhân đạo, bất nhân của những người có quyền (1)

Huyền Trang/GNsP phỏng vấn LS Trần Quốc Thuận

BVN đã đăng bản bào chữa rất công phu của LS lão thành Trần Quốc Thuận trong phiên xử của Tòa phúc thẩm Hà Nội ngày 22-9-2016, xét xử Anh Ba Sàm cùng đồng sự Nguyễn Thị Minh Thúy. Để bạn đọc hiểu rõ hơn nội dung và trình tự lập luận của bản bào chữa, xin xem thêm bài phỏng vấn ông Trần Quốc Thuận dưới đây, do nhà báo Huyền Trang, phóng viên GNsP thực hiện.

Bauxite Việt Nam

Trong cả hai cấp xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng không tìm ra được chứng cứ chứng minh ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy có hành vi vi phạm. Tuy nhiên, vào ngày 22.09.2016 tòa cấp phúc thẩm vẫn tuyên y án sơ thẩm, kết tội ông Vinh và bà Thúy 5 và 3 năm tù.

Điểm đặc biệt là, qua 5 lần điều tra bổ sung của Viện kiểm sát Tối cao nhưng “cáo trạng không thay đổi, vẫn chép lại y nguyên bản kết luận điều tra đầu tiên của Cơ quan Điều tra”, Luật sư (LS) Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, một trong những LS tham gia bào chữa cho ông Vinh, nhận xét.

LS Thuận cũng nhận định rằng, phiên tòa phúc thẩm vi phạm nghiêm trọng các quy định của “Hiến pháp 2013, Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS)”, quan trọng là “trái ngược với tinh thần của nền tư pháp”.

Sau khi khẳng định bản án kết án “oan sai”, LS Thuận bức xúc: “Tôi cũng là người trong đảng và nhà nước này nên tôi rất buồn, bởi vì ngành tư pháp lại làm theo những quyết định của những người làm bên ngoài ngành, những người có quyền lực ngầm nào đó để đưa ra bản án này thì rất là đau buồn”.

LS Thuận cũng trăn trở: “Người ta yêu cầu cho cô Thúy trở về nuôi con là mở ra một cửa hẹp để mong rằng quan tòa này còn có lương tâm và tình người, nhưng Tòa lại buộc tội người đã ly hôn chồng và có hai đứa con nhỏ là 9 tuổi (thời điểm bắt là 7 tuổi), sống bơ vơ, khổ sở ở dưới quê. Cho nên đây là một bản án vô nhân đạo, bất nhân của những người có quyền trong vụ án này”.

Để hiểu rõ hơn quá trình vi phạm thủ tục tố tụng hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến bản án “oan sai” cho Ông Nguyễn Hữu Vinh và Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, xin mời quý vị dõi theo cuộc phỏng vấn giữa PV Huyền Trang với LS Trần Quốc Thuận.

GNsP

 

Huyền Trang/GNsP: Xin kính chào LS Trần Quốc Thuận. Thưa LS, cộng đồng người Việt ở trong cũng như ngoài nước, quan tâm, dõi theo phiên tòa xét xử phúc thẩm ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy. Ông là một trong những người tham gia tố tụng, bào chữa cho ông Vinh và bà Thúy, ông có thể tường thuật bên trong phiên tòa diễn ra như thế nào ạ?

LS Trần Quốc Thuận: Một vài điểm cơ bản trong phiên tòa phúc thẩm Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy là ghi nhận kháng cáo vụ án kêu oan. Trong quá trình tranh luận, nổi cộm nhất là một vụ án mà muốn kết tội người ta thì phải có chứng cứ. Luật sư cũng như bị cáo nhiều lần yêu cầu tòa cũng như VKS đưa ra những chứng cứ nào để buộc tội ông Vinh và cô Thúy.[Nhưng] trong suốt phiên tòa diễn ra gần một ngày, rõ ràng VKS và Tòa án không chứng minh được những căn cứ nào hợp pháp để buộc tội cho ông Vinh và cô Thúy.

Một phiên tòa diễn ra như vậy hoàn toàn trái ngược với tinh thần của nền tư pháp, Hiến pháp 2013 và trái với quy định BLTTHS. Tức là nếu không có đủ chứng cứ và chứng cứ không thể buộc tội được thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải trả tự do và tuyên bố họ không phạm tội. Rõ ràng bản án không diễn ra theo hướng quy định của pháp luật mà diễn ra theo hướng áp đặt. Đây là một bản án của thời kỳ thế kỷ thứ 19 mà bây giờ là thế kỷ 21 rồi.

Huyền Trang/GNsP: Thưa LS, Luật quy định các tình tiết ra sao để có thể cấu thành tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” tại Điều 258 BLHS? Các tình tiết trong vụ án của ông Vinh và bà Thúy có đủ kết tội họ không?

LS Trần Quốc Thuận: Theo Điều luật 258 BLHS “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, thì người ta gọi đây là nhóm tội cấu thành vật chất. Tức là những hành vi có gây hại cho nhà nước, cho tổ chức, cho cá nhân thì mới cấu thành tội phạm.

Riêng vấn đề này LS đặt ra yêu cầu Tòa và Viện kiểm sát [VKS] cho biết có cơ quan nào của nhà nước, của tổ chức hay cá nhân nào nói [họ] bị thiệt hại hay không. Phải chăng chỉ có một mình ông Hoàng Kông Tư là Thủ trưởng Cơ quan Điều tra [lúc bấy giờ], bởi vì có một bài được xem là chứng cứ buộc tội trong 24 bài [được đăng tải] là bài “Ông trời con Hoàng Kông Tư vs. BBC Việt ngữ”.Vì nếu chỉ như thế thì hoàn toàn vi phạm tố tụng hình sự nghiêm trọng, bởi ông Hoàng Kông Tư không thể vừa là người bị hại vừa là Thủ trưởng Cơ quan Điều tra. Ngoài ra không có cơ quan, tổ chức nào của đảng và nhà nước nói rằng những bài báo đó đã gây hại cho ông Hoàng Kông Tư, để đề nghị truy tố, xét xử ông Vinh và bà Thúy nếu hai người này là chủ hai trang mạng [Chép Sử Việt và Dân Quyền].

Không có một chứng cứ nào để chứng minh được ông Vinh và bà Thúy là chủ hai trang mạng Dân Quyền và Chép Sử Việt. Đây là chứng cứ có ý nghĩa quyết định nhất, nhưng tòa không chứng minh được một cách hợp pháp. Cho nên [Cơ quan tiến hành tố tụng] chỉ thông qua các cơ quan bưu chính viễn thông như FPT, VDC, Vinaphone… để nói rằng ông Vinh đang ở trên giao diện của hai trang đó, tức là đang đọc tin, rồi có số điện thoại và email cài mật mã hai lớp để vào được hai trang đó thì nói như thế không thể chấp nhận được. Bởi vì, trên dao diện đó có 3.200.000 người đọc trang mạng này thì như vậy cả 3.200.000 [bạn đọc] này vào tù chứ đâu chỉ bắt ông Vinh và bà Thúy thôi. Nếu họ là chủ hai trang Blog này thì phải là người đưa bài lên, sửa bài, đưa bài xuống… nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng lại không chứng minh được và nói là “do bị cáo không khai, nên không xác minh được”. Cho nên có rất nhiều điều oái ăm trong vụ án này.

clip_image002[4]

Luật sư Trần Quốc Thuận và bà Lê Thị Minh Hà sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, vào ngày 23.05.2016.

Huyền Trang/GNsP: Thưa LS, VKS cũng như HĐXX đã phản ứng ra sao trước những lời phát biểu tranh tụng của LS?

LS Trần Quốc Thuận: Cuối cùng những lời tranh tụng của các LS, VKS không trả lời được mà lại kết luận càn rằng ông Vinh và cô Thúy là chủ hai trang mạng nhưng VKS không chứng minh được. Khi ông Vinh và cô Thúy bị bắt khẩn cấp vào ngày 05.05.2014 thì đến ngày 14.05.2014 mới có phê chuẩn của VKS. Như vậy, có 8 ngày giam trái luật, nhưng VKS lại bảo rằng việc trái luật đó không sao. Rõ ràng, VKS không làm theo chức năng kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử. Kể cả phiên tòa sơ thẩm, tòa Hà Nội đưa vào những chứng cứ vu vơ trong nhật ký với 8 trang đánh máy, cho nên chúng tôi gọi đó là chứng cứ lậu, chứng cứ không hợp pháp, [tuy nhiên] VNK cũng không kháng nghị hay bác bỏ vì vậy VKS đã không thực hiện đúng nhiệm vụ là kiểm sát điều tra, kiểm sát hình sự.

Như vậy, qua 5 lần điều tra bổ sung của VKS tối cao nhưng Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an đều không đáp ứng được, nhưng Cáo trạng không thay đổi, vẫn chép lại y nguyên Bản Kết luận điều tra đầu tiên của CQĐT. Từ giai đoạn điều tra, truy tố đến khi xét xử đều sao chép Kết luận điều tra của CQĐT. Như thế tính chất độc lập của VKS ở đâu?

Huyền Trang/GNsP: Thưa LS, ông nhận xét như thế nào về bản án tòa phúc thẩm đã tuyên cho ông Vinh và bà Thúy trong phiên tòa phúc thẩm hôm nay?

LS Trần Quốc Thuận: Bản án này tiếp tục buộc tội ông Vinh và bà Thúy không có chứng cứ phạm tội, gây ra oan sai cho họ. Người ta yêu cầu cho cô Thúy trở về nuôi con là mở ra một cửa hẹp để mong rằng quan tòa này còn có lương tâm và tình người, nhưng Tòa lại buộc tội người đã ly hồn chồng và có hai đứa con nhỏ là 9 tuổi (thời điểm bắt là 7 tuổi) sống bơ vơ, khổ sở ở dưới quê. Cho nên đây là một bản án vô nhân đạo, bất nhân của những người có quyền trong vụ án này.

Huyền Trang/GNsP: Thưa LS, điều ông suy nghĩ nhiều nhất sau phiên tòa này là gì? Và với tư cách là LS, ông có ý kiến như thế nào dành cho những người có quan điểm trái với nhà nước, diễn đạt cách ôn hòa?

LS Trần Quốc Thuận: Tôi cũng là người trong đảng và nhà nước này nên tôi rất buồn, bởi vì ngành tư pháp lại làm theo những quyết định của những người làm bên ngoài ngành, những người có quyền lực ngầm nào đó để đưa ra bản án này thì rất là đau buồn.

Về các trang mạng vừa qua tôi theo dõi thấy ông Bí thư của Hà Giang, Thanh Hóa và một vài nơi khác đã lên tiếng khi các trang mạng khác nói về họ. Tôi cho rằng đó là dấu hiệu tốt. Tất cả những gì trang mạng đưa tin nếu là vu khống, bịa đặt thì có thể bị khởi kiện ra tòa để đòi bồi thường, còn nếu đưa tin xác đáng những chứng cứ này chứng cứ kia và yêu cầu giải trình thì họ đã trả lời. Đó là dấu hiệu tích cực của dân chủ.

Huyền Trang/GNsP: Xin chân thành cám ơn LS Trần Quốc Thuận và xin kính chúc sức khỏe ông.

H.T.

Nguồn: http://www.tinmungchonguoingheo.com/blog/2016/09/24/ls-tran-quoc-thuan-khong-co-chung-cu-buoc-toi-anh-ba-sam/

This entry was posted in Nhân Quyền. Bookmark the permalink.