Có một bạn tên “phalenhantao…” đọc bài 30/4 nghĩ về 30/4 của tôi và mắng mỏ như thế này: “Đồ phản động! Giống y như Nguyenngocdao vậy!
Cái ngày thống nhất của cả dân tộc mà tên này nói bằng cái giọng đó! Cờ hoa của tổ quốc mừng chiến thắng thì coi như hàng mã, mấy thứ rác rưởi! Làm gì có một con người yêu quê hương đất nước như vậy? Chỉ có thứ bán nước cầu vinh mới có đủ mức độ vô liêm sỉ để nói thế thôi!
Muốn Việt Nam phân chia Nam Bắc ko dc thống nhất giống Triều Tiên & Hàn Quốc à???
Qflower này viết về những nét đẹp của quê hương đất nước, về vẻ đẹp của con người Việt Nam thì kêu là bồi bút – Còn cái tên viết những thứ linh tinh như bạn thì ko phải là bồi bút à?? Thế bạn là thứ gì?? Là VNCH à??….”.
Bạn này có lẽ ngoài đời thuộc hạng nóng tính, thậm chí là rất nóng.
Bạn bảo tôi viết theo kiểu ông Nguyenngocdao…. nào đó, vị ấy là ai ?
Chuyện giống khác thế nào chưa rõ nhưng mình cho là bạn chưa đọc kỹ bài. Những vấn đề nêu ra trong bài của mình thật ra đơn giản và rõ ràng, quá rõ ràng là khác.
I/ Quan điểm của mình trước việc chúng ta tổ chức rùm beng ngày 30/4.
1.1 : Thực sự, 35 năm rồi có cần hàng năm khơi lại, diễn lại những trò cũ quá về chuyện quân đội miền Bắc tràn vào, phối hợp với quân giải phóng miền Nam làm một sứ mệnh Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào? Mỹ đã rút khỏi miền Nam 37 năm, chính quyền Sài Gòn cũng đã tan rã 35 năm. Khoảng thời gian nửa đời người ấy đã đủ để quên đi những máu xương đổ xuống từ cả hai phía. Có nên khoét sâu thêm những mặc cảm thua trận của ½ đất nước, đồng bào ?
1.2 : Niềm tự hào “Một nước nhỏ đánh bại hai đế quốc to” hẳn cũng cần có vào giờ phút vinh quang, nhưng những đế quốc to ấy từ khi bị chúng ta đánh bại có thay đổi chút nào về bản chất? Họ vẫn tồn tại như vốn vậy, càng ngày càng giàu mạnh, phồn vinh. Trong khi chúng ta sau chút hân hoan ấy, cứ mãi hô vang chuyện đánh bại người này người khác, quên đi chuyện áo rách bụng đói, liệu đã đúng với danh xưng một dân tộc khiêm tốn, biết người biết mình ?
1.3 : Sau 30/4 năm ấy, chúng ta, những người thắng trận đã làm được gì để đất nước thống nhất trở nên giàu mạnh, nhân dân được hưởng hạnh phúc? Tại sao ngay cho đến ngày hôm nay, người VN vẫn còn phải chết trên đường trốn sang Anh, sang Đức từ những miền quê nghèo VN? Nếu ngày nào cái tên VN còn là tấm gương trong đấu tranh giành độc lập thì hôm nay, VN đang là tấm gương gì? Liệu một đất nước nợ chồng chất, tham nhũng tràn lan, dân nghèo khổ… có nên mãi tự hào về cái quá khứ u đầu sứt trán vì một cuộc chiến ý thức hệ? Tại sao mà ngày nay, chính những người chiến thắng, là chúng ta, đang phải tìm cách “xích lại gần” với những kẻ bị coi là chiến bại, là bỏ nước ra đi, là đám “ôm chân đế quốc” để kêu gọi họ “yêu nước” hơn những người đang sở hữu đất nước này?
II/ Về vấn đề lịch sử cần được tôn trọng.
Dù là ai cắm cờ trên Dinh Tổng thống hay ai là người thảo tuyên bố đầu hàng cho TT Dương Văn Minh đọc thì cũng đều là phía những người chiến thắng. Vì mục đích gì, ý đồ gì phải bẻ cong sự thật về những sự kiện ấy, nếu không vì chút hư danh? Tại sao không ai tranh giành vị trí của những liệt sỹ nhỉ? Có phải khi cần hy sinh thì cố tránh đi, có chút hào quang, dù chỉ là cái danh chẳng để làm gì, thì ai cũng gắng dây chút máu?
Tóm lại, lòng yêu nước và tự hào dân tộc khiến chúng ta có quyền ngẩng cao đầu sau những cuộc chiến sống còn. Cuộc chiến 20 năm qua cũng vậy, người chiến thắng có thể buông gươm, nhảy lên mà hò hét cho bõ những mất mát, chịu đựng suốt 20 năm, nhưng đó là việc của buổi chiều ngày 30/4 thôi. Sáng 1/5 là đã phải đối diện với cơm áo gạo tiền, với cái ăn cái mặc cái học hành của từng người dân dù Nam hay Bắc. Rồi phải nghĩ đến con đường đi tới của Dân tộc đến đích giàu mạnh, phồn vinh, văn minh và hạnh phúc cho từng người, từng gia đình. Xin nhấn mạnh, từng người, từng gia đình. Hạnh phúc ấy, trong chừng mực nào đó, không thể có từ những câu sáo “Hạnh phúc chung của toàn Dân tộc” mãi được nữa.
Vì vậy, cũng chính lòng yêu nước và tự hào dân tộc ấy trong mỗi con người VN hôm nay buộc chúng ta phải cúi đầu, cúi đầu để suy tư về những điều mà hàng triệu con người đã ngã xuống vì nó: “Độc lập. Tự do. Hạnh Phúc”. Rõ ràng, chúng ta từng có độc lập trọn vẹn vào 35 năm trước, còn hôm nay, sự “độc lập” ấy đang bị xâm phạm bởi một số thế lực ngoại bang, thể hiện trong các chính sách, quyết sách rõ ràng là đã bị tác động từ bên ngoài như vấn đề khai thác bauxite chẳng hạn. Rồi Trường Sa, Hoàng Sa…
Tự do, có nhưng chưa hề trọn vẹn, đúng nghĩa. Vì một số “lo lắng” thái quá của giới cầm quyền mà đó đây vẫn thấy biểu hiện của một sự bưng bít, dọa dẫm, ngăn chặn người dân thể hiện quyền tự do của mình. Nhân dân VN, tiếng là được quyền bầu cử tất cả nhân sự các cấp nhưng thật sự, có khi nào một tổ chức trong, ngoài nước chuyên quan sát, thanh sát độ chính xác của các cuộc bầu bán ấy được hoạt động? Tại sao?
Dĩ nhiên, cũng bởi cuộc chiến 20 năm của 35 năm trước đã diễn ra quá khốc liệt nên người VN bỗng trở nên sợ chiến tranh, sợ những biến cố kiểu cách mạng màu hay những bất ổn ở Thái lan gần đây. Vậy nên, nhiều người VN dù muốn hay không cũng tặc lưỡi mà “gạch đại” hai ông, chừa lại hai ông một bà mà bỏ vào thùng phiếu cho… yên chuyện. Chứ thực sự, hỏi 100 người vừa đi ra từ phòng bỏ phiếu, về các vị ứng cử viên, xin thưa là 80 người chẳng biết mình đã bỏ cho một người như thế nào, vị ấy đã và sẽ làm được gì cho Đất nước trên cương vị mới.
Một người dân đang sống tại VN mà suy tư, trăn trở về những vần đề ấy có phải là sự biểu hiện của “phản động” hay không? Nuối tiếc một xã hội kiểu Việt Nam Cộng hòa hay không?
Hoàn toàn không.
Người viết được sinh ra từ quê hương cách mạng Xô Viết 1930-1931, lớn lên dưới bóng cờ đỏ sao vàng, từng nhảy cẫng lên reo hò vào trưa ngày 30/4/1975 như hàng triệu người dân đất Việt khi ấy. 1985, dù trên người chỉ có hai bộ quần áo khả dĩ nhìn tươm tất để bước sang quê hương CM Tháng Mười, lòng vẫn tràn ngập một niềm tin rằng chẳng bao lâu sau, nước VN ăn bo bo, ăn sắn khô hôm nay sẽ “đuổi kịp và vượt” các nước tiên tiến như Ba Lan, Đông Đức.
1995, niềm tin ấy đã cạn dần. Hai mươi năm rồi, chúng ta chẳng những không đuổi kịp ai mà còn tụt hậu về mọi mặt. Trong khi Đông Nam Á xuất hiện hàng loạt những con rồng kinh tế với những thành tựu đáng nể thì VN ta bắt đầu biết đến những tờ Đô la đầu tiên từ xuất khẩu thủy sản. Than đá… Tivi màu, đầu Video, xe Cub cũ…đang là mơ của đa số gia đình.
2005, có gì khác hơn, vẫn nhập khẩu từ cây tăm đến chiếc xe máy hạng xoàng. Nguồn thu để tạo ra những hình ảnh giả tạo, màu mè vẫn chủ yếu từ vốn vay, vay khắp nơi. Và, từ việc bán dầu thô, gạo, tôm đông lạnh, và xuất khẩu lao động tại chỗ cũng như ra nước ngoài. Hàng giả, hàng dỏm, hàng kém phẩm chất từ phía Bắc tràn ngập thị trường của người Việt 80 triệu dân.
Vị thế đất nước trở nên đáng tội nghiệp dù đang là một nước xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới, hạt tiêu thứ nhất thế giới, cà phê cũng vậy. Tại sao? Phải chăng vì một bộ máy lãnh đạo kém cỏi và tham nhũng?
Tại sao, sau 35 năm, nay chúng ta từ cao tới thấp chỉ mong sao cuộc sống được một phần của Hàn Quốc, một quốc gia mà 35 năm trước chẳng ai biết đó là đâu, có chăng là một đất nước nghèo, món nổi tiếng nhất là dưa cải muối cay, thứ mà dân nghèo VN thường dùng đưa cơm vào những ngày đông giá.
Hàng ngàn, hàng vạn thiếu nữ VN ngồi mơ lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc.
Nhiều người VN vẫn coi nước ngoài, bất kể Âu hay Á là những nơi sống nếu được chọn.
Vì sao?
Vì sao?
Có phải bạn muốn nói rằng những ai đặt ra những câu hỏi như thế đều là phản động cả?
Tôi thà làm một thằng phản động trong mắt bạn còn hơn là âm thầm nuốt vào trong những trăn trở ấy về Dân tộc tôi, Đất nước tôi.
Vậy đó, bạn thân mến ạ.