Nguyễn Khắc Mai
Hội nghị Trung ương 3 khóa XII đã khép, trong sự thất vọng của những người đau đáu với tiến bộ, phải đạo. Thật ra Nó đã được thực hiện rất đúng quy trình. “Đúng quy trình” đang như là một tư duy thời thượng. Không cho mở tiệm cà phê, cất chòi vịt, làm chuồng gà, bắt người, đánh chết người trong đồn công an… thậm chí cấp phép cho Formosa làm như khu nhượng địa, gia tăng 20 năm, nhận tiền đền bù của chúng, đều được cho là “đúng quy trình”.
1. Mấy nhận xét
a. Hội nghị rất coi trọng “đúng quy trình”, nên đã tập trung cho những nội dung về quy chế làm việc, phân công trách nhiệm, quy định thực hiện điều lệ, v.v. Việc xây dựng quy trình, điều chỉnh quy trình cho một bộ máy (cơ học, cũng như xã hội) để nó hoạt động tốt là đương nhiên. Có điều khi một bộ máy đã hỏng hóc, thậm chí thường gây tai nạn, sự cố… thì quy trình càng chặt chẽ, càng có vẻ “khoa học” vẫn có hại nhiều hơn là có lợi! Với một bộ máy xã hội, như đảng, quy trình, quy chế lại liên quan đến rất nhiều yếu tố nội sinh (phẩm chất của con người, nội dung đường lối cho nó hoạt động…) và yếu tố ngoại sinh, đó là môi trường xã hội nó đang hoạt động và nhất là khuynh hướng và mạch phát triển của thời đại. Một cỗ máy cơ học tồn tại cả trăm năm có thể “vẫn chạy tốt”. Nhưng cỗ máy một tổ chức xã hội muốn hoạt động tốt, có hiệu quả, nhất là có “mỹ ích” cho xã hội, đất nước, nó không thể tách rời yếu tố thời đại. Cho nên quy trình mà không gắn được với những phẩm chất mới của thời đại như Dân chủ, Dân quyền, Nhân quyền, bảo vệ sinh thái… nhất là yêu cầu cao của thoát vòng “nô lệ giặc Tàu” của nhân dân ta, thì quy trình dẫu chi li chặt chẽ, có vẻ đầy tính “khoa học xây dựng đảng” cũng sẽ chẳng đi đến đâu.
b. Hội nghị này có vẻ rất “quy trình” vì nó tuồng như đã được lập trình, dự kiến nội dung từ trước. Tuy nhiên một tổ chức xã hội, đặc biệt là một chính đảng cầm quyền, thì bên cạnh cái năng lực lập trình, lại phải có năng lực và đạo đức tình cảm nhạy bén với tình thế mới khi đã có những sự kiện nghiêm trọng đã xảy ra, như thảm họa môi trường ở miền Trung, cùng hàng loạt sự cố môi trường nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trên diện rộng từ Bắc vô Nam, như sự cố hai máy bay chiến đấu đang đi làm nhiệm vụ liên tiếp bị rơi, trước ngưỡng cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông, khiến cả chục sĩ quan không quân hy sinh, như Tòa án Trọng tài thường trực PCA sẽ công bố kết luận rất quan trọng về Biển Đông, liên quan trực tiếp đến Việt Nam… Thành ra, nếu chỉ tuân theo quy trình, mà không biết gia giảm, thêm bớt nội dung, nhận định và công bố rõ thái độ, nguyên tắc ứng xử trước những sự kiện thời sự nóng hổi và nghiêm trọng của Dân của Nước, dư luận xã hội có quyền đặt câu hỏi gay gắt rằng Hội nghị Trung ương 3 có xứng tầm là một hội nghị quan trọng hay không? Người ta cũng có quyền “théc méc” rằng, cái phương thức “robot”, cái nhân cách “robot” đang ngự trị, chứ không phải là những chính khách tầm cỡ quốc gia đang hành động!
2. Những thất thố lớn (thất thố, tiếng cổ có nghĩa không đúng, không đến nơi, đến chốn, sai lầm…)
a/. Thứ nhất. Thông cáo báo chí (trích từ Tuổi Trẻ ngày 8-7-2016) “Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục khẳng định trách nhiệm và quyền hạn của mình về những vấn đề to lớn và quan trọng của Đất Nước, của Đảng và Nhà nước bao gồm quyết định những vấn đề về chiến lược và chủ trương chính sách lớn về kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước 5 năm và hàng năm, nhiệm vụ quốc phòng an ninh, đối ngoại, công tác xây dựng đảng, công tác quần chúng nhằm thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng, những chủ trương, quan điểm chỉ đạo phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đảng, xã hội, chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, định hướng lớn về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.”
Việc Ban Chấp hành Trung ương tự mình khẳng định trách nhiệm và quyền hạn chỉ trong phạm vi nội bộ của Đảng là chuyện mặc nhiên của Đảng. Anh có quyền và có sức tha hồ “khẳng định trách nhiệm và quyền hạn” của mình. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến Đất Nước, đến Nhà nước lại đến cả xã hội, mà chỉ khẳng định như thế là đại thất thố. Huống chi anh lại nói “định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa!”. Một Nhà nước pháp quyền dẫu là xã hội chủ nghĩa đi chăng thì mọi thực thể của xã hội phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Hội nghị Trung ương 3 đã không biết đặt mình đặt Đảng trong khuôn khổ pháp quyền. Như thế “trách nhiệm và quyền hạn” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản trong quan hệ với Đất Nước, với Nhà nước, với xã hội là thế nào? Chưa có đạo luật nào khẳng định, mà chỉ là anh tự mình khẳng định mà thôi. Thế là vô pháp, mà cứ thế mà làm thì tự anh cho mình cái quyền đứng ngoài luật pháp, và cái câu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trở nên vô nghĩa, chỉ còn là sự lừa dối mà thôi! Cần phải thấy một sự thực rằng mọi thực thể xã hội ở Việt Nam đều đang tồn tại và hoạt động theo Hiến định và Luật định. Đảng Cộng sản chỉ hoạt động theo điều 4 Hiến Pháp là không đủ cơ sở pháp lý, anh đang hoạt động phi pháp. Phải có một đạo luật để quy định, điều tiết cái gọi là “trách nhiệm và quyền hạn” của cái gọi là Ban Chấp hành Trung ương như Hội nghị Trung ương 3 khẳng định.
b/ Thất thố lớn thứ hai là anh không đã động gì đến Hiến Pháp, khi anh cao giọng nói “định hướng lớn xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Thế mà những cái “nhằm” trong thông cáo chỉ là để thực hiện cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết Đại hội. Không có nửa chữ nói về thi hành Hiến Pháp. Điều đó chứng tỏ cái quan niệm sai trái của chủ nghĩa Mác Lê, của tư tưởng Lênin, Stalin, Maoít… coi cương lĩnh của Đảng là số một, Hiến Pháp của dân của Nước là thứ yếu. Một khi đã bằng mọi cách để đưa phần lớn cương lĩnh của anh vào Hiến Pháp, mà vẫn coi Hiến Pháp là thứ yếu, thì phải xét lại cái nhận thức về nhà nước pháp quyền của anh, đúng là nó có vấn đề. Vì thế người ta có quyền hoài nghi cái ý thức pháp quyền của anh. Nếu đã có Hiến Pháp, và biết tôn trọng Hiến Pháp thì cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết Đại hội cũng chỉ là thứ yếu, nó chỉ có giá trị nội bộ của Đảng, nó trở thành một giá trị trong đa nguyên giá trị, mà Hiến Pháp thể hiện. Cho nên không chỉ những đảng viên được cử làm những chức vụ chủ chốt của nhà nước phải thề trung thành với Hiến Pháp, mà cả Tổng Bí thư, Bộ Chính trị cũng phải có ý thức rõ rệt về sự tôn trọng Hiến Pháp. Nếu biết tôn trọng Hiến Pháp, Đảng phải đặt mình dưới một đạo luật do Quốc hội thông qua sau khi đã xin được ý kiến của nhân dân và xã hội. Chỉ như thế thì những quy chế hay ho, cụ thể mà Ban Chấp hành vừa thông qua mới có ý nghĩa pháp quyền. Nếu không chỉ là đảng quyền mà thôi.
c/ Đại thất thố thứ ba là Hội nghị Trung ương 3 không có điều gì khẳng định được rằng sự Ban Chấp hành khóa XII đã ý thức được tầm quan trọng, nóng bỏng của những sự cố đã và đang xảy ra. Xã hội không an tâm và hoài nghi chất lượng của “quy trình” xử lý vấn đề thảm họa môi trường do Formosa và cả nguyên nhân khác – “nguyên nhân lạ” – gây ra. Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường quả quyết 50% cá chết do chất độc từ Formosa. Vậy còn 50% nữa là từ nguyên nhân “lạ”, phải thế chăng? Chỉ riêng sự vội vàng của Chính phủ, sự thiếu rõ ràng của thông báo, chất lượng của cái Hội đồng giám sát hậu Formosa, và một quy trình đầy đủ, đáng tin xử lý toàn diện thảm họa môi trường này… đang đặt ra cho xã hội sự lo lắng, bất an. Chưa kể sự dung dưỡng những hành động đàn áp man rợ, nhẫn tâm, cũng như sự quy kết bất lương rằng nhân dân, thanh niên, nhân sĩ trí thức biểu tình tố cáo Formosa là do bọn phản động xúi giục. Người ta không thấy rõ Đảng đang cùng nhân dân hành động, mà chỉ thấy dường như là có sự thông cảm, bao che, nương nhẹ cho tội phạm. Người ta có quyền đặt câu hỏi sao Đảng không “xúi giục” được dân hành động yêu nước, bảo vệ môi trường, tố cáo tội lỗi (cả tội lỗi do một nhóm lợi ích bất lương gây ra) lại để cho phản động xúi giục? Những hành xử vừa qua của các bộ máy chính quyền đang đánh mất tính chính danh, chính nghĩa của Đảng nhiều lắm! Đảng đang đánh tráo vị thế của mình và dành cho “phản động”một sự đề cao đúng nghĩa.
Vấn đề thứ hai là ngày 12 tháng7 này PCA sẽ công bố phán quyết về đơn kiện của Philippines. Sự kiện này có tầm quan trọng quốc tế và khu vực chung quanh hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông, rất liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Người ta chỉ cần giữ bí mật về thủ thuật, thủ đoạn. Những vấn đề chiến lược phải đem ra bàn với dân chúng, từng bước đưa dân chúng vào trách nhiệm quốc gia, còn chiến thuật thì lại phải đem bàn với chuyên gia trí thức nơi các “vựa Tư duy” (Think tank). Nước càng có nhiều vựa Tư duy càng khôn, càng mạnh! Một thái độ nhu nhược trước Trung Hoa cộng sản luôn luôn o ép, bắt chẹn, làm suy yếu, gây rối loạn xã hội đối với Việt Nam, những khẩu hiệu, đối sách không chính xác trong quan hệ với Trung Quốc đang làm yếu vị thế của Đất Nước, làm hèn khí phách yêu nước của nhân dân cả của Quân đội.
Lặng thinh không có ý kiến gì không khiến đối phương bị bất ngờ, mà lại càng tăng ngờ vực trong Đảng và trong nhân dân về sự vô minh, vô cảm của lãnh đạo lại khiến cho dư luận “lãnh đạo Đảng đang bị bắt làm tù binh” chẳng có cách gì xóa bỏ.
Hơn 500 năm trước cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) từng để lại minh triết:
Biển Đông vạn dặm giang tay giữ,
Nam cực muôn năm vững trị bình!
Đây là dự báo chiến lược thiên tài cho một thế “địa chính trị mới” của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Nam cực không chỉ có nghĩa là cõi trời Nam, đất nước Nam, là Việt Nam. Phải hiểu và hành xử như Nó là vấn đề chung của Đông Nam Á!
Nhân dân có quyền đòi hỏi một thế ứng xử đúng, tốt, hiệu quả cao. Phải cố kết toàn dân, phải hợp tác thành tâm và có hiệu quả với các cường quốc văn minh, với khu vực, cùng có lợi ích chống Trung Quốc bành trướng, bá quyền, uy hiếp các nước nhỏ, uy hiếp hòa bình và an ninh hàng hải trên Biển Đông.
Gần đây khi đi “học” nghị quyết của Đảng thường nghe những cán bộ tuyên huấn của Trung ương và thành phố đưa ra luận điểm “không thể tin được Tàu, tin Tàu thì mất nước. Nhưng không thể đi với Mỹ, đi với Mỹ thì mất chế độ”. Chúng tôi cho rằng đây là luận điểm theo phương pháp luận “Trần Ích Tắc – Chiêu Thống”. Bởi bọn bán nước bao giờ cũng đặt Quốc gia Dân tộc dưới lợi ích của ngôi báu, quyền lực, của chế độ. Ngược lại minh triết của tổ tiên ta từng khẳng định “vứt bỏ ngôi vua như quăng chiếc giày rách!”.
Cũng xuất hiện một luận điểm rằng lãnh đạo đang thực thi “kế sách nhịn nhục CâuTiễn”. Khổ nhục kế của Câu Tiễn là “liếm cứt” cho Ngô Phù Sai. Nhưng Câu Tiễn lại cho Phạm Lãi và Văn Chủng khoan thư sức dân, tích trữ lương thảo, bí mật huấn luyện 10 vạn tinh binh ở Cối Kê, nên mới có lực lượng để trả thù đánh bại được Ngô Phù Sai. Vì thế khi Vua Trần Nhân Tông từ Thăng Long xuôi thuyền về Hải Đông bố trí câc trận địa thủy quân, cả ngày không kịp ăn, lại cho khắc ở mạn thuyền hai câu thơ nổi tiếng:
Cối Kê cựu sự quân tu ký,
Hoan Diễn do tồn thập vạn binh.
(Chuyện cũ Cối Kê, người nên biết / Trong Thanh, Nghệ vẫn còn mười vạn quân)
Những hành xử nội trị của ta hiện nay dường như chỉ thấy mặt khổ nhục kế (liếm phân) còn vế khoan thư sức dân, cố kết dân tộc, nuôi dưỡng khí phách yêu nước của Quân đội, thanh niên, nhân dân, trí thức lại chệch choạc đáng ngờ.
Vì thế không thể không đòi hỏi cao đối với Hội nghị Trung ương 3 vừa qua.
Hãy đi cùng Nhân dân sửa chữa những thất thố để xứng đáng là một chính đảng của Dân của Nước!
Ô Đồng Lầm, những ngày tháng Bảy rất sốt.
N. K. M.
Tác giả gửi BVN.