Những điều hình như chỉ có ở Việt Nam

Xin lượm lặt một vài câu chuyện về cách hành xử gần đây nhất của công an – đội quân cận vệ của bộ máy đảng và nhà nước mà người dân hễ nói đến hết thảy đều cảm thấy ghê sợ – nó chứng tỏ chưa có chút gì thay đổi trong quan điểm đối với dân của quan chức cộng sản Việt Nam. Để chúng ta đừng có vội cả tin rằng dân chủ và tự do đang… bồng bềnh trước mắt. Cũng còn lâu đấy.

Bauxite Việt Nam

1. Bị đánh ho ra máu vẫn viết thư bày tỏ sự ‘biết ơn’

G.Đ.

clip_image001

Các bị can không được cắt tóc vì tóc ngắn thì không giống với mô tả của bị hại về thủ phạm. (Hình: Dân Việt)

 

CÀ MAU (NV) – Báo giới và nhiều Luật sư ở Việt Nam nhấn mạnh, ngoài việc bồi thường cho ba thanh niên bị hàm oan ở Cà Mau, không thể bỏ qua trách nhiệm những viên chức tư pháp có liên quan.

Tối 2 tháng 6 năm 2015, ông Lâm Chí Nhẫn cấp báo với công an xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, rằng ông mới bị ba thanh niên tấn công, cướp điện thoại.

Ngay tối hôm đó, công an xã Lương Thế Trân đã bắt được “ba tên cướp” là: Lê Minh Nhựt, 16 tuổi; Nguyễn Vũ Ca, 19 tuổi; và Nguyễn Hoàng Khang, 22 tuổi. Cả ba cùng “cúi đầu nhận tội.” Viện Kiểm Sát huyện Cái Nước đã truy tố cả ba vì “cướp tài sản.”

Kết luận điều tra của công an huyện Cái Nước và cáo trạng của Viện Kiểm Sát huyện Cái Nước, xác định, tối hôm đó, Nhật – một học sinh trung học, ban đêm đi làm thêm tại một quán nhậu ở xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau, cách hiện trường vụ cướp khoảng ba cây số, đã rủ Ca và Khang đang nhậu tại quán, đi cướp, sau khi đâm, đánh ông Nhẫn bị thương, cướp được điện thoại, Nhật quay về làm việc tiếp còn Ca và Khang thì ngồi nhậu tiếp…

Cả chủ quán, các nhân viên làm việc tại quán lẫn nhiều thực khách có mặt tại quán nhậu tối hôm đó đều khẳng định, Nhật, Ca, Khang không hề rời khỏi quán. Thân nhân của cả ba đã dựa vào những nhân chứng này để kêu oan cho con mình.

Ðầu tháng 12 năm 2015, tòa án huyện Cái Nước đưa Nhật, Ca, Khang ra xử. Ngoài hàng chục nhân chứng khẳng định về tình trạng ngoại phạm của cả ba, trước tòa, cả ba đồng loạt kêu oan và giải thích sở dĩ phải nhận tội vì đã bị tra tấn, ép nhận tội…

Dường như biết trước sẽ xảy ra tình huống này, công an huyện Cái Nước đã chuẩn bị cho công tố viên của Viện Kiểm Sát huyện Cái Nước một số “chứng cứ” để “bác bỏ” những lời kêu oan và tố cáo của cả ba…

Chẳng hạn công tố viên cho phát một đoạn ghi âm cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa Lê Minh Nhựt với cha. Theo đó, Nhật nói: “Cha ơi, con có làm. Cha đùng làm lớn chuyện…”

Cũng công tố viên trưng ra bản chính một lá thư mà Nguyễn Vũ Ca gửi cho cha mẹ. Thư viết rằng, trong tù, tuy Ca bị “điều tra viên đánh ho ra máu” nhưng cậu vẫn “cảm thấy biết ơn vì điều tra viên đã thay cha mẹ dạy dỗ con nên người, con đã làm sai nên phải chịu thôi…”

Do khả năng nhận thức về “chứng cứ” của các “điều tra viên” thuộc lực lượng “công an nhân dân” và “kiểm sát viên” thuộc ngành “kiểm sát nhân dân” chỉ… đến đó, nên thay vì giúp củng cố lời buộc tội, những “chứng cứ” vừa kể lại khiến chuyện Ca, Nhật, Khang tố cáo, cả ba bị điều tra viên tra tấn buộc nhận tội, ép gọi điện thoại, ép viết thư là đáng tin!

Ðáng chú ý là kiểm sát viên thực hiện quyền công tố còn hồn nhiên khoe thêm rằng, thông thường, sau khi bị bắt, các bị can sẽ bị cạo trọc nhưng trong vụ án này, bởi tóc của Nhật, Ca, Khang ngắn nên các viên chức tư pháp bảo vệ “pháp chế xã hội chủ nghĩa” đã cố tình để cho tóc của các bị can mọc dài, giống như mô tả của bị hại nhằm giúp bị hại “nhận dạng” thủ phạm cho… dễ!

Những tình tiết vừa kể khiến Tòa án huyện Cái Nước không dám kết án mà trả hồ sơ, yêu cầu công an huyện Cái Nước điều tra lại.

Công an huyện Cái Nước không tìm ra cách nào để gạt bỏ hàng chục nhân chứng, chứng minh Nhật, Ca, Khang vô tội nên hồi trung tuần tháng này, Viện Kiểm Sát huyện Cái Nước đành ra quyết định “đình chỉ điều tra” vụ án “cướp tài sản” và “đình chỉ bị can” đối với Nhật, Ca, Khang.

Dưới sự hỗ trợ của một số luật sư, Nhật, Ca, Khang đã gửi đơn, yêu cầu đòi bồi thường cho mỗi người 400 triệu đồng vì bị bắt oan, giam oan trong hơn một năm. Tuy nhiên cả báo giới lẫn nhiều luật sư khẳng định như thế là chưa thỏa đáng.

Họ khẳng định, khi dấu hiệu tra tấn, ép người ngay nhận tội đã rõ ràng như vậy thì hệ thống tư pháp Việt Nam không thể làm ngơ trước trách nhiệm của các điều tra viên, kiểm sát viên tạo ra vụ án này.

G.Ð

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/viet-nam/chi-co-o-viet-nam-bi-danh-ho-ra-mau-van-viet-thu-bay-su-biet/

2. Lại hoãn xử vụ CA dùng nhục hình

clip_image003

Vụ án Ngô Thanh Kiều đã kéo dài hơn 4 năm. Ảnh: Võ An Đôn

Luật sư bình luận với BBC về chuyện công an cấp bậc thấp nhất nhận mức án cao nhất và ngược lại trong vụ công an dùng nhục hình gây chết người.

Phiên tòa phúc thẩm vụ án ‘5 công an đánh chết dân’ hôm 23/8 tại Tòa án Nhân dân Cấp cao Đà Nẵng lại được hoãn đến ngày 7/9 dù trước đó đã có nhiều phiên tòa bị hoãn trong vụ án kéo dài hơn bốn năm ở Phú Yên.

Theo luật, thời gian hoãn phiên tòa không được quá 30 ngày, nhưng vụ án này bị cấp phúc thẩm hoãn đến 7 tháng.

“Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành đề nghị hoãn phiên tòa với lý do sức khỏe không đảm bảo do vừa di lý từ Phú Yên ra Đà Nẵng”, theo báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh hôm 23/8.

Báo Việt Nam dẫn cáo trạng được đọc tại tòa cho biết ngày 13/5/2012, 5 bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành, Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Tấn Quang, Đỗ Như Huy và Nguyễn Minh Quyền đã bắt giữ ông Ngô Thanh Kiều vì nghi ngờ trộm cắp.

“Do bức xúc trước thái độ khai báo của Kiều, các bị cáo đã có hành vi khóa tay, dùng gậy cao su đánh, không cho Kiều ăn dẫn đến hậu quả Ngô Thanh Kiều tử vong”, cáo trạng cho biết.

“Hành vi của các bị cáo trên đủ yếu tố cấu thành tội ‘Dùng nhục hình’, Điều 298 Bộ luật hình sự”.

‘Bất thường’

Hôm 23/8, trả lời BBC từ Đà Nẵng, Luật sư Võ An Đôn, người bảo vệ quyền cho bà Trần Thị Tâm, vợ Ngô Thanh Kiều, nói: “Vụ án xảy ra ở Phú Yên nhưng tòa xử ở Đà Nẵng cũng là một trong những điều bất thường”.

“Bà Tâm giải thích với tôi lý do không tham gia phiên tòa là do không đủ chi phí đi dự vì phải nuôi hai con nhỏ. Bà cũng mong muốn phiên tòa phúc thẩm sẽ được mở lại tại Phú Yên và xử đúng người đúng tội”.

Luật sư bình luận: “Điều đặc biệt trong vụ án này là sĩ quan có cấp bậc thấp nhất lại nhận mức án cao nhất [bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành, nguyên Thiếu úy công an TP Tuy Hòa, 8 năm tù]”.

“Ngược lại, sĩ quan có cấp bậc cao hơn thì mức án thấp hơn [bị cáo Đỗ Như Huy, nguyên Trung úy công an TP Tuy Hòa, 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo]”.

Ông Đôn cũng cho hay: “Một điều bất thường khác là bị cáo Thành kêu oan nhưng giám định pháp y trung ương vắng mặt tại tòa”.

“Những vụ công an dùng nhục hình gây chết người rất ít khi được đưa ra xét xử và những vụ đó cũng cho thấy người của chính quyền thường được nhận án nhẹ”, ông nói với BBC.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/08/160823_ngothanhkieu_trial_update

Phụ lục

LS Võ An Đôn kể lại vụ án

Đúng 07 giờ 30 phút ngày 23/8/2016, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng [sẽ] mở phiên tòa phúc thẩm vụ án “Năm công an đánh chết dân”. Vụ án này được xét xử công khai tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng. Địa chỉ: 372 đường Núi Thành, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Diễn biến vụ án như sau: khoảng 03 giờ sáng ngày 13/5/2012, trong lúc cả gia đình anh Ngô Thanh Kiều đang ngủ say thì nghe có tiếng kêu mở cửa, vợ anh Kiều là chị Tâm hỏi ai đó? thì có người lên tiếng nhận là công an đây, chị Tâm ra mở cửa thì thấy có 05 người đàn ông đứng trước cửa. Sau khi mời vào nhà, anh Kiều lấy gói thuốc lá ra mời hút, thì ngay lập tức bị những người này còng tay dẫn ra khỏi cửa và nói với chị Tâm rằng “Mượn người ít tiếng rồi trả lại chứ không sao đâu”, sau đó 05 người đàn ông dẫn anh Kiều đi đâu thì chị Tâm không biết.

Đến 21 giờ cùng ngày 13/5/2012, gia đình anh Kiều được Công an thành phố Tuy Hòa báo tin “Ngô Thanh Kiều bị Công an thành phố Tuy Hòa tạm giữ, mua cơm cho ăn nhưng không ăn và bị hạ đường huyết, đưa đến trạm xá và chuyển đến Bệnh viện tỉnh thì chết, xác đang giữ ở nhà xác Bệnh viện tỉnh”.

Sau khi anh Kiều chết, cơ quan giám định tiến hành mổ tử thi anh Kiều, khi mổ tử thi gia đình anh Kiều thấy toàn bộ cơ thể anh Kiều như đỉnh đầu, thái dương, phổi, gan, thận, lá lách, tinh hoàn, ruột non, ruột già, hai chân, hai tay bị đánh bầm tím nên đã dùng điện thoại cầm tay chụp lại. Mấy ngày sau thì gia đình anh Kiều làm đơn tố cáo kèm theo những hình ảnh chụp được gửi đến các cơ quan nhà nước ở trung ương.

Sau đó, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao cử một tổ công tác về làm việc với Công an tỉnh Phú Yên, phát hiện có dấu hiệu tội phạm nên đã khởi tố vụ án và khởi tố 05 sĩ quan Công an đã tham gia đánh chết anh Ngô Thanh Kiều.

Các sĩ quan công an khai đã tra tấn anh Kiều bằng cách: không cho ăn cơm, uống nước từ 3 giờ sáng đến 5 giờ chiều; nhốt anh Kiều vào phòng kín đóng cửa lại, không cho bật quạt; còng hai chân bằng còng số 8, còng hai tay chéo ra sau dính vào thành ghế; dùng chân đạp mạnh vào còng số 8 làm anh Kiều té ngửa đập đầu xuống đất. Sau đó các sĩ quan dùng chân, tay, dùi cui thay nhau đánh, đấm, đá tới tấp vào bụng, vào ngực, vào đầu anh Kiều từ 08 giờ sáng đến 14 giờ chiều… Kết quả giám định trên người anh Kiều có tổng cộng 72 vết thương.

Điều đặc biệt của vụ án này là sĩ quan có cấp bậc thấp nhất, nghèo nhất, yếu thế nhất có mức án cao nhất. Ngược lại, những sĩ quan có cấp bậc cao hơn, giàu hơn, thân thế hơn thì mức án thấp hơn.

Vụ án này đã kéo dài hơn 04 năm, hàng chục phiên tòa bị hoãn. Đây là phiên tòa xét xử lần thứ tư (Đã qua 02 lần xét xử sơ thẩm và 01 lần xét xử phúc thẩm), nhưng không biết kết quả xét xử phúc thẩm lần này sẽ ra sao ?

Mời các anh, chị nào quan tâm đến vụ án thì đến xem! [Rất tiếc vụ án lại đã được hoãn – BVN]

clip_image004

V.A.Đ.

Nguồn: Facebook Đôn An Võ

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.