Xin chọn đăng dưới đây 5 bài viết trên báo chí nhà nước và trên Facebook trong vài ngày nay phản ánh tiếng nói bức bối của công luận trước hiện tượng “một người làm quan cả họ lên quan” dưới chế độ cộng sản Việt Nam, đã đến mức phổ cập từ xã, huyện, tỉnh đến cả các cơ quan trung ương. Đầu đề chung do BVN đặt, mượn lời chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và GS Trần Đình Sử. Về quan điểm và phong cách ngôn từ, BVN tôn trọng sự biểu đạt riêng của mỗi người. Bauxite Việt Nam |
1. ‘Ông Bí thư Tỉnh đã quyết không bổ nhiệm thì ai dám trái ý?’
Tuệ Minh
268
Bà Phạm Chi Lan – nguyên Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Ảnh: zing.vn)
Theo bà Phạm Chi Lan, nếu ông Bí thư Tỉnh mà quyết không để cấp dưới bổ nhiệm người thân trong gia đình của mình làm lãnh đạo thì có ai dám trái ý?
Những thông tin về Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang Triệu Tài Vinh và 8 người thân làm quan chức trong tỉnh này đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên cũng như hi hữu ở Việt Nam về việc nhiều người trong một gia đình, trong một dòng họ cùng làm quan chức ở tỉnh, thậm chí cùng một huyện. Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Chi Lan – nguyên Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có những kiến giải lý thú về việc này.
“Chọn người tài chứ không phải chọn người nhà”
PV: Bà có suy nghĩ như thế nào về hiện tượng một gia đình có nhiều người cùng làm cán bộ trong tỉnh thậm chí là một huyện như báo chí đa nêu?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ câu nói của người xưa thì chắc chắn ngày xưa đã xảy ra như vậy rồi nhưng bây giờ dường như nó đang trở lại rất mạnh mẽ. Bằng chứng là người ta nói đến rất nhiều và báo chí cũng đã đưa ra quá nhiều dẫn chứng. Nhiều đến mức, Thủ tướng cũng phải nói là “chọn người tài chứ không phải chọn người nhà”.
Khi Thủ tướng nói câu ấy thì tôi hiểu rằng tình trạng chọn người nhà đã có nhiều rồi nên ông phải nhắc nhở quan tâm chọn người tài.
Còn về chuyện quy trình thì tất cả quy trình đều nằm trong tay những người có quyền quyết định hết mà. Bao giờ chả đúng quy trình. Đúng quy trình thì vẫn có những Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh… Chưa kể đúng quy trình còn có con ông nguyên Bộ trưởng.
Đáng lẽ tình trạng diễn ra như vậy thì bản thân những người có quyền quyết định về mặt nhân sự dứt khoát phải rà soát lại toàn bộ quy trình đó, nhất là sau vụ Dương Chí Dũng. Nếu thấy những khâu không đúng thì phải bỏ đi và nhất là phải minh bạch hoá việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ.
Xảy ra bao nhiêu chuyện mà rồi vẫn cứ nói ráo hoảnh với nhau là “đúng quy trình” thì nó thành một thứ mà nói như TS Nguyễn Đình Cung đó là sự trơ trẽn.
Dùng cụm từ “đúng quy trình” để đổ lỗi cho một hệ thống. Đó là một sự đổ vấy cho cả một hệ thống.
Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang Triệu Tài Vinh (Ảnh: Báo Hà Giang)
PV: Thưa bà, trước đây vua Lê Thánh Tông đã đưa ra Luật Hồi tỵ để tránh việc những người thân bổ nhiệm lẫn nhau trong bộ máy chính quyền, tránh xảy ra việc tham ô… Phải chăng chúng ta cần phải tham khảo biện pháp này?
Bà Phạm Chi Lan: Việc phải học người xưa là đúng rồi. Các thời vua xưa đã có không ít việc làm rất hay mà lịch sử còn lưu truyền lại. Rõ ràng những quy định đó có sức sống lâu như thế nào thì mới được truyền tụng, lưu trong dân. Điều đó phải học đã đành rồi, nhưng thực tế ở luật pháp các nước xung quanh có biết bao nhiêu quy định hay mà mình hoàn toàn có thể học được.
Suốt từ ngày cải cách đến giờ, không biết bao nhiêu sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để học hỏi xây dựng hệ thống, thể chế như thế nào, các vấn đề về bộ máy hành chính Nhà nước như thế nào… Tất cả đều có hết rồi.
Ngay cả việc chống tham nhũng thì các bác bây giờ cũng luôn nói là phải làm thế nào để cho cơ chế không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng… Chúng ta làm chưa hiệu quả.
Tôi nghĩ rằng, việc học hoàn toàn không khó, vấn đề là có chịu học hay không. Mà ở đây rõ ràng quyền bổ nhiệm cán bộ là quyền của một số ít, chứ không phải số nhiều người.
Những người có chức năng cũng hay xem, “soi” lý lịch những cán bộ được bổ nhiệm nên không thể nói là không biết ông này là con của ông kia, là cháu của người khác.
Nếu một hệ thống chỉ xem xét tài năng kiểu như kinh doanh thì còn có thể nói là không biết rõ lý lịch… chứ còn tuyển dụng, bổ nhiệm thì họ thừa biết lý lịch của từng người.
Vậy mà vẫn có những việc như vậy thì tôi nghĩ đó là sự tự buông lỏng, tự tha cho nhau.
Bổ nhiệm người thân thì bản thân cũng khó làm việc
PV: Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, ông Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang cũng đã nói rằng, khi những người thân của ông được đề cập đến trong việc bổ nhiệm, ông đã gạt đi. Tuy nhiên, cho đến nay, một số người đó vẫn đang ngồi ở những vị trí như trước đó đã được xem xét. Bà có tin cấp dưới của ông Bí thư Tỉnh Hà Giang đã cố tình không làm đúng tinh thần của Bí thư?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi không tin thế. Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang thực sự không muốn những người thân của mình được bổ nhiệm thì đã dứt khoát không chấp nhận. Hoặc ông ấy sẽ yêu cầu người thân của mình đi về các tỉnh khác mà ứng cử hoặc làm việc. Trong việc này, nếu Bí thư Tỉnh đã kiên quyết thì có ai dám trái ý?
PV: Nếu bà ở vào vị trí người đứng đầu một tỉnh như Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang thì bà ứng xử như thế nào trong trường hợp những người thân của mình được bổ nhiệm?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi dứt khoát không chấp nhận. Tôi có quyền từ chối chứ. Mà đây là lý do chính đáng: Như vậy tôi sẽ rất khó làm việc mà bản thân người được bổ nhiệm cũng khó làm việc. Cả cơ quan, cả đơn vị cũng khó làm việc. Uy tín của tỉnh uỷ sẽ mất đi chứ không chỉ có uy tín cá nhân tôi.
PV: Vẫn giả sử bà là người đứng đầu một tỉnh nhưng nếu những người thân của bà là những người có tài thực sự, có thể đảm đương được công việc ở vị trí cao hơn thì sao, thưa bà?
Bà Phạm Chi Lan: Có tài thực sự thì hoàn toàn có thể thi thố tài ở chỗ khác chứ không nhất thiết phải vào các vị trí lãnh đạo ngay trong bộ máy của tôi đứng đầu.
Nếu có tài thì người ta đã có thể xông pha đi làm việc ở chỗ khác được. Đất nước rộng lớn chứ đâu chỉ có tỉnh Hà Giang hay chỉ có nơi tôi làm lãnh đạo mà cứ phải bám vào đó?
Xin cám ơn bà!
T.M.
Nguồn: http://baomoi.press/ong-bi-thu-tinh-da-quyet-khong-bo-nhiem-thi-ai-dam-trai-y.html
2. Tướng Thước: ‘Người thân Bí thư Hà Giang nếu thực sự giỏi thì nên thi thố ở nơi khác’
Trí Lâm
Tướng Thước đã lên tiếng rồi đây. Nhưng nếu như lời Tướng Thước nói, thì đi nơi khác thi thố, những người tài của dòng họ Triệu Tài Vinh làm sao còn trụ nổi, hay lại bẹp dí thành… dân đen thôi?
Ta về ta bám tỉnh ta
Dù đầy tai tiếng, tỉnh nhà vẫn hơn
Tỉnh nhà có cả Nồi cơm
Cả Quyền – cả Lực vẫn hơn tỉnh ngoài
Kim Dung
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4
Theo trung tướng Nguyễn Quốc Thước, những người là thân nhân, họ hàng ông Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh mà giỏi thực sự thì nên thi thố, vươn lên ở địa phương khác, chứ nếu được bổ nhiệm ở nơi người thân mình làm lãnh đạo tỉnh thì không nên, người dân cũng không phục, dư luận cũng dễ xôn xao.
Liên quan đến dư luận về việc hàng loạt vị trí lãnh đạo tại tỉnh Hà Giang có mối quan hệ ruột thịt, họ hàng với Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh, trao đổi với báo chí, ông Triệu Tài Vinh đã xác nhận thông tin này và cho biết trong số đó có 2 trường hợp là người cùng quê nhưng không có quan hệ họ hàng.
Cụ thể, bà Phạm Thị Hà – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, là vợ ông Vinh; ông Triệu Tài Phong – Bí thư Huyện ủy Quang Bình là em trai ông Vinh; ông Triệu Sơn An – Phó chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì là em trai ông Vinh (không phải Triệu Tài An như thông tin trên mạng); ông Triệu Tài Tân – Phó phòng Hành chính, Viễn thông tỉnh Hà Giang, là em trai ông Vinh (không phải là Phó giám đốc Viễn thông Hà Giang như thông tin trên mạng); bà Triệu Thị Giang – Phó phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Hà Giang, là em gái ông Vinh (không phải được đề bạt lên Phó giám đốc sở như thông tin trên mạng); ông Mạc Văn Cường (chồng bà Giang, em rể ông Vinh) – Phó trưởng Công an TP.Hà Giang; ông Triệu Là Pham (anh họ ông Vinh) – Phó ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Giang; bà Triệu Thị Tình (em họ ông Vinh) – Phó giám đốc phụ trách Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Hà Giang.
Ông Vinh khẳng định quy trình bổ nhiệm đối với những người này đều tuân theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước và thực tế, cá nhân ông không chỉ đạo bổ nhiệm người nhà và cũng “không cảm thấy vui khi những người trong gia đình mình được bầu, bổ nhiệm làm lãnh đạo”.
Nói về việc này với báo điện tử Một thế giới, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng việc bổ nhiệm hàng loạt người thân vào các vị trí lãnh đạo trong địa phương mình lãnh đạo là không nên. Nếu những người đó làm việc không ra gì, không hiệu quả, thăng tiến chỉ vì là người nhà của lãnh đạo thì càng không thể chấp nhận được. Nếu ai cũng đưa người nhà vào bộ máy để mà trục lợi thì đi ngược lại với chỉ đạo của Thủ tướng “tìm người tài chứ không tìm người nhà”.
Theo tướng Nguyễn Quốc Thước, thời xưa, vua Lê Thánh Tông đã ban hành Luật Hồi tỵ để ngăn chặn việc bổ nhiệm người nhà, người thân làm quan tại địa phương mình công tác. Những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè đồng môn, thậm chí cùng làng với nhau thì không được làm quan cùng một nơi. Ông quan đó cũng không được lấy vợ, nạp thiếp [mua đất xây nhà – BVN] ở nơi mình làm quan, không được cai trị ở một địa phương quá lâu, không được cai trị ở địa phương mình xuất thân… Nếu vô tình gặp những trường hợp nói trên thì phải tâu báo lên triều đình và các cơ quan chức năng để bố trí chuyển công tác.
“Một vị vua anh minh, trị vì tới 38 năm đã quy định tránh đưa người thân vào để làm hỏng bộ máy nhà nước, chúng ta cần phải học tập quan điểm đó. Xã hội này không thiếu gì người giỏi để mà nhất thiết phải bổ nhiệm hàng loạt người thân của mình vào các vị trí công tác cao trong bộ máy chính quyền do mình đứng đầu” – tướng Thước nói.
Chia sẻ thêm về điều này, tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng con cháu ông Bí thư Hà Giang mà giỏi thực sự thì có thể thi thố, vươn lên ở địa phương khác, chứ được bổ nhiệm ở nơi người thân mình làm lãnh đạo tỉnh thì không nên, người dân cũng không phục.
Lên tiếng trả lời báo chí, ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho rằng việc bổ nhiệm là theo ý kiến của tập thể, cá nhân ông Vinh cũng đã phản đối việc bổ nhiệm này.
Tuy nhiên, theo tướng Nguyễn Quốc Thước, nếu ông Bí thư đã muốn gạt ra thì ông phải quyết liệt từ đầu, nghĩ vậy thì phải làm vậy. Nhiều khi, cán bộ cấp dưới cũng muốn nịnh bợ cấp trên, cho nên người lãnh đạo phải tỉnh táo và quyết liệt, công tâm và sáng suốt.
Còn theo chuyên gia Phạm Chi Lan, tình trạng bổ nhiệm người thân vào các vị trí lãnh đạo khá nhiều, đến mức gần đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phải lên tiếng nhấn mạnh trong công tác cán bộ phải “chọn người tài chứ không chọn người nhà”.
Nói về câu chuyện “đúng quy trình”, bà Phạm Chi Lan cho rằng quy trình đều nằm trong tay những người có thẩm quyền, nếu quy trình đúng mà dẫn đến sai sót thì phải xem lại, điều chỉnh cái quy trình đó cho chặt chẽ hơn chứ không phải dùng để biện minh cho những sai sót.
T.L.
(Theo Một thế giới)
3. Chọn người tài hay gài người nhà?
Nếu dòng họ ấy không có một ông làm chức cao thì những người kia có được qui hoạch, đề bạt hay không?
Thời gian qua trên báo chí liên tục thông tin về những “dòng họ làm quan” ở một số địa phương. Đáng lưu ý, tất cả các vị trí, chức vụ khi được bổ nhiệm đều rất đúng qui trình. Đúng qui trình nhưng tại sao lại trở thành “tâm bão” dư luận, lại khiến nhiều người bức xúc, bức bối, nghi ngờ. Nhiều người nhà cùng làm quan thì liệu trong làm việc có “chí công vô tư” và ai là người kiểm tra “năng lực, hiệu quả làm việc” của những người này? Và mấu chốt là nếu dòng họ ấy không có một ông làm chức cao thì những người kia có được qui hoạch, đề bạt hay không?
Dư luận cũng đang ồn ào quanh việc nhiều người nhà của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang được đề bạt các chức vụ quan trọng trong tỉnh.
Còn nhớ, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt nhấn mạnh về công tác cán bộ: “Chúng ta tìm người tài, chứ không tìm người nhà”. Vậy thực tế, chúng ta đang tìm người nhà hay người tài?
Trở lại thực tế, nhiều con em, họ hàng của những người làm quan to đều được đề bạt, cất nhắc đúng qui trình, vậy qui trình ấy là gì mà có uy lực lớn đến vậy? Phải chăng quy trình chính là cái áo chống đạn mà người ta thường dùng khi xảy ra sự cố? Qui trình ấy khiến một người có thể thao túng được cả một hệ thống. Khi dư luận “sờ” đến yêu cầu giải thích rõ việc bổ nhiệm anh em, họ hàng thì qui trình đó được họ giải trình rất hợp lý, không bắt bẻ vào đâu được.
Quy định, qui trình đã có, khi thấy có điều “gợn” trong công tác cán bộ, dù được giải thích là đúng qui trình nhưng người ngoài nhìn vào vẫn thấy nó nực cười và lộ rõ lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ ở đây. Giả sử, ông A, chị B không phải là em ruột, là họ hàng thân thích của lãnh đạo X, Y… thì có được cất nhắc, đề bạt vào những vị trí chủ chốt hay không? Hay nếu đằng thẳng thì những người này chỉ muôn đời là nhân viên quèn không hơn?
Nhìn vào cái qui trình “thần thánh” kia thì những kẻ “thân cô thế cô” dù có tài năng, có chuyên môn vững vàng cũng khó mơ một ngày nào đó mình được để mắt tới.
Câu chuyện về cả họ làm quan ở Mỹ Đức (Hà Nội) đã từng gây tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo giới và dư luận cũng mong muốn đi tới tận cùng sự thật. Và sự thật đã được Thành ủy Hà Nội làm rõ rằng: ở huyện Mỹ Đức có gần 10 người quan hệ họ hàng là do… ngẫu nhiên. Tuy nhiên, việc này cũng thiếu thận trọng và gây dư luận cho rằng không khách quan. Thành ủy yêu cầu huyện Mỹ Đức nghiêm túc kiểm điểm lãnh đạo huyện; nghiêm túc kiểm điểm việc điều động, bố trí cán bộ, gây tư tưởng chưa tốt cho cán bộ đảng viên; xử lý lại chưa kịp thời.
“Kiểm điểm nghiêm túc” là như thế nào? Sao khó hình dung đến vậy? Dư luận đang hướng đến vụ việc Trịnh Xuân Thanh, trong đó có một phần liên quan đến việc điều động, bổ nhiệm cán bộ; trường hợp nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng khi còn đương chức đã bổ nhiệm con trai làm lãnh đạo doanh nghiệp do Bộ Công thương trực tiếp quản lý. Và những vụ việc này, bổ nhiệm cán bộ cũng rất đúng qui trình đấy thôi.
Sau hàng loạt vụ việc, có thể thấy một điều, những người làm công tác cán bộ khi đã chủ ý đưa con em, họ hàng thân thích của một vị quan chức nào lên thì họ sẽ bám rất sát qui trình. Và hệ quả là gì? Dễ thấy nhất là giảm niềm tin của dân với hệ thống công quyền, chất lượng đội ngũ cán bộ suy yếu về năng lực, phẩm chất, những người tài thì không muốn lên tiếng. Rốt cuộc cái quy trình nể nang và quan hệ như hiện nay sẽ đưa đất nước về đâu?
Đảng, Nhà nước đã thể hiện quyết tâm đấu tranh phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thực thi công vụ. Nhưng, công cuộc này có thành công hay không thì vai trò nêu gương của người đứng đầu rất quan trọng. Cùng với đó là việc minh bạch, cạnh tranh trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Nếu lãnh đạo cơ quan, đơn vị nói không với việc bổ nhiệm cán bộ theo kiểu “quan hệ, tiền tệ” thì cấp dưới sẽ chắc chắn sẽ không dám làm bừa. Còn nếu vẫn có chuyện ông bí thư này, bà chủ tịch nọ bổ nhiệm em ruột hay em họ, cháu con như đang xảy ra ở một số địa phương thì công tác cán bộ sẽ còn dài dài chưa chắc có chuyển biến. Chúng ta cũng phải nghiêm túc xem xét lại qui trình bổ nhiệm cán bộ hiện nay đang “lỗi” ở đâu để kịp thời điều chỉnh, tránh những sự việc đáng tiếc như thời gian vừa qua.
(Theo VOV)
Nguồn: http://truongsahoangsa.info/chon-nguoi-tai-hay-gai-nguoi-nha.html
4. Cả họ làm quan, đúng quy trình, dân vẫn thấy kỳ kỳ
Mấy ngày nay, mạng xã hội lan truyền với tốc độ chóng mặt về danh sách người nhà của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang – Triệu Tài Vinh – đang giữ chức vụ đầu, phó ngành, huyện ở tỉnh nhà. Ngay lập tức, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang – ông Triệu Tài Vinh đã trả lời với báo chí là: Tôi cũng không vui khi nhiều người nhà làm lãnh đạo.
Trên cương vị của Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên TƯ Đảng, tôi tin ông nói thật: Quy trình bổ nhiệm với những người này đều tuân thủ đúng quy định của Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt đối với cán bộ công chức, lại ở cương vị lãnh đạo thì không mấy ai lại “đốt cháy giai đoạn” của quy trình đề bạt, quy trình bổ nhiệm… nhất lại là ở những cương vị đứng đầu hoặc phó như người nhà của Bí thư Vinh.
Hà Giang là tỉnh địa đầu của đất nước. Ai cũng biết Hà Giang là tỉnh nghèo, không phải mấy ai có trình độ học vấn cũng muốn về Hà Giang công tác. Vậy nên, Hà Giang cũng không thoát khỏi cảnh “đốt đuốc đi tìm người tài”.
Ông Trương Văn An, Bí thư Đảng ủy xã Hạ Sơn. Ảnh: Hải Bình/Vnexpress
Chia sẻ “Tôi cũng không vui” của Bí thư Vinh, bất chợt tôi nhớ đến câu chuyện ở miền núi heo hút của huyện Quỳ Hợp (Nghệ An). Đó là xã Hạ Sơn.
Hạ Sơn bỗng nổi tiếng cả nước khi có tới 12 người có liên quan họ hàng làm việc trong bộ máy chính quyền xã. Ví như Bí thư Đảng ủy xã thì có em rể là Chủ tịch xã; Phó chủ tịch lại gọi Chủ tịch xã là cậu ruột, còn lại 9 vị trong bộ máy chính quyền xã đều là họ hàng, thân thuộc không chỉ với bí thư, chủ tịch…
Lời trần tình của ông Lê Văn Thanh – Chủ tịch xã Hạ Sơn, tôi cũng tin là rất thật. Ông nói không văn hoa, không kiểu rào trước, đón sau: Chuyện này diễn ra có tính lịch sử từ cha ông để lại, từ cái thời vốn xã này mới chỉ có hơn 100 hộ dân. Cả xã nghiễm nhiên trở thành thông gia, quan hệ gia đình thân thiết với nhau tạo nên một đội ngũ lãnh đạo mà dư luận gọi là họ hàng hôm nay.
Trụ sở UBND xã Hạ Sơn. Ảnh: Việt Hương / Tiền Phong
Bí thư xã Hạ Sơn, ông Trương Văn An cho hay, cơ cấu cán bộ xã được thực hiện dân chủ, công khai đúng quy trình, dựa trên năng lực cá nhân. Được biết bố ông An từng là Bí thư, Chủ tịch xã nhiều năm.
Đặc thù của xã Hạ Sơn có tới 90% dân tộc Thổ, trình độ văn hóa của bà con thấp, ít người được học hành. Con cái họ hàng dòng họ này có điều kiện kinh tế nên được học hành. Học xong lại về xã làm việc nên mới dẫn đến chuyện cả họ làm quan.
Vì hiếm nhân sự, vì thiếu người có học vấn, nên việc cả họ làm quan ở xã Hạ Sơn… là chuyện bình thường. Cho dù trong công việc, dân thấy cả họ cán bộ xã đều làm tốt, chưa điều tiếng gì. Nhưng cả người dân và cán bộ huyện khi được hỏi cũng đều thừa nhận là thấy… kỳ kỳ.
Điểm lại những vụ “gia đình làm quan” thì đều nhận được câu trả lời là đúng quy trình, được tín nhiệm, như vụ chồng Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ký tờ trình quy hoạch vợ làm Cục phó Cục Thuế. Chị gái là Chủ tịch tỉnh Yên Bái ký quyết định bổ nhiệm em trai làm Giám đốc Sở TN-MT tỉnh…
Hễ thấy một lãnh đạo trẻ bổ nhiệm nhận chức to to, tìm lý lịch thì biết là con của nguyên bí thư này, nguyên chủ tịch kia. Dư luận đã từng sửng sốt khi một Cử nhân vừa chân ướt chân ráo rời giảng đường đại học… bỗng ngồi ở ghế Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp lớn, khi tròn 24 tuổi. Và không đầy hai tháng sau, chắc ông bố đã phải tác động để cô âm thầm rời ghế vì áp lực dư luận.
“Con ông cháu cha”, hay “con các cụ cả” không phải đến thời bây giờ mới xuất hiện? nhưng có điều là ngày xưa chỉ “thưa thớt” chứ không “nở rộ trăm hoa” như thời điểm này. Không có chuyện “cả họ làm quan”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: Tuyển cán bộ để tìm người tài chứ không phải người nhà”. Nhưng thực tế nhiều địa phương, ban, ngành đã chứng minh “người nhà đều là người tài”. Dẫu họ có giỏi, có tài thì chuyện “cả họ làm quan” ở cùng “một nhà” cũng để lại điều tiếng, đâu phải là hay.
Bí thư Tài Vinh không thấy vui là phải.
Nguồn: http://thoibao.today/paper/ca-ho-lam-quan-dung-quy-trinh-dan-van-thay-ky-ky-1093529
5. Bám chắc vào nhau vì quyền lợi cho đến khi cùng chết chùm!
Sau khi báo chí nhà nước lẫn trên mạng xã hội có những bài viết, ý kiến thắc mắc, bức xúc trước việc gia đình Bí thư tỉnh ủy Hà Giang, ông Triệu Tài Vinh, có đến 8 người bao gồm vợ, em trai, em gái, em rể, họ hàng, đang giữ những vị trí lãnh đạo tại các ban, sở, ngành khác nhau của tỉnh, ông Trịnh Tài Vinh bèn lên tiếng cho biết việc bổ nhiệm người thân của ông là… đúng quy trình! (“Bí thư Hà Giang: Những người thân của tôi được bổ nhiệm đúng quy trình”, VietnamNet). Thậm chí ông còn trần tình bản thân mình không cảm thấy vui và đã từng có ý kiến phản đối khi người thân được bổ nhiệm vào vị trí này vị trí kia, nhưng vì không tìm được người nên đành phải… chấp nhận.
Báo chí cũng cho biết, ông Triệu Tài Vinh là con trai của ông Triệu Đức Thanh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.
Dù ông Triệu Tài Vinh có trần tình, giải thích gì đi nữa, và rằng mọi việc đều… đúng quy trình thì người dân cũng chả muốn tin. Lòng tin của hầu hết người dân vào đảng, nhà nước cộng sản cũng như các quan chức, cán bộ ở xứ này đã cạn kiệt từ lâu!
(Nhân tiện, cụm từ “đúng quy trình” gần đây đã trở thành một cụm từ quen thuộc đến phát ngấy, được các quan to quan nhỏ của VN dùng để bao biện cho mọi sai trái, khuất tất trong mọi lĩnh vực).
Thật ra cái chuyện cha làm quan con cũng làm quan, hay một người làm quan cả họ được nhờ không phải mới mẻ gì trong chế độ độc tài do đảng cộng sản lãnh đạo lâu nay ở VN. Ngay với ông Hồ Chí Minh thì dư luận đã râm ran từ lâu về việc cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh là con rơi của ông Hồ, nên dù tầm nhìn tư duy cho tới tài năng kiến thức rất kém vẫn được đưa vào ngồi ở nhiều vị trí quan chức, trước khi là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam (1992-2001) và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2001-2011).
Và nếu nhìn lại suốt hơn 70 năm độc quyền lãnh đạo, thì việc con cái, người thân của các quan chức trong chế độ cộng sản ở VN luôn luôn được hưởng những ưu tiên hơn người dân bình thường. Thời chiến tranh khi con cái người dân phải ra trận thì con cái các lãnh đạo thường được đưa sang Liên Xô và các nước XHCN anh em học tập, hoặc cũng được bổ nhiệm vào chỗ này chỗ kia. Nhưng thời đó khoảng cách giàu nghèo trong xã hội miền Bắc còn chưa lớn và các quan chức chính khách cũng chưa dám nâng đỡ con em, người thân của mình một cách lộ liễu, công khai như bây giờ.
Mới đây nhất, bên cạnh vụ việc của gia đình ông Trịnh Tài Vinh là vụ “Cục trưởng Cục thuế đề nghị quy hoạch vợ làm cục phó” (Tuổi trẻ) ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Chủ tịch Yên Bái bổ nhiệm em ruột làm Giám đốc Sở TN-MT (“Chủ tịch Yên Bái nói gì về việc em ruột làm giám đốc Sở TN&MT?” – Doanh nghiệp VN), Bà Nguyễn Vân Chi, phu nhân Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, một trong 5 ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội khoá 14, vừa được phê chuẩn giữ chức Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách (“Phu nhân Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính” – VNExpress)…
Đến mức tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải đặt vấn đề về công tác cán bộ, yêu cầu “tìm người tài chứ không tìm người nhà” và một cử tri lão thành đã phải bức xúc lên tiếng “Thưa đồng chí, trên toàn quốc có hiện tượng tìm người nhà” (Tuổi trẻ).
Tất nhiên ông Thủ tướng nói là nói vậy thôi, chứ cái hiện tượng cha truyền con nối làm quan cũng như các căn bệnh trầm kha khác của chế độ này làm sao mà chấm dứt được.
Từ sau khi hội nghị lần thứ XI của đảng cộng sản VN năm 2011 kết thúc, một số tờ báo và diễn đàn đã có những bài viết nhận xét về truyền thống đưa người thân con cái vào bộ máy cầm quyền như bài “Truyền thống gia đình trong Đảng” –BBC.
Đó là vì sự kiện một số nhân vật được gọi là “hạt giống đỏ” được bầu vào Ban chấp hành lần này, trong đó “có ông Nguyễn Thanh Nghị (ủy viên dự khuyết), con trai của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; ông Nông Quốc Tuấn, con trai của Tổng Bí thư khóa X Nông Đức Mạnh; ông Nguyễn Chí Vịnh, con trai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; ông Phạm Bình Minh, con trai cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch; ông Nguyễn Xuân Anh (ủy viên dự khuyết), con trai ủy viên Bộ Chính trị khóa X Nguyễn Văn Chi; ông Trần Sỹ Thanh (ủy viên dự khuyết), cháu ông Nguyễn Sinh Hùng và bà Nguyễn Thị Kim Tiến, cháu ngoại cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (trúng cử từ khóa X) v.v…”
Người ta còn gọi họ, các “hạt giống đỏ”, bằng cái tên “thái tử đảng”. Không biết cụm từ này ở đâu ra, nhưng trong các đảng cộng sản còn lại đang nắm quyền trên thế giới thì đều có hiện tượng này. Ví dụ ở Cu Ba, ông Raúl Castro, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cu Ba, là em trai của cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro. Ở Bắc Hàn, cả gia đình Kim Il-sung, Kim Jong-il, Kim Jong-un kế tục nhau lãnh đạo [cai trị – BVN] đất nước. Ở Trung Quốc, hiện tượng này tràn ngập, bản thân Tập Cận Bình, hiện là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và một vài chức vụ tối cao khác, là con trai cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Tập Trọng Huân.
Có nghĩa là các đảng cộng sản cũng cha truyền con nối giống như ở trong chế độ phong kiến vậy.
Còn nói về đảng cộng sản VN, người ta nhận thấy đảng cộng sản và cả cái chế độ ở VN bây giờ hoàn toàn khác xa với đảng cộng sản thời mới ra đời, hay thời trước 1975 ở miền Bắc, lại càng khác xa với cái mô hình chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản lý tưởng chỉ có trong trí tưởng tượng của mấy ông Karl Marx, Engel. Nó chẳng khác nào một cái nồi lẩu thập cẩm trong đó bao gồm rất nhiều món trộn lại với nhau, từ chế độ phong kiến, chế độ tư bản, chế độ cộng sản kiểu Liên Xô và cả chế độ phát xít, chưa kể cái chất mafia. Nhưng tiếc thay lại chỉ toàn học theo những cái xấu cái dở của từng chế độ/chủ nghĩa ra đời trước đó mà lại không học được những cái hay!
Ví dụ như với chế độ phong kiến, đảng cộng sản VN đã giữ lại cái tính cha truyền con nối như trên vừa kể và rất nhiều cái dở khác. Bề ngoài thì nói nhân dân là chủ, quan là đầy tớ của dân nhưng thực chất luôn luôn nhồi nhét vào đầu người dân cái ý tưởng quan là cha mẹ, dân là con cái trong nhà. Người dân khi nói về nội bộ đảng cũng hay dùng những từ vừa mỉa mai vừa bỡn cợt như “cung đình Hà Nội”, gọi bốn vị trí cao nhất là “tứ trụ cung đình”, con trai con gái dâu rể các ông Tổng bí thư, Thủ tướng là hoàng tử, công chúa, phò mã, v.v…
Cũng như chế độ phong kiến coi Vua như trời, luôn luôn đề cao tư tưởng trung quân, đảng dạy người dân phải coi đảng lớn hơn cả đất nước, trong mọi cuộc diễu hành diễu binh cờ đảng luôn đi trước cờ Tổ quốc, trong mọi khẩu hiệu thì “Mừng đảng mừng xuân mừng đất nước” – đảng đi trước cả mùa xuân lẫn đất nước! Và đảng gắn liền với đất nước. Yêu Tổ quốc tức là yêu đảng, yêu chủ nghĩa xã hội. Chống lại đảng là chống lại cả đất nước!
Đảng cũng học theo chế độ tư bản, làm ăn theo kiểu kinh tế thị trường nhưng chỉ biết chạy theo con số tăng trưởng mà không nghĩ đến hiệu quả lâu dài, bền vững và tính nhân văn; trong xã hội thì chỉ biết có đồng tiền, cạnh tranh làm giàu bất chấp sinh mạng, sức khỏe của người dân, lợi ích của đất nước, mọi giá trị đạo đức bị băng hoại… Có nghĩa là một thứ chủ nghĩa tư bản man rợ của thời kỳ đầu, trong khi đó lại không có được những tính chất tốt đẹp của xã hội tư bản hiện nay ở hầu hết các nước phát triển phương Tây, sau khi đã trải qua một quá trình biến chuyển và tự hoàn thiện mình. Đó là sự cạnh tranh lành mạnh dưới sự kiểm soát của một chế độ dân chủ tam quyền phân lập, một nền luật pháp vững chắc và một xã hội dân sự.
Và sự độc tài, hà khắc là học được từ tất cả các mô hình chế độ độc tài, kể cả phát xít.
Tập đoàn Ba Đình hiện nay chẳng khác nào một tập đoàn mafia thâu tóm mọi quyền lợi, quyền lực của đất nước vào trong tay một nhóm người, rồi từ một nhóm người đó lại lan tỏa ra hàng ngàn hàng triệu chân rết từ trên xuống dưới. Ngay trong sự đấu đá tranh giành ghế cũng đậm đặc chất mafia, từ những vụ đấu đá thời ông Tổng Trọng-Thủ Dũng cho tới bây giờ, lại đang có dấu hiệu thanh toán, triệt tiêu các phe phái dưới chiêu bài diệt tham nhũng.
Nhưng nạn tham nhũng hay những yếu kém của chế độ này sẽ không thể nào triệt tiêu nổi, một phần chính vì chính sách đưa con cái, người thân, phe nhóm vào những vị trí khác nhau khiến cho cả guồng máy là một ma trận chằng chịt những cá nhân với những quan hệ quyền lợi gắn bó chặt chẽ. Tất cả cùng dựa vào nhau, bao che nhau để vơ vét, kiếm chác, và nếu có xung đột về lợi ích thì sẽ tìm cách hạ bệ, thậm chí thanh toán, ám sát nhau nhưng vẫn giữ cho bộ máy ấy tồn tại để mà tiếp tục bòn rút đến cạn kiệt tài nguyên, tài sản của đất nước và hút máu nhân dân.
Điều đó lý giải vì sao chế độ cộng sản ở VN hay Trung Quốc khó sụp đổ nhưng một khi đã sụp đổ thì đất nước này chả còn lại gì ngoài một bãi hoang tàn, một đống nợ và những di hại nặng nề trong văn hóa, giáo dục, đạo đức, tâm linh, tâm tính của con người.
S.C.