Anh Thư
(NCTG) Mỗi ngày trên đường về, tôi luôn nhìn qua những góc phố được xem là điểm nóng trong những cuộc tuần hành đòi minh bạch thông tin về sự kiện “cá chết” chỉ vài tuần trước đây, những khung lưới bảo vệ vẫn nằm đó như hiện thân của sức mạnh và đàn áp không ngăn được bước chân của những người con yêu nước…
Thảm họa môi trường không gì bù đắp nổi, đẩy nhiều triệu ngư dân vào cảnh khốn cùng và hủy hoại toàn bộ hệ sinh thái biển, có thể đổi bằng tiền?
Formosa cuối cùng đã chịu nhận trách nhiệm về nguyên nhân gây “cá chết” ở nhiều tỉnh miền Trung, mà hành động nhượng bước dời ngày đi vào hoạt động của nhà máy cách đây không lâu là bước khởi đầu mang tính truyền thông để đi đến kết quả cuối cùng sẽ được thông báo.
Gần như “thỏa hiệp” đền bù sẽ được chọn làm cách giải quyết êm đẹp mà chính quyền và Formosa hướng đến. 500 triệu đô-la tính ra khoảng 11 nghìn tỷ đồng Việt Nam. Số tiền này, xây được ba bốn cái đền đài làm chiếc áo kiêu sa cho chế độ!
Nhưng thiết nghĩ chúng ta cần quan tâm đến câu chuyện “hậu cá chết” hơn là vấn đề tiền bạc. Hy vọng chính quyền đã nhận ra sai lầm và đang cố gắng khắc phục là điều đáng hoan nghênh, các cán bộ hãy làm bằng lương tâm và trách nhiệm, đưa những đồng tiền ấy đến nơi đáng ra họ phải được hưởng từ lâu lắm rồi.
Bao nhiêu tiền của Formosa mới bù đắp nổi những năm tháng phải xa rời con chữ của các em học sinh mấy năm qua, đồng tiền nào có thể đem lại sự bình yên và môi trường trong lành của vùng đất biển năm nào?
Quan trọng hơn hết, cần phải công khai tất cả về dự án của Formosa từ lúc khởi đầu. Ai là người đã dẫn lái Formosa vào Việt Nam? Họ đã lén lút qua mặt chính quyền và nhân dân là do ai chống lưng? Và sau này khi đi vào hoạt động, họ phải đảm bảo những tiêu chuẩn gì về môi trường, ai sẽ thay mặt Việt Nam giám sát hoạt động của Formosa?
Phải phân nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ then chốt, không thể nói chung chung là ban ngành, Sở này, Bộ kia chịu trách nhiệm, để đến khi có chuyện thì trách nhiệm là… “của chung” một cách bất lương.
Tất cả đã là dĩ vãng, nguyên nhân cá chết đã rõ, vấn đề là giờ đây người dân trong khu vực thực chất vẫn phải đương đầu với những nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai về bệnh tật, giống nòi. Chỉ khi nào Formosa bị đuổi khỏi Việt Nam thì môi trường may ra mới còn hy vọng, nhưng chuyện này gần như không thể xảy ra.
Tuy không muốn nhắc lại chuyện cũ, nhưng tôi không thể không khéo gửi lời khinh bỉ đến những kẻ đem vận mệnh đất nước ra để mỉa mai châm biếm, dùng những kiến thức lố bịch mà chúng “search Google” để làm phỉ báng những công dân yêu nước dấn thân.
Những kẻ đó, có người là phóng viên nổi tiếng trong nước, có người là dân PR khét tiếng, có người là trí thức nổi tiếng nước ngoài… tất cả đều nhận được sự tin tưởng, đôi lúc thái quá, của một phần không nhỏ người dân trong nước.
Mục đích bọn chúng là gì, tôi xin nhường câu trả lời lại cho các bạn. Sau chuyện này, có lẽ chúng ta sẽ có thêm nhiều định nghĩa về bạn bè, thật giả không phải nằm ở trên mạng hay ngoài đời mà là ở trong chính trái tim mình. Có tâm ma thì sẽ thành ma, sớm muộn sẽ lòi ra thôi.
Trớ trêu làm sao, một đài truyền hình ở Đài Loan chứ không phải Đài Truyền hình Trung ương Việt Nam mới là đơn vị thực hiện phóng sự giá trị nhất, giúp người dân cả nước có góc nhìn cận cảnh (tất nhiên người Việt chỉ xem được qua kênh Youtube) về tình hình cá chết và bộ mặt thật của Formosa cho tới thời điểm này.
Như chưa đủ táng tận lương tâm, có kẻ còn đòi làm “anh hùng phản biện”, lu loa cho rằng phóng sự bên phía Đài Loan là trò xảo trá. Hãy để cho Ông Trời phán xét họ.
Là người có mặt ở Kỳ Anh, Vũng Áng trong hai ngày 1-5 và 2-5, đã trực tiếp tiếp xúc với những ngư dân nơi đây, tôi tin tưởng vào phóng sự này và xin gửi lời cảm ơn đến đơn vị truyền hình và những nhà hoạt động xã hội ở Đài Loan. Các bạn, tuy là người Đài Loan nhưng các bạn không ngần ngại lên tiếng vì môi trường để chống lại một công ty có gốc gác từ chính quê hương của các bạn. Thật đáng khâm phục!
Tôi nhớ những cô chú, anh chị, em nhỏ đồng lòng xuống đường, chấp nhận sự đàn áp, đánh đập, giam lỏng, sỉ nhục… trong ba tuần định mệnh ấy. Nếu không có họ, giờ đây Formosa đang đi vào hoạt động, nhà chức trách yên tâm ngủ ngon, dân miền Trung tiếp tục thống khổ, và chúng ta tiếp tục ăn cá nhiễm độc hàng ngày một cách vô tư như chưa từng.
Những bài viết vang vọng tiếng thét thất thanh, có ai ngờ nó được viết bởi những con người đang sống trong một đất nước hòa bình? Những buổi cuối tuần đầy nước mắt, rướm cả máu, những tiếng đồng hồ bị giam lỏng cung khai của họ, họ đã vì đất nước mà lên tiếng, giờ đây ai sẽ đòi công bằng cho họ đây?
Tôi xấu hổ trước những con người ấy, tôi xấu hổ vì sự đớn hèn của mình!
Những người bạn mà tôi quen lẫn không quen, giờ đây đang bị kiềm kẹp, quản thúc, giám sát về mọi sinh hoạt trong đời sống. Họ không còn là con người tự do nữa. Mà ngẫm lại, cùng là người Việt đáng thương, có ai lại sở hữu Tự Do kia chứ!?
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh một mình tọa kháng tại đường Nguyễn Huệ, Quận 1 TP. HCM hôm 15-5, được tác giả Bùi Dzũ ghi nhận lại – – Cần phải nhớ và tri ân những con người như thế
Làm sao quên được những khoảnh khắc đi vào lịch sử hiện đại trêu ngươi của dân tộc, là hình ảnh gần bến bờ tuyệt vọng của mẹ con Hoàng Mỹ Uyên, là hình ảnh nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh hiên ngang giữa con đường mang tên anh tài Nguyễn Huệ, là hình ảnh Lầu Nhật Phong – một người Việt gốc Hoa – không ít lần bị bắt bớ và đánh đập vì thái độ kiên quyết đấu tranh làm điều đúng của anh.
Tôi thiết nghĩ, tất cả những con người Việt Nam đều nợ những con người ấy một lời Cám Ơn! Dù cho nhà cầm quyền có cố gắng xóa hết mọi dấu vết và ký ức, nhưng vết nhơ lịch sử sẽ đi cùng năm tháng, sẽ truyền đời để con cháu mai này biết đâu là lẽ phải.
Phần cuối bài viết này, tôi muốn vinh danh những con người ấy, những con người không trực tiếp được nhận một đồng nào từ khoản bồi thường của Formosa, mà còn chịu đủ mọi hình thức đe dọa, áp bức từ phía chính quyền cho đến không biết bao lâu nữa, với những sự hy sinh vì lý tưởng cao đẹp.
Mỗi ngày trên đường về nhà, tôi luôn nhìn qua những góc phố được xem là điểm nóng của những cuộc tuần hành đòi minh bạch thông tin về sự kiện “cá chết” chỉ vài tuần trước đây, những khung lưới bảo vệ vẫn nằm đó như hiện thân của sức mạnh và đàn áp không ngăn được bước chân của những người con yêu nước.
Bản thân mình, mai này tôi sẽ kể với con cháu rằng: “Đất nước chúng ta đã từng có những con người như thế. Anh hùng đâu phải kiếm đâu xa!”.
Từ Sài Gòn – 30-6-2016
A.T.
Nguồn: http://nhipcauthegioi.hu/goc-nhin/XIN-CAM-ON-NHUNG-CON-NGUOI-AY-5229.html