Lãnh đạo Formosa đã xin lỗi về thảm họa môi trường. Ảnh: GETTY
Việc Formosa Hà Tĩnh được miễn và hoàn thuế hơn 10 ngàn tỷ đồng, theo đề xuất của Tổng cục Thuế, là con số gây “giật mình” và có thể “gây phản ứng không tốt trong xã hội”, theo một kinh tế gia từ Hà Nội.
Đây là một phần nội dung dự thảo về Một số biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại trong đợt bạo động hồi tháng Năm 2014 liên quan tới vụ Trung Quốc hạ đặt Giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông, các báo Việt Nam đồng loạt đưa tin hôm 10/8.
“Đọc con số đó, tôi thấy giật mình, bởi nó tương đương với gần 500 triệu đôla, gần như bằng với số tiền mà Formosa chấp nhận bồi thường ban đầu cho sự cố môi trường mà họ gây ra,” kinh tế gia Phạm Chi Lan nói với BBC Tiếng Việt.
“Điều này có thể gây ra phản ứng ngay lập tức, khiến người ta sẽ đặt câu hỏi ‘không lẽ Formosa đặt vấn đề bồi thường ngần này về môi trường, và Việt Nam nay lại chấp nhận bồi thường thuế cho họ bằng một con số tương đương?’ Điều này sẽ gây ra phản ứng không tốt trong xã hội,” bà Chi Lan nói thêm.
Hoàn thuế
Theo trang Zing, sau vụ bạo động tháng Năm 2014, Formosa Hà Tĩnh khai báo chịu thiệt hại lên đến 5.533 tỷ đồng.
Nhưng kết luận của phía Việt Nam là thiệt hại của Formosa là 4,77 tỷ đồng, các nhà thầu làm cho Formosa là 68,32 tỷ đồng.
Thời báo Kinh tế Việt Nam cho biết để hỗ trợ, Formosa được Bộ Tài chính miễn giảm, miễn phạt và hoàn lại số tiền thuế mà Formosa đã bị truy thu và phạt trước khi xảy ra sự kiện 13/5/2014, trị giá 71,6 tỷ đồng.
Sau vụ bạo loạn ở Vũng Áng, đã có 14 người bị ra tòa hồi tháng 11/2014. Ảnh: THANH NIEN
Ngoài ra, Bộ Tài chính “không truy thu thuế nhà thầu đối với hàng hóa, thiết bị nhập khẩu kèm theo bảo hành số tiền 176,3 tỷ đồng, đồng thời không truy thu số tiền phạt vi phạm hành chính về thuế 32,88 tỷ đồng, cùng miễn phạt vi phạm chính về thuế số tiền 1,26 tỷ đồng,” theo tờ báo.
Đặc biệt, theo báo Dân Trí, “Hà Tĩnh đã hoàn cho Formosa kể từ kỳ hoàn thuế tháng 4/2014 cho đến nay số tiền 10.173 tỷ đồng, trong đó 1.185 tỷ đồng là thuế giá trị gia tăng đã nộp khâu nhập khẩu thực hiện cơ chế ghi thu ghi chi.”
Đây là lần đầu tiên số liệu về các khoản hoàn thuế cho Formosa được công khai trên truyền thông nhà nước.
“Nếu tôi là Tổng cục Thuế, tôi sẽ ngay lập tức đưa ra bài viết nói rõ cách tính toán của họ như thế nào, trong những trường hợp như thế nào, và lập luận của họ tại sao Formosa lại có thể được bồi thường, hỗ trợ như vậy,” bà Phạm Chi Lan bình luận với BBC Tiếng Việt
“Cần phải làm rõ ngay thông tin, phải minh bạch hóa việc đó. Cần phải có giải trình cho dân biết chứ không thể để người dân chỉ dựa vào những thông tin chỉ do báo chí đưa,” bà nói thêm.
‘Thời điểm không hợp lý’
Nhận xét về việc đưa đề xuất bồi thường cho Formosa, bà Phạm Chi Lan cho rằng lúc này là thời điểm không thích hợp.
“Tôi thấy thời điểm đưa ra [đề xuất của Tổng cục Thuế] vào lúc này là không hợp lý, không phù hợp,” bà nói, bởi việc hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại “phải được tách ra khỏi việc Formosa đã có một loạt các vi phạm về thuế mà các cơ quan thuế đã nêu ra trước đó”.
“Nếu là thiệt hại phát sinh từ thời điểm do xô xát, bạo loạn liên quan tới vụ giàn khoan hồi năm 2014, thì việc đó lẽ ra phải giải quyết từ thời gian đó rồi, khi Chính phủ có quyết định về việc sẽ có bồi thường cho các công ty bị thiệt hại trong thời gian đó. Vậy tại sao lúc đó không thực hiện ngay mà lại để đến bây giờ?”
“Việc bồi thường có thể được thực hiện như chính phủ đã thực hiện đối với một số doanh nghiệp ở Bình Dương hoặc ở những nơi khác. Nhưng việc đó phải được tách riêng chứ không thể đem gắn chung vào việc miễn hoàn thuế.”
Làn sóng bạo động liên quan tới việc Trung Quốc hạ đặt Giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông đã khiến một số doanh nghiệp tại Bình Dương, Hà Tĩnh và một số nơi khác bị đốt phá. Ảnh: AFP
“Formosa có rất nhiều vấn đề về thuế. Việc ghi chung như thế này sẽ gây nhiễu về các con số. Bản thân cơ quan thuế đã có lần đưa lên báo chí là qua kiểm tra giám sát đã phát hiện Formosa có những trường hợp khai không đúng, phải bị phạt về thuế. Thông tin đó xảy ra gần như đồng thời với lúc Formosa gây ra thảm họa môi trường.”
“Tại sao nay chưa thấy nói về việc trừng phạt đối với hành vi gian lận thuế mà đã nói tới việc bồi hoàn thuế cho Formosa? Điều này gây nhiễu thông tin và khiến người dân thấy khó hiểu về cách hành xử của các cơ quan nhà nước.”
“Các khoản miễn, không truy thu khác, được đưa ra vào lúc này, phải được gắn với việc Formosa vẫn còn đang nợ trong khoản tiền 500 triệu đôla họ cam kết bồi thường sau sự cố môi trường.”
“Theo thông tin báo chí nêu ra, họ mới bồi thường 250 triệu đôla, tức là họ vẫn đang còn nợ 250 triệu đôla nữa.”
“Khi họ còn nợ tiền đền bù mà phía Việt Nam lại đem đền bù ngay cho họ hoặc miễn trừ thuế ngay cho họ là điều theo tôi là không hợp lý.”
Cuối tháng Sáu, Việt Nam loan báo vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy Formosa Hà Tĩnh đã làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế trong tháng Tư.
Formosa cam kết sẽ bồi thường tổng số tiền trên 11.500 tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD).
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/08/160810_formosa_tax_rebate_refunds_compensation