Vì sao tôi khóc…(1)

MC Phan Anh

Thật lòng chia sẻ, khoảng thời gian này, tôi thay đổi rất nhiều..  

Có những giây phút nếu thật sự tập trung, và khi cảm xúc là của trái tim, trong đầu tôi, những hình ảnh có sự kết nối nhau bỗng tràn về với tốc độ kinh khủng, giống như một giây giờ mình có thể gặp tới cả nghìn hình ảnh và phân tích chúng với tốc độ chóng mặt. Đó là điều tôi chưa lý giải được.. Nhưng cũng là một phần của lý do vì sao tôi không làm chủ được cảm xúc của mình trong trường quay hôm đó!

Ba mẹ tôi đều là những người lính, đều đã để lại một phần xương máu của mình nơi chiến trường. Bạn bè của họ cũng vậy, phần đông cũng đều là những người đã vào sinh ra tử, những người chẳng tiếc tuổi trẻ, chẳng tiếc thân mình, những người đặt Tổ quốc lên trên hết, sẵn sàng phải chấp nhận mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha.. trong chớp mắt.

Thật may mắn, khi tôi được thấy họ những lúc bên nhau. Ở họ có một thứ tình cảm đặc biệt, thứ tình cảm hồn nhiên, đẹp, hào sảng, bình dị và trong sáng khó tả. Có lần tôi hỏi: các chú không sợ chết à? Mọi người cười, sợ chứ, có anh lúc đầu sợ tè ra quần ấy, nhưng sợ cũng không làm được gì, thành quen, đối mặt với nó ngạo nghễ, có khi lại còn thèm được chết, có những lúc ôm xác đồng đội mà chỉ mong được chết thay bạn của mình… Và rồi, những người lính ấy trở về, những người chưa bao giờ rao giảng cho tôi bài học đạo đức: chúng cháu phải biết ơn, chúng tao phải được đền đáp… dù tôi biết nhiều người trong số họ khó khăn đến thế nào, được nghe kể những sự đối xử bất công ra sao, những câu chuyện hành là chính nghe càng thêm chua xót với những người đã chiến đấu cho độc lập hôm nay.

Tôi đã từng đứng trước nghĩa trang Trường Sơn nơi bạt ngàn những ngôi mộ vô danh, bạt ngàn những tiếc thương, những nỗi đau không thể cất thành lời. Tôi đã từng đến thành cổ Quảng Trị để hiểu cảm giác dưới chân mình là đất Mẹ hòa lẫn xương máu biết bao chiến sỹ, đồng bào. Tôi đã từng bao lần như hóa đá khi lắng nghe câu chuyện của những người mẹ, những người vợ, của những người lính về sự khốc liệt của chiến tranh… Tôi hiểu cái giá của chiến tranh. Tôi sợ những nỗi đau khủng khiếp của chiến tranh.
Và tôi cũng đã từng lên biên giới, đứng trên cột mốc nhìn về phía bên kia, nơi mà theo người dân kể và sử sách ghi chép, nơi đó đã từng thuộc về lãnh thổ Việt Nam mà lòng buồn man mác. Và tôi đã choáng váng khi nghe thông tin về cuộc chiến tranh biên giới vốn không được kể nhiều trong SGK, những tội ác vô cùng man rợ mà lính Trung Quốc đã gây ra cho thường dân vô tội. Ôi, người anh em, ôi người đồng chí… Và tôi đã đi qua những Bảo Lộc, Vị Xuyên, Cam Đường… nơi nhiều chứng tích lịch sử để mặc lớp bụi thời gian quên lãng.
Thực lòng đó là điều tôi đau nhất!
Vì chúng tôi phải bỏ qua một phần lịch sử!
Vì các hoạt động tổ chức tưởng niệm những chiến sỹ, những người đã hi sinh cho chiến tranh biên giới một thời gian dài có thông tin là bị hạn chế, thậm chí là bị ngăn cản.
Vì sau hơn 30 năm, tháng 7 vừa qua lần đầu tiên các CCB của trận Vị Xuyên mới có cuộc gặp gỡ chính thức.
Vì chính Đặng Tiểu Bình kẻ muốn dạy cho Việt Nam một bài học bằng cuộc xâm lược phi nghĩa, còn được dịch sách ở Việt Nam ca ngợi hắn là vĩ nhân.
Vì những sự ngang ngược, bất tín của chính quyền Trung Quốc khi chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa, một phần Trường Sa và vẫn liên tiếp đe dọa, uy hiếp chủ quyền lãnh thổ quốc gia nhưng chúng ta vì “đại cục”, vì thế và lực của mình mà mới chỉ có thể quan ngại, cực lực phản đối.
Vì tình hình thực tại quá nhiều nỗi lo của nước nhà, vì sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, vì sự hiện diện của nước lạ ở nhiều điểm nhạy cảm với quốc phòng, an ninh, vì hầu hết các dự án do nhà thầu Trung Quốc đều chất lượng kém, đội vốn, và CP lại chuẩn bị ngửa tay vay chúng 300 triệu đô để làm đường trong khi thăm dò trên dantri.com.vn thì 99% người dân phản đối…
Vì… Tôi cảm thấy hèn yếu. Hèn yếu vì nhiều, nhiều lắm những thứ mình biết mà chưa thể viết ra!
Mà viết, và lên tiếng thế nào đây???
Vì ngay cả việc tôi xin được chỉ thẳng tên chính quyền Trung Quốc để phản đối trong trường quay mà lúc phát sóng đã không còn thấy nữa rồi.
Thôi thì, tôi hiểu lý do là thời lượng phát sóng nên tất nhiên biên tập cần rút gọn lại. Tôi cũng làm việc trong bộ máy, nên tôi hiểu lắm: nó rất đúng quy trình. Chúng ta không nên làm những chuyện tổn hại cho quốc gia!
Và thế đấy!
Viết đến đây! Tôi lại rơi nước mắt!
Giai điệu đó: Nhưng giờ đây có giây phút bình yên, sao tôi quên? Có giây phút bình yên, sao tôi quên, sao tôi quên, những người đã ngã xuống cho quê hương… Sao tôi quên? Sao tôi quên? Sao tôi quên?
Sao có quá nhiều tôi??? Có còn tôi nào rơi nước mắt cho quê hương?
Một bài viết tôi viết riêng cho những anh chị muốn hiểu rằng: sao thằng Phan Anh nó lại nhạy cảm thế? Lại rơi nước mắt như thế trong chương trình này, một chương trình cũng xin chia sẻ tôi thấy hay và còn có thể hay hơn nữa!
Xin lưu ý, đây là bài viết riêng, để chế độ công khai, hoàn toàn có thể chia sẻ nhưng vui lòng không suy diễn dưới mọi hình thức! Hãy cứ cảm nhận bằng trái tim mình!
Trân trọng cảm ơn!
P.A.
This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.